Ngày 15.5, một số tờ báo như Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ đã có bài phản ánh sự kiện website hợp tác thương mại Việt - Trung đăng thông tin quảng bá cho quan điểm của nhà cầm quyền Bắc Kinh về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa.
Chuyện này đã là đề tài râm ran trên mạng trong một thời gian không ngắn, nhưng việc báo chí "dòng chính" đăng tải có một ý nghĩa khác hẳn.
Nhưng chỉ trong vòng vài nốt nhạc, bài viết về vấn đề này trên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã bị gỡ xuống. Điều này cho thấy đã có một sự chỉ đạo rằng đây là "vấn đề nhạy cảm, không được đăng". Một số thông tin cho rằng đã có những cuộc chỉ đạo qua điện thoại.
Có nghĩa là ý chí phản kháng - trước các vấn đề về lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc - của báo chí đã bị đánh sập.
Nhưng đến hôm nay - 16.5, Tuổi Trẻ tiếp tục có một bài hoành tráng về vấn đề website ủng hộ Trung Quốc. Bài kéo dài từ trang 1 vào trang 3 - là hai vị trí "đắc địa" của các tờ báo giấy Việt Nam - nên rõ ràng Tuổi Trẻ đã quyết tâm làm đến cùng chuyện này, bất chấp đã có chỉ đạo.
Ngoài các vấn đề quan trọng như bản lĩnh chiến đấu, trách nhiệm với tổ quốc, dân tộc ra, việc tiếp tục lật xới vụ này cho thấy Tuổi Trẻ đã cân nhắc khá kỹ hậu quả có thể xảy đến đối với họ, nhất là sau khi đã xảy ra vụ "hai nhà báo bị bắt" và vụ "báo Du Lịch bị đình bản”. Tôi cho rằng những người lãnh đạo ở báo Tuổi Trẻ tin chắc rằng họ sẽ không bị "xử" khi làm tiếp vụ này, vì người "xử" họ chắc chắn sẽ tự đặt mình vào cái thế phản lại lợi ích của đất nước. Không ai dám đặt mình vào cái thế đó cả. Thế nên một chỉ đạo bằng văn bản với chữ ký rõ ràng là một khả năng gần như bằng không. Chỉ có chỉ đạo miệng, thường là qua điện thoại.
Ở Việt Nam, báo chí thường xuyên được chỉ đạo, định hướng. Đó là sự thật. Nhưng việc tiêu hóa các chỉ đạo này lại là chuyện khác. Tôi nghĩ, Tuổi Trẻ đã hóa giải được một lệnh chỉ đạo rất ngoạn mục.
Nói đến đây chợt nhớ chuyện con trâu què.
Chuyện rằng, có một anh nông dân nọ lên trình báo với chính quyền việc con trâu mình bị què, không cày được, xin phép làm thịt. Lãnh đạo phán: "Trâu cày không được làm thịt". Ý quan là không được làm thịt trâu cày, nhưng văn nói không có dấu chấm phẩy rạch ròi như văn viết, thành ra câu trên có nhiều cách hiểu, tùy theo cách ngắt câu (cũng như phát ngôn của ông Kiệt ở Hà Nội ấy mà). Người ta có thể hiểu: "Trâu cày, không được làm thịt!", nhưng cũng có thể hiểu: "Trâu cày không được, làm thịt!". Tất nhiên là anh nông dân láu cá kia hiểu theo cách thứ hai, liền về nhà vật trâu ra sân mổ bụng rồi kêu bà con họ hàng tới đánh chén. Đến khi quan lớn xuống quở, "tao bảo là không được làm thịt mà", thì anh ta mới ung dung lôi cái lệnh hôm trước ra mà phân tích cho quan xem.
Trong khi việc nhận chỉ đạo của quan lớn là một thực tế, một bản chất của chế độ, thì việc anh nông dân tiêu hóa ra sao cái chỉ đạo đó lại là một thực tế khác.
Câu chuyện này vì thế rất hữu ích cho các vị làm báo ở Việt Nam, vốn thường xuyên nhận được sự chỉ đạo tận tình từ trên.
- Hồi nãy nói chuyện với một đồng nghiệp, mới vỡ lẽ ra thêm một chút về chuyện chỉ đạo này: Thường thì có chỉ đạo bằng văn bản, có chữ ký hẳn hòi (lâu lâu mới có một cái công văn "nặc danh" như ông Bộ Công thương mới đây), nhưng cũng không hiếm khi các chỉ đạo được thực hiện qua điện thoại. Kiểu như một ông A nào đó ở Tuyên giáo gọi điện với lãnh đạo tờ báo C nói rằng: "Anh X đã chỉ đạo là không được đăng". Thực ra đây có thể chỉ là ý chí của ông A, không phải của "anh X". Nếu lãnh đạo tờ báo C muốn "dĩ hòa vi quý" thì sẽ im lìm mà chấp hành, còn nếu là tay cứng cựa thì vặc lại: "Anh X chỉ đạo à? Văn bản đâu?". Lúc đó nếu tay A mà không đưa ra được văn bản (tức bị vạch mặt mượn oai hùm) thì tờ báo C sẽ tiếp tục làm.
Việc chỉ đạo kiểu này sẽ đặc biệt nghiêm trọng nếu (như vụ website nói trên) tay A là nội gián của Trung Quốc. Tôi nghĩ là báo chí cần cảnh giác trước những chỉ đạo miệng, vì đôi khi không phải là lệnh của anh X hay anh Y gì cả, mà là lệnh từ anh Wen anh Hu bên Bắc Kinh được một tên nội gián khéo léo triển khai.
- Trưa nay đi ăn cơm về thì vào trang http://www.vietnamchina.gov.vn/ không còn được nữa. Mình mượn cả cái proxy cacty.com này để vào cũng không được. Có thể hắc cơ bạch đạo đã ra tay đánh sập cái website phản trắc này sau khi bất mãn với màn giải quyết của chính phủ; cũng có thể chính phủ đã chặn việc truy cập vào đây; cũng có thể chính phủ đã thương lượng được với bên kia để tạm đóng. Khả năng thứ ba thấp nhất. (Tất nhiên là loại trừ đường truyền ở chỗ tôi có vấn đề). Tôi không rành lắm về internet nên phần này có hơi võ đoán, mong sự chỉ giáo của quý vị.
Mr. Do
nguồn: http//bloqmrdo.com