BẢN TIN
LIÊN HỘI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM Ở THỤY SĨ VĂN BÚT QUỐC TẾ ĐÃ ĐÓNG GÓP GÌ CHO CUỘC KHẢO SÁT NHÂN QUYỀN VIỆT NAM?
Nhận xét tổng quát
Cuộc Khảo Sát Nhân Quyền Việt Nam không chỉ khởi sự, diễn ra và kết thúc trong ngày thứ sáu
8 tháng 5 năm 2009. Đại diện cho các tổ chức Phi Chính Phủ ONG/NGO (Văn Bút
Quốc Tế, Ân Xá Quốc Tế, Đài Quan Sát Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới,
Diễn Đàn Nhân Quyền, v.v.) còn tham dự đến phút chót phiên họp ngày thứ ba 12
tháng 5. Để có trong tay bản Phúc trình của Nhóm Công Tác Khảo Sát Định Kỳ Toàn
Cầu. Tài liệu dày 30 trang với hơn 13 ngàn chữ (trung bình giới hạn 9630 chữ)
đủ nói lên sự kiện thế giới chú ý đến tính cách nghiêm trọng của vấn đề Nhân
Quyền ở Việt Nam đến mức nào. Phúc trình chỉ có ấn bản tiếng Anh . Đại sứ Nigeria, ông Martin Ihoeghian Uhomoibhi, chủ tịch Hội Đồng Nhân
Quyền, cáo lỗi vì lý do tài chánh, không thể dịch ra 5 thứ tiếng chính thức của
Liên Hiệp Quốc. Đại diện Thụy Sĩ, Pháp, Djibouti, Argentine và Cuba lần lượt
phản đối và yêu cầu xem xét lại vấn đề để tránh một tiền lệ. Phúc trình sẽ được
đưa ra biểu quyết chung thẩm tại một phiên họp khoáng đại của Hội Đồng Nhân
Quyền trong Khóa họp thứ 12 vào tháng 9 tới đây. Lúc đó, các tổ chức Phi Chính
Phủ sẽ có quyền phát biểu như các đại biểu quốc gia. Chúng tôi sẽ trở lại với
bản Phúc trình của Nhóm Công Tác Khảo Sát Định Kỳ Toàn Cầu, nhứt là để kiểm
điểm Khuyến Cáo của hơn hai mươi nước mà CHXHCNVN từ chối thi hành. Sau ngày 8
tháng 5, chúng tôi vẫn còn tiếp xúc, trao đổi thông tin và dự kiến về hành động
cần phối hợp với nhiều phái đoàn các nước dân chủ và giữa các tổ chức Phi Chính
Phủ.
Thật vậy, Nhân Quyền Việt Nam luôn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu và
thường trực đối với các tổ chức quốc tế bênh vực Nhân Quyền. Nhứt là từ khi
toàn thể nước Việt Nam bị áp đặt bằng bạo lực dưới chế độ CHXHCNVN (thay thế tên
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) và bị thống trị bởi đảng Cộng sản Việt Nam (thay thế tên đảng Lao động Việt Nam).
Đây là lần đầu tiên mà đại diện
CHXHCNVN bị buộc phải ra trước Diễn đàn Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc không chỉ để
báo cáo thành tích. Như “giảm nghèo đói’’, “thăng tiến vị thế phụ nữ’’, số
lượng lớn lao về “báo chí truyền thông, liên mạng’’ và các “tổ chức nghiệp
đoàn’’, các “sinh hoạt tôn giáo’’...khác nào trăm hoa đua nở, “người dân được
bảo vệ về công lý và các quyền Tự Do’’... Nhưng lần đầu tiên cũng biết thú nhận
một ít sai lầm khiếm khuyết. Rồi khéo léo tự bào chữa ngay (như đổ tội cho cấp
thừa hành thiếu hiểu biết, chưa được huấn luyện, chưa đạt trình độ để thi hành
đúng hoặc luật pháp chưa hoàn chỉnh,v.v). Lần đầu tiên biết ghi chép những sự phê
bình, chỉ trích hoặc khuyến cáo của nhiều nước khác. Rồi biết ứng đáp với những
công thức, ngôn từ, luận điệu trở thành điệp khúc sáo ngữ sau “20 năm đổi
mới’’. Trả lời, phủ nhận hoặc tránh né, đưa ra nhiều hứa hẹn, cam kết cải
tiến...Cuối cùng, cũng có lý do để “hãnh diện’’ vì được một số nước “đồng hội
đồng thuyền’’ không ngần ngại tán dương. Hoặc phê phán nhẹ nhàng bằng sự khuyến
khích cố gắng hơn nữa.
