Trần Khải “...cách
duy nhất để gỡ vòng phong toả là cả nước phải học khẩn cấp, để tự ý
thức rằng cơ hội tự giải thoát có thể sẽ không kịp nữa, và phải trao
cho toàn dân cơ hội mới để chung sức - làm một bước đầu cho tiến trình
dân chủ hoá. Đừng nói rằng dân trí thấp. Hãy tự chất vấn rằng vì sao
nhà nước còn phong toả giáo dục...”
Muốn đất nước hùng
mạnh, không gì bằng trang bị cho dân đầy đủ kiến thức vững vàng để cùng
góp sức đưa cả nước thăng tiến về mọi mặt. Nghĩa là giúp cho người dân
đủ kiến thức để thích ứng với một xã hội mới của thế kỷ 21, đủ chuyên
môn và lý luận để biện biệt đúng sai nhằm phát minh ra các sáng tạo mới
để vượt qua các bế tắc, trở ngại hay để cải tiến phương pháp làm việc.
Như thế, đất nước mới vững vàng, không bị nước khác bắt nạt.
Trong trường hợp nhà nước không muốn người dân học nhiều, vì sợ các tư
tưởng phóng khoáng làm người dân suy nghĩ khác hơn lề bên phải mà Bộ
Thông Tin Văn Hoá đã quy định, vì sợ thế hệ trẻ sẽ không dễ dàng vâng
lời nữa, và sợ các xã hội dân sự sẽ hình thành bên ngoài khung tổ chức
của nhà nước… thì cách duy nhất là khép cửa giáo dục, chỉ mở cửa học
đường cho các sinh viên tin cậy, do đảng, đoàn đưa lên.
Giáo dục là chìa khoá để đưa cả nước tới một chân trời mới, và là cách
duy nhất hiện nay có thể đưa cả nước thoát khỏi vòng phong toả của
Trung Quốc trên mọi mặt, từ văn hoá, xã hội, tới kinh tế, tài chánh…
Bởi vì, không thể để tình trạng bật máy truyền hình là thấy ngay cả
nước đang bị Vạn Lý Trường Thành bao vây. Về lâu dài, sẽ hết cứu, vì
các thế hệ tương lai của Việt Nam, trong tâm tưởng, đã được gợi ý sẵn
để đầu hàng đàn anh vĩ đại từ thuở ấu thơ. Từ món ăn Vịt Bắc Kinh ngoài
chợ, tới áo quần Thượng Hải ngoài tiệm, từ ái mộ cô tài tử phim bộ Hồng
Kông, tới phi thuyền không gian Thần Châu… nếu Việt Nam không tự đứng
vững thì từ Tây Nguyên tới Biển Đông làm sao mà giữ, vì đã thua ngay từ
trong tiềm thức rồi.
Nói thế không phải để bài Hoa, hay bài ngoại. Vấn đề là chúng ta phải học, để tự mình chung sức đưa cả nước đi lên.
Điều cực kỳ quan ngại là nhà nước Hà Nội đang tìm cách khép cửa giáo
dục với nhiều thành phần. Nổi bật nhất trong các trở ngại là học phí.
Bây giờ học phí đã trở thành gánh nặng, quá nặng đối với rất nhiều
thành phần sinh viên, học sinh. Không chỉ học phí, mà ngay cả cách đòi
tiền học phí cũng "thô bạo, chuyên chính, không hề khoan nhượng".
Báo Đất Việt của nhà nước Hà Nội, số ngày 14-5-2009, kể chuyện "Chưa đóng học phí, bị đuổi khỏi phòng thi".
Bài báo kể chuyện về trường Cao Đẳng Nguyễn Tất Thành ở Sài Gòn, trong
"giờ thi môn kiểm toán của khoảng 80 SV lớp 07TTC07 ngành Tài chính -
ngân hàng, cao đẳng (CĐ) Nguyễn Tất Thành vừa qua, có hơn 10 trường hợp
bị đuổi ra khỏi phòng thi vì chưa đóng học phí.
"Bạn Nguyễn Văn Hoàng cho biết, vào đầu giờ thi, giám thị yêu cầu những
SV chưa đóng tiền học kỳ bốn (1.900 đồng) phải ra khỏi phòng thi. Những
ai đã đóng tiền thì phải xuất trình biên lai đóng tiền học phí. SV
không có biên lai phải đi xin xác nhận từ phía nhà trường, nếu cũng sẽ
"cùng cảnh ngộ" với những người chưa đóng tiền. "Nhiều bạn bỏ quên biên
lai ở nhà phải chạy đi xin xác nhận, khi trở lại phòng thi thì các bạn
đã làm bài hơn 15 phút", Hoàng kể lại." (hết trích)
Thử làm một bài toán nhỏ, trong 80 sinh viên thi, có 10 SV bị đuổi ra
khỏi phòng thi vi chưa đóng học phí, nghĩa là tỉ lệ rớt kỳ thi ít nhất
là 1/8. Nghĩa là, nếu có 800 SV, thì có 100 SV thua cuộc chỉ vì không
xoay kịp tiền để đóng học phí trước giờ thi. Mất mảnh bằng, không phải
vì học kém, mà chỉ vì tiền không xoay ra kịp. Uổng biết là bao nhiêu
công mài dùi kinh sử cả năm. Và nếu là nữ sinh viên, tình hình có thể
sẽ làm nhiều cô hoặc bỏ ngang để về lấy chồng, hoặc phải nương dựa vào
những tên giàu xụ hung hiểm. Nếu tất cả các ngành khác cũng ở tỉ lệ 1/8
thi rớt vì chưa có tiền học phí, thì tương lai Việt Nam ra sao? Học
giỏi cách mấy, cũng chưa chắc qua được cửa học phí này.
