Thứ Năm, 2025-01-02, 5:59 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 22 » Đảng khinh dân, Quốc Hội nghị gật
3:35 PM
Đảng khinh dân, Quốc Hội nghị gật


Phạm Trần

“... có phải đảng CSVN đã khinh dân ra mặt, và cái Quốc Hội - tuy đang xôn xao “đứng ngồi không yên” với yêu cầu sát sao của cử tri đòi phải thảo luận và giám sát kế hoạch bauxite – cũng đã chứng tỏ chỉ cần biết “gật là thượng sách”?...”

Chưa họp mà đã ủng hộ khai thác bauxite rồi!

Theo dõi diễn biến vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên Việt Nam và phản ứng bất bình của dư luận trong và ngoài nước từ cuối năm 2008 đến kỳ họp V của Quốc hội khoá 12 bắt đầu từ ngày 20-5-2009, ít ai có thể ngờ rằng ý dân sau cùng đã đánh gục lý luận cù nhầy ban đầu của đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam, nhưng đảng thì lại đang ra sức quất lại bằng đủ mọi mánh khoé.

Những nhượng bộ ban đầu của đảng có thể tóm tắt theo thứ tự:

1) Đảng và Chính phủ đã phải cho “rà soát lại” toàn bộ kế hoạch khai thác.

2) Cho kiểm tra lại các đế án xây dựng hai nhà máy chế biến bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng” và Nhân Cơ (Đắk Nông), trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm và quản lý được chất độc bùn đỏ không gây ô nhiễm cho môi trường để hại cho dân, cho nước về sau.

3) Đình chỉ ý định bán cổ phần khai thác bauxite cho nước ngoài.

4) Kiểm tra lại việc sử dụng hang ngàn công nhân nước ngoài (hầu hết và người Tầu) không phải là chuyên viên bắt buộc phải có đang làm việc tại hai khu khai thác Tân Rai và Nhân Cơ.

5) Tính lại kinh phí đành cho việc khai thác và lợi nhuận kinh tế đem lại cho đất nước và người dân địa phương.

Trước khi có quyết định quan trọng này của Bộ Chính trị (ngày 24-4-2009) và Chỉ thị của Chính phủ (ngày 29-4-2009) thì cả đảng và nhà nước đã tìm mọi cách lẩn tránh trả lời thắc mắc và tìm cách chống lại ý kiến đòi đình chỉ dự án của số đông đảo người dân trong xã hội và ở nước ngoài.

Nổi bật và quan trọng nhất là những khuyến cáo của một số công thần của đảng, trong đó có các Tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tường Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Công an PGS TS Lê Văn Cương, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Hoa, và của hơn 1000 trí thức và các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sau khi làm ra vẻ dịu giọng thì một số viên chức đảng tiêu biểu trong Quốc Hội và Bộ Công Thương lại tuyên bố lang bang, vênh váo, chụp mũ và lên án những ý kiến muốn soi sáng trí óc cho lãnh đạo đảng và nhà nước tránh khỏi cạm bẫy của “người nước ngoài” có ý đồ xấu muốn gây tổn thương cho đất nước.

Hành động bảo vệ quyết định thiếu suy nghĩ của đảng chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến những người chống đối càng cương quyết và liên kết chặt chẽ hơn. Đến khi đảng đã bị dồn vào chân tường thì những người ương ngạnh này lại quay ra mềm mỏng muốn nhũn như con chi chi để tiến mạnh hơn bằng bùa phép mới.

Người chịu nhượng bộ dư luận chống đối lần này là Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội. Chính đương sự là người chống việc đưa dự án khai thác ra thảo luận trước Quốc Hội, lấy cớ chi phí mới có 600 triệu dollars và “việc chưa đâu vào đâu” nên không hội đủ điều kiện để Quốc Hội phải bàn xét (ông Trọng nói với cử tri Quận Ba Đình, Hà Nội ngày 4-5-2009).

Nhưng chỉ vài ngày sau đưa ra lời tuyên bố thiếu suy xét này, ông đã đổi ý kiến để yêu cầu Chính phủ phải có “một báo cáo riêng về vấn đề bauxite” gửi cho các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Báo cáo này chừng nào được công bố cho toàn dân trong nước và người Việt ở nước ngoài thì chưa biết, nhưng trong Bài diễn văn khai mạc Khoá họp Quốc hội ngày 20-5-2009, ông Trọng đã không nói một chữ nào về bauxite hay hé lộ việc sẽ có cuộc thảo luận hay không về dự án này.

Trong chương trình dài lê thê 1 tháng họp của Quốc Hội, dự trù kết thúc ngày 20-6-2009 không thấy có ghi việc thảo luận hay biểu quyết vấn đề bauxite.

