Phạm Minh Ngọc
Từ khá lâu rồi, chính xác là từ những năm 60 của thế
kỉ trước các nhà khoa học đã nhận thấy hậu quả nghiêm trọng về chính
trị và kinh tế mà các nước giàu tài nguyên thiên nhiên có thể gặp. Họ
gọi đấy là “ căn bệnh Hà Lan ” (Dutch Disease) hay là “ lời nguyền rủa của tài nguyên ” (resource curse)
để mô tả quá trình suy sụp của ngành công nghiệp, hậu quả của những
khoản thu nhập to lớn bất thình lình đổ về từ việc xuất khẩu nguyên
liệu, nhiên liệu thô, tức là xuất khẩu những nguồn tài nguyên không thể
tái sinh được. Thomas L. Friedman viết : “ Tại những nước bị “ bệnh Hà Lan ” đồng
nội tệ tự nhiên tăng giá đột ngột vì nguồn ngoại tệ chảy vào từ việc
bán dầu hoả, vàng, khí đốt, kim cương hay các nguồn nguyên liệu khác.
Kết quả là : hàng công nghiệp xuất khẩu không còn khả năng cạnh tranh
còn hàng nhập khẩu thì xuống giá trông thấy. Người dân rủng rỉnh tiền
trong túi, bắt đầu đổ xô đi mua hàng nhập khẩu, nền công nghiệp trong
nước chết yếu - đấy chính là quá trình suy sụp của nền công nghiệp.
Thuật ngữ “ lời nguyền rủa của tài nguyên ” cũng
ám chỉ quá trình này, cũng nói về sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên
thiên nhiên có ảnh hưởng đến đời sống chính trị của đất nước, ảnh hưởng
đến những ưu tiên về đầu tư và ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục. Vấn đề
lúc đó sẽ là : ai có quyền vặn “ van dầu ” và
ai được chia bao nhiêu phần của cái bánh chứ không phải là làm thế nào
bảo đảm được khả năng cạnh tranh hữu hiệu, sáng kiến và sản xuất ra
hàng hoá thực cho nhu cầu tiêu dùng thực nữa ”.
Hơn thế nữa, Michael L. Ross, nhà chính trị học của
đại học California (Los Angeles), sau khi nghiên cứu số liệu thống kê
của 113 nước trong giai đoạn từ 1971 đến 1997, đã rút ra kết luận : “ Nói
chung, quá chú ý đến việc xuất khẩu dầu mỏ và các khoáng sản khác là
một trở ngại đối với tiến trình dân chủ hoá đất nước nhưng việc xuất
khẩu các hàng hoá khác lại không có hiệu ứng như thế; hiện tượng này
được tìm thấy không chỉ ở bán đảo Arab, Trung Đông và phía Nam sa mạc
Sahara mà còn xảy ra ở cả các nước nhỏ nữa ”.
Đấy chính là quy luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ do Thomas L. Friedman nêu ra : “ Mức
độ tự do của các quốc gia dầu mỏ tỉ lệ nghịch với giá dầu. Theo quy
luật thứ nhất của nền chính trị dựa trên dầu mỏ thì giá dầu trung bình
thế giới càng cao, tự do ngôn luận, tự do báo chí, các thiết chế về bầu
cử tự do và trung thực, tinh thần thượng tôn pháp luật, sự độc lập của
toà án và các đảng phái chính trị càng mờ nhạt ”.
Nhưng thế chưa phải là hết, bằng vào kinh nghiệm của nước Nga, Yury Afanasiev, nhà sử học lỗi lạc, người sáng lập Trường đại học nhân văn quốc gia Nga, còn viết : “ Một
khi nhà nước tập trung chú ý vào nguyên liệu thô chứ không phải vào sản
phẩm thì nó cũng không cần đến dân chúng nữa. Nếu đất nước có ‘đường ống dẫn’ và ‘vàng đen’ thì
dân chúng trở thành gánh nặng và mối đe doạ tiềm tàng. Chế độ cho rằng
lúc nào nó cũng có thể mua chuộc được dân chúng. Nó không có nhu cầu
thiết lập mối quan hệ với dân chúng thông qua các định chế thông thường
của một xã hội dân chủ phát triển cao ”.
