Bùi Tín
Khóa họp này được dư luận trong và ngoài nước
rất chú ý vì có 2 vấn đề nổi cộm, làm xôn xao dư luận mấy tháng nay đã được ghi
trong chương trình nghị sự. Đó là Việc hoàn thành cắm mốc trên biên giới Việt -
Trung, và Vấn đề khai thác bôxít ở Lâm Đồng và Đak Nông trên Tây Nguyên.
Tuy quốc hội là do đảng CS chọn qua tổ chức
ngoại vi của đảng là Mặt trận Tổ quốc, nhưng đảng lại buộc phải phong cho quốc
hội (trong hiến pháp) cái danh nghĩa là : "cơ quan quyền lực cao nhất
của đất nước" để cho có cái bề ngoài dân chủ, nên trong xã hội đang
có sức ép của nhân dân, yêu cầu 493 đại biểu quốc hội phải tự nhận trách
nhiệm là đại biểu của người dân, thật sự quan tâm đến cuộc sống của
nhân dân, thật sự bênh vực những quyền lợi thiết thân nhất của nhân dân cũng
như chủ quyền của quốc gia và dân tộc.
Xưa nay, trải qua 11 khoá Quốc hội, người dân
chỉ thấy trong hội trường Ba Đình hầu hết là những ông bà nghị gật, "nói
theo", phát biểu theo kiểu nịnh thần, ca ngợi công ơn của đảng, của lãnh
đạo, quay lưng lại nhân dân, để làm nảy ra câu ca dao vỉa hè : "đảng chỉ
tay, mặt trận vỗ tay, quốc hội dơ tay, nhân dân trắng tay", có nơi còn
thêm : "an ninh khóa tay, công an còng tay" nữa.
Mấy năm nay, đảng buộc phải mở cửa, hòa nhập
với thế giới, nhận tiền viện trợ quốc tế để cải cách hành chính, điện tử hoá
chính quyền, minh bạch hóa thông tin, do đó một xã hội dân
sự trên thực tế được hình thành, người dân - trước hết là một số
trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, nhà báo có nhân cách và trí tuệ - đã bớt
sợ cường quyền, còn đòi cái quyền cực kỳ quan trọng là quyền phản biện xã
hội, có nghĩa là cái quyền đối thoại bình đẳng với đảng và nhà nước,
trong đó có cả cái quyền phê phán, bác bỏ những ý kiến của lãnh đạo, lấy chân
lý, sự thật và lợi ích của dân làm tiêu chuẩn. Một số người lãnh đạo Mặt trận
Tổ quốc do đảng tạo nên cũng đòi quyền phản biện
cho Mặt trận, thoát khỏi thân phận "cây kiểng" thấp hèn nhạt nhẽo kéo
dài hơn nửa thế kỷ.
Cuộc họp Quốc hội kỳ 5 khoá XII này sẽ được
đồng bào cả nước, đặc biệt là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ, nhà
báo... theo dõi chặt chẽ từng buổi họp, từng vấn đề trình bày,
phản biện và tranh luận, ghi nhận từng buổi, từng lời, từng câu hỏi, từng kết
luận của đoàn chủ tịch cũng như của từng đại biểu trong 493 ông bà nghị.
Đây là cuộc sát hạch lý thú, sinh động và
nghiêm khắc, để xem trong số người ấy có những ai dám đảm nhận trách
nhiệm là đại diện cho người dân, cho cử tri, bênh vực quyền lợi của nhân dân,
phát biểu ngay thật, thẳng thắn, bằng cái đầu tỉnh táo của chính mình, bằng
lương tâm trong sáng, bất chấp sự đe doạ của quyền uy và bạo lực.
Và mặt khác để xem những ai là kẻ nịnh thần, tự
mình phủ nhận vai trò đại diện của nhân dân, khiếp nhược trước quyền uy, thủ
tiêu đấu tranh, nói dựa theo người có quyền lực dù đó là sự lừa dối, nguỵ biện,
xuyên tạc sự thật, dù cho có hại lớn cho dân mình, cho nước mình.
Vàng thau không thể lẫn lộn. Trí tuệ, nhân
cách, đạo đức từng người sẽ phơi bày ra ánh sáng, ra trước hàng triệu cử tri,
trước gần 20 ngàn nhà báo trong nước, trước công luận toàn thế giới. Ai yêu
nước thật lòng và ai "yêu" bản thân mình quên đồng bào bất hạnh, ai
có công tâm và ai hèn nhát vị kỷ, sẽ sáng tỏ rõ ràng.
