Gửi vào ngày Thứ Năm, 28 Tháng 5, 2009.
PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Ðạo
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
E-mail : ubcv.ibib@buddhist.com
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 27.5.2009
Thượng tọa Thích Viên Định nói về Pháp lý của GHPGVNTN
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được hai văn kiện trong nước
gửi ra để phổ biến. Hai văn kiện liên quan đến sự sách nhiễu, đàn áp
của nhà cầm quyền Hà Nội đối với 20 Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ở các tỉnh Miền Trung và Miền Nam trong
Mùa Phật Đản, mà đồng thời cũng là “Tháng 5 Bất Tuân Dân sự - Biểu tình
Tại gia” do Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nhân danh Hội đồng Lưỡng
Viện, GHPGVNTN, công bố hôm 29.3.2009.
Trong cuộc sách nhiễu, đàn áp các Ban Đại diện GHPGVNTN này, Nhà cầm
quyền Cộng sản thường rêu rao rằng GHPGVNTN “bất hợp pháp”, vì đã sáp
nhập vào “Giáo hội Phật giáo Nhà nước” năm 1981. Thượng tọa Thích Viên
Định, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, viết bài “Vấn đề Pháp lý
của GHPGVNTN” phản biện luận điểm hồ đồ và phi pháp của Nhà nước Cộng
sản.
Nhà cầm quyền Cộng sản tỏ ra vô cùng sợ hãi “Lời Kêu gọi Tháng 5 Bất
tuân Dân sự - Biểu tình Tại gia” của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ,
nên đã viết bài trên báo An Ninh Thế giới của Bộ Công an mạ lỵ cuộc
“Biểu tình Tại gia” trong số ra ngày 23.4.2009, và sang ngày 27.4.2009
báo Công an Nhân dân TP Hồ Chí Minh viết bài mạ lỵ ông Võ Văn Ái, Phát
ngôn nhân Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, kiêm Giám đốc Phòng Thông tin Phật
giáo Quốc tế ở Paris, là cơ quan phổ biến Lời Kêu gọi. Những bài chẳng
đáng quan tâm. Vì con thú cộng sản bị thương nên thấy cành cây tưởng
cánh cung bắn nó, như một phản ứng Pavlov mà người đọc đã chán ngấy thứ
ngôn ngữ chợ trời suốt mấy chục năm qua trên khắp mặt báo cộng sản.
Nhưng điều thú vị là trước hàng nghìn chữ ký tự phát của các tổ chức,
đảng phái, hội đoàn, tôn giáo ở hải ngoại hưởng ứng và hoan nghênh Lời
Kêu gọi của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, thì bỗng nhiên trên sa
mạc tuyệt vọng phát ra tiếng rên rỉ của một vài bài chống đối của mấy
kẻ tự nhận “Chống Cộng liệt mình”, kiểu Trần Thanh, a tòng mạ lỵ Lời
Kêu gọi, một đồng một cốt với giọng điệu thất thanh của Bộ Công an ở Hà
Nội.
Vì vậy phản ứng của người trong nước, từ Huế, cất lên dưới ngòi bút của
Huynh trưởng Lê Công Cầu, Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ, Viện Hóa Đạo,
GHPGVNTN, qua bài viết “Thư khuyên nhủ Trần Thanh, và ý nghĩa “Lời Kêu
gọi Tháng 5 Bất tuân dân sự - Biểu tình Tại gia” của Đại lão Hòa thượng
Thích Quảng Độ.
Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải dưới đây toàn văn hai văn kiện này :
Vấn đề Pháp lý của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN)
I. Pháp lý Phật Giáo Thời Độc lập Tự Chủ:
“Phật Giáo truyền vào Việt Nam vào từ đầu thế kỷ I Tây lịch, nhưng mãi
đến thế kỷ VIII mới thật sự phát triển, nhịp nhàng với thời kỳ đất nước
bước vào thời đại tự chủ, thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc thời đó.
