Thứ Năm, 2024-11-21, 11:24 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 24 » Việt Nam: Thâm hụt ngân sách có thể lên tới gần 10% GDP
7:31 AM
Việt Nam: Thâm hụt ngân sách có thể lên tới gần 10% GDP
Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
2009-05-23

Việt Nam đang đối diện nhiều vấn đề kinh tế tài chánh cần giải quyết như thâm hụt ngân sách, hạ giá đồng bạc. Mới nhất là chuyện thống đốc ngân hàng nhà nước ký quyết định duy trì mức lãi suất cơ bản 7% một năm kể từ đầu tháng tới.

AFP Photo/Hoàng Đình Nam

Trong khi suy thoái kinh tế thế giới chưa chạm đáy, các chuyên gia nhà nước vẫn phác họa bức tranh kinh tế VN tốt hơn hẳn các nước trong khu vực cũng như thế giới.

Ông Lê Xuân Nghĩa, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Ngân Hàng Nhà Nước, hiện là chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia, giải thích những vấn đề vừa nêu.

Bù đắp bằng công trái chính phủ?

Thanh Trúc: Thưa ông, thâm hụt ngân sách có thể lên tới gần 10% GDP, như vậy thì nhà nước sẽ lấy đâu ra mà bù đắp vào con số này?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Thì chắc là nhà nước phải phát hành các loại công cụ nợ thôi.

Thanh Trúc: Dạ thưa có phải đó là công trái chính phủ không?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Vâng.

Thanh Trúc: Theo tin trong nước thì công trái chính phủ phát hành số bán ra chỉ bằng một phần mười mức dự kiến, khoảng trên hai trăm triệu đô la, làm sao có thể bù đắp con số thâm hụt gần 10% GDP này?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Thực ra khả năng huy động công trái sẽ còn rất là nhiều. Chỉ có điều chính phủ không muốn huy động nhiều cùng một lúc, bởi vì nếu giải ngân không kịp thì mình phải trả lãi, cho nên con số mà người ta đăng ký để mua là rất lớn nhưng mà chính phủ chỉ huy động có ngần đó thôi bởi nó phù hợp với tốc độ giải ngân của chính phủ. Và chỉ cần đưa ra lãi suất cao hơn là có thể huy động được nhiều hơn. Tại vì con số đăng ký có những lúc lên tới gấp sáu bảy lần cái số mà chính phủ thực mua, chỉ có điều người ta yêu cầu lãi suất cao hơn. Chính phủ không thể huy động cùng một lúc sợ giải ngân không kịp.

Tại vì con số đăng ký có những lúc lên tới gấp sáu bảy lần cái số mà chính phủ thực mua, chỉ có điều người ta yêu cầu lãi suất cao hơn. Chính phủ không thể huy động cùng một lúc sợ giải ngân không kịp.

Ông Lê Xuân Nghĩa, chủ tịch UB Giám Sát Tài Chính Quốc Gia

Nguy cơ lạm phát

Thanh Trúc: Thưa ông Lê Xuân Nghĩa , các định chế cấp viện nước ngoài dựa vào tình hình bây giờ họ nói có thể dẫn đến lạm phát. Bài toán lạm phát sẽ được nhà nước giải quyết thế nào?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Cái đó chính phủ đã giao cho một số bộ thẩm quyền để nghiên cứu, chắc chắn trong thời gian tới người ta sẽ đưa ra các biện pháp để kiểm soát lạm phát.

Thanh Trúc: Theo quan điểm của ông thì Việt Nam có bước sâu vào nguy cơ lạm phát không hay có thể tránh được?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ năm 2009 chắc là mức lạm phát cũng thấp, chỉ vào khoảng năm sáu phần trăm thôi. Còn năm 2010 có thể là cao hơn chút ít. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào các chính sách sắp tới của chính phủ.

Duy trì mức lãi suất cơ bản 7% một năm

Thanh Trúc: Thưa ông , thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam vừa ký quyết định tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 7%  một năm. Việc này liệu có phù hợp với chủ trương kích cầu hiện nay không?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Hiện đang có hai ý kiến. Một ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục hạ lãi suất hơn nữa để mà kích cầu, nhưng mà chính phủ cũng lo ngại lạm phát có thể sẽ tăng lên cho nên tạm thời giữ nguyên lãi suất như vậy để mà thăm dò thêm một thời gian nữa.

Thanh Trúc: Quyết định này mới đây thôi, thay cho quyết định đã ký hôm 29 tháng Tư 2009. Như vậy quyết dịnh hôm 29/4/2009 như thế nào và tại sao phải thay thế bằng quyết định hôm nay?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Thực ra quyết định hôm nay là chỉ có nói lại quyết định cũ thôi, tức là giữ lãi suất như cũ không thay đổi, chỉ thay đổi lãi suất về dịch vụ thị trường mở thôi, còn lãi suất cơ bản không có gì thay đổi.

