“...“Ưu
điểm” tự trấn an, tự dối mình và dối nhau này rất có lợi trước mắt
nhưng nguy hiểm cho lâu dài. Sao ta không biết ngẫm nghĩ câu chuyện ngụ
ngôn về chuyện con sói đánh lừa cô bé thơ dại ...”
Dư
luận nhiều ngày nay rất bất bình trước sự kiện một trang Web của Bộ
Thương Mại Việt Nam (bây giờ là Bộ Công Thương) liên kết với Bộ Thương
Mại Trung Quốc, có tên
www.vietnamchina.gov.vn, đã đăng những bài chống Việt Nam.
Ngày 29.4.2009, website này đã đăng tuyên bố của Trung Quốc trước sự
kiện Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Tuyên bố được
phát ngôn bởi bà Khương Du: “
Trung
Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng
biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối
với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và
vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam
về việc này”.
Tinh thần chống Việt Nam của lời tuyên bố trên thể hiện ở 4 điểm rõ ràng:
- Trong khi nhân dân Việt Nam đều biết người phát ngôn của Chính phủ
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam hoàn toàn có chứng cứ lịch sử
để chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam! Nay
trang Web này công bố quan điểm Hoàng Sa là của Trung Quốc không cần
bàn cãi, bản tin tồn tại nhiều ngày. (Những người Việt Nam có trách
nhiệm trên trang Web này không hề có phản ứng nào!).
- Trong khi cuộc tranh chấp còn căng thẳng như vậy mà bài báo trên
khẳng định rằng nơi đây làm gì có tranh chấp? Vậy là coi tiếng nói của
chính phủ Việt Nam chỉ như tiếng muỗi kêu hay tiếng kẹt cửa, không có
một miligam trọng lượng nào. Ý nghĩa khinh miệt và phỉ báng chính ở chỗ
đó. Không biết Bộ Công Thương và những người cầm đầu chính phủ Việt Nam
có thấy chút tủi nhục nào không, chứ một người dân Việt bình thường
cũng thấy chính mình bị xúc phạm.
- Gọi Hoàng Sa theo tên Trung Quốc là Tây Sa là ý muốn khẳng định thêm rằng hòn đảo này không liên quan gì đến Việt Nam cả.
- Cuối cùng người phát ngôn Trung Quốc nói thẳng vào một việc cụ thể : “
Cách làm kể trên của phía Việt Nam (tức việc Việt Nam vừa bổ nhiệm chủ tịch tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa)
là trái phép và vô hiệu”. Hãy chú ý, người ta dùng chữ “
trái phép”
chứ không phải trái với luật pháp quốc tế. Quan hệ giữa hai quốc gia là
quan hệ thương lượng bình đẳng, nếu cần viện đến luật pháp thì phải là
công pháp quốc tế. Nói Việt Nam
trái phép là trái phép của Trung Quốc. Chỉ có con cái mới phải theo
phép cha (ấy là theo tinh thần quân sư phụ của Khổng giáo), chư hầu mới phải theo
phép chính quốc. Nếu chính phủ Việt nam không nói gì tức là đã vui vẻ nhận thân phận chư hầu.
Trung Quốc đã quen coi Chính phủ Việt Nam không ra “cái đinh” gì thì
lâu nay dân ta không lấy làm lạ. Nhưng chuyện này thì lạ: theo ông
Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông
tin, bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này thì
“tôi nghĩ là không có gì quá ghê gớm cả”.
Câu này nghe “sướng tai” thật. Đáng lẽ ngoại bang chỉ dùng một chữ ngạo
ngược ta đã phải phẫn nộ, nay người ta bảo lãnh thổ của tổ quốc mình là
của người ta mà lại thấy “
không có gì ghê gớm” thì ghê tởm thật!
Thôi, chúng ta hãy dành một phút để suy niệm lời dạy của vua Trần Nhân Tông vậy:
“Các
người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì
rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ Trung Hoa.
Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến
ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới
qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gặm nhấm ta.
Họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái
tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta
dặn:
"Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu".
*
Trước việc làm của những cán bộ trong Bộ Công Thương liên quan đến trang Web liên kết
www.vietnamchina.gov.vn,
nhiều người đã đặt câu hỏi: một hành vi, một thái độ, một hệ quả như
vậy đối với xã hội và đất nước, đã xứng đáng để khởi tố, khởi kiện chưa?
Trước hết, đây không phải chuyện kinh tế hay văn hóa mà là chuyện chính
trị - an ninh quốc gia. Muốn trả lời câu hỏi này ta hãy chịu khó nhớ
lại những vụ án liên quan đến an ninh-chính trị trong những năm qua
(trong đó rất nhiều người chỉ là bất đồng chính kiến hay phê phán hệ
thống Đảng và nhà nước) sẽ thấy so với vụ việc này, những người kia
chẳng có gì đáng khởi tố cả. Chẳng hạn có người đã bị khởi tố tội gián
điệp, nhưng khi hỏi gián điệp cho nước nào, trong nhiệm vụ gián điệp
nào thì không có gì cụ thể cả. Có trường hợp chỉ viết bài nhận định về
đặc điểm nước mình, dân tộc mình để rút ra kết
luận “
”
mà đã bị khởi tố tội phản quốc. Luật pháp nước mình “dắn” như vậy, nay
đối chiếu với trường hợp Bộ Công Thương có liên kết với kẻ thù hẳn hoi
(hiến pháp đã gọi là kẻ thù truyền kiếp), trong vụ xâm lăng lãnh thổ
hẳn hoi, đương nhiên là có thừa “yếu tố cấu thành tội phạm”.