Trong thời gian ấy các nhà truyền giáo Việt Nam đã khéo léo đưa Phật
giáo vào lòng dân tộc mỗi lúc mỗi sâu đậm, đến nay chúng ta không tìm
đâu ra trong Phật giáo một dấu vết gì gọi là ngoại lai hay phi dân tộc.
Đó là thành công lớn lao trong sự nghiệp truyền giáo của Tổ tiên chúng
ta. Mặt khác, các nhà truyền giáo lúc bấy giờ cũng đã thành công nhiều
trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trong tư thế tự chủ hùng cường đối
với phương Bắc sau bao thế kỷ bị đô hộ. Các nhân vật Phật giáo có công
với đất nước như : Thái sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu thời Đinh (
968-980) và thời tiền Lê ( 980-1009); Quốc sư Vạn Hạnh thời Lý Công
Uẩn, Quốc sư Khô Đầu thời Lý Nhân Tôn, Quốc sư Minh Không thời Lý Thần
Tôn, Quốc sư Viên Thông thời Lý Anh Tôn (1010-1225); Quốc sư Phù Vân
Trần Thái Tôn v.v…và đã giúp các vua nhà Trần như: Thái Tôn, Nhân Tôn
xuất gia đầu Phật sau khi bình định được các giặc giã bên ngoài mỡ rộng
bờ cõi, xây dựng nước nhà vững mạnh (1225-1400). Các vị Tổ sư truyền
giáo của chúng ta các thời ấy không hề cầu xin các triều đại pháp lý
nào cả mà chính các triều đại ấy đã khâm ban tôn phong các Ngài những
tước hiệu lớn lao vinh dự hơn cả ngôi vua thì có pháp lý hành chánh
thông thường nào hơn thế nữa!” (trích Bản tham luận của GHPGVNTN kỳ
VII năm 1977)
II. Pháp lý Phật Giáo thời Pháp thuộc đến chế độ Ngô Đình Diệm (1858- 1963):
Khi đất nước bước vào thời kỳ suy vi thì Phật giáo cùng chung số phận
với dân tộc. Nghĩa là khi giặc Pháp xâm chiếm xứ sở thì nước mất nhà
tan và Đạo pháp cũng suy sụp.
Tuy nhiên, vào các thời kỳ 1925- 1930, phong trào chấn hưng Phật giáo
bắt đầu hoạt động thì thực dân Pháp bắt buộc các tổ chức Phật giáo
Trung-Nam-Bắc thời đó muốn hoạt động phải chịu sự kiểm soát của chúng
bằng những pháp lý cay nghiệt do các tên toàn quyền thuộc địa quyết
định. Đó là những pháp lý tạm thời bất đắc dĩ và tủi nhục của một Tôn
giáo cổ truyền của dân tộc từ địa vị một Tôn giáo xuống hàng Hiệp hội
thông thường, và có lẽ chúng ta không bao giờ muốn có một pháp lý như
vậy nữa.
III. Pháp lý của GHPGVNTN từ năm 1964 đến nay:
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời năm 1964. Sau năm 1975,
hoàn cảnh đất nước thay đổi, nhưng GHPGVNTN cũng như nhiều Giáo Hội các
Tôn giáo khác vẫn tiếp tục hoạt động.
Những sinh hoạt sau đây của GHPGVNTN sau năm 1975 là những minh chứng :
- Ngày 02.11.1975, xảy ra vụ 12 vị Tăng Ni ở Thiền Viện Dược Sư tại Cần
Thơ tự thiêu chống đối đàn áp của cộng sản. Ông Mai Chí Thọ, lúc đó là
Giám Đốc Sở Công An Sài Gòn, đến chùa Ấn Quang yêu cầu Viện Hóa Đạo
GHPGVNTN cử người xuống Cần Thơ để cùng với nhà cầm quyền điều tra.
Viện Hóa Đạo đã cử Hòa Thượng Thích Quảng Độ, lúc đó là Tổng Thư ký
VHD, thay mặt GH, dẫn phái đoàn xuống Cần Thơ điều tra xác nhận việc
này. (xem thêm trong sách “Nhận Định về Những Sai Lầm Tai Hại của Đảng
Cộng Sản Việt Nam đối với Dân Tộc và Phật giáo” của HT Thích Quảng Độ,
NXB Quê Mẹ, Paris 1995).
