Thứ Năm, 2025-01-16, 4:55 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 26 » ĐỘ TIN CẬY CỦA MỘT BẢN BÁO CÁO
1:50 PM
ĐỘ TIN CẬY CỦA MỘT BẢN BÁO CÁO

Ngày 24/05/2009, trang mạng Vietnamnet đã đăng bản báo cáo số 91/BC-CP ký ngày 22-5-2009 của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi Quốc hội về vấn đề bauxite. BauxiteVietnam.Info xin có mấy lời bình luận bước đầu.  

Một: về hoàn cảnh ra đời bản báo cáo – Một cách đối phó với dư luận, từ lúng túng che giấu đến chỗ buộc phải công khai hóa. 

Không cần nói thêm, ai ai cũng thấy vấn đề bauxite đang làm cho cả xã hội Việt Nam lo lắng. Chưa bao giờ một sự kiện lại được nhân dân quan tâm đến vậy: cho tới hôm nay, riêng trên mạng bauxitevietnam.info đã có tới hai ngàn chữ ký phản đối chủ trương này, đòi công cuộc khai thác đó phải được lui lại vào một thời điểm thích hợp, khi các thế hệ sau vững vàng hơn về chính trị (minh bạch hơn, ít khả năng gây tham nhũng hơn) cũng như về kinh tế (trình độ kỹ thuật cao hơn và năng lực chi phối khả năng sinh lợi cũng chủ động hơn). 

Làn sóng phản đối đó đã khiến cho vấn đề bauxite từ vị thế được đặt ra như một việc đã rồi với việc khởi công công trình vào cuối năm 2008, đã phải xem xét lại, các tư liệu bị lục tung, nhiều vấn đề được đưa ra ánh sáng.  

Phản ứng của giới cầm quyền ban đầu còn rất tự tin.  

Cuộc hội thảo ở Khách sạn Melia tháng 4 năm 2009 thực chất mới đầu cũng chỉ thuộc vào loại “hội nghị tung hô được dàn cảnh” (mượn lời một người nói “tôi rất cảnh giác” trên Vietnamnet, ngày 8-5-2009); mới đầu là như vậy, song cuối cùng ông Hoàng Trung Hải đã phải kết luận: “không làm bauxite bằng mọi giá”. Tiếp đó, ông Đoàn Văn Kiển trả lời báo chí vẫn còn lên giọng năm ăn năm thua, mà giới thạo tin nghĩ ngay đến việc nếu có năm ăn thì cũng lại đem tiền vào túi nhóm lợi ích nào đó như đã thấy qua vụ xuất lậu hàng triệu tấn than thổ phỉ sang Trung Quốc. Bị phản ứng, mấy quan chức cao hơn định dùng “uy tín” riêng cứu vãn, nói như đùa “đã ra đâu vào đâu mà cần đưa ra Quốc hội”, tuy thế thâm tâm cũng phải suy xét lại, dù vẫn còn cho vài ba vị phát ngôn thăm dò dư luận; các dân biểu chưa họp đã bị công bố thay rằng “Quốc Hội sẽ ủng hộ, sẽ thông qua”.  

Cuối cùng, việc công bố bản báo cáo của Chính phủ coi như một sự tôn trọng dư luận xã hội của các công dân. Người hiểu biết và lương thiện bao giờ cũng hiền hòa: “thế cũng tốt, có còn hơn không”.  

Hai: về tính chính danh của bản báo cáo - Người được ủy quyền báo cáo đang đối diện với những câu hỏi của dư luận. 

Bản báo cáo số 91/BC-CP ký ngày 22-5-2009 của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi Quốc hội về vấn đề bauxite do ai ký? Không phải đích thân ông Thủ tướng ký. Cũng không phải ông Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đầy tự tin trước đây thường xông ra thay mặt Thủ tướng - Hội nghị Melia mà “thành công tốt đẹp” thì chắc chắn ông sẽ được nhận công lao. Cũng không phải một ông Bộ trưởng sạch nào khác ký thừa ủy quyền, mà đứng tên báo cáo của Chính phủ lại là một ông Bộ trưởng đang bị dư luận yêu cầu phải ra điều trần. 

