Thứ Sáu, 2024-04-19, 6:51 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 18 » Thực trạng trì trệ về công nghệ thông tin Việt Nam
7:20 AM
Thực trạng trì trệ về công nghệ thông tin Việt Nam
2009-05-17

Nhà nước Việt Nam đã bỏ ra nhiều kinh phí để phát triển công nghệ thông tin (IT), nhưng kết quả tính đến nay cho thấy không có dấu hiệu nào khả quan.

AFP Photo/Hoàng Đình Nam

Khi Intel tổ chức thi tuyển nhân sự, chỉ có 40 sinh viên VN được chấm đậu trên 2.000 sinh viên dự thi.

Sự trì trệ về công nghệ thông tin do việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực khiến nhiều chuyên gia ngoại quốc đánh giá tiềm năng IT của Việt Nam thua xa nhiều nước trong khu vực và do đó khó có cơ hội tiếp cận với tốc độ bùng nổ IT trên khắp thế giới hiện nay.

Mặc Lâm theo dõi diễn tiến và tường trình qua bài viết sau.

Công nghệ thông tin là một trong những đòi hỏi bức thiết không thể thiếu trong guồng máy kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Nước giàu thì đầu tư vào trí tuệ để trong một thời gian nhanh nhất có thể sản xuất ra những phần mềm ứng dụng trong tất cả mọi hoạt động của xã hội. Bên cạnh phần mềm, hàng triệu kỹ sư điện toán khắp thế giới cũng ngày ngày miệt mài bên trong các phòng thí nghiệm để tìm ra những thiết bị tinh vi nhất của điện toán, hầu đưa vào ứng dụng tại các cơ xưởng sản xuất trên khắp thế giới.

Đối với các quốc gia đang phát triển thì việc tranh nhau làm gia công cho các công ty đa quốc gia đã khiến nhiều nước phải bỏ ra nhiều tỷ đô la để đào tạo cấp tốc nguồn nhân lực ngày càng cấp thiết này. Tại Việt Nam, tuy nhận thức rất rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này nhưng sự trì trệ bởi nhiều nguyên nhân vẫn đang khiến Việt Nam tụt lại phía sau trên chặng đua cùng các nước trong khu vực.

Chính sách, dự án sai lầm

Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Công Nghệ và Khoa Học, nhìn nhận sự yếu kém này mặc dù theo ông thì nhà nước đã có nhiều nỗ lực:

"Thực chất của công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam, theo tôi biết thì chính phủ vẫn đang rất quan tâm và có những chủ trương đầu tư và phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam một cách rất mạnh mẽ, thể hiện qua những kế hoạch cụ thể của Bộ Thông Tin Truyền Thông và của Tập Đoàn VNPT, của Viettel, Telecom Dầu Khí, vân vân. Riêng có phần đầu tư của chính phủ thì phải thể hiện được bằng đơn đặt hàng của chính phủ với hãng làm phần mềm của Việt Nam hay là phần cứng của Việt Nam. Việc đó cũng có một phần chựng lại một chút, bởi vì như mọi người đều biết là chương trình tin học hóa quản lý nhà nước, thông qua chương trình 112, đã tạm dừng lại để chuẩn bị một chương trình mới. Rõ ràng là nó có chựng lại bởi vì cái chương trình 112 cũ là triển khai không thành công."

Ông Đỗ Xuân Thọ với chức vụ Chủ Tịch Hội Tin Học Việt Nam xác nhận những nỗ lực mà nhà nước đang thực hiện. Ông nói:

Việc đó cũng có một phần chựng lại một chút, bởi vì như mọi người đều biết là chương trình tin học hóa quản lý nhà nước, thông qua chương trình 112, đã tạm dừng lại để chuẩn bị một chương trình mới. Rõ ràng là nó có chựng lại bởi vì cái chương trình 112 cũ là triển khai không thành công.

Giáo sư Chu Hảo, thứ trưởng Bộ Công Nghệ và Khoa Học

"Bộ Thông Tin Truyền Thông mà trực tiếp là Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Hùng phụ trách lãnh vực công nghệ thông tin thì cũng đã tổ chức cuộc gặp mặt với đại diện của lãnh đạo Hội Tin Học Việt Nam, Hội Doanh Nghiệp Phần Mềm Việt Nam, Hội Điện Tử Việt Nam, và Hội Tin Học TP.HCM, để nghe các đại diện của các hội có những ý kiến đề xuất về tình hình hoạt động của công nghệ thông tin, và trên cơ sở đó mà kiến nghị với nhà nước có những chính sách hoặc có những hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho ngành công nghệ thông tin tiếp tục phát triển."