Nhưng, học phí cao cỡ nào mà tỉ lệ không xoay kịp tiền tới như thế? Cũng theo báo Đất Viêt,
học phí sẽ ngày càng tăng, không giảm. Bản tin ngày 22-5-2009 cho biết
rằng ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, năm học 2009 -
2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề
án từ năm 2010 đến 2014, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá
đồng tiền từ năm 2008 so với năm 2000…
Nghĩa là, cụ thể, "Như vậy, năm học 2009 - 2010, học phí ĐH tăng từ
180.000 đồng lên 255.000 đồng một tháng; học phí học nghề tăng từ
120.000 đồng lên 170.000 đồng một tháng. Riêng sinh viên sư phạm vẫn
được miễn học phí trong năm 2009 và bắt đầu thu học phí từ năm 2010 với
mức khởi điểm là 280.000 đồng một tháng." (hết trích)
Bây giờ, thử lấy giá trung bình học phí 255.000 đồng VN. Con số này có
nghĩa gì trong đời sống dân Việt hiện nay? Nếu một sinh viên đóng học
phí này, vậy rồi cộng thêm tiền phòng trọ (nếu từ tỉnh xa tới), rồi
tiền ăn hàng ngày, rồi tiền mua sách vở, giấy mực, tiền đổ xăng, vân
vân… Chỉ phí tổng cộng sẽ tới bao nhiêu? Chúng ta không biết chính xác
các con số này, nhưng có thể biết rằng gia đình nào cũng phải hy sinh,
gồng gánh rất nhiều mới đưa được con qua các năm đại học.
Nếu cho các chi phí linh tinh, là bằng với học phí, thì thử giả định,
chi phí cho một em sinh viên có thể là 500,000 đồng VN. Trong khi đó,
lương tối thiểu của một công nhân ở VN hiện nay chỉ có 650.000đ/tháng.
Thấy rõ, ba mẹ mà làm lương tối thiểu là kể như con bỏ học.
Báo Dân Trí ngày 1-5-2009 trong bản tin "Nhiều thay đổi quan trọng về chính sách từ 1/5" đã viết:
"Tăng lương tối thiểu lên 650.000đ/tháng.
Từ 1/5, mức lương tối thiểu chung 650.000đ/tháng được áp dụng đối với 4
loại hình cơ quan, đơn vị, tổ chức, bao gồm: các cơ quan nhà nước, lực
lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; các đơn
vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ
chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập
và hoạt động theo quy định của pháp luật; các công ty được thành lập,
tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước và các
công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ
chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp…" (hết trích)
Như thế, tương lai cả nước chỉ còn thành phần sinh viên thuộc lớp con
cán bộ (diện chính sách ưu đãi) hay thành phần nhà giàu (chủ yếu ở
thành thị, buôn bán, thân cận giới có quyền lực). Còn học trò ở tỉnh
nhỏ, vùng sâu vùng xa, nhà nghèo, ngoài diện chính sách là kể như hỏng.
Nếu nền giáo dục quê nhà nhứ thế, trước sau gì cũng không bứt nổi vòng
phong toả của Trung Quốc, một quốc gia đã đầu tư rất nhiều cho giáo dục
và đã gửi sinh viên ào ạt du học nhiều thập niên qua.
Tuy nhiên, có một cách để VN có thể mở cửa nền giáo dục: Rằng các đại
học tại VN nên đưa lên mạng Internet những lớp nào có thể lên mạng
được, nếu có thể lên mạng tới 50% các lớp hay tỉ lệ nhiều hơn, có thể
tin là tiền học phí sẽ giảm rất nhiều. Bài tập có thể làm, gửi qua
email cho thầy cô, và hàng tuần hay hàng tháng thì tới trường một lần
để thi trực tiếp dưới sự giám sát của thầy cô. Sẽ tiết kiệm được rất
nhiều, nếu đưa nhiều lớp lên mạng Internet.
Nhà nước Hà Nội có thể lập một mạng riêng, hay mượn một phần không gian
của các mạng có sẵn để các đại học vào mở lớp trên mạng. Trường hợp này
không có gì là bí ẩn: hơn 200 đại học Mỹ đã đưa rất nhiều lớp lên các
mạng chung hoặc riêng, trong đó nhiều nhất, khoảng 100 đại học vào
chung ở mạng YouTube (http://www.youtube.com, vào Channels, vào
Education).
