>> Việt Nam phản đối vi phạm chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa
>> Công hàm Trung Quốc vi phạm chủ quyền VN ở Biển Đông
Theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982[1]
(UNCLOS) mỗi nước ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng
tối đa là 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước đó. Trong vùng đặc
quyền kinh tế, nước ven biển có đặc quyền khai thác kinh tế đối với
biển và đáy biển.
UNCLOS cũng quy định
rằng nếu thềm lục địa của nước ven biển kéo dài ra xa hơn 200 hải lý
thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một
vùng bên ngoài 200 hải lý, gọi là thềm lục địa mở rộng. Nước ven biển
phải báo cáo về phạm vi của thềm lục địa mở rộng của mình với Ủy ban
Ranh giới Thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental
Shelf - CLCS).
Sau khi nhận được báo cáo của nước ven biển,
CLCS sẽ khuyến nghị về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này. Nếu
nước này vạch ranh giới theo khuyến nghị đó thì ranh giới đó sẽ có tính
chất ràng buộc vĩnh viễn[2].
Khó khăn lớn cho việc
báo cáo về thềm lục địa ở Biển Đông là tranh chấp đảo, biển. CLCS chỉ
xét báo cáo cho vùng bị tranh chấp nếu tất cả những nước trong tranh
chấp đồng thuận với việc đó[3].
CLCS không có thẩm quyền
để phân xử tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ được dùng làm cơ sở để
báo cáo về thềm lục địa mở rộng hay tranh chấp do các vùng biển của các
nước khác nhau nằm chồng lấn lên nhau[4]. Trong trường hợp tồn tại tranh chấp, các nước trong tranh chấp có thể tiến hành như sau:
· Đăng ký toàn bộ thềm lục địa mở rộng[5] mà mình đòi hỏi, nêu rõ những vùng bị tranh chấp.
· Chỉ báo cáo về phần không bị tranh chấp và sẽ báo cáo về phần bị tranh chấp sau[6].
· Một số nước trong tranh chấp có thể báo cáo chung vềphần chỉ có những nước này tranh chấp[7] và những nước này sẽ phân định phần này với nhau sau.
Ngày 6/5/2009, Việt Nam
và Malaysia nộp báo cáo chung về khu vực giữa vùng đặc quyền kinh tế
200 hải lý của hai nước, từ phía Nam vùng Tư Chính – Vũng Mây cho tới
đảo Phan Vinh gần giữa quần đảo Trường Sa. Tạm gọi đây là vùng báo cáo
Nam.
|
Bản đồ SEQ Bản_đồ \*
ARABIC 1: Vùng màu hồng giữa bản đồ là vùng báo cáo Nam, Việt Nam và
Malaysia báo cáo chung. (Click vào bản đồ để xem hình lớn) |
Ngày 7/5/2009, Việt Nam
nộp thêm một báo cáo riêng về thềm lục địa mở rộng từ trung tuyến giữa
đường cơ sở Việt Nam và đường cơ sở Trung Quốc xuống tới gần quần đảo
Trường Sa. Tạm gọi đây là vùng báo cáo Bắc.
|
Bản đồ SEQ Bản_đồ \* ARABIC 2: Hình tam giác bên trong đường đỏ, đường cam và đường chấm là vùng báo cáo Bắc của Việt Nam. |
Ngày
7/5/2009, Trung Quốc gửi CLCS một công hàm phản đối báo cáo chung của
Việt Nam và Malaysia, và một công hàm khác phản đối báo cáo riêng của
Việt Nam. Trung Quốc đưa ra lý do: "Trung Quốc có chủ quyền không
ai có thể tranh cãi đối với các đảo trong Biển Đông và các vùng biển
lân cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển
liên quan cũng như đáy biển và long đất của những vùng biển này (xem
bản đồ đính kèm). Lập trường trên là lập trường nhất quán của Chính phủ
Trung Quốc, và được cộng đồng quốc tế biết tới một cách rộng rãi.[10]
Trung Quốc yêu cầu CLCS không xét các báo cáo của Việt Nam và Malaysia.