Tức là, khác hẳn với những nước biết mình nghèo,
biết mình không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, muốn phát triển thì
phải khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Ở những nước đó, nước
muốn mạnh thì dân phải giàu. Còn chính phủ của các nước giàu tài nguyên
thiên nhiên thì không cần như thế, chỉ cần bán tài nguyên thiên nhiên
là họ có đủ tiền để bảo đảm nuôi sống bộ máy quan liêu của mình và tiếp
tục giữ mãi nhân dân trong cảnh sống phi dân chủ, nhẫn nhục và tăm tối.
Đấy chính là lời nguyền rủa cay độc nhất của tài nguyên thiên nhiên.
Chẳng cần phải là người thông thái cũng có thể nhận ra chuyện đó. Chỉ
cần nhìn vào những nước như Nam Hàn, Singapore, Đài Loan, một bên và
bên kia là những nước kia như Iran, Iraq thì sẽ rõ.
Đấy là những câu chuyện ở xa và đã có từ lâu. Còn
đây là câu chuyện gần và mới, ông Thứ trưởng Lê Dương Quang, trong một
buổi trả lời phỏng vấn đối với phóng viên của Cổng Chính phủ online,
ông cho rằng chúng ta (Việt Nam) phải tìm mọi cách khai thác hết tiềm
năng bauxite ở Tây Nguyên. Ngoài ra, trong khi tiếp xúc với cử tri quận
Lê Chân, thành phố Hải Phòng (09/05/2009), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
khẳng định : “ Tài nguyên nước ta hạn hẹp trong khi trữ lượng bauxite lớn thứ ba thế giới, riêng ở Tây Nguyên trên 5 tỷ tấn ” và sẽ “ đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bauxite trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước
”. Lời của ông Thứ trưởng và tái khẳng định của ông Thủ tướng, cũng là
lời của một người sang, tức là lời ‘có gang có thép’, nhất định phải
trở thành hiện thực. Và như thế, “ căn bệnh Hà Lan ” hay “ lời nguyền rủa của tài nguyên ” có lẽ sẽ trở thành sự thật nhãn tiền trên đất nước này.
Nhưng lần này “ lời nguyền
” còn cay độc hơn bội phần, bởi vì khai thác dầu khí hay vàng không tạo
ra hàng triệu tấn bùn đỏ nguy hại, không tạo ra nguy cơ ô nhiễm những
nguồn nước cung cấp cho hàng triệu người dân sống phía dưới hạ lưu,
không đe doạ huỷ diệt môi trường văn hoá và môi trường sống của hàng
triệu cư dân bản địa. Và nhất là không diễn ra ở những vùng chiến lược
xung yếu của quốc gia… Thiết nghĩ kể thêm nữa cũng bằng thừa, các nhà
khoa học cùng với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá và quân
sự đã nói quá đủ rồi.
La Thành đã viết rất đúng rằng : “ Bauxite
Tây Nguyên hoàn toàn có thể là điểm khởi đầu cho một sự tan rã, không
chỉ ở mức thể chế chính trị mà ở tầm quốc gia - dân tộc ”. Chỉ
xin được bổ sung thêm : Nếu hồn thiêng sông núi cùng với thể phách của
các bậc tiền nhân và những lời can gián trung thực, đầy khí phách và
kiến thức của những người đang sống không buộc được những kẻ tham lam
và ngu xuẩn phải ngừng ngay dự định bán tống bán tháo tài nguyên quốc
gia, không bảo vệ được vùng Tây Nguyên xanh, một trong những tài sản
quý giá nhất mà cha ông đã để lại cho chúng ta thì quá trình Somali-hoá
cái đất nước có hình chữ S tươi đẹp này là việc hoàn toàn có thể xảy
ra. Đấy chính là lời nguyền rủa tối hậu đối với tất cả chúng ta. Vì đấy
là “ lời nguyền rủa mang tên Tây Nguyên ”.
Thoáng nhớ lại đâu đó câu thành ngữ “ Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt ” !
|