Thứ Tư, 2025-01-22, 7:17 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 24 » Chính là Bác Mao!
10:38 AM
Chính là Bác Mao!

Ngô Nhân Dụng



Vụ trang điện tử www.vietnamchina.gov.vn khiến nhiều người Việt trong nước đặt nhiều câu hỏi. Thứ nhất, không biết tại sao chính quyền Cộng Sản nước ta lại để cho một website bằng tiếng Việt của Bộ Công Thương Hà Nội đăng những lập trường của chính phủ Bắc Kinh về Hoàng Sa Trường Sa ngược lại với quyền lợi tổ quốc? Thứ nhì, tại sao đảng Cộng Sản Việt Nam lại phản ứng lúng túng và yếu ớt như vậy? Hôm nay thử bàn về câu hỏi thứ nhất.

Một giả thuyết trả lời cho câu hỏi này, cho đây là một lầm lẫn vì vô ý, sơ hở. Thứ Trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu nói với báo Tuổi Trẻ rằng việc “quản lý thông tin” của trang web này “có lỗ hổng.” Thường chỉ vì vô tình người ta mới để lộ ra những lỗ hổng như thế. Cho nên, mới có những thông tin “nhậy cảm” nó vào được - hai chữ “nhậy cảm” là lời ông thứ trưởng. Cái lỗ hổng của Bộ Công Thương đã bị các đồng chí Trung Quốc lợi dụng, dùng nó làm nơi khua môi múa lưỡi tuyên truyền cho chính sách hải phận của nước đàn anh, chỉ vì các cán bộ Cộng Sản gốc Việt không ai thấy các trò múa máy đó là nhậy cảm cả!

Một cách trả lời khác là các quan chức Cộng Sản cố ý để cho các cán bộ tuyên truyền của Cộng Sản Trung Quốc sử dụng cái lỗ hổng trong Bộ Công Thương mình. Nếu họ không cố tình cộng tác với Trung Quốc thì chắc chắn ngay sau khi xuất hiện những lời lẽ xúc phạm đến chủ quyền của đất nước ta, các quan chức, cán bộ người Việt phải thấy và phản ứng ngay. Phản ứng cách nào không biết, nhưng phải có phản ứng. Can đảm thì trực tiếp phản đối người Trung Quốc. Ít nhất họ phải báo cáo với cấp trên để xin chỉ thị nên làm gì, chứ không thể im thin thít mãi, cho đến khi dư luận cả nước vang ầm lên thì các quan mới nhìn ra cái lỗ hổng. Thái độ im lặng của họ, nhìn thấy lỗ hổng mà không làm gì cả, tức là họ cố ý để chuyện đó xẩy ra, dùng một diễn đàn của chính quyền nước Việt làm loa tuyên truyền nhậy cảm cho Cộng Sản Trung Quốc.

Nhưng cũng không chắc là các quan chức Bộ Công Thương phụ trách trang web phản quốc này cố ý làm tay chân cho các đồng chí Trung Quốc. Họ có thể không vô tình mà cũng không cố ý, mà chỉ “vô cảm” mà thôi. Họ đọc mà không biết, không thấy những lời lẽ tuyên truyền của chính phủ Bắc Kinh là trái ngược với quan điểm mà chính phủ Hà Nội vẫn công bố về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoặc biết mà không thấy đó là một chuyện lạ. Hoặc thấy lạ nhưng không thấy cần phải làm gì cả. Có thể họ cũng biết các bản tuyên ngôn chính thức của chính quyền Hà Nội thường không có giá trị gì cả, mà chắc chắn là vô giá trị đối với các đồng chí Trung Quốc. Biết như vậy rồi thì họ phản ứng làm cái gì? Vừa mệt xác mà lại có thể gây rắc rối cho cá nhân mình?

Chuyện rắc rối cá nhân có thể xẩy ra lắm. Vì quyết định hợp tác giữa hai chính phủ Bắc Kinh và Hà Nội trong việc làm cái mạng lưới chung này là do quyết định từ cấp cao nhất. Năm 2006 Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào sang Hà Nội đã cùng với Tổng Bí Thư Cộng Sản Việt Nam Nông Ðức Mạnh ký kết nhiều hiệp ước, trong đó có việc làm cái mạng web chung này. Khi người Trung Quốc được trao toàn quyền làm bản tin bằng chữ Việt, tức là hai bên đồng chí đã hoàn toàn tin tưởng nhau, giống như anh này giao con gái của mình cho anh kia quản lý, tình nghĩa “trước là đồng chí sau là anh em” được thể hiện từ trên cấp cao nhất. Bây giờ tưởng tượng có một anh công chức hay cán bộ trong Bộ Công Thương đọc bản thông tin do người Trung Quốc phụ trách cảm thấy chướng, rồi gọi điện thoại hay viết thư phản đối! Có anh, chị nào dám làm công việc ấy không? Bố bảo cũng không dám. Im lặng là vàng, hoặc ngậm miệng ăn tiền là chiến lược chắc ăn nhất.