Ông Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang bị dư luận cật vấn những chuyện tày đình. Ông quản lý một trang mạng có đuôi gov.vn nhưng không biết vì lý do gì trong ba năm liền đã để cho nhà cầm quyền Trung Hoa thao túng, dùng diễn đàn đó phổ biến chủ trương của Bắc Kinh mà chỉ để lọt một nhận định như Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Hoa cũng đủ để đưa người tắc trách ra Tòa án Binh! Ông Vũ Huy Hoàng chưa giải trình vụ đó, lý ra nếu không có luật miễn tố đại biểu Quốc hội thì khó có thể yên. Ông còn một sơ suất không nhỏ nữa mà ở xã hội thực sự dân chủ thế nào cũng bị hạch: đã dung túng Thứ trưởng Lê Dương Quang lên án những chữ ký Kiến nghị gồm nhiều người dân trong nước và cả những trí thức Việt kiều ở nước ngoài là “kém xây dựng, hoàn toàn dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện, […] thậm chí mang tính kích động và bị các tổ chức phản động lợi dụng.  

Người như thế mà lại được thừa ủy quyền gửi một báo cáo có tầm chiến lược quốc gia lên cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, phỏng có chính danh không? Hội đồng Chính phủ ủy thác cho ông trình bày làm sao tránh được phản ứng nhiều chiều của công luận? Vì thiếu tính chính danh, nên ông Vũ Huy Hoàng chắc chắn không thể trả lời những câu hỏi liên quan đến tính pháp lý của vấn đề bauxite, chẳng hạn: ai ủy quyền đưa chủ trương cụ thể khai thác bauxite vào bản Tuyên bố chung giữa Đảng CS Việt Nam và Đảng CS Trung Hoa từ năm 2001? Giả sử chủ trương đó là đã có cùng với Đại hội lần IX và lần X của Đảng CS Việt Nam, thì hà tất phải đem chuyện đó ra ký trong Tuyên bố chung với Trung Hoa? Ông Vũ Huy Hoàng không là Ủy viên Bộ Chính trị như ông Thủ tướng nên càng không thể trả lời thay.  

Ba: về cách lập luận của bản báo cáo – Quanh co, hứa hẹn không có cơ sở và né tránh vấn đề bức thiết nhất. 

Phải nói rằng toàn bộ các biện pháp trong bản báo cáo số 91/BC-CP ký ngày 22-5-2009 của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gửi Quốc hội về vấn đề bauxite chỉ là những khẩu hiệu mà những đại biểu Quốc hội – vốn rất thiếu thông tin – sẽ rất dễ xuôi tai. Toàn bộ những con số về trữ lượng, về sản lượng, về đường lối phát triển, v.v. thực chất là những lời hứa hoàn toàn không có gì để tin cậy rằng chúng là khả tín và khả thi.  

Chẳng hạn, báo cáo viết: “Chính phủ thống nhất với ý kiến góp ý về việc cần thiết phải xem xét, điều chỉnh và thời sự hóa một cách thích hợp các mục tiêu và giải pháp đầu tư khai thác chế biến quặng bô-xít trong Quy hoạch” (Mục 5, Về quy hoạch sản lượng các dự án). Nếu hiểu “thời sự  hóa” có nghĩa là “thường xuyên cập nhật” tình hình để báo cáo Quốc hội, thì ngay ở đây đã có chuyện khó hiểu. Báo cáo viết: “Cả 3 dự án này đều đã có đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác đầu tư, bao gồm Chalco (Trung Quốc), Alcoa (Mỹ) và BHPM (Anh) (10. Về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án). Khó hiểu ở chỗ nào? Báo cáo viết: “Ngoài ra, hiện nay một số nhà sản xuất alumin lớn trên thế giới như Chalco, Alcoa, BHPB, UC-Russal vẫn đang thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất alumin tại Việt Nam v.v. vì vậy có cơ sở để tin cậy và an tâm về hiệu quả kinh tế”. Trên kia vừa nói “thời sự hóa”, ngay đó đã quên không cập nhật việc công ty Alcoa của Mỹ rút khỏi dự án Nhân Cơ rồi, còn “mong muốn hợp tác đầu tư” ở chỗ nào nữa? Và công ty BHPM là công ty nào và đang “mong muốn hợp tác đầu tư” đến đâu thì chỉ có những nhóm quyền lợi nào đó mới biết thôi!