Theo ông Trọng thì Quốc Hội họp lần này sẽ “thảo luận và thông qua 12 dự án luật và 01 nghị quyết”, nhưng vấn đề khai thác bauxite, dù đã được cử tri cả nước yêu cầu phải đem ra thảo luận và đòi Quốc Hội giám sát lại không thấy ghi trong nghị trình thảo luận.

Đến phiên Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực, thay mặt Chính phủ báo cáo tình hình Kinh tế-Xã hội trước Quốc Hội cũng chỉ nói chung chung: “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hoá. Khẩn trương chấn chỉnh công tác khai thác than và các loại khoáng sản khác, bảo đảm sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là các nguồn tài nguyên không tái tạo. Triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015 có tính đến năm 2025. Chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam triển khai các dự án bô-xít tại Tân Rai và Nhân Cơ, xử lý tốt các vấn đề về công nghệ, lao động nước ngoài, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư; bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.”

Đó là quyết định của Nhà nước không thay đổi đối với việc hợp tác với Công ty Chalco của Tầu trong việc khai thác bauxite ở Lâm Đồng và Đắk Nông.

Âm mưu bị lòi đuôi

Nhưng muốn biết rõ hơn âm mưu “lừa dối dân” bằng cách “thoa dầu cù là” cho dân bớt đau, bớt giận còn việc mình làm thì cứ làm, ta hãy đọc cuộc đối thoại giữa Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn với báo chí 2 ngày trước khi Quốc Hội khai mạc:
VietNamNet: Như Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã nói, sẽ có một báo cáo riêng về khai thác bôxit Tây Nguyên. Xin hỏi, Ủy ban đã giao cơ quan nào thẩm tra báo cáo này? Báo cáo này có được đưa ra thảo luận rộng rãi ở Hội trường không? Dự kiến sẽ dành bao nhiêu thời gian để thảo luận?

Ông Trần Đình Đàn: Phân vùng đề quy hoạch khai thác bôxit là nhất quán về chủ trương từ Đại hội 9 và Đại hội X của Đảng. Bộ Chính trị ngày 24/4 vừa qua cũng đã ra một thông báo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ có một báo cáo chung trong báo cáo kinh tế xã hội và ngoài ra sẽ có một báo cáo chi tiết đầy đủ cả về quy hoạch phân vùng, mục tiêu và các bước triển khai dự án. Báo cáo này rất dài, không đọc được và chỉ dùng làm tài liệu cho đại biểu tham khảo.

Tinh thần chung là làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp khai thác bôxit trên cả nước, cho Tây Nguyên, đảm bảo tốt hiệu quả kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Chủ đầu tư là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Hiện chưa có chủ trương bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Quan điểm là chọn lựa công nghệ hiện đại, đảm bảo nghiêm ngặt về môi trường và sử dụng lao động trong nước.

Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh: Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ông thấy cử tri quan tâm và kiến nghị những vấn đề gì xung quanh chủ trương khai thác bôxit?


Ông Trần Đình Đàn: Ta cũng biết đồng bào Tây Nguyên chủ yếu sinh sống ở những vùng rừng núi, có nhiều tộc người sống ở vùng cao. Vừa rồi cử tri cũng rất quan tâm, nhất là vấn đề giải quyết môi trường.

Nhiều cán bộ lão thành, nhân dân cả nước quan tâm đề cập vấn đề này với Quốc hội.

Nhưng nguồn tài nguyên bôxit là một tài sản dưới lòng đất, vùng đất này rất khó khăn. Nếu khai thác được thì rất tốt cho cả nền kinh tế, để phát triển công nghiệp nói chung và dự án cũng sẽ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân.

Cũng có ý kiến cho rằng tại sao lực lượng lao động của ta nhiều, còn đang phải xuất khẩu thì trước hết phải đưa lực lượng lao động này tập trung để đào tạo.

Việc này, một tập đoàn Pháp ở Việt Nam cũng đang tập trung đào tạo, chuẩn bị lao động cho dự án. Còn tôi nói việc tuyển lao động nước ngoài, chúng ta chỉ dùng lao động kỹ thuật.

VnExpress: Thưa ông, đã có báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội thì phải có báo cáo thẩm tra của một cơ quan của Quốc hội. Các dự án này có số tiền không quá lớn nhưng thu hút được sự quan tâm rất lớn của cử tri, Quốc hội có thực hiện giám sát chuyên đề và có chính kiến gì về vấn đề này không?
Tuổi Trẻ: Chính phủ báo cáo vấn đề bôxit ra Quốc hội, trong trường hợp các đại biểu Quốc hội không đồng ý với dự án này thì phương án xử lý tiếp theo sẽ như thế nào?

