Lê Minh
Bộ máy hành chánh của một quốc gia sống được là nhờ vào đồng tiền đóng thuế
của người dân. Tùy theo từng quốc gia, có những mức thuế cao thấp khác nhau với
nguyên tắc thu nhập càng cao thì đóng càng nhiều. Nhưng nói chung thì người dân
chỉ phải đóng thuế, ngoài ra không phải đóng những khoản linh tinh khác. Thế
nhưng, ở Việt Nam từ bấy lâu nay đã có “loạn thu phí”, chính quyền các cấp thu
loạn cào cào, khiến người nông dân cũng như người dân thành thị khốn đốn. Tại
các trường học không những cũng có loạn thu phí mà còn có thêm thu ... quỹ ào
ào, với những khoản thu vu vơ, phi lý mà cả giáo viên và học sinh đều phải gánh
chịu.
Loạn thu phí & quỹ ở trường học
Bây giờ đã là tháng 5, là tháng cuối cùng của niên học, mọi chuyện thu phí,
ký quỹ,.. gần như tạm lắng đọng sau 9 tháng loạn thu. Nhưng sự lo lắng tiếp tục
trở lại khi vài tháng nữa đây học sinh phải trở lại trường. Đúng vậy, hễ cứ vào
mỗi đầu năm học là các bậc phụ huynh lại một phen đau đầu với nhiều khoản thu,
đặc biệt là những khoản thu “tự nguyện”.
Lấy ví dụ tại một trường ở Sài Gòn, ngay trước ngày nhập học năm học vừa rồi
phụ huynh đã phải đóng sơ sơ một khoản tiền 1,25 triệu đồng chỉ cho 3 loại quỹ:
Quỹ trang bị, quỹ lớp va quỹ hội phụ huynh.
Một phụ huynh ở Quảng Ninh đã kể lại trên VietNamNet rằng chị có một đứa con
5 tuổi học mẫu giáo, mà ngay ngày đầu năm đã phải đóng hơn 1 triệu đồng cho các
loại phí không rõ ràng như: Tiền xã hội hóa công tác giáo dục (mà giáo viên
giải thích là tiền xây nhà vệ sinh, trong khi đã đóng tiền xây dựng trường);
tiền học môn năng khiếu, tiền mua sách vở, đồ chơi; tiền mua chăn, gối; tiền
học phí; tiền phụ phí, tiền quỹ trường, quỹ lớp, tổ chức họp phụ huynh ..., đó
là chưa kể các khoản “thông thường” phải đóng như tiền đồng phục, học phí, sách
giáo khoa. Ngoài những khoản có thể kể tên vanh vách, còn có những khoản vì lý
do tế nhị nên khó lòng nêu ra hết được vì đó là những khoản đóng góp ... “tự
nguyện”.
Vẫn biết nhiều khoản tiền phi lý nhưng phụ huynh vẫn phải đóng vì sợ con em
mình bị nhà trường trù dập, kỳ thị.
Một tỉnh nghèo như Thanh Hóa mà cũng không là ngoại lệ, vì theo lời kể của
phụ huynh một học sinh lớp 4 thì ngay ngày tựu trường của niên học năm nay cặp
vợ chồng này đã phải đóng góp các khoản sau:
1. Tiền xây dựng trường: $300,000 đồng
2. Tiền hội phụ huynh nhà trường: $50,000 đồng
3. Tiền chi hội phụ huynh lớp (!): $40,000 đồng
4. Tiền bán trú: $40,000 đồng/tháng
5. Tiền ăn: $300,000 đồng/tháng
6. Tiền điện, nước: $8,000 đồng/tháng x 9 tháng.
7. Tiền vệ sinh: $18,000 đồng/năm
8. Tiền sử dụng thiết bị tin học(?): $15,000 đồng/năm
Thử hỏi, với những số tiền phải đóng góp như vậy, thì một cặp vợ chồng công
chức làm sao kham nổi chuyện học hành cho 2 đứa con, chưa nói chi đến nông dân
hoặc những người có thu nhập thấp.
|