Thứ Ba, 2025-01-21, 4:58 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 16 » Bô-xít, chống suy thoái kinh tế và...
7:40 AM
Bô-xít, chống suy thoái kinh tế và...
(TuanVietNam)- Nhiều phát ngôn đúng đắn, thậm chí chuẩn xác, một vài hành động “khó quên” nhưng lại tiêu cực. Đó là cảm nhận chung của Tuần Việt Nam về những phát ngôn và hành động ấn tượng của tuần vừa rồi. Nổi lên vẫn là những mối quan tâm về các vấn đề bô-xít, suy thoái kinh tế, mở rộng dân chủ... trong thời điểm sắp diễn ra kỳ họp Quốc hội.

“Chính phủ phải có báo cáo riêng về bô-xít”

Đó là đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đối với Chính phủ, vào ngày 14/5 tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội.

Như vậy, mặc dù Thủ tướng đã giao một số bộ, ngành chuẩn bị báo cáo về chủ trương và quy hoạch khai thác bô-xít Tây Nguyên để đưa vào báo cáo chung về kinh tế - xã hội, nhưng Quốc hội vẫn mong muốn Chính phủ chuẩn bị một chuyên đề riêng để đệ trình.

Điều này cho thấy mặc dù có một số ý kiến nói rằng theo luật định, các dự án khai thác bô-xít không nằm trong diện thảo luận của Quốc hội, nhưng quy hoạch bô-xít Tây Nguyên vẫn là vấn đề được các đại biểu cực kỳ quan tâm. (VietNamNet, 14/5)

“Mở rộng dân chủ trong Đảng chỉ có tốt”

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An. (Nguồn ảnh: VietNamNet)

Từ kinh nghiệm hoạt động của mình, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khẳng định như vậy khi bàn về thí điểm dân chủ trực tiếp trong bầu cử ở gần 1.500 trong số 22.000 đảng bộ cơ sở trên cả nước.

Ông nói: “Để phát huy được dân chủ thực sự thì tập thể lãnh đạo và người đứng đầu phải cởi mở, tạo môi trường cho đồng chí của mình thể hiện, coi ý kiến khác nhau là bình thường…Việc mở rộng dân chủ này có sức mạnh rất lớn, sinh hoạt dân chủ trong nội bộ Đảng sẽ sôi động lên rất nhiều… Qua đó, không khí dân chủ nội bộ Đảng sẽ nhanh chóng lan tỏa toàn xã hội, phát huy sáng kiến, sáng tạo, sự hồ hởi toàn xã hội”. (Pháp luật TP HCM, 11/5)

Cựu Chủ tịch Quốc hội đã bàn về một thực tế: Có được dân chủ trong Đảng là một bước để tiến tới xã hội dân chủ hơn. Nhìn lại lịch sử phong trào lao động quốc tế, dân chủ trong nội bộ Đảng luôn là điều tự nhiên, là yêu cầu tối thiểu phải đáp ứng trong các đảng và các tổ chức công nhân thời cuối thế kỷ 19.

“Luật sư phải độc lập”

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. (Nguồn ảnh: VNN)

Tại ĐH đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất, sau khi nghe dự thảo Báo cáo Chính trị và thảo luận của đại diện các đoàn luật sư, Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết nói: “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, luật sư phải độc lập, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp và đạo đức nghề nghiệp”.

Có thể nói nhận định xác đáng này của Chủ tịch nước đã đưa ra một tiêu chí chuẩn xác và thiết yếu cho các luật sư Việt Nam thời hội nhập.

Để trở thành một bộ phận của kinh tế thế giới, nền kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam cần được chuẩn hóa về nhiều khía cạnh, trong đó có phương diện pháp luật.

Và các luật sư không thể không tiến tới sự độc lập và khách quan cao nhất trong nghề nghiệp, để vươn lên trình độ chuyên nghiệp, theo cùng thế giới.