Nền tảng của cơ chế Khảo Sát
Định Kỳ Toàn Cầu
Cuộc Khảo Sát Nhân Quyền Việt Nam đặt cơ sở trên ba tài liệu chính yếu
1) Bản
Phúc trình của CHXHCNVN (National Report) về những “thành tựu” ở nhiều
lãnh vực Nhân Quyền. Đặc biệt nhấn mạnh rằng “nhân quyền dính liền với độc
lập và chủ quyền quốc gia’’; hoặc là “phải duy trì sự ổn định chính
trị’’ và đưa ra một bài học dành cho một số nước nghèo đói, chưa phát triển
(vì nạn độc tài và tham nhũng?): “phải làm cho các cá nhân (quần chúng?)
biết “nhạy cảm về quyền làm người’’ (?) “để giúp họ biết hành sử tốt
hơn những quyền đó’” (!).
2) Bản Phúc trình do Cao
Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách Nhân Quyền (Compilation of UN Information), sưu tập
các thông tin từ những Báo cáo của các cơ quan LHQ về các quyền xã hội, kinh
tế, văn hóa, dân sự, chính trị, tôn giáo, dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ con,
lao động, giáo dục. Tài liệu chứa đựng nhiều sự tố cáo CHXHCNVN vi phạm Nhân
Quyền, được nêu lên bởi Ủy Ban Nhân Quyền, Ủy Ban Quyền Trẻ Con, Ủy Hội Chuyên
Gia Tổ Chức Quốc Tế Lao Động, v.v.
3) Bản Phúc trình của
12 Tổ chức Phi Chính Phủ+ (Summary of
stakeholders' information) cũng được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc
trách Nhân Quyền biên soạn thành một tài liệu tổng hợp những “thông tin đáng
tin và xác thực’’ (nguyên văn tiếng Anh và tiếng Pháp của Hội Đồng Nhân Quyền:
credible and reliable information/informations crédibles et fiables). Tài liệu
này, đính theo 12 bản Phúc trình của 12 Tổ chức Phi Chính Phủ+ (nêu tên dưới
đây) là một bản Cáo Trạng Toàn Cầu về những sự vi phạm Nhân Quyền rất nghiêm
trọng tại nước CHXHCNVN. Lần đầu tiên, được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách
Nhân Quyền công nhận, cho phổ biến trên Trang Thông tin điện tử của Cao Ủy http://www.ohchr.org/EN/HRBodies/UPR%5CPAGES%5CVNSession5.aspx
+ Danh sách 12 Tổ chức
Phi Chính Phủ (ONG/NGO):
1.
AI - Amnesty International*, London , United Kingdom
2. ATLP - Association Tourner la
Page, Maurepas, France
3.
CSW - Christian Solidarity WorldWide, Surrey , United Kingdom
4.
ECLJ - European Centre for Law and Justice*, Strasbourg , France
5.
FIDH & VCHR – International Federation of Human Rights* & Viet Nam Committee on Human
Rights, Paris , France
6.
GIEACPC - Global Initiative to End All Corporal Punishment of Children,
7.
HRW - Human Rights Watch*, New York , U.S.A.
8.
INDIG – INDIG, Hawai , U.S.A.
9.
International PEN* - International PEN, London , United Kingdom
10.
IRPP- Institute on Religion and Public Policy, Wahsington D.C. U.S.A.
11.
KKF - Khmers Kampuchea-Krom Federation; New Jersey , U.S.A.
12.
UNPO - Unrepresented Nations and Peoples Organization, The Hague , the Netherlands .
*
Tổ chức Phi Chính phủ có Thẩm quyền Tư vấn tại Hội đồng Kinh tế và Xã hội của
Liên Hiệp Quốc (ECOSOC).
Đóng
Góp của Văn Bút Quốc Tế cho Cuộc Khảo Sát Nhân Quyền Việt Nam
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ sẽ đăng toàn văn Phúc Trình của Văn Bút
Quốc Tế trong Bản Tin kỳ tới. Tài liệu này là Phần Đóng Góp của Hiệp Hội
Các Nhà Văn Thế Giới cho Cuộc Khảo sát Nhân Quyền Việt Nam trong Khóa thứ 5 của
Nhóm Công tác Khảo Sát Định Kỳ Toàn Cầu họp từ ngày 4 đến 15 tháng 5 năm 2009.
