Thứ Ba, 2024-11-05, 8:50 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 17 » Luật sư và Liên đoàn Luật sư ... quốc doanh
10:33 AM
Luật sư và Liên đoàn Luật sư ... quốc doanh

Lê Minh


Sau nhiều năm chuẩn bị cùng nhiều khó khăn trì trệ, “Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam” đã ra đời hôm 11/5 tại Hà Nội. Thể hiện “sự quan tâm sâu sắc” của nhà nước CSVN đối với đại hội là sự hiện diện của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng nhiều lãnh đạo cơ quan, ban ngành trung ương.

Thật ra việc thành lập một nghiệp đoàn nghề luật sư cũng là chuyện bình thường, không có gì để nói, nhưng đằng này việc chuẩn bị và cho ra đời một tổ chức dân sự chuyên nghiệp hoàn toàn đều do bàn tay “khéo nặn” của các lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN.

Dàn xếp nhân sự

Sau nhiều năm chuẩn bị, đại hội lần đầu tiên được dự kiến diễn ra vào giữa năm 2008, nhưng vì có nhiều luật sư phản đối sự áp đặt nhân sự từ phía nhà nước, nên việc tổ chức đã bị trì hoãn nhiều lần.

Để dọn đường cho việc thành lập Liên Đoàn Luật Sư VN, đầu tiên nhà nước CSVN đã “cơ cấu” một Hội đồng lâm thời mà các thành viên chủ chốt đều là cán bộ “gộc” trước đây như Lê Thúc Anh (nguyên Phó Chánh án TAND tối cao) làm Chủ tịch “Hội đồng lâm thời”; Hai Phó Chủ tịch là Nguyễn Văn Thảo, nguyên Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp; và Trần Đại Hưng, nguyên Phó ban Nội chính Trung ương (Sắp xếp như thế này thì đẹp quá rồi còn gì).

Nhận thấy sự áp đặt trắng trợn này, nhiều luật sư đã lên tiếng phản đối. Ngay chính LS.Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm đoàn luật sư TP.Sài Gòn đã bất bình tuyên bố: “Đây là một tổ chức nghề nghiệp nên quá trình bầu cử phải dân chủ. Chủ tịch Liên đoàn phải do  tất cả các đại biểu bỏ phiếu bầu. Thực tế lại không được như vậy”.

Trước đó, Đoàn luật sư TP.Sài Gòn cũng đã từ chối kết nạp Lê Thúc Anh làm thành viên. Để đáp ứng quy định (phải là luật sư mới được tham gia Hội Đồng Lâm thời Luật sư toàn quốc) Lê Thúc Anh đã tìm cách “chạy chọt” được làm thành viên của Đoàn Luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tính từ thời điểm sắp xếp nhân sự từ ban đầu, cho đến chung cuộc hôm 11/5 vừa qua kết quả cũng gần như không có gì thay đổi, ngoại trừ sự “rút lui” của Trần Đại Hưng, nhưng lại được một viên chức “gộc” khác thế vào, đó là Đỗ Ngọc Thịnh, nguyên phó Viện Trưởng Viện Khoa Học tổ chức, Ban Tổ chức Trung Ương). Rút đi người của Ban Nội chính Trung ương Đảng, nhưng lại đưa người của Ban Tổ chức Trung Ương Đảng vào thì cũng chẳng có gì khác cả.

Với sự sắp xếp như vậy, thì chẳng ai ngạc nhiên với thành phần chung cuộc của ban lãnh đạo Liên Đoàn Luật sư Việt Nam:

Chủ tịch: Lê Thúc Anh

Phó chủ tịch thường trực: Nguyễn Văn Thảo

Phó Chủ tịch - kiêm Tổng thư ký: Đỗ Ngọc Thịnh

Hai phó chủ tịch còn lại là hai luật sư Trương Trọng Nghĩa (Sài Gòn) và Phạm Hồng Hải (Hà Nội). Riêng vị trí của TS.Phạm Hồng Hải thì trước đây đã được nhà nước "lót đường" bằng chức vụ Uỷ viên Hội đồng Lâm thời.