Ông Trần Đình Đàn: Quốc hội giao các ủy ban thẩm tra báo cáo. Về đánh giá hiệu quả kinh tế, sẽ giao Ủy ban Kinh tế. Còn Ủy ban KHCN&MT sẽ đánh giá về môi trường, khoa học. Các cơ quan Quốc hội phải có trách nhiệm giám sát.

Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương lớn này.

Như tôi nói từ đầu, chủ trương này đã được Đảng và Nhà nước ta nói ngay từ ĐH 9 và X của Đảng. Ngày 24/4 Bộ Chính trị đã ra thông báo về chủ trương tổ chức khai thác, quản lý khai thác giá trị công nghiệp nhằm phát triển đất nước, khu vực Tây Nguyên.

Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ. Về việc làm như thế nào, triển khai thế nào, dự án nào cần làm, quy hoạch thế nào là trách nhiệm của cơ quan hành pháp là Chính phủ.
(Trích VietNamNet, 18-5-2009)
Lạ chưa ? Căn cứ vào đâu mà “cái loa” Trần Đình Đàn đã thay mặt 493 Đại biểu Quốc Hội để qủa quyết như đinh đóng cột rằng “Chắc chắn Quốc hội sẽ hoàn toàn ủng hộ” việc khai thác bauxite đang bị cả nước nghi ngờ, thắc mắc và lên án ?

Chẳng những thế, Trần Đình Đàm còn tìm cách “đánh trống lảng” cho đảng để nói rằng “Báo cáo này rất dài, không đọc được và chỉ dùng làm tài liệu cho đại biểu tham khảo”.

Kinh nghiệm qua các Cuộc họp của Quốc hội nhà nước CSVN từ xưa tới nay đã cho thấy khi nào đảng muốn chạy trốn trách nhiệm thì cứ việc in tài liệu trao cho các Đại biểu xem rồi thảo luận qua loa cho đến khi giơ tay, hay “bấm nút” biểu quyết thì đều có kết qủa đồng thuận 100% hay ít hơn vài phần trăm .

Chính Đại biểu Dương Trung Quốc của Tỉnh Đồng Nai cũng đã tự án ủi khi nhìn nhận với Báo chí: “Tuy trong chương trình dự kiến của kỳ họp không có giám sát chuyên đề bô-xít, dư luận cũng nói đến sự cần thiết phải có báo cáo chuyên đề bô-xít của Chính phủ để QH thảo luận riêng nhưng theo tôi thì dù báo cáo chuyên đề hay báo cáo chung, nếu các ĐB phát huy hết trách nhiệm, tham gia ý kiến, phản ảnh đúng mong muốn của cử tri thì cũng tác động tích cực cho đề án thực thi tốt hơn, tìm thấy sự đồng thuận cao hơn.” (Báo VietNamNet, 19-5-2009)

Trao đổi với VietNamNet, ĐB Dương Trung Quốc cũng bức xúc về việc thiếu thông tin trong số báo ra ngày 21/05/2009: "Tôi là đại biểu QH mà còn chẳng biết mô tê ra làm sao. Ngay tại hội thảo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì (9-4-2009), trong khi báo cáo phản biện được thực hiện bằng một cuộc điều tra tại thực địa của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN đưa ra con số lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch khá cao, thì ông Phó Chủ tịch tỉnh sở tại chỉ đưa ra con số không bằng 1/10".

Trong một cuộc thảo luận thu hẹp tổ đầu tiên vào sáng ngày 21-05 (2009), theo báo ViệtNamNet, một số Đại biểu Quốc hội đã tỏ ra bất bình vì chưa nhận được Báo cáo riêng về bauxite như Chính phủ đã hứa.

Báo này viết: “ĐB Đặng Huyền Thái, Phó Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ và QH phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu nắm được tình hình, nếu cần thì phải chất vấn cho rõ chuyện… Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Anh Liêm, Uỷ viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, “QH không chỉ giám sát, mà còn phải bàn và ra quyết định nữa”.

Như vậy có phải đảng CSVN đã khinh dân ra mặt, và cái Quốc Hội - tuy đang xôn xao “đứng ngồi không yên” với yêu cầu sát sao của cử tri đòi phải thảo luận và giám sát kế hoạch bauxite – cũng đã chứng tỏ chỉ cần biết “gật là thượng sách”?

Nhưng liệu “cuộc chiến” giữa dân và đảng sẽ có ngừng ở đây?

Phạm Trần

© Thông Luận 2009
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 749 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0