Văn Bút Quốc Tế đã gởi bản Phúc Trình đến Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách
Nhân Quyền vào cuối tháng 10 năm 2008, trước thời hạn ấn định. Không bao lâu sau
đó thì khắp thế giới, kể cả quê hương Việt Nam, bản Phúc Trình đã được đọc trên
trang Thông Tin điện tử của Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đặc trách Nhân Quyền, trú
sở Genève, Thụy Sĩ.
Vận động yểm trợ cuộc Khảo Sát Nhân Quyền Việt Nam
Ngày 21 tháng 9 năm 2007, Hội Đồng Nhân Quyền thông qua lịch trình Cơ chế Khảo
Sát Định Kỳ Toàn Cầu áp dụng đối với 192 nước trong bốn năm của đệ nhứt chu kỳ
bắt đầu từ tháng Tư năm 2008. Ngay từ đó, Văn Bút Quốc Tế và các tổ chức Phi
Chính Phủ cùng nhau ráo riết chuẩn bị hồ sơ. Đại diện Văn Bút Quốc Tế không
vắng mặt bất cứ Khóa họp Hội Đồng Nhân Quyền nào. Cần phải nổ lực vận động thêm
đồng minh để yểm trợ cuộc Khảo Sát Nhân Quyền liên hệ đến từng nhà nước riêng
biệt. CHXHCNVN chỉ là một trong một số trường hợp ‘’nhà nước chưa bao giờ thực
sự tôn trọng Nhân Quyền’’. Văn Bút Quốc Tế tham gia hầu hết các buổi họp làm
việc do các nhà ngoại giao và chuyên viên Nhân Quyền thuộc các phái bộ Pháp,
Gia Nã Đại, Na Uy, Thụy Sĩ, Cộng Hòa Tiệp tổ chức và chủ tọa. Thường có mặt phái
đoàn các nước vùng Bắc Âu, Trung và Nam Mỹ, Nhựt, Đức, Anh , Hòa Lan, Ba Lan,
Hung Gia Lợi, Nga, Trung Hoa CS, Cuba, Ai Cập, Pakistan, Tunisie, Ba Tư, Úc,
Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, v.v. Những buổi họp này quan trọng ở chỗ tham dự viên
cùng nhau trao đổi ý kiến để đồng thuận biên soạn dự án Quyết Nghị về vai trò,
nghĩa vụ của các Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc nhiệm về nhiều chủ đề. Thí dụ
như Đặc nhiệm về Quyền Tự do Phát biểu Quan điểm, về Quyền Tự do Tôn giáo và
Tín ngưỡng, về Sự Độc lập của Thẩm phán tòa án, về sự Tra tấn và Đối xử hoặc
Hình phạt tàn ác, vô nhân đạo làm tổn thương nhân phẩm, về sự Giam cầm độc
đoán, v.v. Hội Đồng Nhân Quyền sẽ biểu quyết chấp thuận các dự án Quyết Nghị
đó. Có mấy lần, đại diện Văn Bút Quốc Tế, một nhóm nhà ngoại giao và chuyên
viên Nhân Quyền phải đến ăn trưa đơn giản tại trụ sở phái bộ ngoại giao rồi
cùng nhau bàn luận tiếp tại chỗ để hoàn chỉnh các dự thảo sẽ đưa ra phiên họp
ngày hôm sau. Ngoài ra, Văn Bút Quốc Tế còn có nhiều dịp lên tiếng về Nhân
Quyền Việt Nam, tại các buổi Hội Luận chuyên đề do các tổ chức Phi Chính Phủ
liên kết tổ chức trong khuôn khổ các Khóa họp Hội Đồng Nhân Quyền từ ba năm
qua. Một chủ đề thường được đem ra bàn thảo là Quyền của Những Người Bênh Vực
Nhân Quyền. Nhiều sự hiểm nguy mới đe dọa các chiến sĩ Nhân Quyền, nhứt là tại
các nước thiếu hoặc không có Tự Do Dân Chủ. Đại diện Văn Bút Quốc Tế thường
nhắc cho các Hội luận viên biết: Dưới chế độ CHXHCNVN, nhiều người bênh vực
Nhân Quyền bị giam cầm độc đoán. Họ còn bị tra tấn, hành hạ và điều kiện giam
nhốt tồi tệ. Gia đình không tìm được luật sư dám đứng ra để bào chữa, bênh vực
thân nhân của mình. Tại sao ? Tại vì các luật sư bênh vực Nhân Quyền cũng đều
đã bị bắt, bị kết án tù nặng nề. Xin hãy nhớ đến nữ luật sư Lê Thị Công Nhân,
luật sư Nguyễn Văn Đài và một số nhà luật học về Nhân Quyền khác nữa đang bị
trấn áp tại Việt Nam. Những luật sư bênh vực Nhân Quyền nếu chưa bị bắt thì
cũng bị sách nhiễu thô bạo, bị ngăn cấm hành nghề, văn phòng luật sư bị khám
xét, hồ sơ của các bị cáo vô tội bị tịch thu, cơ sở bị đóng khóa.
