Hai mươi bảy năm trong nghề hàng hải
(từ 1971 đến 1997), nhưng tôi chưa một lần nghe hay thấy hai chữ “Dung
Quất” xuất hiện trong đàm thoại hay trên hệ thống thông tin, điện tín
của ngành mình. Đột nhiên năm 1997, Quốc Hội họp bàn về vị trí cảng cho
Nhà máy lọc dầu tại vịnh Dung Quất. Khi đó các “quan chức dự án” báo
cáo với Quốc Hội về địa lý tự nhiên vịnh Dung Quất. Nội dung được trình
bày trong cuốn “Các dự án xây dựng cảng & đường thủy Việt Nam đến
năm 2010”. Sách được in công phu bằng 2 ngôn ngữ Việt và Anh của Nhà
xuất bản Thông kê năm 1996.
Báo cáo của quan chức dự án
Trích dẫn trang 81 của cuốn sách
trên: “ II- Vị trí và hiện trạng. Vịnh Dung Quất là vịnh sâu nằm phía
đông bắc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, chia ra 2 vịnh: Vịnh lớn và
Vịnh nhỏ.
Vịnh lớn: rộng 11km từ mũi Thanh Long
đến mũi Co Co, độ sâu trung bình trên 20m. Chiều rộng trung bình 4km,
nơi rộng nhất 5km. Chiều dài trung bình 12km, nơi dài nhất 13km. Tổng
diện tích toàn vịnh 48km2. Đáy vịnh có cát mịn. Dọc bờ phía đông có mũi
Co Co -Tuyết Diêm cao trung bình 20m che chắn.
Vịnh nhỏ: Có cửa là đường nối vịnh
Sơn Trà và mũi Co Co. Chiều rộng 3,5km và diện tích khoảng 7km2. Độ sâu
từ 6-20m. Phía đông bắc được che chắn bởi dãy núi đá thấp có chiều dài
2,3km. Phía đông có núi Nam Trâm (cao 141m) dài 1km. Bãi cát ven vịnh
từ sông Cầu đến Trà Bồng có chiều rộng trung bình 100m. Tiếp đó là bãi
rộng bằng phẳng có diện tích khoảng 10km2, dài 5km rộng 2km. Vịnh nhỏ
là khu dự kiến lựa chọn vị trí xây dựng cảng Dung Quất. Khoảng cách từ
cảng đến căn cứ Chu Lai 7km, đến cảng Sa Kỳ 17km, cách thị xã Quảng
Ngãi 38km. Trong lịch sử khu vực vịnh nhỏ là vùng tránh nạn cho các tàu
thuyền qua các cơn bão tố đã xảy ra. Luồng vào cảng có tính ưu việt:
luồng tự nhiên sát biển có chiều rộng và chiều sâu khá lớn, khả năng
tiếp nhận tàu trong điều kiện hòan toàn tự nhiên không phụ thuộc vào
chế độ triều và nạo vét. Xét về quy mô và khả năng tiếp nhận tàu cũng
như khả năng khai thác của nó trong điều kiện tự nhiên thì cảng Dung
Quất có thể được xếp loại hàng đầu của các cảng lớn của Việt Nam. Cảng
Dung Quất có độ sâu có thể tiếp nhận tàu hàng 50.000DWT và các tàu dầu
150.000DWT.” Hết trích dẫn.
Cuối năm 1997, Quốc hội Việt Nam đã
biểu quyết thông qua và quyết định xây dựng cảng Dung Quất theo như nội
dung báo cáo của các quan chức Chính phủ.
Bình luận
Thực chất mặt nước vịnh Dung Quất giới hạn bởi mũi Thanh Long đến mũi Co Co có tổng diện tích là 46,87km2. Vùng có độ sâu dưới 10m là 24,59km2 (~52%). Vùng có độ sâu từ 10m đến 20m là 20,6km2 (~44%). Vùng nước có độ sâu trên 20m là 1,42km2 (~3%) nằm ở đoạn giáp giữa vịnh Dung Quất và ngoài khơi.
