Một thực tế không thể phủ
nhận, cái tên Hồ Chí Minh đang gây ra hai luồng xúc cảm lớn trái ngược nhau
trong nhân dân Việt Nam. Một bên căm thù, khinh bỉ và bên kia biết ơn, ngưỡng
mộ. Mỗi luồng xúc cảm đều có những lý do riêng, đôi khi khó bác bỏ. Nhưng sẽ vô
ý nghĩa nếu nhìn nhận Hồ Chí Minh ở cương vị của một con người bình thường. Cho
dù chế độ chính trị do Hồ Chí Minh dựng lên tại Việt Nam có chính đáng hay
không, Hồ Chí Minh cũng đã nhận trọn trách nhiệm của một lãnh tụ quốc gia kể cả
ở phương diện thực tế (de facto) hay pháp lý (de jury).
Do đó để đánh giá Hồ Chí
Minh, trước tiên và trước hết, cần phải xét xem con người này đã mang lại được
điều gì cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền (state by rule of law)- mô
hình nhà nước, cho đến nay, kể cả những tên độc tài khét tiếng hay những chế độ
dân chủ giả mạo cũng không thể bác bỏ tính ưu việt, tiến bộ của nó đối với loài
người.
Trong suốt 24 năm giữ cương
vị đứng đầu một nhà nước, từ năm 1945 tới khi chết vào năm 1969, nhà nước do Hồ
Chí Minh đứng đầu đã hoàn toàn coi thường những nguyên tắc tối thiểu của một nhà
nước pháp quyền sơ khai là “Luật pháp là tối thượng” (Rule of Law) và “Tư pháp
phải độc lập” (Judiciary must be independent). Tất cả các tòa án và các phán
quyết về tội trạng cho người dân trong 24 năm đó chỉ hoàn toàn là ý chí của kẻ
cầm quyền (dưới cái tên là Đảng ta). Điển hình nhất cho sự tùy tiện, độc đoán và
sự tùy tiện, độc đoán ngày càng tăng dần trong việc phán xét tội trạng của người
dân là cuộc Cải cách ruộng đất 1954 và các vụ án Nhân văn Giai phẩm, Xét lại
chống Đảng kéo dài từ cuối những năm 1950 cho tới đầu năm 1970 – bỏ tù và trừng
phạt kể cả những thân hữu của chế độ không cần tòa án, dù chỉ là hình thức. Có
thể Hồ Chí Minh không nắm được những tư tưởng của các nhà Khai Sáng như John
Lock, Montesquieu, J.J Rousseau, nhưng Hồ Chí Minh không thể quên được cú thoát
thân ngoạn mục vào năm 1932 là nhờ có sự độc lập của hệ thống tư pháp tại Hong
Kong.
Những quyền con người cơ bản
(như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí hay tự do hội họp,…) đã trở thành
những giá trị có tính phổ quát toàn cầu ngay từ năm 1948 và là đặc điểm không
thể tách rời của một nhà nước pháp quyền hiện đại, đã bị suy thoái và dần triệt
tiêu hoàn toàn trong 24 năm cầm quyền của Hồ Chí Minh. Sau năm 1954, trên miền
Bắc Việt Nam, những từ như “báo tư nhân”, “nhà xuất bản tư nhân”, “hội tư nhân”
là những từ ngữ có thể mang đến lưu đày cho người phát ngôn ra chúng. Có thể Hồ
Chí Minh không nắm được tinh thần tôn vinh tự do cá nhân của Tuyên ngôn Độc lập
Hoa Kỳ, hay Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, hoặc chưa từng đọc
Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền 1948 của Liên Hợp Quốc, nhưng Hồ Chí Minh là
người đã luôn tự hào với việc đã ra được báo “Người cùng khổ” (le Paria) và đã
đứng lên tố cáo công khai chế độ thực dân Pháp ngay trên lãnh thổ của mẫu quốc
Pháp.
Nếu không xét đến những học
thuyết kinh điển về nhà nước pháp quyền. Với cương vị vua chúa, Hồ Chí Minh cũng
đã không có được bản lĩnh như các vua chúa trước đó khi phải đối mặt với các áp
lực, mua chuộc của chính quyền phương Bắc. Việc phải chấp nhận chỉ đạo “đấu
tranh giai cấp” (thực chất là giết những người hữu sản) của các cố vấn Trung
Quốc trong Cải cách ruộng đất và chấp thuận Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
năm 1958 công nhận hải phận của Trung Quốc bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa là
những chứng cứ không thể phủ nhận.
Sẽ là bất công nếu đòi hỏi
một điều quá khả năng của một con người. Nhưng dân chúng, cộng đồng có quyền đòi
hỏi, qui trách nhiệm một cá nhân khi người đó nắm một vị trí gây ảnh hưởng đến
cả cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Tài năng
của một lãnh tụ quốc gia không nằm ở chỗ khả năng dựng lên một chế độ mà là đã
dựng lên một chế độ như thế nào? Đã để lại những di sản, tập quán gì cho tương
lai? Adolf Hitler đã dựng lên và đứng đầu một chế độ hùng mạnh, với sự ủng hộ
gần như tuyệt đối của dân chúng, nhưng những gì mà nó để lại là vô cùng tai hại
và không thể so sánh với những gì để lại của một con người yếu đuối về thể lực
và kém cỏi về quyền lực như Jean Jacques Rousseau.
Những vấn nạn, bất công mà
nhân dân Việt Nam đang phải chịu đựng hiện nay từ những việc bé về hình thức như
nạn phóng uế, hối lộ tràn lan trên đường phố hay thói đạo đức giả trong giới
công chức cho đến những việc lớn về không gian như ô nhiễm các dòng sông,
Bauxite trên Tây Nguyên hay việc Trung Quốc vừa đoạt chủ quyền quốc gia Việt Nam
trên website của Bộ Công Thương, nếu nhìn kỹ, đều thấy thấp thoáng phía sau hình
ảnh của một nhân vật có tên Hồ Chí Minh.
Đối Thoại
|