Phát biểu tại đại hội, trong cương vị là người lãnh đạo nhà nước cao cấp nhất, Nguyễn Minh Triết đã “nhắn nhủ” rằng “luật sư phải độc lập, tôn trọng sự thật khách quan”. Triết cũng “ôn lại” truyền thống “hào hùng” của luật sư VN cùng với hệ thống Tòa án Nhân dân qua các “triều đại” khác nhau tính từ 1945 ở miền Bắc, và sau 1975 trên cả hai miền.


Đối với các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn, Triết cũng xác nhận rằng nhân sự “phải hội đủ các tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị. Về điều này thì đương nhiên 3 vị cán bộ chủ chốt đã dư thừa khả năng.

Liên đoàn Luật sư VN trên danh nghĩa là một tổ chức dân sự chuyên nghiệp, thế nhưng sau phần khai mạc vẫn có thủ tục thông qua "dự thảo báo cáo chính trị" để "quán triệt chủ trương và đường lối của Đảng và nhà nước".

Những hậu quả đối với các luật sư hành nghề “độc lập, tôn trọng sự thật khách quan”

Tuy là đội ngũ luật sư ở VN hiện nay được đào tạo từ mái trường XHCN ra, nhưng vẫn có nhiều luật sư dám lên tiếng vì sự thật, bênh vực cho công lý, dân oan đi khiếu kiện. Do nhu cầu pháp lý tăng vọt trong mấy năm gần đây và cũng do một thực trạng là Việt Nam dưới chế độ cộng sản ngành luật không phát triển vì bị đảng kềm tỏa, cho nên chỉ riêng hơn 7 năm qua đã chứng kiến con số luật sư tăng vọt 250%, lên đến con số hơn 5,000 luật sư tính cho đến đầu năm nay.

Cũng chính quãng thời gian này đã đẻ sinh ra nhiều luật sư mạnh dạn, can đảm trước cường quyền bạo lực, mà nhóm đầu tiên bị đàn áp là hai luật sư trẻ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Vào tháng 4 năm 2004, LS.Nguyễn Văn Đài đã cùng với 11 luật sư thành lập nhóm “Luật sư Vì Công lý”. Ông cũng là một sáng lập viên của Khối 8406 và Tuyên ngôn Tự do Dân chủ 2006. LS.Lê Thị Công Nhân là phát ngôn viên của Đảng Thăng Tiến Việt Nam. Cả hai đều dấn thân vào việc giúp đỡ pháp lý cho dân oan khiếu kiện, những người dân nghèo thấp cổ bé họng.

Việc làm của hai luật sư này đương nhiên đã nhận lãnh rất nhiều trù dập từ phía chính quyền, công an. Cả hai đã bị bắt ngày 6 tháng 2 năm 2007 và bị TAND thành phố Hà Nội xét xử trong một phiên tòa vội vã vào ngày 11 tháng 5, với bản án 5 năm dành cho LS.Nguyễn Văn Đài và 3 năm đối với LS.Lê Thị Công Nhân.

Chưa hết, những tiếng nói vì công lý & sự thật vẫn tiếp tục trổi lên. “Vụ Thái Hà” nổi cộm qua việc chính quyền chiếm dụng mảnh đất của giáo xứ Thái Hà, Hà Nội. LS.Lê Trần Luật là một trong số vài luật sư dám đứng ra bào chữa cho vụ này. Ông và bà Tạ Phong Tần, vị cộng sự đắc lực, cùng nhiều nhân viên của văn phòng đã liên tục bị trù dập bằng nhiều ngón đòn hẹn hạ mà người ta không từ nan: từ việc nói xấu với các thân chủ, cho đến hạch sách việc thu thuế, tịch thu máy vi tính và toàn bộ hồ sơ tại văn phòng, ngăn cản không cho đi Hà Nội để tham dự phiên tòa.