Có ai nghĩ đến chuyện làm báo cáo nộp lên cấp trên nêu thắc mắc tại sao các bản tin này hoàn toàn phủ nhận chủ quyền của nước Việt Nam trên các quần đảo nhậy cảm hay không? Chỉ báo cáo không thôi, dù không dám đề nghị điều gì về các hành động ngang ngược đó, cũng đủ mang tội, mất chức như chơi rồi. Ðảng có thể buộc anh ta vào tội thọc gậy bánh xe “phá hoại tình đoàn kết” giữa hai nước đồng chí anh em mà Hồ Chí Minh đã mất công gây dựng từ nửa thế kỷ nay.

Liệu đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể làm mất chức một cán bộ chính quyền Cộng Sản Việt Nam được hay không? Trong quá khứ chuyện đó đã xẩy ra nhiều lần. Nổi tiếng nhất là vụ ông Nguyễn Cơ Thạch mất chức bộ trưởng ngoại giao, mất cả chân đứng trong trung ương đảng, chỉ vì bị Cộng Sản Trung Quốc phủ quyết. Hồi ký của ông Trần Quang Cơ cho biết có lúc đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội không thèm nói chuyện với bất cứ ai ở Bộ Ngoại Giao của Cộng Sản Việt Nam. Họ coi như không có cái bộ ấy. Chính phủ Trung Quốc không bao giờ thèm nói chuyện với ông đại sứ người Việt ở Bắc Kinh. Họ cho đại sứ của họ ở Hà Nội làm việc trực tiếp với các tay chỉ huy cao nhất trong Bộ Chính Trị. Từ khi thấy tấm gương Nguyễn Cơ Thạch, các quan chức Việt Nam không ai muốn làm mất lòng các đồng chí Trung Quốc nữa.

Ngày xưa đến Hồ Chí Minh cũng còn phải chịu thua, cúi đầu nghe lệnh các cố vấn “vĩ đại” dù đám này chỉ là những cán bộ cấp thấp trong hàng ngũ Cộng Sản Trung Quốc. Khi các cố vấn phát động đấu tố địa chủ, Hồ Chí Minh muốn xin tha cho bà Nguyễn Thị Năm vì bà đã đóng góp nhiều tiền bạc cho kháng chiến và cứu giúp nuôi nấng nhiều cán bộ Cộng Sản Việt Nam cao cấp. Nhưng khi các cố vấn vĩ đại không đồng ý thì “Bác” cũng đành chịu bó tay. Tấm gương đó đến nay vẫn còn được noi theo. Trừ lúc các lãnh tụ đảng bỏ Bắc Kinh để theo Mát Cơ Va thì không kể, còn khi họ đã nhất quyết theo Trung Cộng thì từ trên xuống dưới phải “nhất trí” với nước bạn.

Tinh thần “nhất trí” và “trước sau như một” đó từ đời Hồ Chí Minh truyền đến đời Nông Ðức Mạnh, chỉ có một thời gián đoạn khi Lê Duẩn “phản Trung đầu Nga” thôi. Sau khi “tổ quốc xã hội chủ nghĩa” Nga Xô của ông Lê Duẩn vỡ tan tành thì các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam, từ Ðỗ Mười tới Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh, không có cách nào khác là bám lấy các đồng chí Trung Quốc làm chỗ tựa.

Thực ra họ cũng chỉ noi gương Hồ Chủ Tịch thôi, không có gì mới. Người dân miền Bắc Việt Nam còn nhớ thi sĩ Chế Lan Viên, một công thần văn nghệ luôn luôn minh họa đúng chính sách của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà thơ này đã khóc to hơn cả Tố Hữu khi nghe tin Nguyên Soái Stalin chết. Ông Tố Hữu chỉ “thương” ông Xít gấp mười lần tình thương dành cho cha, mẹ, vợ, chồng thôi. Còn Chế Lan Viên là người đã từng ca ngợi Stalin khi còn sống (Có một người đêm khuya không ngủ - Thức canh cho thế giới hòa bình) khi nghe tin Stalin chết thì ông tưởng tượng là nhân dân cả thế giới khóc òa ào như những đứa trẻ mồ côi: “Vạt áo nhân dân thấm đầy nước mắt - Thế giới không cha nặng tiếng thở dài!”

Cũng chính nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những bài ca ngợi Mao Chủ Tịch, trong đó có hai câu lục bát bất hủ:

Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là bác Mao


Ông Chế Lan Viên nhìn ông Hồ mà thấy hình ảnh ông Mao! Nghe ông Hồ nói thấy đúng là ông Mao nói! Mao nghĩ cái gì Hồ nghĩ cái đó, vì chính Hồ Chí Minh đã tuyên bố với một nhà báo Pháp rằng ông không cần viết sách; lý do là những điều nào cần viết thì đã có Mao Chủ Tịch viết hết sạch cả rồi! Ông Hồ đã tự thú nhận là một người không cần suy nghĩ vì đã có cái đầu của ông Mao làm công tác lao động đó thay cho mình. Một người tư duy bằng đầu người khác, đó là một hiện tượng hiếm có. Nhưng phải có thiên tài nịnh bợ của một nhà thơ như Chế Lan Viên thì mới làm nổi bật đức trung thành của ông Hồ đối với Mao Chủ Tịch: “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!”

