Chính quyền
tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch vào tháng 6/2009 sẽ
khởi công xây một đập dâng ngang sông Trà. Theo
thiết kế, con đập có chiều dài hơn 800m, cao
3,15m chắn ngang sông Trà khoảng 1km phía đông cầu Trà
Khúc. Văn bản dự án cho rằng con đập có tác
dụng ngăn lũ, điều tiết mực
nước nổi và làm tăng độ cao và trữ
lượng nước ngầm ở lưu vực,
cải tạo khí hậu và làm điểm vui chơi cho
cư dân giàu ở thành phố, đồng thời tạo
điều kiện phát triển giao thông thủy.
Tất cả
những kết luận ấy dựa trên những số
liệu và tính toán có chủ ý, duy ý chí, thuộc tư duy
cấp dự án cần đầu tư
bằng mọi giá và không có tính thuyết phục.
Đây là công trình có
vốn xây dựng khoảng 230 tỉ đồng từ
ngân sách nhà nước, tức của toàn dân, chưa
từng có với tất cả dòng sông cả nước
nói chung và miền trung nói riêng (đặc sản Quảng
Ngãi).
Ngoài sự không
thuyết phục về mục tiêu, ý nghĩa, tác
động xã hội và môi trường đã nói ở trên,
thực chất việc xây con đập là sự thể
hiện quyền lục của nhà nước cấp
tỉnh trong việc dùng tiền công để làm một
công trình có mục đích tiêu tiền, tạo điều
kiện hưởng lợi cho những nhà thầu xây dựng,
phục vụ nhu cầu mát mẻ vui chơi của bộ
phận dân cư giàu có, có điều kiện sống cao
hơn (quan chức và giới doanh nhân thương gia ăn
theo)ở khu vực đô thị . Việc xây dựng không
tính đến sự tác động đến dòng sông bình
thường đã là hình ảnh, biểu tượng
văn hoá của người dân Quảng Ngãi, đã đi
vào ký ức và thi ca; cũng không tính đến sự tác
động môi trường do nước biển dâng vì
thay đổi khi hậu mà dự kiến là sẽ cao hơn
khoảng 0,5m vào năm 2050 tại khu vực ven biển miền
trung; không tính đến sự thay đổi địa lý
sinh thái và chu kỳ sinh thái, sinh sản phân bố suốt
dòng sông của những loại thủy sản truyền
thống như cá bống - cá thày bai; không tính đến
sinh nhai của 5 vạn cư dân phía sau đập với
những mục đích hiện có đối với dòng
sông như thủy lợi, đánh bắt ốc, don hến,
khai thác vật liệu xây dựng, tắm giặt. Thế hệ trẻ em phía sau đập không còn
dòng sông, bến nước với vị trí bình
thường để bơi tắm, nghịch đùa,
hẹn hò và yêu nhau. Cũng không biết dòng nước sau khi đã
được người dân thành phố thưởng lãm
rồi sẽ có chất lượng như thế nào trong
khi điều chắc chắn là lượng bồi tích
phù sa hàng năm bổ sung cho những cánh đồng phía
dưới sẽ không còn. Đó là chưa nói đến
nguy cơ và hậu quả của những sự
cố kỹ thuật xảy ra khi lũ về mà hệ
thống thoát bị hỏng (không thể nói là tuyệt
đối không xảy ra, cả với những nhà máy
điện hạt nhân) hoặc những hư hỏng dứt
khoát phải có khi hàng nghìn tấn rác củi đổ xuống
khi mùa lũ về
Chúng tôi, những
người dân Quảng Ngãi thiết tha yêu mến quê mình,
muốn dòng sông cứ bình thường như vậy
với thế hệ chúng tôi và cũng vậy với
thế hệ tương lai , thấy rằng công trình
chẳng cần thiết chút nào. Chúng ta đã
hy sinh dòng sông cho đập thủy lợi Thạch Nham ở
đầu nguồn để bảo đảm có đủ
lương thực cho tỉnh rồi. Có con đập
dâng cũng không làm cho GDP Quảng Ngãi tăng lên hoặc
người dân bớt nghèo đi. Con đập chẳng thu lại được đồng
tiền nào, chưa nói đến hàng năm lại phải
tiêu tốn thêm cho quản lý, bảo dưỡng, gia
cố, sửa chữa, khắc phục những sự
cố mà thiết kế chưa tiên liệu hết. Những đồng tiền đó nên xây nhà cho
người nghèo, giúp đỡ người tàn tật, làm
mới những ngôi trường miền núi. Một tỉnh
hàng năm phải xin bổ sung ngân sách từ trung ương
và hiện có số
huyện miền núi nghèo chiếm 1/10 cả nước không
thể dùng 230 tỉ đồng cho một công trình làm cảnh
cho một bộ phận không lớn cư dân.
Chúng tôi thiết
tha kêu gọi những người dân Quảng Ngãi khắp
nơi hãy nghiên cứu để phản biện, bày tỏ
tâm tư chủ kiến của mình để Quảng Ngãi
không rơi vào qui luật đầu tư với bất
cứ giá nào, khai thác tài nguyên với bất cứ giá nào mà
kết quả là sự không còn hoặc sự méo mó của
dòng sông.
Lệ Dân (Quảng Ngãi)
|