Trên mạng này, có rất nhiều đại học nổi tiếng, thí dụ như UCLA gia nhập
mạng này từ ngày 2-3-2006, và bây giờ có 580 băng hình ở đây; đại học
Harvard Business, gia nhập mạng từ 1-10-2007, và bây giờ có 39 băng
hình ở đây; Đại Học MIT gia nhập từ 11-10-2005, hiện có 932 băng hình ở
đây; Đại học Stanford University, gia nhập mạng ngày 18-9-2006, và bây
giờ có 610 băng hình ở đây, và nhiều trường nổi tiếng khác.
Trường hợp các đại học VN lên mạng, có thể hoặc là cho vào xem tự do,
hoặc là sẽ trao mật mã cho sinh viên để vào xem một số lớp học đặc
biệt, nếu cần thiết, thí dụ các lớp dạy về y khoa tình dục không nên để
xem tự do đối với trẻ em. Ưu điểm là, sinh viên có thể xem đi xem lại
hoài một băng hình, nếu chưa hiểu bài kịp. Thêm nữa, SV có thể tận dụng
thì giờ ban ngày đi làm, đêm về xem băng hình để học, nếu bản thân phải
vừa làm vừa học mà không bị trở ngại giờ giấc. Thêm nữa, dạy qua mạng
sẽ giúp các sinh viên vùng sâu vùng xa có thể hằng ngày học qua mạng,
chỉ trừ các kỳ thi cuối tháng là phải trực tiếp tới trường để thi. Tiết
kiệm vô số, mà lại mở cửa giáo dục cho cả nước.
Báo The Christian Science Monitor, số ngày 13-5-2009, trong bài viết nhan đề "OpenCourseWare: College education, without the student loans" đã viết:
"Từ vùng băng giá của Bắc Cực cho tới chiền trường ở Iraq, một lớp học ảo và miễn phí đang thành hình.
Thúc đẩy nhờ tiến bộ kỹ thuật và lòng hiếu học của người dân trong thời
kinh tế suy thoái, các đại học đang đưa lên mạng các tài liệu học vấn -
kể cả học trình, các bản ghi chú trong lớp, và bài giảng - cho bất kỳ
ai muốn học. Phong trào này gọi là OpenCourseWare, cho người tự học
tiết kiệm tiền học phí, cho cựu sinh viên liên lạc với trường cũ, và
cho những người muốn trở thành sinh viên nhìn vào các lớp đại học.
Hiện thời đã có hơn 200 đại học đưa các lớp, từ môn lịch sử nghệ thuật
tới kinh tế học lên mạng cho học miễn phí…" (hết trích dịch)
Một ưu điểm nữa, nếu nhà nước Hà Nội đưa nhiều lớp đại học lên mạng như
thế, sẽ có thể nhờ các giáo sư quốc tế dạy từ xa các môn học mà các
giáo sư quốc nội không thực hiện xuất sắc được. Thí dụ, giáo sư Mỹ dạy
Anh Văn, hay giáo sư Pháp dạy Pháp Văn. Các lớp này thu vào băng hình,
đưa lên mạng, trước tiên là trang bị được ngoại ngữ giỏi hơn cho thế hệ
trí thức tương lai, và tiết kiệm rất nhiều… Thực tế, có thể nhiều vị
trí thức Việt kiều có thể giúp giảng dạy cho các môn đặc biệt, mà các
giáo sư qúôc nội không phụ trách giỏi được, thí dụ như môn học về đời
sống di dân ở Mỹ, văn học da đen Hoa Kỳ, nghệ thuật hậu hiện đại, Hiến
Pháp Mỹ, và vân vân.
Nếu không mở cửa giáo dục, đất nước sẽ không bao giờ vững vàng được, và
sẽ cứ lệ thuộc hoài thôi. Hãy trang bị lòng hiếu học cho toàn dân, hãy
cắt giảm học phí đại học tới mức tối đa bằng mạng Internet. Hãy nhớ,
khi Biển Đông đang bị vây tới nổi tàu cá Việt hễ ra xa là bị đụng chìm,
khi Tây Nguyên đã có mọc lên các Phố Tàu, và khi dòng Mekong đang bị
vận dụng bởi các đập nước hung hiểm từ nội địa Trung Quốc, thì cách duy
nhất để gỡ vòng phong toả là cả nước phải học khẩn cấp, để tự ý thức
rằng cơ hội tự giải thoát có thể sẽ không kịp nữa, và phải trao cho
toàn dân cơ hội mới để chung sức - làm một bước đầu cho tiến trình dân
chủ hoá. Đừng nói rằng dân trí thấp. Hãy tự chất vấn rằng vì sao nhà
nước còn phong toả giáo dục. Trần Khải
|