Thanh Trúc: Nói một cách cụ thể thì lãi suất cấp vốn của Ngân Hàng Nhà Nước đối với các tổ chức tín dụng, lãi suất tái chiết khấu đối với các tổ chức tín dụng là 5% một năm, ông có thể giải thích rõ hơn?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Hệ thống lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Việt Nam giống hệ thống lãi suất của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu. Tái cấp vốn gọi là Refinancing Rate thì đó là lãi suất cao nhất. Và lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương là lãi suất thấp nhất, thường cách nhau là 2%. Ở giữa đó là lãi suất của dịch vụ thị trường mở. Thì chúng tôi đang theo chung cái mô hình công bố lãi suất như vậy.

Hệ thống tài chính ổn định?

Thanh Trúc: Ông có thể cho một nhận định khái quát về thâm hụt ngân sách, lạm phát, thị trường tài chính Việt Nam, liệu lúc này bình ổn hay có thể biến động?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ thâm hụt ngân sách có thể tăng lên từ nay đến 2010 và sau đó thì chính phủ có lộ trình để giảm dần xuống độ khoảng 5% một năm như lâu nay. Thế còn lạm phát mới là vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào tất cả các chính sách của chính phủ. Từ nay đến cuối năm phải xem có nên tiếp tục tăng cung ứng tiền hay không. Nhưng mà với mức tăng cung ứng tiền hiện nay thì dự kiến tôi đoán là vào khoảng 25 đến 27% thì cũng là mức bình thường, tức không gây lạm phát lớn lắm, chỉ có thể tạo ra lạm phát ở mức 6, 7% gì đó. Và như thế đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là OK. Và tôi nghĩ là hệ thống tài chính Việt Nam nhìn chung các ngân hàng thương mại tương đối ổn định, có nền tảng tài chính tương đối vững, tỷ lệ gọi là “return on equity”vào khoảng 17% năm ngoái, và năm nay có thể thấp hơn tức khoảng 14, 15%. Như thế so với các Ngân Hàng Thương Mại trên thế giới thì không có vấn đề gì. Thanh khoản cũng tốt hơn năm ngoái vì nhìn vào lãi suất liên ngân hàng thì nó rất là thấp, ở mức 7% tức bằng lãi suất cấp vốn.

Tôi nghĩ năm 2009 chắc là mức lạm phát cũng thấp, chỉ vào khoảng năm sáu phần trăm thôi. Còn năm 2010 có thể là cao hơn chút ít. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào các chính sách sắp tới của chính phủ.

Ông Lê Xuân Nghĩa, chủ tịch UB Giám Sát Tài Chính Quốc Gia

Tháng Tư năm ngoái có những lúc gặp khủng hoảng về thanh khoản lãi suất của thị trường, Interbank có những lúc lên tới 25, 30%. Năm nay dường như thanh khoản của Ngân Hàng Thương Mại gần như chưa có vấn đề gì. Hy vọng từ nay trở đi hệ thống tài chính sẽ ổn định hơn hồi năm ngoái.

Thanh Trúc: Hôm đầu tuần ADB tức Ngân Hàng Phát Triển Châu Á nhận định Việt Nam không cần phải phá giá đồng VND ít nhất là trong giai đoạn này. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Lê Xuân Nghĩa: Đấy là một nhận định đúng. Chúng tôi cũng đang dự kiến làm như vậy. Hiện trong mấy tuần vừa rồi là ngoại tệ và thị trường ngoại hối có những căng thẳng, cung ít mà cầu nhiều. Nhưng mà trên thực tế các Ngân Hàng Thương Mại thì tài khoản tiền gửi của họ bằng ngoại tệ là dư thừa, nhưng trên các tài khoản mua bán ngoại tệ thì họ lại thiếu ngoại tệ để bán cho các tổ chức tín dụng. Lý do là vì ở Việt Nam các dịch vụ phái sinh (derivative) nó chưa phát triển, cho nên người ta không thể nào biến cái tiền gửi bằng ngoại tệ trở thành tiền để mua bán được. Hiện nay thì Ngân Hàng Trung Ương đang mở rộng dịch vụ SWAP,gọi là dịch vụ hoán đổi, để mà cải thiện điều đó và tôi nghĩ nếu ngân hàng làm tốt Việt Nam có thể ổn định được trị giá hối đoái ít nhất là từ nay đến cuối năm mà chưa có vấn đề gì biến động.

Thanh Trúc: Thưa ông Lê Xuân Nghĩa, cảm ơn thời giờ của ông dành cho bài phỏng vấn hôm nay.

Category: Kinh tế | Views: 1345 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 27
Khách: 27
Thành Viên: 0