Tính phi UNCLOS và mập mờ
Trên lý
thuyết, nếu Trung Quốc có tinh thần tuân thủ UNCLOS và tinh thần hợp
tác cao, nước này đã có thể phối hợp với các nước trong khu vực để báo
cáo chung về thềm lục địa mở rộng trong Biển Đông một cách phù hợp với
UNCLOS và phân định chủ quyền sau, như Việt Nam đã phối hợp với
Malaysia và đã mời Brunei hợp tác.
Thực tế đã không như thế vì
chủ trương của Trung Quốc là chiếm đoạt 75% Biển Đông - nếu tranh chấp
Biển Đông được giải quyết theo tinh thần của UNCLOS và tinh thần công
bằng thì Trung Quốc sẽ được khoảng chừng 25%.
Nếu Trung Quốc phản đối trên tinh thần tuân thủ UNCLOS, nước này đã có thể phản đối với một hay hai lý do sau:
· Vùng báo cáo Bắc có thể có chồng lấn lên thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.
· Vùng
báo cáo Bắc và vùng báo cáo Nam có thể chồng lấn lên lãnh hải hay vùng
đặc quyền kinh tế của các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mà
Trung Quốc cho là thuộc về nước này.
Trên thực tế, Trung Quốc đưa ra lý do một cách phi UNCLOS là nước này “có chủ quyền đối với các vùng biển lân cận [các đảo trong Biển Đông]” và có “quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan” như trong bản đồ đính kèm. Trung Quốc không xác định phạm vi của “các vùng biển lân cận” hay “các vùng biển liên quan”, cũng như không xác định cơ sở pháp lý cho sự “lân cận” hay sự “liên quan”.
Có thể hiểu rằng “các vùng biển lân cận” là những vùng mà Trung Quốc cho là nội thủy và lãnh hải thuộc Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough, và “các vùng biển liên quan” tương đương với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Trung Quốc cho là thuộc các nhóm đảo này.
Nhưng Trung Quốc đã cố ý:
· Không dùng tới các thuật ngữ của UNCLOS, thí dụ như nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế.
· Không xác định cụ thể phạm vi của “các vùng biển lân cận” và “các vùng biển liên quan”.
· Không đưa ra bất cứ cơ sở pháp lý nào cho sự “lân cận” và sự “liên quan” mà họ nói tới.
Những
điều này tạo một sự mập mờ nhằm tránh né các phản bác rằng phản đối của
Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS và nhằm đòi hỏi biển một cách quá
đáng.
Ranh giới lưỡi bò
Ranh giới biển duy nhất trong bản đồ đính kèm với các phản đối của Trung Quốc là ranh giới lưỡi bò, đòi hỏi 75% Biển Đông.
|
Bản đồ SEQ Bản_đồ \*
ARABIC 3: Bản đồ đính kèm với các phản đối của Trung Quốc. Bản đồ này
không có bất cứ cơ sở nào trong UNCLOS. |
Vì ranh
giới lưỡi bò là ranh giới biển duy nhất trong bản đồ Trung Quốc đính
kèm với phản đối, có thể hiểu được rằng ít nhất là Trung Quốc cho rằng
họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với biển, đáy biển và lòng
đất bên trong ranh giới này. Quan trọng hơn, sau này Trung Quốc có thể
cho rằng họ đã khẳng định điều đó với CLCS – một cơ quan của LHQ, và
với thế giới.
Nhưng phản đối của Trung Quốc không nói thẳng rằng ranh giới lưỡi bò là phạm vi của khu vự mà nước này cho là “các vùng biển liên quan”. Đây là một sự mập mờ nhằm tránh né các phản bác về ranh giới lưỡi bò.
Mặc dù
ranh giới lưỡi bò đã xuất hiện trên một số bản đồ Trung Quốc từ năm
1947 và vào năm 2006 Trung Quốc quy định là tất cả các bản đồ của nước
này phải vẽ ranh giới đó, cho tới nay Trung Quốc chưa bao giờ chính
thức tuyên bố về ý nghĩa của ranh giới đó.