“Năm nào tận cùng là 8, 9 thì xấu với kinh tế nước ta”

Nguyên Bộ trưởng KH-ĐT Trần Xuân Giá. (Nguồn ảnh: VTC)

Phát hiện này là của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá. Trả lời phỏng vấn TBKTVN, ông tiết lộ: “Tôi kiểm nghiệm ra rằng, những năm nào có số cuối là 8 và 9 thì đều xấu với kinh tế của nước ta. Năm 1978 -1979 là xấu, rồi năm 1988 -1989 cũng xấu và bây giờ là 2009 cũng xấu”. (VnEconomy, 14/5)

Như vậy, trái với quan niệm của dân gian rằng 8 và 9 là hai số đẹp, cựu Bộ trưởng quan niệm năm nào có chữ số tận cùng là 8 và 9 thì lại là không đẹp cho nền kinh tế của đất nước.

Giới nghiên cứu kinh tế có thể cho đây là một phát hiện dựa trên cơ sở quan sát chủ quan của một cá nhân, với số lượng “mẫu” hơi ít (3 mẫu), có vẻ chưa đủ tính khoa học.

Tuy nhiên, Tuần Việt Nam vẫn xin chọn nó là một trong các phát ngôn ấn tượng của tuần, vì nó là phát hiện thú vị của một cựu quan chức, từng đứng đầu một bộ chịu trách nhiệm rất lớn về sự vận hành và phát triển của kinh tế Việt Nam.

“Đề nghị QH xem xét đơn từ chức của tôi”

Bộ trưởng Nội vụ Yuriy Lutsenko. (Nguồn ảnh: Ria Novosti)

Đây là nguyên văn lời Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Yuriy Lutsenko. Hôm 12/5, ông này đã đệ đơn từ chức lên Quốc Hội sau khi có những thông tin nói rằng, ông bị cảnh sát Đức bắt giữ sau một trận cãi vã tại sân bay Frankfurt trong trạng thái say xỉn hồi tuần trước.

Bộ trưởng Yuriy Lutsenko tuyên bố: “Tôi đề nghị Qquốc hội xem xét đơn xin từ chức của tôi, và bàn bạc vấn đề này mà không cần có sự hiện diện của tôi”. (Tiền Phong, 13/5)

Chưa bàn xem liệu thông tin nói rằng Bộ trưởng say rượu cãi vã là đúng hay sai, nhưng việc ông Yuriy Lutsenko có đơn từ chức với lời lẽ thẳng thắn như vậy cũng cho thấy sự đàng hoàng, quân tử, dám làm dám chịu của một vị quan chức trong chính phủ. Văn hóa từ chức chính là một nét đẹp của cá nhân mỗi vị lãnh đạo, làm tăng niềm tin của dân chúng vào một tập thể lãnh đạo.

“Tôi có hai quê hương, Sài Gòn và Lý Sơn”

TS Sử học Nguyễn Nhã. (Nguồn ảnh: Doanh nhân SG cuối tuần)

Con người “một đời nặng nợ với Hoàng Sa – Trường Sa” – TS sử học Nguyễn Nhã – kể lại một kỷ niệm thật cảm động và đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình về Hoàng Sa – Trường Sa:

Đó là ngày mà tôi và các đồng sự quyết định ấn hành Tập san Sử Địa số 29 (đầu năm 1975 - TVN) đồng thời triển lãm sử liệu minh chứng chủ quyền Việt Nam. Tôi cùng với Giáo sư Ngô Gia Hy (Trưởng Ban vận động xây dựng Đền thờ Tổ Hùng Vương) và Giáo sư Trần Huy Phong (Trưởng môn Võ Vovinam) đứng ra tổ chức.

... Sau ba hồi chiêng trịnh trọng và trong không khí thiêng liêng đó, tôi xúc động bật khóc, quay qua hai đồng sự của mình, mắt cả hai người cũng hoe đỏ, mọi người cùng ôm nhau khóc. Tôi nghĩ, trong khung cảnh đó, tấm lòng người con đất Việt được thể hiện một cách mãnh liệt nhất
”.