- Năm 1977, Thủ tướng Phạm văn Đồng đã ký lệnh thư “Không trở ngại” để GHPGVNTN được tổ chức Đại Hội Kỳ VII tại Sài gòn.
- Năm 1980, nhà cầm quyền chấp thuận việc GHPGVNTN mở Đại Giới Đàn Thiện Hòa tại chùa Ấn Quang Sài gòn. V.v…
Tuy vậy, bên trong, Cộng sản vẫn theo đuổi việc thực hiện châm ngôn của
Lê Nin : “Đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp và khống chế quần
chúng”, nên nhà cầm quyền đã tìm mọi cách để cai quản, điều khiển các
Tổ chức tôn giáo.
Đối với Phật giáo, nhà cầm quyền Cộng sản có những hoạt động sau đây :
- Năm 1976, thành lập tổ chức “Phật Giáo Yêu Nước” do những vị sư theo
cộng sản lãnh đạo, cộng với những vị sư xu thời. Tổ chức này rất nhỏ,
ít nhân sự.
- Năm 1980, thành lập Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo. Trong đó có
các thành viên của GHPGVNTN như: HT Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa
Đạo làm trưởng ban, và các HT Thích Trí Tịnh, Thích Minh Châu…
- Năm 1981, thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thành viên của Mặt
Trận Tổ Quốc, công cụ của đảng Cộng sản Hà Nội. (xin xem thêm Tài liệu
“Thống Nhất Phật Giáo” của ông Đỗ Trung Hiếu)
Các tôn giáo khác, nhà cầm quyền cộng sản cũng có những hoạt động tương
tự, nhưng mỗi tôn giáo có hoàn cảnh, hệ thống tổ chức khác nhau nên kết
quả cũng khác nhau.
Việc Cộng sản thành lập những tổ chức làm công cụ cho họ để tuyên
truyền là đương nhiên. Nhưng lắc léo ở chỗ, họ dùng một số người của
mình, của Giáo Hội mình, GHPGVNTN, thi hành những việc theo ý muốn của
họ, đó mới là vấn đề.
Năm 1981, Sau khi thành lập xong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN),
thuộc MTTQ, nhà cầm quyền cộng sản tuyên truyền rằng GHPGVNTN không còn
nữa, vì đã sáp nhập vào GHPGVN của MTTQ rồi.
Lý do nào Cộng sản nói như vậy?
Cộng sản lấy cớ việc Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo
nhận lãnh chức vụ Trưởng Ban vận động Thống Nhất Phật Giáo,.tuy Ngài
tuyên bố rằng, Ngài nhận lãnh chức vụ Trưởng Ban vận động là với tư
cách cá nhân, vì không được sự đồng ý của Giáo Hội. Ngoài HT Trí Thủ,
GHPGVNTN còn có HT Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh ... làm Phó Ban hoặc
thành viên trong Ban vận động này. Đặc biệt nhất là có một phái đoàn
Đại diện cho GHPGVNTN tham dự Đại Hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam tại chùa Quán Sứ Hà Nội, phái đoàn này do HT Thích Thiện Siêu,
người không có chức vụ gì trong Viện Hóa Đạo, làm trưởng đoàn, và danh
sách đề cử phái đoàn GHPGVNTN có đóng dấu Viện Hóa Đạo.
Sự thật việc đó như thế nào?
Xin trích một đoạn trong sách “ Nhận Định về Những Sai Lầm của Đảng
Cộng Sản Việt Nam Đối với Dân tộc và Phật Giáo ” của Hòa thượng Thích
Quảng Độ liên quan vấn đề này:
“…Đến khoảng tháng 9 năm 1981, cố H.T. Trí Thủ, với danh nghĩa Trưởng
ban vận động thống nhất Phật giáo, đề nghị Viện Hóa Đạo cử Đại diện
Giáo hội đi dự Đại hội thống nhất Phật giáo sẽ họp tại Hà Nội vào cuối
năm đó. Tôi đề nghị, nhà nước đã không cho triệu tập Đại hội bất
thường, thì bây giờ phải triệu tập Hội đồng Viện Hóa Đạo gồm mười một
quận Giáo hội Đô thành để thông báo cho họ biết về việc này. Cố Hòa
thượng Trí Thủ đồng ý.