Tôi cũng như nhiều bạn hữu, tuy không am tường sâu về luật, nhưng với
tư cách những công dân yêu nước có nhận thức về pháp luật, và theo rõi
những vụ án mà lâu nay đã được đem ra xét xử để đối chiếu, chúng tôi
phát biểu nhận thức của mình về vụ việc này, thấy có thể liên quan đến
một hay nhiều trong số các tội danh sau đây:
- Tội lợi dụng những quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước
…(điều 258). Có tự do dân chủ mới được ra trang Web để làm ăn kinh tế,
nhưng lại lợi dụng làm chính trị, liên kết với kẻ xâm lăng, giúp nó
chống chủ trương chính sách của chính phủ mình.
- Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN ( điều 88c) “làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCNVN”
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (điều 281) “…vì
vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm
trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội...”
- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (điều 81, khoàn 2) “…có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ”.
- Tội phản bội tổ quốc (điều 78, khoản 2) “…câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập,chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.
- Tội Internet ( Điều 11 Nghị định 28/2009/NĐ-CP
ngày 20/3/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử
trên Internet).
- Tội vu khống (Điều 122): Bộ Công Thương đã ra thông cáo vu khống
những người ký Kiến nghị dừng khai thác bauxite Tây Nguyên (để bảo vệ
môi trường và an ninh quốc gia), trong đó có rất nhiều trí thức đầu
ngành của đất nước, là “…kém
xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện (…),
thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng…”.
Tung những lời mạt sát tồi tệ mà không trưng ra được một chứng cứ xác
thực nào. Nhưng rất may, do phát hiện vụ ủng hộ Trung Quốc trên trang
Web này người ta mới hiểu tại sao Bộ Công Thương lại mạt sát những
người Việt Nam yêu nước một cách tận lực như thế.
- Tội gián điệp (điều 80, khoản 2): Nhà báo Huy Đức đã lo rằng Trung
Quốc đã dùng Bộ Công Thương Việt Nam và trang Web liên kết như con ngựa
thành Troy, mai phục phá từ trong phá ra: Chính trang Web của Việt Nam
lại tấn công vào Chính phủ Việt Nam, bằng tiếng Việt Nam!
*
Có thể có người bảo: Chuyện rất “bình thường” có gì đâu mà đặt vấn đề
nghiêm trọng? Đấy chính là chỗ yếu chí tử của xã hội ta, khiến cho ta
cứ tự rước vào bao nhiêu đại hoạ mà chẳng biết vì đâu, chẳng biết tại
ai, chẳng biết từ lúc nào?
Đó là tập quán bình thường hoá những điều bất thường. Lúc nào cũng “
như không có gì xảy ra hết”
(Chế Lan Viên). “Ưu điểm” tự trấn an, tự dối mình và dối nhau này rất
có lợi trước mắt nhưng nguy hiểm cho lâu dài. Sao ta không biết ngẫm
nghĩ câu chuyện ngụ ngôn về chuyện con sói đánh lừa cô bé thơ dại: Kẻ
thù êm ái đặt một chân vào coi là chuyện nhỏ, thế rồi hai chân vẫn chưa
phải chuyện to, đến cái chân thứ tư thì hối đã muộn rồi! Sự nhập nhằng
để tự dối mình và dối người khác làm cho những nguy cơ bị che mờ đi. Kẻ
thù trước sau cũng biết tâm lý đó mà “tương kế tựu kế” để phục kích,
gây ảo giác, bất thình lình giở mặt. Trận chiến biên giới 1979 và xương
máu Trường Sa năm 1988 đều là những bất ngờ tai hại.
Nếu còn biết thương giống nòi, tôi nghĩ chúng ta phải sửa cái tật ấy.
Chẳng ai thù ghét gì Bộ Công Thương. Nhưng cái lý nó phải như thế. Vì
thế, nếu chỉ nhìn vào hiện tượng cụ thể ta có thể coi đây cũng là
“chuyện nhỏ”, nhưng nó là điểm hội tụ của những bản chất tiềm ẩn, của
nguy cơ tiềm ẩn được ngộ nhận là ưu điểm, của những dây mơ dễ má, dứt
một dây có khi động cả một rừng, chữa một vết thương tại chỗ mà cứu một
cơ thể.
Trên đây mới là suy nghĩ của tôi và một vài bạn bè gần gũi, trong số một ngàn người đã ký tên vào bản
“Kiến nghị Bauxite”. Nhưng phải cần đến tiếng nói chuyên môn của các Luật sư mới mong có kết quả. Rất mong!
Cảm ơn Đại tướng
Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng
Nguyễn Trọng Vĩnh,
hai nhà quân sự đã có trọng trách trong việc giữ gìn bờ cõi, nay tiếng
nói của hai vị tướng đã mở mắt cho những ai còn coi đây là chuyện nhỏ.
Tiếng nói ngắn mạnh và dứt khoát của hai vị tướng khiến mọi người không
khỏi ưu tư rất nhiều về quân đội, cái linh hồn trong sứ mệnh thiêng
liêng giữ gìn bờ cõi.