Một kỷ niệm đáng nhớ mới đây của TS Nguyễn Nhã: Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn cho biết đã coi TS Nguyễn Nhã như một người con của đảo. Nhà “Hoàng Sa – Trường Sa” học rất vui vẻ: “Vậy là tôi có hai quê hương, một ở Sài Gòn và hai là ở Lý Sơn”. (Đại Đoàn Kết, 11/5)

“Intel phản đối mạnh mẽ quyết định của EU và sẽ kháng án”

Hãng chip số 1 thế giới đã bị sốc trước án phạt mà EU dành cho họ: mức phạt kỷ lục 1,06 tỷ euro (tương đương 1,44 tỷ USD) với phán quyết “vi phạm luật chống độc quyền” ở châu lục này.

Một đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết: “Intel khiến hàng triệu người dùng châu Âu phải chịu thiệt hại bởi những hành động có tính toán nhằm loại bỏ đối thủ ra khỏi thị trường chip trong nhiều năm qua”. Đáp lại, Chủ tịch Intel Paul Otellini cho rằng hành động của họ “đơn giản chỉ là cạnh tranh”, Intel phản đối EU và sẽ kháng án. (VnExpress, 14/5)

Trông người lại ngẫm đến ta. Doanh nghiệp VN đã từng bị kiện bán phá giá khi đặt chân vào thị trường EU. Một tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Intel còn bị phạt tơi bời như vậy, liệu các doanh nghiệp Việt có đủ bản lĩnh, hiểu biết về luật pháp và tinh thông về thị trường Âu châu để tránh được càng nhiều càng tốt những sự việc đáng tiếc?

CSGT đánh dân chảy máu đầu bằng còng số 8

Anh Trình bị CS Minh đánh chảy máu đầu. (Nguồn ảnh: VnExpress)

Tác giả của hành động “ấn tượng” đến phát sợ này là của anh cảnh sát giao thông “nóng tính” Nguyễn Đức Cảnh Minh, sinh năm 1985, thuộc đội điều khiển giao thông – Phòng CSGT, công an TP Đà Nẵng. “Nạn nhân” là anh Nguyễn Minh Trình (sinh năm 1983, cư dân TP Đà Nẵng).

Theo lời “nạn nhân” thuật lại, sáng 11/5, anh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nên bị CSGT thổi phạt. Anh phản ứng (bằng lời nói), liền bị đồng chí Cảnh Minh trừng trị (bằng hành động): dùng còng số 8 đánh vào đầu vào cổ, gây toác đầu, chảy máu. (Tiền Phong, 12/5)

Lãnh đạo Phòng CSGT, công an TP Đà Nẵng đã phải vào cuộc, cho biết sẽ đình chỉ công tác đối với thượng sĩ Minh, chờ kết luận cụ thể, với quan điểm “sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che”.

“Rung chuông vàng” nhầm lẫn tai quái

Một hành động không chủ ý nhưng cũng đáng phê bình khi chương trình Rung chuông vàng của VTV3, Đài Truyền hình VN, công nhận kết quả thi của thí sinh Nguyễn Thị Hòa, và chỉ vài ngày sau đó, nhà đài lại có công văn bác bỏ. Do nhầm lẫn này của VTV, giải thưởng 18 triệu đồng treo cho người chiến thắng bị rút xuống thành 3 triệu. (Đất Việt, 13/5)

Chuyện có thể không lớn, nhưng nó “ấn tượng” ở chỗ đây là hành động của một kênh truyền hình quốc gia. Cách ứng xử như vậy cho thấy một phần thái độ cẩu thả, coi thường khán giả, coi thường người chơi của “nhà đài”, và điều đáng chán là đây lại cũng chẳng phải sai sót lần đầu của VTV3.

Riêng với thí sinh Nguyễn Thị Hòa, những gì VTV làm hẳn đã để lại cho cô một ấn tượng “khó quên”.

  • Đoan Trang (tổng hợp)
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 766 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 26
Khách: 26
Thành Viên: 0