Hôm sau tôi gửi văn thư mời các vị trong Ban Đại diện Giáo hội của mười
một quận về chùa Ấn Quang họp. Hình như họ đã đoán trước được là cuộc
họp này rất quan trọng nên họ về dự rất đông, không những chỉ có các vị
Đại diện chính thức của mười một quận, mà còn có cả tăng ni về dự
thính, ngồi chật giảng đường, đứng ngoài sân và trên các hành lang
trong chùa. Cố H.T. Trí Thủ chủ tọa cuộc họp (xin nhắc lại, với tư cách
Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo thì ngài là khách, nên lần
trước ngài đã về "thăm xã giao" nhà Ngài. Nhưng hôm nay với tư cách
Viện trưởng Viện Hóa Đạo nên Ngài chủ tọa cuộc họp). Với tư cách Tổng
thư kí Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, tôi đứng lên tuyên bố rõ lý do triệu tập
cuộc họp. Trước hết, tôi đọc lại các văn thư mà Viện Hóa đạo đã gửi ra
phủ Thủ tướng tại Hà Nội nói rõ quá trình thành lập Giáo hội và các cơ
cấu tổ chức cùng các hoạt động của Giáo hội tại miền Nam Việt Nam trước
ngày đất nước thống nhất, đồng thời, gửi kèm bản Hiến chương và nội qui
của Giáo hội để tường trình với nhà nước. Kế đó, tôi nói với các vị Đại
diện Giáo hội trong cuộc họp như sau : "Nay H.T. Viện trưởng Viện Hóa
Đạo đứng ra làm Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo, không biết ai
đã thành lập ban này, thành lập ở đâu và ai đã bầu Hòa thượng làm
Trưởng ban, Viện Hóa Đạo hoàn toàn không được biết điều đó, và cho đến
nay, Giáo hội cũng chưa chính thức được mời dự bất cứ cuộc họp nào bàn
về thống nhất Phật giáo. Bởi vậy, Giáo hội chưa biết thống nhất trên cơ
sở nào, theo hình thức nào và sau khi thống nhất, tư cách pháp lý của
GHPGVNTN sẽ ra sao. Đây là vấn đề tồn vong của Giáo hội, mà theo Hiến
chương Giáo hội, phải do Đại hội quyết định. Cách đây mấy hôm, tôi đã
được sở Công an mời ra bảo tôi phải đồng ý thống nhất, tôi đã nói với
ông Quang Minh (người tiếp tôi) là Ban chỉ đạo Viện Hóa Đạo không đủ
thẩm quyền quyết định việc quan trọng này, mà phải do Đại hội Giáo hội.
