PHÚC TRÌNH VỀ VỤ ÁN LINH MỤC NGUYỄN VĂN LÝ
VÀ VỤ ÁN CÁC LUẬT SƯ NGUYỄN VĂN ĐÀI VÀ LÊ THỊ
CÔNG NHÂN
Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG
Trong 30 năm, từ 1977
đến nay, Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị bắt giữ và giam cầm tất cả 4 lần:
- Năm 1977 Cha bị
chính quyền bắt giữ 4 tháng “vì có những hành vi tuyên truyền chống chế độ xã
hội chủ nghĩa”.
- Từ 1983 đến 1992
Cha bị Tòa Thừa Thiên kết án và giam giữ 10 năm về tội “phá hoại chính sách đoàn
kết quốc gia”.
- Ngày 19-10-2001,
hơn 1 tháng sau vụ Đại Khủng Bố 11 Tháng 9, Đảng Cộng Sản Việt Nam lợi dụng thời
cơ leo thang khủng bố và đã xử phạt Cha 15 năm tù về 2 tội “phá hoại chính sách
đoàn kết quốc gia” và “vi phạm quyết định quản chế hành chánh”.
-
Và ngày (30-03-2007), Cha lại bị kết án 8 năm tù về tội “Tuyên Truyền
chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
6 tuần sau, ngày
11-05-2007 các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân đã bị kết án..... năm
tù cũng về tội này.
Đây là những vụ đại hình
nghiêm trọng về xâm phạm an ninh quốc gia mà hình phạt có thể đến 12 hay 20 năm
tù. Vậy mà các bị cáo chỉ có một thời gian quá ngắn, (từ 5 tuần đến 10 tuần) để
chuẩn bị sự biện hộ. Trong vụ Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân, bảng cáo trạng
được thông tri cho các bị cáo ngày 3-5-2007. Và 8 ngày sau, ngày 11-5-2007 tòa
bắt đầu xét xử. Đây là một sự tước đoạt trắng trợn quyền bào chữa của các bị cáo
được có đủ thời gian và phương tiện liên lạc với luật sư để chuẩn bị sự biện hộ.
Lịch sử tư pháp Việt Nam
cho biết, trong những vụ án chính trị, tòa án thường tuyên những bản án tiền
chế theo chỉ thị của Đảng Cộng Sản.
Kể từ thập niên 1990,
trong 6 bản án chính trị: 1) bản án ngày 29-11-1991 phạt Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
20 năm tù về tội phản nghịch hay âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân; 2) bản án
ngày 19-10-2001 phạt Linh Mục Nguyễn Văn Lý 15 năm tù về các tội phá hoại chính
sách đoàn kết quốc gia và vi phạm quyết định quản chế hành chánh; 3) bản án ngày
08-11-2002 phạt Luật Gia Lê Chí Quang 4 năm tù về tội tuyên truyền chống
nhà nước; 4) bản án ngày 20-12-2002 phạt cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn 12 năm
tù về tội gián điệp; 5) bản án ngày 30-03-2007 phạt cha Lý
8 năm tù về tội tuyên truyền chống nhà nước, và 6)
bản án ngày 11-05-2007 phạt hai Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
........ năm tù cũng về tội này, có điểm tương đồng là tất cả 6 vụ án đều đã
được xét xử vắn tắt trong mấy tiếng đồng hồ vào ngày thứ sáu cuối tuần. Mục
đích để làm giảm thiểu phản ứng bất lợi của giới truyền thông, và làm nhạt chú
tâm của quần chúng trong những ngày cuối tuần.
Tuyên truyền chống chế độ hay tuyên truyền chống
nhà nước không cấu thành tội hình sự .
Vì tuyên truyền chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng và tự do phát biểu quan
điểm. Cùng với quyền tự do lập hội và lập đảng, những quyền này đã được bảo vệ
bởi các Điều 19 và 22 Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị, và
bởi Điều 69 Hiến Pháp Việt Nam. Do đó các bản án phạt Cha Lý và hai Luật Sư chỉ
vì có những hành vi tuyên truyền chống nhà nước và thành lập các chính đảng đối
lập đã hiển nhiên vi phạm hiến pháp quốc gia và công ước quốc tế.