Mong rằng gần 500 đại biểu hãy chuẩn bị chu đáo
cho kỳ họp. [Xin chớ ai làm như mấy đại biểu đi dự đại hội đảng CS lần thứ VII
(năm 1991) bị an ninh tóm quả tang đi chơi gái điếm thủ đô ngay đêm trước khi
đại hội khai mạc, ê cho đảng và nhục cho cả gia đình!]. Hãy để thời
gian đọc kỹ 2 lá thư của 3 trí thức tiêu biểu, 2 lá thư của tướng Võ Nguyên
Giáp, bài báo "Nỗi ngán ngẩm thường ngày" của nhà văn Phạm
Đình Trọng... chuẩn bị kỹ ý kiến riêng của mình về dự án khai thác bôxít ở Tây
Nguyên.
Hãy chuẩn bị cho kỹ ý kiến của mình về đường
lối đối ngoại của nước ta, về mối quan hệ Việt - Trung, có nên theo đường hướng
"Bắc thuộc" trên thực tế như 19 năm nay (từ năm 1991) hay không?
đường lối nào là tốt nhất để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
nước ta?
Xin các vị đại biểu nhớ cho rằng khi quốc hội
đã là "cơ quan quyền lực cao nhất" thì không có vấn đề nào là cấm
không được bàn đến. Và cũng xin nhớ rằng khi quốc hội bắt đầu họp thì ý kiến của
tập thể quốc hội là cao nhất, đoàn chủ tịch kỳ họp phải tuân theo ý kiến chung
của kỳ họp, không thể có một ai khác có quyền gì ra chỉ thị hay mệnh lệnh để
can thiệp.
Cũng nên nhắc gần 500 đại biểu rằng trong kỳ
họp trước, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hẹn rằng chính phủ sẽ khẩn trương và
nghiêm minh xử lý vụ PCI theo đúng luật, kết luận đến đâu về bị
can Huỳnh Ngọc Sỹ thì xử lý đến đó, và cũng cam kết rằng chính phủ luôn đẩy
mạnh phòng chống "quốc nạn " tham nhũng.. Vậy thì vụ PCI đã điều tra,
kết luận và xét xử đến đâu rồi ? Ông Sỹ đã bị tạm giam 3 tháng nay mà không hề
có tin tức gì tiếp theo. Sao kỳ vậy? Vụ ông Sỹ 2 lần nhận hối lộ hơn nửa
triệu đôla là do phía Nhật bản dựng đứng lên hay sao? Tại sao lại truy tố ông
Sỹ về một cái tội hoàn toàn khác là cho thuê nhà công để chia chác với nhau ?
sao kỳ quái vậy ? Chuyện chống tham nhũng của chính phủ ông Dũng cứ như chuyện
đùa?
Còn vụ PMU18, đã hơn 3 năm rồi, chưa xét xử
xong, chỉ có mấy nhà báo đưa tin bị tù; sao kỳ vậy?. Thế là "khẩn
trương", là "mạnh mẽ", là "nghiêm chỉnh" chống tham
nhũng ư? Sao thủ tướng cứ hay đùa dai với quốc hội như vậy?
Dư luận vỉa hè cho rằng vụ PCI và vụ PMU18 tắc
nghẽn đều do liên quan đến ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh, vì con gái và con rể
ông Mạnh nằm trong đường giây của nguyên thứ trưởng giao thông Nguyễn Việt Tiến
và cận thần của ông Tiến là Bùi Tiến Dũng. Sự thật là thế nào, quốc hội cần
biết rõ.
Sau khi bài "Nỗi ngán ngẩm thường ngày"
của nhà văn Phạm Đình Trọng được công bố rộng rãi, thì hoá ra kẻ đầu têu cả 2
thảm hoạ "Bắc thuộc" và "Bôxít" - 2 thảm họa gắn chặt nhau
- lại chính là kẻ đứng đầu đảng CS Việt nam, đã đi đêm với bọn bành trướng Bắc
kinh từ năm 2006!
Vậy thì Quốc hội kỳ 5 này có dám làm một việc
phi thường là mở ra một cuộc điều tra khẩn trương, nghiêm chỉnh,
theo đúng luật xem có đúng nhân vật số 1 của chế độ độc đảng là một kẻ
tội phạm hiến mình cho bọn bành trướng nước ngoài, đồng thời lại là kẻ nguy
hiểm nhất trong ý đồ ngăn cản, phá ngang cuộc chống tham nhũng như chống giặc
của nhân dân ta.
Nicolas Xêuxescu, tổng bí thư đảng CS kiêm
người cầm đầu chính phủ Rumani đã bị toà án đặc biệt Bucarest xử bắn cùng vợ
hắn vào cuối tháng 12-1989, vì tội bán mình cho Liên xô, tội độc tài đảng trị,
tội tham nhũng xa hoa trên sự bất công và nghèo khổ cùng cực của nhân dân.