Và tôi đã yêu cầu ông Quang Minh cho chúng tôi triệu tập Đại hội bất
thường, mỗi tỉnh cần một vị Chánh đại diện hay Thư kí cũng được, nhưng
ông Quang Minh đã không đồng ý, viện lẽ không còn đủ thì giờ! Bây giờ
đây H.T. Viện trưởng đề nghị Viện Hóa Đạo cử Đại biểu Giáo hội đi dự
Đại hội thống nhất Phật giáo sẽ họp ngoài Hà Nội, tôi nhận thấy Đại hội
bất thường thì nhà nước không cho, bởi thế hôm nay Viện Hóa Đạo mời quí
vị về họp để hỏi ý kiến và tùy quí vị quyết định”. Trước khi dứt lời để
trao quyền điều khiển cuộc họp cho Hòa thượng chủ tọa, tôi có bày tỏ
một vài ý kiến như sau:
"Kính bạch Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo chủ tọa cuộc họp, kính
thưa toàn thể quí vị, chắc quí vị cũng như tôi đều thấy rõ hiện nay con
thuyền GHPGVNTN đang lênh đênh giữa biển khơi và gặp sóng to gió lớn,
chưa biết sẽ chìm lúc nào. Vậy, nếu những ai trong quí vị có mặt ở đây
hôm nay cảm thấy nguy nan sợ hãi mà muốn bước sang thuyền khác để thoát
thân, thì xin quí vị ấy cứ việc tự do, không ai ngăn cản cả. Nhưng tôi
chỉ xin quí vị ấy một điều là: trước khi bước sang thuyền khác qúi vị
cứ để mặc cho con thuyền Giáo hội lênh đênh trôi dạt trong sóng gió với
những người còn ở lại trên đó, họ sẽ cố sức lèo lái, nếu may mắn vượt
qua cơn nguy nan mà đến được bờ bình an thì họ sống, còn nếu chẳng may
con thuyền chìm thì họ cũng sẽ sẵn sàng chết theo nó, chứ quí vị ấy
đừng đang tâm nhận chìm con thuyền của mình mà có lần đã từng đưa quí
vị đến bờ danh vọng, lợi lộc, trước khi bước sang thuyền khác. Tôi chỉ
xin quí vị có thế thôi. Tôi dứt lời và cảm ơn quí vị".
Khi tôi nói xong thì cả trong hội trường và ngoài sân, ngoài các hành
lang nổi lên những tràng pháo tay vang dội, rồi tôi thấy T.T. Trí Tịnh
đứng dậy đi ra trước tiên, kế đó là T.T. Minh Châu và sau cùng là Hòa
thượng Viện trưởng chủ tọa! Thế là cuộc họp tự nhiên cũng tan. Sau đó
tôi nghe có tiếng vọng lại: "Hôm nay thầy Quảng Độ mời chúng tôi về đây
để thóa mạ chúng tôi". Còn lại Thượng tọa Huyền Quang và tôi, chúng tôi
nhìn nhau một lúc rồi cũng giải tán!”
Đó là cuộc họp cuối cùng của Viện Hóa Đạo bàn về việc có nên cử đại
diện đi dự Đại Hội thành lập GHPGVN tại chùa Quán Sứ Hà Nội hay không,
và cuộc họp đã có kết quả bất thành. Viện Hóa Đạo không còn cuộc họp
nào khác bàn về vấn đề này nữa.
Hòa Thượng Quảng Độ viết tiếp:
“Ba hôm sau, Văn phòng Viện Hóa Đạo nhận được bản "Thông báo" của Ban
vận động thống nhất Phật giáo đề ngày 17-9-1981, do T.T. Minh Châu kí
tên, dài lắm, tôi chỉ còn nhớ một đoạn ngắn, vì có lẽ nó là đoạn quan
trọng nhất trong bản Thông báo. Đoạn ấy như
sau:
"...Thượng tọa Thích Quảng Độ, Tổng thư kí Viện Hóa Đạo, đã triệt hạ uy
tín của toàn Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, phá hoại công
cuộc thống nhất Phật giáo, ngang nhiên thách thức với chính phủ và Mặt
Trận Tổ quốc Việt Nam là những người đang khuyến khích và hỗ trợ sự
nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước!".
“Nhân đây tôi cũng xin thanh minh rằng tôi không chủ trương "phá hoại
thống nhất Phật giáo" mà tôi chỉ muốn thống nhất trong tinh thần hòa
hợp, đồng thuận theo đúng luật Phật "Hòa hợp phủ? - Hòa hợp!" (chư tăng
có hòa hợp không? - Hòa hợp!); nghĩa là việc thống nhất Phật giáo là
việc của chư tăng hai miền Nam Bắc, phải do chư tăng hai miền quyết
định một cách hòa hợp và đồng thuận, chứ tôi không muốn nhà nước cộng
sản can thiệp vào rồi bắt chúng tôi phải thống nhất theo ý muốn của nhà
nước để sau dễ bề lợi dụng Giáo hội cho những mục đích chính trị và hợp
thức hóa cho chủ trương tiêu diệt Phật giáo của đảng và nhà nước cộng
sản.”