Về tội tuyên truyền chống chế độ, giữa thế
kỷ 19, khi Các Mác công bố bản Tuyên Ngôn Cộng Sản kêu gọi vô sản toàn thế giới
đứng lên dùng võ trang lật đổ chế độ tư bản, ông ta cũng không bị Tòa Án Luân
Đôn truy tố về tội tuyên truyền chống chế độ tư bản chủ nghĩa.
Sau cuộc Cách Mạng Dân Chủ 1989 tại Đông Âu, nhân
loại văn minh đã vứt vào thùng rác lịch sử chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa.
Cũng vì vậy Đảng CS Việt Nam đã giảo hoạt thay đổi tội danh, từ tuyên truyền
chống chế độ (Điều 82 cũ) thành tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88
mới).
Tuyên tuyền chống chế
độ và tuyên truyền chống nhà nước là những tội danh giả tạo không tìm thấy trong
các bộ hình luật của các quốc gia văn minh trên thế giới.
Chiếu Điều 15 Công Ước Quốc Tế
về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị “không ai có thể bị kết án về một tội hình sự
do những điều mình đã làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu
luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế là những nguyên tắc
luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia” (cụ thể là những
nguyên tắc và mục tiêu ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế
Nhân Quyền và các Công Ước Quốc Tế do Liên Hiệp Quốc ban hành).
Theo bản cáo trạng, các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
bị truy tố về tội tuyên truyền chống Nhà Nước chiếu Điều 88 Khoản 1 Điểm (a) và
(c) Hình Luật. Các Luật Sư bị trách cứ đã có những hành vi phỉ báng chính quyền
và chống Nhà Nước bằng tuyên truyền xuyên tạc, tàng trữ và phát hành các tài
liệu có nội dung chống Nhà Nước.
Điều 88 Khoản 1 Điểm (b) còn kết án
tội “dùng chiến tranh tâm lý để tuyên truyền gây hoang mang trong nhân dân”.
Đây là một tội lỗi thời, tàn tích của thời chiến tranh lạnh. Người Cộng Sản
thường lầm lẫn luật pháp với chính trị. Họ đã sáng chế ra những tội trạng giả
tạo phi- pháp- lý như phản động, phản cách mạng, địa chủ, cường hào ác bá, xét
lại chống đảng, biệt kích văn nghệ v...v... Đối với họ, chính trị là thống soái
và luật pháp là công cu. Bộ Luật Hình Sự 1985 cũng xác nhận điều đó: “Trong hệ
thống pháp luật của nước Cộng Hòa XHCNVN, luật hình sự là một công cụ sắc bén
của Nhà Nước chuyên chính vô sản để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, đấu
tranh góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”.
Trong chiều hướng đó Quốc Hội Cộng
Sản đã ban hành những đạo luật hình sự quy định những tội trạng bịa đặt giả tạo
và cưỡng ép lố bịch với những yếu tố cấu thành tội trạng hết sức bao quát và mơ
hồ, như các tội tuyên truyền chống chế độ, tuyên truyền chống nhà nước, lợi
dụng quyền tự do dân chủ, phá hoại chính sách đoàn kết quốc gia, phá hoại chính
sách đoàn kết quốc tế, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền (phản nghịch
) v...v....
Việt Nam đã ký kết tham gia Công Ước Quốc Tế về
Những Quyền Dân Sự và Chính Trị năm 1982, nên có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng
và thực thi những điều khoản ghi trong Công Ước này. Chiếu Điều 2 Công Ước,
các quốc gia hội viên tham gia Công Ước này cam kết sẽ tôn trọng và bảo đảm thực
thi những quyền tự do cơ bản đã được thừa nhận trong Công Ước cho tất cả mọi
người sống trong lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp những quyền tự do ghi trong
Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp và hiến pháp quốc gia,
các quốc gia hội viên ký kết hay tham gia Công Ước có nghĩa vụ phải ban hành các
đạo luật bổ túc theo tinh thần và bản văn các điều khoản nhân quyền của Công Ước
để các quyền này được thực sự thi hành. Trong trường hợp các quốc gia hội
viên kết ước không quy định thành văn những quyền này trong luật pháp hay hiến
pháp thì những điều khoản về nhân quyền và về những quyền tự do cơ bản của người
dân ghi trong Công Ước vẫn có hiệu lực chấp hành và phải được áp dụng trước các
tòa án quốc gia và quốc tế.