Đến cuối tháng 12 năm 2008, sau Ngày Thế Giới Nhân Quyền, Trung
Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã đồng
ký tên dưới một văn thư gởi đến 73 Ngoại trưởng của 73 nước, trình bày tình
trạng Nhân Quyền dưới chế độ CHXHCNVN. Văn thư mang lời thỉnh cầu can thiệp với
nhà cầm quyền Hà Nội để trả tự do cho những tù nhân ngôn luận và lương tâm Việt
Nam theo bản danh sách cập nhựt đến ngày 10 tháng 12 năm 2008.
Văn thư cũng yêu cầu Ngoại trưởng mỗi nước liên hệ ủng hộ cuộc vận động bênh
vực và bảo vệ Nhân Quyền Việt Nam của Văn Bút Quốc Tế trong cơ chế Khảo Sát
Định Kỳ Toàn Cầu của Hội Đồng Nhân Quyền. Kèm theo văn thư của Trung Tâm và
Liên Hội là bản Phúc trình về CHXHCNVN của Văn Bút Quốc Tế (kể cả các tài liệu
phụ đính).
73 nước nói trên là : Albania,
Argentina, Armenia, Australia, Austria, Azerbaijan, Belgium, Bolivia, Bosnia
and Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Burkina Faso, Cameroon, Canada,
Chile, Colombia, Congo, Côte d’Ivoire, Croatia, Czech Republic, Denmark,
Ecuador, Egypt, Estonia, Finland, France, Georgia, Germany, Ghana, Greece,
Guatemala, Hungary, Iceland, India, Indonesia, Ireland, Italy, Japan, Latvia,
Lebanon, Lithuania, Luxembourg, Malaysia, Malta, Mexico, Montenegro, Netherlands,
New Zealand, Nicaragua, Nigeria, Norway, Peru, Philippines, Poland, Portugal,
Republic of Korea, Romania, Russian Federation, Senegal, Serbia, Singapore,
Slovakia, Slovenia, South Africa, Spain, Sweden, Switzerland, Tchad, Thailand,
Turkey, Ukraine, United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland và
Uruguay. Trong 73 nước đó có 33 nước (33/47) hiện là thành viên Hội Đồng
Nhân Quyền cho các Khóa Họp từ ngày 19 tháng 6 năm 2008 đến ngày 18 tháng 6 năm
2009. Còn lại 40 nước là quan sát viên.
Rồi đến đầu tháng 4 năm 2009, tham chiếu
văn thư đã gởi cho 73 Ngoại trưởng, Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Liên
Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ lại đồng gởi một điện thư khẩn đến 73 Đại sứ
Trưởng Phái bộ của 73 nước nói trên đang làm việc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
Genève. Qua điện thư này, Trung Tâm và Liên Hội thỉnh cầu các nhà ngoại giao
ủng hộ cuộc Vận động Bênh vực và Bảo vệ Nhân Quyền Việt Nam của Văn Bút Quốc Tế
trong Phiên họp Khảo Sát Định Kỳ Toàn Cầu ngày 8 tháng 5 năm 2009.
Sự
vận động yểm trợ cuộc Khảo Sát Nhân Quyền Việt Nam đòi hỏi các tác nhân phải
làm việc với tất cả tấm lòng chân thành, chỉ biết cố gắng tối đa để mong sao
được phục vụ cho Chính Nghĩa Dân Tộc (thật sự Độc Lập), Dân Quyền (thật sự Tự
Do) và Dân Sinh (thật sự Hạnh Phúc) mà thôi.
Genève ngày 18 tháng 5 năm 2009
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights
in Switzerland
Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt
phát biểu quan điểm của Văn Bút Quốc Tế
tại phiên họp khoáng đại Khóa thứ 9/08
của Hội Đồng Nhân Quyền (ảnh Cao Ủy NQ LHQ)
|