Đây là
lần đầu tiên Trung Quốc chính thức tuyên bố, và tuyên bố với một cơ
quan của LHQ, rằng nước này có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối
với biển, đáy biển và lòng đất tại tất cả các vùng biển bên trong ranh
giới lưỡi bò.
Nếu trung
Quốc phản đối trên tinh thần tuân thủ UNCLOS thì nước này đã không cần
dùng ranh giới lưỡi bò, một ranh giới hoàn toàn không có cơ sở trong
UNCLOS, trong phản đối.
Việc Trung Quốc dùng ranh giới lưỡi bò
trong phản đối có nghĩa mục đích của nước này không chỉ nhằm phản đối
các báo cáo của Việt Nam và Malaysia mà, nghiêm trọng hơn, còn nhằm
nâng ranh giới lưỡi bò lên một mức cao hơn.
Ý nghĩa đối với việc đăng ký thềm lục địa mở rộng
Với những
quy định của CLCS, khả năng là CLCS không có thẩm quyền để bác bỏ những
phản đối dù là phi UNCLOS và mập mờ như của Trung Quốc. Điều đó có
nghĩa khả năng là CLCS sẽ không xét các báo cáo của Việt Nam và
Malaysia. Viễn cảnh xấu nhất là Việt Nam và Malaysia sẽ không có ranh
giới ngoài của thềm lục địa mở rộng được LHQ công nhận.
Tuy
nhiên, chúng ta nên xem viễn cảnh đó như một tiến bộ bị Trung Quốc cản
trở phần nào, hơn là một bước lùi hay là một tai hoạ cho Việt Nam và
Malaysia.
Giả sử
CLCS không xét các báo cáo của Việt Nam và Malaysia đi nữa thì, qua
việc lập và nộp báo cáo, Việt Nam đã xác định ranh giới ngoài của thềm
lục địa của mình một cách khoa học, hợp lý và phù hợp với các tiêu
chuẩn của LHQ. Và Việt Nam đã trình bày báo cáo với LHQ và thế giới.
Đây là một thành quả lớn của các cơ quan có chức năng.
Việc
Trung Quốc phản đối một cách phi UNCLOS là điều đáng tiếc, nhưng không
đáng ngạc nhiên, và phản đối của Trung Quốc đã không phản biện được cơ
sở khoa học của các báo cáo của của Việt Nam và Malaysia.
Điều quan
trọng, mà chúng ta có thể hy vọng, là các nước khác trong khu vực và
các nước khác trên thế giới không phản đối các báo cáo của Việt Nam và
Malaysia.
Nếu trong
tương lai Việt Nam và Malaysia có hiệp định phân định vùng báo cáo Nam
thì khả năng là không có nước nào ngoài Trung Quốc phản đối, mà có lẽ
Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy Biển (International Seabed Authority)
cũng sẽ không phản đối.
Tương tự, nếu trong tương lai Việt Nam
tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng báo cáo Bắc thì
khả năng là không có nước nào ngoài Trung Quốc phản đối, mà có lẽ Cơ
quan Quyền lực Quốc tế về Đáy Biển cũng sẽ không phản đối.
Nếu có
tranh chấp cụ thể với Trung Quốc thì Việt Nam và Malaysia có thể đối
chiếu cho thế giới thấy sự khác biệt giữa đòi hỏi của mình, dựa trên
các báo cáo đã nộp, và đòi hỏi phi UNCLOS, phi lý của Trung Quốc.
Như vậy,
các báo cáo của Việt Nam và Malaysia có thể sẽ thực hiện được những gì
chúng ta có thể mong đợi. Việt Nam và Malaysia đã làm đúng với quyền và
nghĩa vụ của mình. Việc Trung Quốc phản đối là chuyện lâu dài – chúng
ta không thể mong đợi Trung Quốc không phản đối, và cũng khó có thể
mong đợi Trung Quốc phản đối một cách ít phi UNCLOS hơn.