Sau cùng công an đã ra “độc chiêu”, chấm dứt con đường kiếm sống của LS.Lê Trần Luật bằng cách rút giấy phép hành nghề, đóng cửa văn phòng luật sư Pháp Quyền. Mọi việc tưởng chừng đã chấm dứt ở đây, nhưng LS.Luật và các cộng sự viên vẫn liên tục bị sách nhiễu, gây khó khăn, không cho trả lời báo đài.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm qua trên đài RFA, LS.Luật cho biết:

“Vài tháng nay họ liên tục mời làm việc. Trung bình mỗi tuần tôi phải làm việc với họ khoảng 4-5 ngày. Thuế thì mời về chuyện “trốn thuế”. Rồi họ xúi khách hàng tố cáo để họ mời tôi giải quyết về chuyện đơn tố cáo. Ngoài ra cơ quan an ninh mời tôi về lý do là tôi tàng trữ những tài liệu chống nhà nước. Và họ lấy đi hết tất cả tài sản của tôi. Hàng ngày họ cử 4-5 người đi theo, tối thì họ bắt cái võng họ cột cửa nhà tôi lại, họ giữ trước nhà, họ không cho đi ra”

Công an còn răn đe ông rằng “nếu làm luật sư một cách bình thường thì cứ làm bình thường chớ còn làm như thế này thì không ổn” và “mọi chuyện sẽ kết thúc và anh làm việc bình thường” nếu ông chấm dứt trả lời báo đài và gặp gỡ đại diện các tổ chức nước ngoài.

Có hay không một hệ thống tòa án và luật sư làm việc độc lập ở VN?

Tham nhũng là nguyên nhân chính làm trì trệ việc phát triển kinh tế ở những nước kém phát triển và đang phát triển. Muốn dẹp hay làm giảm thiểu tham nhũng thì cần phải có một nhà nước pháp quyền. Để thực thi một nhà nước pháp quyền thì các cơ quan hành pháp, tư pháp và lập pháp phải hoạt động tách biệt.

Riêng ngành tòa án phải độc lập, luật sư phải được hành nghề tự do. Thế nhưng, hiện nay ở VN lại không hội đủ những điều kiện đó. Bởi vì tòa án, cơ quan tố tụng (Viện Kiểm Sát), công an,... đều có chi bộ đảng ủy riêng để họp hành và nhận chỉ thị từ bên trên. Hệ thống tòa án ở VN là hệ thống “Tòa Án Nhân Dân” với ông thẩm phán và bản án là do Đảng chỉ định. Mọi thứ đều đã được sắp xếp trước, vậy thì luật sư hành nghề ở VN có thể thi thố hết tài năng để bảo đảm quyền lợi của thân chủ mình được không?

Cho thành lập Liên Đoàn Luật sư VN là chẳng qua nhà nước CSVN đang lo sợ sự lớn mạnh của ngành luật sư, sự trưởng thành trong tư tưởng vuợt ra ngoài sự quản chế của Đảng. Từ nay ngành luật sư sẽ “phải có trách nhiệm tự quản” theo kiểu phân giai từ cấp văn phòng luật sư, lên Đoàn Luật sư tỉnh thành và đến Liên đoàn Luật sư. Để trừng phạt các luật sư nào dám lên tiếng vì công lý, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, thì nhà nước luôn có món đòn “trói bao tử” quen thuộc: rút giấy phép hành nghề, đóng cửa văn phòng. Đó là chưa kể đến biết bao trù dập, gây khó khăn hằng ngày trong cuộc sống và đi lại.

Trong một xã hội nào cũng vậy, cho dù có đàn áp bất công, bạo quyền đến đâu đi chăng nữa thì vẫn luôn có những luật sư sẵn sàng đứng lên bênh vực cho công lý, bởi vì một lẽ: những vị luật sư tốt, còn có lương tâm sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền bạo lực. Những tiếng nói vì công lý của Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân bị dập tắt, rồi lại có Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần,... và sẽ có hằng hà lớp lớp các luật sư khác tiếp nối. Bởi vì họ là mẫu người luôn tâm niệm Công lý và Sự thật.

Lê Minh
Sydney ngày 16/05/2009
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 867 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 559
Khách: 559
Thành Viên: 0