Đào Hiếu
Trong xã hội Việt Nam hiện nay xảy ra mấy việc sau đây:
- Dân chê nhà nước độc tài, không có
nhân quyền, không có dân chủ, các chức vụ then chốt trong bộ máy nhà
nước đều do Đảng quyết định… Nhà nước trả lời bằng cách mớm ý cho ông
bí thư Đà Nẵng “đề nghị” cho dân bầu trực tiếp chủ tịch thành phố.
- Dân la làng rằng nhà nước là “tay sai
Trung Quốc”, là “bán nước cho Tàu”, là dâng các quần đảo Hoàng Sa
Trường Sa cho Chệt… Nhà nước bèn trả lời bằng cách bổ nhiệm một ông chủ
tịch huyện đảo Hoàng Sa với nhiệm kỳ 5 năm.
- Dân lại nói: Thái Lan nó biểu tình
tùm lum, quậy phá cơ quan nhà nước, chiếm sân bay, ách tắc giao thông,
ảnh hưởng buôn bán, du lịch, làm thiệt hại cho đất nước… còn Việt Nam
thì ổn định, bình yên mấy chục năm nay. Như thế có phải “ngon lành” hơn
là tự do dân chủ hay không?
- Có người hỏi: các anh muốn thay đổi
chế độ hiện nay ở Việt Nam hả? Lấy cái gì thay? Học thuyết của các anh
đâu? Người ta có chủ nghĩa Mác Lê-nin còn các anh có cái gì? Không có
học thuyết đừng hòng tập hợp quần chúng, đừng hòng lập một đảng chính
trị. Không có đảng chính trị thì ai cầm lái? Các anh sẽ dẫn dân tộc
theo con đường nào, đi đến đâu?
*
Toàn là những vấn đề hóc búa. Đố ai cãi được.
Vậy thôi đừng cãi. Chỉ xin hỏi chút xíu:
Chẳng hạn như:
- Ông bí thư Đà Nẵng “đề nghị” cho dân
bầu trực tiếp chủ tịch thành phố, vậy khi đắc cử xong, nhận áo mão cân
đai xong, thì ông ta làm được gì?
Ông chủ tịch này chức thì lớn nhưng
không phải đảng viên, vậy khi họp thành ủy chắc chắn ông không được
quyền tham dự, trong khi các quan chức dưới quyền ông (ví dụ như các
giám đốc Sở, các chủ tịch quận…) thì đều là thành ủy viên, họ đều được
mời họp, được phổ biến chủ trương đường lối, được nhận chỉ thị của
Đảng. Vậy thì họ nghe lời Đảng hay nghe lời ông chủ tịch thành phố ngoài Đảng?
Chỉ hỏi có một câu mà ông chủ tịch thành phố biến thành bù nhìn ngay.
Lại hỏi:
- Ông Đặng Công Ngữ hiện nay là chủ
tịch huyện đảo Hoàng Sa nhưng lại có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, vợ
con ở Đà Nẵng, ti-vi, tủ lạnh, xe pháo…đều ở Đà Nẵng và rất có thể ông
chưa bao giờ đặt chân lên đảo Hoàng Sa và cũng không dám bén mảng tới
gần hòn đảo ấy vì sợ Trung Quốc nó bắt nhốt.
Có thể ông cũng có một trụ sở UBND
huyện Hoàng Sa ngay tại Đà Nẵng và hàng ngày ông cũng đi làm, hàng
tháng vẫn lãnh lương, nhưng ông sẽ làm những việc gì? Ông có bao nhiêu
nhân viên? Ông có công an, bộ đội không? Có vũ khí không? Có thành lập
Mặt trận Giải phóng Hoàng Sa không? Bao giờ thì tiến hành kháng chiến?
Bao giờ thì giải phóng Hoàng Sa?
Còn phía Trung Quốc, khi hay tin Việt Nam bổ nhiệm chủ tịch Hoàng Sa thì nổi tam bành, ra công hàm phản đối kịch liệt.
Trời ạ! Hai ông nhà nước đóng kịch với nhau mà cứ y như thiệt!
*
Khác với Thái Lan, dưới chế độ ta, xã
hội Việt Nam ta ổn định, không biểu tình, không chiếm sân bay, không
ngồi lì giữa phố cản trở giao thông, không ngăn sông cấm chợ làm xáo
trộn sinh hoạt… O.K tốt quá, nhưng xin hỏi chút xíu:
- Xã hội ta ổn định ư? Sao nghe cựu Thủ
tướng Phan Văn Khải nói xã hội ta “trên bảo dưới không nghe”? Sao mỗi
sáng mở tờ báo ra thấy đâu đâu cũng tham nhũng. Mạnh ai nấy ăn. Cầu
đường ăn theo cầu đường, dầu khí ăn theo dầu khí, giáo dục ăn theo giáo
dục, y tế ăn theo y tế, bóng đá ăn theo bóng đá, nhà đất ăn theo nhà
đất.