Như vậy,
vịnh Dung Quất không thể đủ tiêu chuẩn để trở thành một cảng có khả
năng tiếp nhận các tàu hàng và tàu dầu có trọng tải lớn như trong tài
liệu in ấn đề cập, và như báo cáo của các quan chức cho các đại biểu
Quốc hội.
Sự kiện
Ngày 09/10/2002, Tiến sĩ - Chủ tịch
tỉnh Quảng Ngãi - Nguyễn Kim Hiệu và ông Trần Lê Trung -Trưởng Ban Quản
lý KCN Dung Quất gửi công văn 01/CVUB-BQLKCNDQ đến Cục Hàng Hải thông
báo rằng:
Trích dẫn “Hiện nay bến số 1 chuyên
dùng dầu khí đã đi vào hoạt động và mang lại nguồn thu nhất định cho
tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên luồng tàu vào chỉ đáp ứng cho tào khoảng
6000 -7000 DWT (độ sâu -6m) và không đáp ứng cho tàu 1 vạn tấn như đã
thiết kế ... UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý KCN Dung quất đề nghị
Cục Hàng hải Việt Nam quan tâm bố trí vốn và trực tiếp đầu tư nạo vét
luồng tàu khu vực này ngay đầu năm 2003, bảo đảm yêu cầu tàu 2 vạn DWT
có thể cập được …” Hết trích dẫn.
Sự thật và báo cáo của các quan chức sao khác biệt quá lớn?
Ngày
23/10/2006 tôi được ông Sáu Dân (tức Thủ tướng đương nhiệm thời đó, Võ
Văn Kiệt) mời đến gặp. Khi bàn về cảng Dung Quất tôi đã thẳng thắn nói
rõ, ông đã sai khi chọn vị trí cảng Dung Quất và hướng đê chắn sóng của
cảng Dung Quất đang làm là sai.
Ông phản ứng: "Chung quanh tôi toàn các nhà khoa học."
Tôi cười: "Các nhà khoa học đó chỉ làm cho bác vui thôi."
Ông hứa
tháng 11/2006 bố trí cho tôi đối thoại với các nhà khoa học của ông.
Tôi nhận lời. Nhưng không rõ vì lý do gì, ông không thực hiện được.
Cuối năm
2008, anh H nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh QN (hiện là TƯ ủy viên) đã nói
với tôi, trước khi ông Sáu Dân mất có nói với anh H rằng: “Bọn mày
đúng”.
Nhớ và
thương ông Sáu Dân, ông vì đất nước muốn làm lợi cho dân, cho nước
nhưng thiếu các tham mưu giỏi, trung thực. Còn các quan chức đương
nhiệm, có quyền đã không có trình độ, lại có thói quen làm vui lòng cấp
trên. Hậu quả, ông Sáu Dân ra đi đem theo nỗi buồn vì những quyết định
của mình chưa trọn vẹn.
Các đại
biểu Quốc hội năm 1997 đã góp phần làm buồn hương hồn ông Sáu Dân, vì
biểu quyết của họ làm ông vui chốc lát nhưng cũng làm cho ông ân hận
khi phải rời cõi trần nay.
Sáng
13/7/2008, chúng tôi gồm bốn người đến thăm bác Đỗ Mười tại nhà riêng ở
Hà Nội (chúng tôi có lưu ảnh chụp kỷ niệm). Vào khoảng 11:30, trong khi
đang gặp gỡ, bác Đỗ Mười nói rõ và mọi người đều nghe: “Bô xít Tây
Nguyên là nguồn tài nguyên lớn. Chúng ta chưa có điều kiện về kinh tế,
kỹ thuật và khả năng xử lý môi trường thì để cho con cháu đời sau khai
thác. Tuyệt đối không cho người nước ngoài khai thác.”
Tôi trân trọng quyết định trên của bác Đỗ Mười vì tôi đã nghiên cứu khá kỹ về Bô xít Tây Nguyên từ năm 1998.