Ý nghĩa đối với tranh chấp Biển Đông
Việc
Trung Quốc gửi CLCS, một cơ quan của LHQ, công hàm có thể hiểu được là
có nội dung tuyên bố rằng tất cả các vùng biển bên trong ranh giới lưỡi
bò đều thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước này, là một sự
leo thang quan trọng.
Sự leo
thang này đưa tranh chấp Biển Đông vào một giai đoạn pháp lý mới. Từ
nay, Việt Nam không thể chấp nhận những rủi ro trong việc thờ ơ, hay
phủ định, hay tự trấn an mình rằng Trung Quốc chưa hề chính thức xác
định ý nghĩa của ranh giới lưỡi bò.
Sự leo
thang này, tiếp theo việc Trung Quốc quy định là tất cả các bản đồ của
nước này phải vẽ ranh giới lưỡi bò, tiếp theo những đe doạ dành cho
những tập đoàn dầu khí hợp tác với Việt Nam, chứng tỏ rằng Trung Quốc
ngày càng leo thang trong chủ trương chiếm 75% Biển Đông.
Trong khi Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố chung về “duy
trì cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, căn cứ nguyên tắc và chế độ pháp
lý được xác định bởi luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển của
Liên Hợp Quốc năm 1982 tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên
có thể chấp nhận được”[11]
thì chủ trương chiếm 75% Biển Đông lại là điều mà Trung Quốc tuyên bố
với thế giới là lập trường nhất quán của nước này, và Trung Quốc lại
hành xử một cách phi UNCLOS như cách nước này phản đối các báo của Việt
Nam và Malaysia.
Việt Nam
phải nhìn nhận thực tế là chủ trương của Trung Quốc là chiếm đoạt 75%
Biển Đông và, bất kể những tuyên bố của trung Quốc về UNCLOS hay về
giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được, Trung
Quốc leo thang một cách nhất quán trong việc thực hiện chủ trương đó.
Việt Nam phải làm gì?
Việt Nam
phải đối phó với thực tế về chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông
một cách tích cực không khác gì tổ tiên ta đã tích cực giữ nước. Trong
tương lai, Việt Nam phải đối phó một cách tích cực, toàn diện, sáng
tạo, chủ động hơn như đã đối phó trong quá khứ.
Nếu Trung
Quốc đăng ký thềm lục địa mở rộng trong Biển Đông thì Việt Nam cũng nên
suy nghĩ về có nên phản đối hay không. Tuỳ theo báo cáo của Trung Quốc,
Việt Nam có thể phản đối bằng những lý do khác nhau sao cho Trung Quốc
không lợi dụng được phản đối của Việt Nam.
Ngày 8/5/2009, Việt Nam gửi công hàm tới CLCS bác bỏ các phản đối của Trung Quốc[12]. Các công hàm của Việt Nam nêu ra lý do:
Hoàng
Sa, Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không ai có
thể tranh cãi đối với các quần đảo này. Yêu sách của Trung Quốc đối với
các đảo và các vùng biển lân cận như được thể hiện trong bản đồ đính
kèm vớI phản đốI của nước này không có cơ sở pháp lý, lịch sử, hay pháp
lý và vì vậy không có hiệu lực.
Việt Nam
có thể tách vấn đề ra thành hai lĩnh vực: tranh chấp đảo và tranh chấp
biển. Đối với tranh chấp đảo, Việt Nam có thể khẳng định chủ quyền của
mình như đã làm. Đối với tranh chấp biển, Việt Nam có thể khai thác
thêm khía cạnh phi UNCLOS trong yêu sách của Trung Quốc.
Mặc
dù chính nghĩa thuộc về Việt Nam trong cả hai lĩnh vực, và Việt Nam
phải đấu tranh trong cả hai lĩnh vực, Việt Nam có nhiều ưu thế ngoại
giao, tuyên truyền trong việc áp dụng UNCLOS cho tranh chấp biển hơn.
Việt Nam cần phải tận dụng những ưu thế đó.