Cả nước “chia động từ ĂN”: tôi ăn, anh ăn, he ăn, she ăn, chúng tôi ăn, các anh ăn, chúng nó ăn. Ăn từ thấp lên cao, ăn từ trên xuống dưới.
Ăn một cách hùng hồn, ăn một cách sỗ
sàng, ăn một cách thô bạo, ăn một cách lịch lãm, ăn một cách xấc xược,
ăn một cách lộ liễu, ăn một cách quy mô, ăn một cách nham nhở, ăn một
cách trí thức, ăn một cách hoành tráng, ăn một cách hiện đại…
Ăn nhấm nháp như chuột, ăn ngồm ngoàm như hổ báo, ăn lén lút như khỉ, ăn chụp giựt như kênh kênh quà quạ…
Tiền Việt cũng ăn, tiền đô cũng đớp,
lúa gạo, thịt cá, tôm xuất khẩu ăn đã đành, đến xi măng nó cũng ăn, sắt
thép đã đem xây cầu rồi, nó còn đập ra, gỡ ra mà ăn, thằng ở biển thì
ăn biển, thằng ở rừng thì ăn rừng, computer, cáp quang nó cũng ăn, điện
220 volt nó cũng nuốt, xe lửa, máy bay, tàu biển nó ăn tuốt hết…
Chúa ơi! Xã hội như vậy mà gọi là ổn định sao hở trời!
Đó là một xã hội vô chính phủ.
Đó là một xã hội “trên bảo dưới không nghe”.
Cụm từ đó ai cũng biết người ta dùng để chỉ cái gì rồi.
Nó không phải là một xã hội ổn định. Nó là cái “con kẹc” đã hết xíu oách.
*
Những xáo trộn vừa qua ở Thái Lan là
một hình thức đấu tranh chính trị rất phổ biến trong các nước dân chủ.
Nó có khả năng ngăn chặn độc tài, tham nhũng và bóc lột, góp phần giành
tự do, dân chủ cho nhân dân lao động.
Các cuộc biểu tình ấy có khi cũng bị
các đảng phái xôi thịt lợi dụng, nhưng nó thường là một thế lực mà bọn
tham nhũng, bọn tay sai ngoại bang phải dè chừng, phải chùn bước. Nó có
thể bùng phát rất dữ dội nhưng cũng giống như một cơn sốt, khi uống
đúng thuốc thì nó sẽ bình phục.
Còn cái xã hội gọi là “ổn định” của
Việt Nam hiện nay giống hệt một người đang nhiễm HIV. Nó có thể ủ bệnh
đến 10 năm. Bề ngoài trông rất bình thường nhưng… hết thuốc chữa!
Con HIV made in VN hiện nay đã tiêu diệt sức đề kháng của cả một dân tộc, của cả một thế hệ.
Đó không phải là điều rất đáng sợ sao?
*
Bây giờ nói tới chuyện “cần một học thuyết để đối trọng với học thuyết Mác-Lênin, để vạch đường đi cho dân tộc”.
Xin hỏi:
- Trong suốt hơn 3000 năm nay nhân loại
đã bị đủ thứ học thuyết gây nên bao cuộc chiến tranh làm cho thây chất
thành núi, máu chảy thành sông, làm cho nhà tan cửa nát, làm cho tử
biệt sinh ly, làm cho tàn phế, nghèo đói, khốn khổ khốn nạn trong hai
cuộc thế chiến, rồi nào là Hitler, Pôl Pốt, Mao Trạch Đông, Stalin… rồi
nào là “thánh chiến”, nào là “vệ quốc”…
Bộ quý vị chưa đủ tởn sao mà còn đòi
học thuyết? Cá nhân tôi, mỗi lần nghe “học thuyết” là nổi da gà, muốn
ói, muốn quỳ xuống mà lạy, xin đi chỗ khác chơi, xin tránh giùm cái dân
tộc này cho chúng con nhờ!
Ai nói gì nói, tôi vẫn “chịu” cụ Hồ khi
cụ tuyên bố tại Tours cuối năm 1920 đại khái: “Đệ tam hay đệ tứ cộng
sản? Không biết có ĐỆ NHỊ RƯỠI cộng sản không, nếu có thì tôi cũng
theo, miễn là giành được độc lập…”
Câu chế giễu ấy chứng tỏ cụ Hồ cũng coi các học thuyết là cái mớ giẻ rách.