Sau này,
khi nghe tin chủ trương xây dựng nhà máy luyện nhôm ở Tân Rai và Nhân
Cơ của Tập đoàn Than- Khoáng sản, tôi thật sự ngạc nhiên.
Việc xây
dựng hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ ngày càng phân hóa lòng người Việt
Nam. Vì nó chỉ thỏa mãn ý đồ của Tập đoàn Than- Khoáng sản (hoặc ai đó)
nhưng nó va chạm đến sự sống còn của hàng chục triệu dân miền Đông Nam
Bộ.
Quê
ngoại tôi ở Đồng Nai. Dân miền Đông xưa tuy nghèo hơn dân miền Tây
nhưng cuộc sống cũng khá dễ chịu, không phải căng thẳng vì cái ăn.
Người dân đến nhà nhau ăn uống tự do, không phải mời mọc. Họ theo cách
mạng vì yêu nước, giận mấy thằng Tây ức hiếp chà đạp lên quyền độc lập
tự chủ của quốc gia, nhân cách của con người. Họ theo cách mạng không
phải vì đói nghèo. Dù là dân vùng rừng thiêng nước độc nhưng họ luôn
nhớ về Hà Nội. Nhà thơ, người anh hùng của quê tôi Huỳnh Văn Nghệ đã
nói lên tấm lòng chúng tôi với Hà Nội:
“Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.”
Tôi tin rằng các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng hai nhà máy trên là vì dân, yêu thương dân chúng.
Nhưng dự án Tân Rai và Nhân Cơ của
các quan chức dự án đáng tin không? Trước đây không lâu họ đã vi phạm
bán than thổ phỉ qua Trung Quốc vì lợi ích riêng của họ. Quốc Hội chưa
kịp đề xuất thay lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản; nay tiếp theo họ
đề xuất dự án luyện nhôm Tân Rai và Nhân Cơ. Vì lợi ích của họ hay một
nhóm người mà để hàng chục triệu người phải hy sinh là điều bất công
không thể chấp nhận được.
Tôi thỉnh cầu các đại biểu Quốc hội
đang họp tại đất Thăng Long hãy tự soi mình và hãy coi mình là hậu duệ
của những người “mang gươm đi mở cõi”, cân nhắc, không nên đồng ý cho
việc đặt những quả bom hóa chất trên đầu nguồn nước uống sông Đồng Nai.
Quyết định đúng của các vị có thể làm các “thủ trưởng” không hài lòng.
Nhưng sau này các “thủ trưởng” sẽ cám ơn các vị vì đã giúp các “thủ
trưởng” ghi lại công lao ở Văn Miếu Hà Nội cũng như Văn Miếu Trấn Biên.
Tôi thỉnh cầu các vị đại biểu Quốc
hội của các tỉnh miền Đông, hãy mang theo trí tuệ và khí phánh của cha
ông chúng ta ở Văn Miếu Trấn Biên đến đất Thăng Long, hiên ngang như
anh hùng Huỳnh Văn Nghệ trước đây. Ông cha chúng ta đã hy sinh bằng mồ
hôi và cả xương máu để khai phá vùng rừng thiêng nước độc này, để có
một cơ ngơ thanh bình như hôm nay. Đừng để con cháu chúng ta mắc bệnh
hiểm nghèo, âm dương cách biệt hoặc phải di tản khỏi miền Đông như kế
hoạch di tản thủ phủ từ Biên Hòa về Long Thành do chất độc da cam tại
sân bay Biên Hòa gây ra.
Không có lợi ích nào cao hơn lợi ích dân tộc. Không có bạn hay thù vĩnh viễn, chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn.
Kết những dòng này, xin khấn các vị ở
Văn Miếu Trấn Biên phù hộ. Sự việc có lẽ quá muộn nhưng tấm lòng thành
xin giải bày ra đây, dù rằng hy vọng còn quá ít ỏi.
Xin đa tạ.
KS Doãn Mạnh Dũng
|