Erich Honecker, tổng bí thư đảng CS Đông Đức
cũng bị truy tố về trọng tội ra lệnh tàn sát dân Đức vượt bức tường ô nhục
Berlin và tội cai trị kiểu độc tài, lẽ ra bị án tử hình
ngay từ năm 1989, được tha tội chết vì bị bệnh
ung thư thời kỳ cuối, sau đó chết trong tủi nhục ở Chilê vào tháng 5 năm 1994.
Nếu như quốc hội kỳ 5 này có một sự thức
tỉnh ngoạn mục, xử sự sáng suốt, công minh và thông minh nữa, đóng góp
vào việc mở ra một thời kỳ lịch sử mới để nước ta bước lên một nấc cao hơn về
văn hoá - chính trị : thời kỳ độc lập trọn vẹn, dân chủ,
bình đẳng và thống nhất cả về lãnh thổ và tình
thương, hội nhập hoàn toàn với thế giới mới, mở ra thời kỳ thu
hẹp sự lạc hậu mọi mặt với các nước khác, mang lại phồn vinh hạnh
phúc cho toàn dân, thì đúng là vận nước đã đến, bĩ rồi lại thái vậy.
Ước mong rằng mùa hè 2009 ghi lại một
điểm son trong lịch sử nước ta như sau : trong xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, khi
một xã hội dân sự bắt đầu nảy nở, khi các chiến sỹ dân chủ kiên trì đấu tranh
bất chấp đàn áp của chính quyền độc đảng, 3 trí thức từ các miền khác nhau tiêu
biểu cho lương tri của kẻ sỹ, của trí thức dân tộc Việt nam đã có sáng kiến yêu
cầu quốc hội hãy là tiếng nói thật sự của NHÂN DÂN thay vì là tiếng nói lắp lại
của đảng như trước đây, nhìn thẳng vào 2 hiểm hoạ đe dọa chủ quyền dân tộc và
môi trường sống của đất nước để cùng nhân dân tìm lối ra đúng đắn. Lời kêu gọi
ấy của kẻ sỹ dân tộc đã có tác dụng ...
Sẽ có những lời bình luận và nhận xét thú vị
như sau : sự dấn thân của hàng ngàn, hàng vạn trí thức, văn nghệ sỹ, nhà báo,
nhà giáo, luật sư, sinh viên, lao động, cựu chiến binh, nhà nông, nhà kinh
doanh, bà con các dân tộc, các tôn giáo ... hưởng ứng Kiến nghị do 3 trí thức
Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn và Nguyễn Thế Hùng đề xướng, đã biểu hiện sự thức
tỉnh đẹp đẽ của toàn dân tộc trước hiện tình đất nước, tô đậm truyền thống bất
khuất của dân tộc Việt nam trước họa ngọai xâm, đồng thời cũng khôi phục danh
dự và uy tín cho trí thức Việt nam nói chung và làm nức dậy tiếng thơm muôn thuở
của "KẺ SỸ BẮC HÀ" ...
Cuộc sát hạch lý thú, hồi hộp gần 500 nghị sỹ
thực thi trách nhiệm và quyền hạn hiến định của mình, xét cho cùng là cuộc sát
hạch nghiêm khắc đảng cộng sản Việt nam giữa cuộc khủng hoảng nghiêm
trọng cả về lý luận và thực tiễn cầm quyền, sau khi phe XHCN tan rã, sau khi
Liên xô là đầu tầu, là cột trụ của cả phe tan vỡ, sau khi đảng cộng sản VN bị
đảng CS Trung quốc khống chế và mua chuộc nhóm cầm đầu suốt gần 20 năm, từ đó
xúc phạm nặng nề truyền thống độc lập, tự chủ, chống ngoại xâm của dân tộc ta,
kìm hãm dân ta trong bất công và lạc hậu thê thảm so với các nước quanh ta.
Đi sâu hơn nữa, đây là cuộc sát hạch khẩn
cấp đối với bộ chính trị đảng CS gồm 15 người đang trị vì như một triều
đình phong kiến thời suy đồi và tha hoá tồi tệ nhất.
Họ chỉ có một sự lựa chọn. Nghe theo tiếng nói
của nhân dân, của trí thức dân tộc, của nhân loại tiến bộ, theo những giá trị
tuyệt vời của thời đại (dân chủ, tự do, bình đẳng, hoà bình và tình thương) để trở
về với nhân dân và dân tộc, hay vẫn tính toán vị kỷ theo phe đảng, theo
nước ngoài, lỳ lợm và trâng tráo quay lưng với nhân dân, với luật pháp và lẽ
phải, vì những lợi ích thiển cận của cá nhân và gia đình, mãi mãi ghi lại ô
danh trong lòng dân, trong ký ức xã hội và trong lịch sử.
Bùi Tín Paris 18-5-2009
|