Tiếp theo các báo cáo với CLCS, Việt Nam nên:
· Khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong vùng báo cáo Bắc.
· Tích cực đi tới hiệp định phân định vùng báo cáo Nam với Malaysia và với Brunei.
· Tìm
hiểu về yêu sách của Philippines đối với thềm lục địa mở rộng trong
Biển Đông và mời Philippines báo cáo chung trong những khu vực có thể
có chồng lấn với thềm lục địa mở rộng của Việt Nam.
Các báo
cáo của Việt Nam và Malaysia là dấu hiệu cho thấy quan điểm của Việt
Nam và của Malaysia có nhiều tính hợp lý và công bằng, tôn trọng lẫn
nhau và tôn trọng Philippines một cách hợp lý. Đó là những điều kiện
thiết thực cho việc thật sự đi tới giải pháp cơ bản và lâu dài mà các
bên có thể chấp nhận được.
Trong
việc đăng ký thềm lục địa mở rộng, có dấu hiệu về những sự phối hợp đầu
tiên giữa các nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông. Đây là chiều
hướng tốt mà các nước này phải tích cực triển khai nhằm đối trọng chủ
trương của Trung Quốc.
Việt Nam
và các nước Đông Nam Á liên quan phải có một chiến dịch ngoại giao,
thông tin với các nước khác trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ.
Việt Nam,
có thể cùng với các nước Đông Nam Á trong tranh chấp, có thể yêu cầu
Toà án Công lý Quốc tế ban một Ý kiến Tư vấn về phạm vi của các vùng
biển thuộc Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough và bãi ngầm
Macclesfield[13].
Ý kiến Tư
vấn của Toà, mặc dù không trả lời câu hỏi các đảo thuộc về nước nào và
không có tính ràng buộc, sẽ cản trở việc Trung Quốc lợi dụng tranh chấp
đảo để đòi hỏi biển một cách quá đáng và sẽ là tiếng nói mạnh mẽ trong
chiến dịch ngoại giao và thông tin của Việt Nam và các nước Đông Nam Á
trong tranh chấp.
Trung
Quốc đã chính thức tuyên bố về ranh giới lưỡi bò. Đó là một sự tiến
công táo bạo. Trong lịch sử hải dương, chưa bao giờ có nước nào đòi hỏi
biển một cách quá đáng như vậy. Câu hỏi cho dân tộc Việt Nam và các dân
tộc Đông Nam Á là chúng ta có để cho sự tiến công đó thành công hay
không.
-
Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
[1] http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6032/index.aspx
[2] UNCLOS, Điều 76, Điểm 8
[3] Rules of Procedure of the Commission on the Limits of the Continental Shelf (Rules), Phụ lục I, Điều 5a, http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/clcs_home.htm
[4] Rules, Phụ lục I, Điều 1. CLCS/40, United Nations, New York 17/03-18/04/2008
[5] Rules, Phụ lục I
[6] Rules, Phụ lục I, Điều 3
[7] Rules, Phụ lục I Điều 4
[8] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/
mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm_e.pdf
[9] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/
vnm37_09/chn_2009re_vnm.pdf
[10] Nguyên văn tiếng Anh: “China
has indisputable sovereignty over the islands of the South China Sea
and the adjacent waters, and enjoys sovereign rights and jurisdiction
over the relevant waters as well as the seabed and the subsoil thereof
(see attached map).The above position is consistently held by the
Chinese Government, and is widely known by the international community.
”
[11] Sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân hội nghị ASEM 7, tháng 10 năm 2008.
[12] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/
mysvnm33_09/vnm_chn_2009re_mys_vnm_e.pdf
và http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/
vnm37_09/vnm_re_chn_2009re_vnm.pdf
[13]
Bãi ngầm Macclesfield, mà Trung Quốc gọi là quần đảo Trung Sa, nằm dưới
mặt biển cho nên không nước nào có thể tuyên bố chủ quyền như đối với
đảo, và không nước nào được dùng để yêu sách các vùng biển được quy
định trong UNCLOS.