"Ðến cuối năm 1981, Ðại hội thống nhất Phật giáo chính thức được mở ra
tại Hà Nội. Tôi được biết, T.T. Thích Thiện Siêu cầm đầu một phái đoàn
mười người nói là đại diện cho Giáo-hội Phật giáo Việt-nam Thống nhất,
có văn thư đề cử đóng khuôn dấu Viện Hóa Ðạo đường hoàng, tôi rất ngạc
nhiên. Bởi vì T.T. Thiện Siêu có chức vụ gì trong Viện Hóa Ðạo đâu, mà
Viện Hóa Ðạo cử T.T. Thiện Siêu làm đại biểu của Viện đi dự họp, còn
khuôn dấu Viện Hóa Ðạo do tôi cất giữ, khi đến văn phòng thì tôi mang
đến, hết giờ làm việc thì tôi mang về, vậy khuôn dấu ở đâu ra ? Lúc đầu
tôi không tin, bởi lẽ tôi biết T.T. Thiện Siêu là bậc học thức, có đức
hạnh, tôi rất kính trọng Thượng tọa và tuyệt đại đa số tăng ni miền Nam
cũng thế, không tin Thượng tọa lại có thể làm một việc như vậy, nhưng
sau tôi mới biết rõ đó là sự thật !”
Một bằng chứng khác, chứng tỏ GHPGVNTN không hề gia nhập vào GHPGVN, là
2 bức thư của HT Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN
viết cho HT Thích Trí Thủ, Trưởng ban vận động thống nhất Phật giáo
Việt nam và HT Thích Đức Nhuận, Pháp chủ GHPGVN:
THƯ GỬI HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ,
Trưởng ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt nam
Phật lịch 2525,
Linh Mụ, ngày 24 tháng 11 năm1981.
Kính gởi:
Hòa Thượng THÍCH TRÍ THỦ
Trưởng ban vận động thống nhất Phật Giáo Việt nam.
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch
Đại hội Đại biểu Thống nhất Phật Giáo Việt Nam.
(tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4 đến 7. 11. 1981).
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa Hòa thượng,
Như Hòa thượng đã biết, từ mùa xuân năm 1980, khi Ban vận động thống
nhất Phật Giáo Việt Nam ra đời, tuy quí vị có ghi tên tôi vào Ban vận
động, với danh nghĩa Cố vấn, nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với
Ban vận động cả, kể cả cuộc Đại hội thống nhất Phật Giáo Việt Nam vừa
qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Đại hội phổ
biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với
chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật.
Tôi xin chân thành cảm ơn Hòa thượng và Đại hội đã dành cho tôi vinh dự
đó. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên tôi không thể đảm nhận thêm chức vụ
này được nữa, trong khi tôi vẫn còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo
hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất trong cương vị Chánh Thư ký kiêm Xử
lý Viện Tăng Thống.
Do đó, nay tôi viết thư này kính tin Hòa thượng rõ, và nhờ Hòa thượng
hoan hỷ chuyển đạt tinh thần bức thư này đến quý vị trong Đoàn Chủ tịch
cuộc Đại hội vừa qua.
Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, chúng sanh di độ. Và mong Hòa thượng nhận nơi đây lòng chân thành của chúng tôi.
Nay thư,
Tỳ kheo THÍCH ĐÔN HẬU
(ấn ký)
THƯ GỬI HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN,
Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam
Phật lịch 2525,
Bệnh viện Thống Nhất, ngày 08.02.1982
Kính gởi:
Hòa Thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN
Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch Hòa Thượng,
Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Dậu, vì bệnh tình bức bách, nên
ngày 21. 01.1982, tôi đành phải rời Huế, vào thành phố Hồ Chí Minh để
chữa bệnh, giữa lúc mọi người đang hoan lạc đón xuân sang, và cho đến
hiện nay tôi vẫn đang còn được điều trị tại bệnh viện Thống nhất, thành
phố Hồ Chí Minh.