Báo cáo cũng viết: “Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5 năm 2009) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người” (12. Về vấn đề người lao động nước ngoài tại dự án). Sự thật là cho tới nay chuyện lao động nước ngoài vẫn còn hết sức tù mù. Một khi vẫn chưa có báo cáo khảo sát độc lập nào được tiến hành, thì mọi việc vẫn chưa minh bạch, ai mà tin được? Dĩ nhiên, càng không thể tin được vào những lời hứa hẹn về những giải pháp kỹ thuật và những giải pháp giám sát. Ông Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ - Môi trường có thể đứng ra nhận trách nhiệm giám sát. Chúng tôi đoán vậy. Nhưng có giám sát dễ hơn vụ Vedan không? Ông Bộ trưởng có dám ký cam kết sau khi ông về hưu vài năm, môi trường bị hủy hoại tồi tệ, nhân dân có quyền truy cứu trách nhiệm của ông không, và khi đó sẽ làm gì để “truy tố vắng mặt” ông?

Điều nghiêm trọng hơn cả là chuyện an ninh - quốc phòng ở Tây Nguyên. Trong vấn đề này, bản báo cáo tỏ vẻ lo lắng, song lại cãi theo lối chơi chữ và suy diễn thiếu căn cứ như sau:  

Về vấn đề trên (tức an ninh - quốc phòng BXVN), Chính phủ xin báo cáo như sau: Theo tiêu chí thứ 4 trong Nghị quyết 66 của Quốc hội thì “Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh” thuộc dự án quan trọng quốc gia.

Thông báo số 245-TB/TW ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị xác định: Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài...”. [Chỗ này, báo cáo phải thêm chữ “nhưng”, nếu không sẽ làm người đọc lẫn báo cáo với thông báo của Bộ Chính trị] [Nhưng] Đến nay, chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào của Quốc hội và Chính phủ về đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh và điều chỉnh bởi Nghị quyết 66. Bởi vì nếu như vậy, thì được hiểu là tất cả các dự án ở Tây Nguyên, không trừ một dự án nào, không phụ  thuộc vào quy mô, tính chất, cũng sẽ phải trình ra Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư”.

Thiết nghĩ, một sự coi thường những nhắc nhở trong kết luận của Bộ Chính trị và cố tình lờ đi những nhận định sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và các tướng lĩnh khác, cũng như một cách lập luận đập nhập chuyện này vào chuyện kia như vậy, trước một hiện thực cực kỳ nghiêm trọng đang đặt ra trên “mái nhà Đông Dương” mà cả dân tộc đang hàng ngày hàng giờ nhìn lên với tất cả hồi hộp lo lắng thì tính cách thiếu nghiêm chỉnh của bản báo cáo là đã quá hiển nhiên, không cần phải bình luận gì thêm! Chúng tôi mong mỏi Quốc hội ưu tiên xem xét và khẳng định lại điểm mấu chốt này: Có hay không Tây Nguyên chính là địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng an ninh.

Tóm lại, việc báo cáo trước Quốc hội về một vấn đề nóng bỏng mà ai ai cũng nhìn thấy nhưng đã bị lần lữa, né tránh, thế không đừng được phải đưa ra thì văn bản lại tỏ ra thiếu tinh thần thực sự cầu thị. Giả sử Quốc hội chất vấn nội dung báo cáo này, thì ông Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cầm quyền đứng ra trả lời, hay là để ông Bộ trưởng đang bị nghi vấn trả lời thay? Và nếu như ông Bộ trưởng đó, đến lượt mình, lại ủy quyền cho một ông Thứ trưởng cỡ ông Lê Dương Quang trả lời thay (và chịu trách nhiệm hộ), thì khi đó kỷ cương phép nước còn gì nữa?

Không thể dửng dưng, phó mặc trước sinh mệnh dân tộc! Xin đừng đánh mất tỉnh táo!  

Bauxite Việt Nam

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 822 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 13
Khách: 13
Thành Viên: 0