Nói đến công nghệ thông tin Việt Nam không thể không nhắc tới công ty FPT. Công ty này được xem là tiên phong phát triển phần mềm và giảng dạy trung cấp cho lập trình viên tại Việt Nam. Cổ phần của FPT được xem là cao nhất thị trường chứng khoán vì những thành công của nó. Ông Trương Gia Bình, Tổng Giám Đốc công ty FPT, cho biết:

"Năm 2009 thì FPT cho rằng sẽ khó hơn 2008, thành ra FPT tập trung vào các lãnh vực mà vẫn có tiềm năng, ví dụ như lãnh vực phát triển internet, telecom, lãnh vực giáo dục, là những lãnh vực ít bị ảnh hưởng nhất. Hiện nay FPT có khoảng 3.500 lập trình viên. Và năm 2009 có dấu hiệu thay đổi, một số khách hàng của FPT cắt giảm các chi phí đầu tư, nhưng mà ngược lại cũng có một số khách hàng chuyển đổi từ các đối tác Trung Quốc và Ấn Độ chuyển sang cho Việt Nam."

Những trì trệ trong công nghệ IT của năm qua theo dư luận báo chí phản ảnh được ông Đỗ Xuân Thọ đồng tình:

"Theo đánh giá của các phương tiện thông tin đại chúng, việc phát triển công nghệ thông tin của Việt nam cũng có cái trầm lắng. Cái đó có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về khách quan thì nó ảnh hưởng chung bởi vấn đề suy thoái kinh tế, vấn đề đầu tư, thị trường. Một phần nó cũng do ảnh hưởng của một số sai lầm của dự án 112, thành ra nó cũng tác động tới tình hình chung."

Cần thay đổi chương trình và phương pháp dạy đại học

Trong một bài viết mới đây, hãng tin Reuters nói về thực trạng các công ty nước ngoài gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam, nhất là nguồn nhân lực thuộc lãnh vực công nghệ thông tin. Reuters cũng đưa ra những nhận xét của giới chuyên gia, lo ngại việc giáo dục trong khuôn viên đại học Việt Nam hiện nay sẽ có tác hại to lớn cho nhiều thế hệ sinh viên trong tương lai.

Đây không phải là lần đầu tiên báo chí nước ngoài lên tiếng về thực trạng lạc hậu của nguồn nhân lực IT Việt Nam. Năm ngoái, cả nước Việt Nam đã thích thú khi nghe tin hãng chip điện tử lớn nhất thế giới là Intel chính thức xây dựng công xưởng sản xuất tại Thành Phố Hồ Chí Minh với kinh phí hơn 1 tỷ đô la và nguồn nhân lực mà Intel cần là hơn 4000 người. Sau đó ít lâu, khi chính thức tuyển dụng nhân viên thì hãng này mới vỡ lẽ ra rằng sinh viên Việt Nam khi được phỏng vấn chỉ có 40% đạt yêu cầu tối thiểu còn yêu cầu thực để làm việc thì không quá 17% có thể đáp ứng.

Theo tôi nghĩ, tình hình này chắc chắn là cũng sẽ phải khắc phục dần dần, khắc phục một cách rất cơ bản là thay đổi lại chương trình và phương pháp dạy ở đại học.

Giáo sư Chu Hảo, thứ trưởng Bộ Công Nghệ và Khoa Học

GS Chu Hảo quan ngại về những lổ hổng của đại học đã sản xuất ra những kết quả tất yếu như quốc tế đánh giá. Ông nói:

"Sự chậm trễ đưa tin học vào các trường đại học, đấy là một cái đáng tiếc. Và theo tôi nghĩ, tuy rằng đã có những chủ trương, đã có những chương trình cụ thể, nhưng dù sao đi nữa thì cũng còn đang chậm. Cái đó một phần do những trang bị, do những dự án đưa công nghệ thông tin vào các trường đại học triển khai cũng chậm. Nhưng, cũng có một điều quan trọng, tức là chương trình giảng dạy đại học ở Việt Nam hiện nay rất nặng về thi cử, rồi thì kiểm tra theo những chương trình giảng dạy của thầy giáo dạy, cho nên nhu cầu của học sinh, sinh viên đại học dùng internet để thu thập thêm thông tin để học tập thêm là bị hạn chế. Bởi vì do cách giảng dạy như vậy, do cách học như vậy, nhu cầu thật sự để dùng internet có bị hạn chế. Theo tôi nghĩ, tình hình này chắc chắn là cũng sẽ phải khắc phục dần dần, khắc phục một cách rất cơ bản là thay đổi lại chương trình và phương pháp dạy ở đại học."

Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân trong một cuộc hội thảo về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đã nêu ra 13 giải pháp để thực hiện. Dư luận tỏ ra khá lạnh nhạt với những giải pháp này vì cho rằng chúng còn quá xa thực tế khi giải pháp cần nhất là kiến tạo lại nền giáo dục đại học vẫn không được ông Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo chú tâm giải quyết.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 757 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0