Hơn nữa, chiếu Điều 5 Công Ước Dân Sự Chính
Trị, các quốc gia hội viên kết ước không được giải thích xuyên tạc
các điều khoản trong luật pháp quốc gia và công ước quốc tế để làm những hành vi
nhằm phủ nhận và tước đoạt của người dân những quyền tự do cơ bản đã được thừa
nhận trên toàn cầu.
Tuyên truyền không phải là một tội hình sự, dù là
tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước. Đây chỉ là việc
hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, quyền đối kháng, quyền tham gia
chính quyền và quyền thay thế chính quyền bằng tự do tuyển cử chiếu nguyên tắc
Dân Tộc Tự Quyết.
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền minh thị thừa nhận
quyền đối kháng trong Phần Mở Đầu: “Điều cốt yếu là nhân quyền phải được một
chế độ dân chủ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng phải đứng
lên đối kháng chống áp bức và bạo quyền”.
Vì con người không phải là á thánh nên xã hội cần
phải có chính quyền. Và vì nhà cầm quyền cũng không phải là á thánh nên luật
pháp phải dành cho người dân quyền kiểm soát, đối kháng, chế tài và thay thế
chính quyền. Nếu không có tự do tư tưởng, tự do thông tin, tự do phát biểu, phê
bình và chỉ trích thì không thể có dân chủ. Nếu người dân không được quyền tự do
tuyển cử để tham gia chính quyền và thay thế chính quyền thì đảng cầm quyền sẽ
hủ hóa thành độc tài, tham nhũng, bất công hay bất lực.
Như vậy, tuyên truyền lên án nhà nước độc tài
tham nhũng, bất công hay bất lực là những hành vi chính trị cần thiết trong một
chế độ dân chủ pháp trị. Nó không cấu thành tội hình sự như phỉ báng chính quyền
hay chống đối nhà nước. Tại các quốc gia dân chủ, tòa án độc lập không kết án
những hành vi tuyên truyền cho chủ thuyết cộng sản. Tòa cho đó chỉ là việc hành
sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu để cổ võ một lý thuyết chủ nghĩa về mặt
trừu tượng (abstract doctrine). Chỉ khi nào có sự tổ chức lật đổ chính quyền
bằng tập hợp võ trang, và thực sự có việc khởi sự hành động võ trang gây nguy
hiểm rõ rệt và trước mắt cho an ninh quốc gia, thì đương sự mới bị truy tố
ra tòa, không phải về tội giả tạo tuyên truyền chống nhà nước, mà về tội phản
nghịch.
Theo luật pháp phổ thông, người dân có quyền
truyền bá các kiến thức nhân quyền cho quảng đại quần chúng. Đồng thời Nhà
Nước có trách nhiệm tiên khởi và có nghĩa vụ phải bảo vệ, đề xướng và thực thi
nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người trong nước được thực
sự hưởng dụng những quyền tự do này. Đó cũng là mục tiêu truyền bá nhân quyền và
loại trừ hữu hiệu các vi phạm nhân quyền do Liên Hiệp Quốc chủ trương.
Do đó, tổ chức các khóa học tập và thảo luận về
những vấn đề nhân quyền cho các sinh viên (ở đây là các sinh viên Trường Cao
Đẳng về Truyền Thông, Phát Thanh và Truyền Hình), cũng như cho các cộng tác viên
(ở đây là các nhân viên Văn Phòng Luật Sư), không cấu thành tội tuyên truyền
chống nhà nước.
Tại các quốc gia dân chủ lấy Luật Quốc Tế Nhân
Quyền làm kim chỉ nam, tòa án không truy tố người dân về những tội tuyên truyền
chính trị, dầu là tuyên truyền chống chính phủ, chống chế độ hay chống nhà nước.
Vì những lý do nêu
trên, nếu Vụ Án Linh Mục Nguyễn Văn Lý và Vụ Án các Luật Sư Nguyễn Văn Đài và Lê
Thị Công Nhân được đưa ra trước Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì Khối Công
Tác về Giam Giữ Độc Đoán sẽ thụ lý. Và khi cuộc điều tra kết thúc, Liên Hiệp
Quốc sẽ tuyên Nghị Quyết lên án sự bắt giữ và giam cầm 3 tù nhân lương tâm nói
trên là độc đoán.
Luật Sư NGUYỄN HỮU
THỐNG
Trong ỦY BAN LUẬT GIA BẢO VỆ DÂN QUYỀN
(Tháng 5-2007)
|