Khi Chế Lan Viên viết những câu thơ này thì Hồ Chí Minh vẫn còn sống. Nếu nghe câu thơ đó mà mắc cỡ hay khó chịu, thì ông Hồ đã cấm phổ biến. Nếu ông Hồ hoặc Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam không đồng ý những lời lẽ xu nịnh này, thì cuộc đời Chế Lan Viên đã “điêu tàn” từ lâu rồi. Vì đây là những lời diễn tả cả chính sách, chủ trương của đảng! Nhưng hai câu thơ đó đã được phổ biến cho toàn thể dân và quân đội miền Bắc Việt Nam đọc, Chế Lan Viên vẫn nhận được những bổng lộc của chế độ cho tới hết đời. Tức là ông Hồ nghe câu thơ như vậy mà không thấy ngượng. Ðảng Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn đồng ý với thi sĩ. Có thể ông Hồ còn hãnh diện vì được đem ra so sánh với ông Mao, người lèo lái lịch sử!

Cho nên toàn thể các đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam đã được học thuộc lòng hai câu thơ ca ngợi bác Mao của Chế Lan Viên mà thi sĩ nhân tiện còn nịnh bợ cả bác Hồ- một câu thơ nâng hai con chim. Tâm lý của những đảng viên đọc hai câu thơ này đã được uốn nắn theo lời thơ, ý thơ. Nếu Bác Hồ chính là Bác Mao thì Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh cũng chính là Bộ Ngoại Giao Hà Nội, có khác gì đâu? Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc hay thuộc Việt Nam thì cũng một nhà cả!

Từ thời Hồ Chí Minh cho đến năm 1976, đảng Cộng Sản Việt Nam không cần mệt sức suy nghĩ. Vì đã có những cái đầu ở Bắc Kinh nghĩ giúp. Sau một thời kỳ phiêu lưu của Lê Duẩn làm chết mấy trăm ngàn thanh niên Việt Nam ở Campuchia và biên giới Trung Quốc, hai mươi năm sau đảng Cộng Sản Việt Nam lại trở về chính sách do “Bác Hồ” chỉ đường. Các cán bộ ở Bộ Công Thương không cần suy nghĩ gì khi thấy có những bản tin “chửi cha” chủ quyền của nước Việt Nam trên các quân đào Hoàng Sa và Trường Sa. Vì trong đầu còn văng vẳng khẩu quyết “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!” Cái óc nô lệ đó trở thành một tập quán không bỏ được, vì đã được các đảng viên học tập từ thời cải cách ruộng đất tới nay.

Trong các hình thức nô lệ, không có gì đón mạt bằng nô lệ về tư tưởng. Ông Hồ Chí Minh đã coi ông Mao Trạch Ðông như người suy nghĩ giúp mình, để chính ông không cần suy nghĩ nữa. Ông không đỏ mặt ngượng ngùng khi có thi sĩ người Việt khẳng định “Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao!” Cái đức nô lệ đó đã được ông Hồ truyền xuống cho đến các lãnh tụ Cộng Sản bây giờ. Biết đâu hiện giờ cũng có những nhà thơ ở trong nước đang chuẩn bị viết những câu như “Bác Mạnh ta đó chính là bác Hồ Cẩm Ðào!” Hoặc là “Chú Dũng ta đó cũng chính là chú Ôn Gia Bảo!”

Trong không khí đó, biến cố xẩy ra ở cái website của Bộ Công Thương là chuyện nhỏ. Khi nào gột rửa được óc nô lệ thì sẽ không lo chuyện đó xẩy ra nữa. Khi đó, khi một công chức Việt Nam đọc bản tin trên mạng lưới thấy nó tuyên truyền cho Cộng Sản Trung Quốc ngược lại với nước mình thì họ phản ứng ngay lập tức! Họ sẽ nói: Không được! Không được! Và họ sẽ tự động phản đối các công chức người Trung Quốc mà không cần phải xin phép ai cả. Bởi vì tại sao phải xin phép? Một người quen sống tự do sẽ hỏi: Yêu nước mà cũng phải xin phép là thế nào? Yêu nước mình tại sao phải xin phép người nước khác?

Muốn tập cho các cán bộ, đảng viên đảng Cộng Sản thói quen suy nghĩ tự do sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Công phu huấn luyện của Hồ Chí Minh bao nhiêu năm, cũng phải mất một thời gian dài bấy nhiêu mới tẩy rửa được. Nhưng không phải vì việc khó mà không làm. Không phải vì chậm trễ mà để cho chậm hơn nữa!

Ngô Nhân Dụng
Category: Chính trị | Views: 1175 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0