Dân Việt Nam không cần học thuyết, hiện
nay chúng ta chỉ cần một lực lượng chính trị, một đảng chính trị gì gì
cũng được. Có thể là đảng Dưa Chuột, đảng Bí Đao hay đảng Sầu Riêng,
Chôm Chôm gì gì đó cũng được, thậm chí là một Đảng Cộng Sản thứ 2 cũng
được, miễn là cái đảng ấy phải có lãnh đạo độc lập với Đảng Cộng sản
đang nắm quyền hiện nay ở Việt Nam.
Để làm gì?
Không phải để dẫn dắt dân tộc theo một triết lý nào, học thuyết nào (vì đó là những thứ vớ vẩn) mà để làm những việc sau đây:
- Khi có bầu cử quốc hội thì Đảng đó phải có các đại biểu có thực quyền trong quốc hội.
- Khi nào chính quyền nói bậy, nói hiếp, nói càn thì Đảng đó biết phản bác, chỉ trích, tố cáo.
- Khi nào chính quyền thò tay ký kết các hiệp ước bán nước, bán biển,
bán tài nguyên, bán người lao động… cho ngoại bang thì Đảng đó cầm cái
búa mà đập vào tay nó cho nó khỏi ký bậy.
- Khi nào chính quyền há miệng ra “ăn” thì Đảng đó đưa tay ra giựt
lại, trả cho dân. Khi nào chính quyền thò tay “móc túi dân” thì Đảng đó
biết cầm cây roi mây quất vào tay nó cho nó chừa.
Hiện nay nhân dân chỉ cần có thế.
Nhưng ai sẽ đứng ra thành lập cái đảng
Dưa Chuột ấy? Tất nhiên phải có lãnh tụ, muốn có lãnh tụ phải có lực
lượng, muốn có lực lượng phải có phong trào quần chúng, từ các phong
trào ấy chúng ta mới phát hiện người tốt để xây dựng cơ sở cách mạng,
làm ngòi pháo, làm lực lượng xung kích. Đó là những điều mà Đảng Cộng
sản Việt Nam đã dạy cho tôi khi tôi hoạt động bí mật tại các đô thị
miền Nam.
Tiếc thay, chúng ta đang sống trong một
xã hội vô cảm. Tầng lớp thanh niên, sinh viên học sinh họ vô cảm vì nền
giáo dục nhồi sọ một chiều, vì chưa nếm trải đau thương mất mát trong
chiến tranh, vì tối ngày si mê điện thoại di động. Trí thức, công chức,
tư chức, văn nghệ sĩ phần lớn là ngậm miệng ăn thua chỉ vì miếng cơm
manh áo.
Hiện nay cũng có lác đác một số trí
thức trong nước dám dùng ngòi bút của mình để mong kích hoạt một sự
chuyển biến nào đó, như các giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn,
nhà văn La Thành, tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, nhà văn Phạm Đình Trọng,
nhạc sĩ Tô Hải, nhạc sĩ Tuấn Khanh… và nhóm của các anh ở Lâm Đồng, Đà
Lạt… nhưng họ cũng chỉ mới khẳng định được sự có mặt của mình chứ chưa
tập hợp thành một lực lượng.
Tình thế thật gian nan. Thú thực, tôi
vẫn hy vọng vào lực lượng trẻ có học, có tâm huyết trong Đảng Cộng sản
Việt Nam, trong các lực lượng công an, bộ đội. Tôi vẫn hy vọng họ sẽ
tách ra thành lập một Đảng Cộng sản thứ 2 độc lập với Đảng Cộng sản
hiện nay (theo những tiêu chí mà tôi đã nêu ở phần trên).
Đảng ấy có thể vẫn thờ Bác Hồ, vẫn thờ
cụ Mác, cụ Lê-nin… cũng chẳng sao, miễn nó có thực lực, nó đóng vai trò
người giám sát, vai trò người can ngăn, vai trò hạn chế tham nhũng, vai
trò đấu tranh cho các quyền cơ bản của người dân và quan trọng hơn,
Đảng ấy phải có tiếng nói trong những quyết sách mang tính chiến lược
quốc gia như vụ bauxite hiện nay.
Việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên là
một sai lầm nghiêm trọng, và càng nghiêm trọng gấp mười lần khi cho
người Trung Quốc vào khai thác.
Nếu có sự tham dự của nhân dân, của trí
thức thì đã không có những quyết định sai lầm như thế. Nhà nước đang
ngày càng sa lầy vào vụ bauxite và sẽ dẫn đến mất nước trong một tương
lai không xa.
Việt Nam đang lâm vào một thế bí chết
người mà chỉ có lòng yêu nước và sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn
dân mới cứu vãn nổi.
Đào Hiếu
Nguồn: Lề Bên Trái
|