Trong thời gian ấy, ngày 07- 02-1982, tôi lại nhận được lá thư của Hòa
thượng gởi cho tôi với danh nghĩa Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật Giáo hội
Phật Giáo Việt Nam. Nội dung bức thư ấy, Hòa thượng báo tin cho tôi
biết là Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật Giáo Việt Nam đã thành tựu
viên mãn, cũng như Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định công nhận Bản
Hiến chương, danh sách Ban Lãnh đạo và cho phép Giáo hội Phật Giáo Việt
Nam hoạt động. Đồng thời Hòa thượng đã có lời khuyên tôi cố gắng cộng
tác với Giáo hội trong chức vụ nói trên.
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn lòng thạnh tình của Hòa thượng đối
với tôi, đồng thời, tôi rất lấy làm vinh dự và tri ân quý Hòa thượng đã
dành cho tôi một chức vụ quan trọng như thế. Nhưng, thưa Hòa thượng,
như Hòa thượng đã biết, vào đầu mùa xuân năm 1980, cũng chính là lúc
tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện Thống nhất này, thì hay tin Ban vận
động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, trong đó tôi được có
tên với danh nghĩa Cố vấn. Thế nhưng bệnh duyên chướng ngại, nên tôi đã
không tham gia được một Phật sự nào đáng kể, ngay cả cuộc Hội nghị Đại
biểu vừa qua tôi cũng phải vắng mặt. Cho nên, tôi xét thấy mình tuổi đã
già, sức đã yếu lại bệnh hoạn liên miên và mỗi ngày càng thêm trầm
trọng. Do đó, tôi viết thư này để kính báo với Hòa thượng để Hòa thượng
rõ là tôi không thể đảm nhận được chức vụ quan trọng "Phó Pháp chủ kiêm
Giám Luật" Giáo hội Phật Giáo Việt Nam mà hội nghị đã đề cử.
Tuy vậy, riêng cá nhân, tôi vẫn luôn luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục đem
tất cả sức tàn ra phụng sự chánh pháp trong khả năng còn lại của mình
và trong điều kiện sức khỏe cho phép.
Rất mong Hòa thượng thông cảm và nhận nơi đây lòng chân thành của tôi.
Kính chúc Hòa thượng phước trí nhị nghiêm, chúng sanh dị độ.
Kính thư,
Tỳ kheo ĐÔN HẬU
(ấn ký)
Do sự léo lận, dối trá, lập phái đoàn giả, đóng dấu giả, mạo xưng
GHPGVNTN tham dự Đại Hội tại chùa Quán sứ Hà Nội, nhà cầm quyền Cộng
sản đã phi pháp tuyên bố rằng, GHPGVNTN đã tự nguyện sáp nhập vào
GHPGVN của Mặt Trận Tổ Quốc từ năm 1981, nay không còn nữa.
Sau khi thành lập tổ chức Trung Ương GHPGVN ở Hà Nội xong, nhà cầm
quyền cộng sản thành lập các tổ chức GH tại địa phương. Bắt đầu là
Thành phố Sài gòn. Lúc này, nhị vị Hòa Thượng Phó Viện trưởng Viện Hóa
Đạo Thích Huyền Quang và Hòa Thượng Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo Thích
Quảng Độ vẫn tiếp tục làm việc tại Văn Phòng Viện Hóa Đạo chùa Ấn
Quang, hào quang của hai Hòa Thượng vẫn phủ khắp, chư Tăng vẫn hướng về
GHPGVNTN, không ai chịu nhận bất cứ chức vụ gì trong Giáo Hội nhà nước.
Để đối phó trở ngại này, có người hiến kế, “đập rắn phải đập đầu”, Cộng
sản thực hiện ngay bằng cách bắt hai Hòa Thượng Thích Huyền Quang và
Thích Quảng Độ đem đi lưu đày biệt xứ. Nhờ đó việc thành lập Giáo Hội
nhà nước thành phố Sài gòn cũng hoàn tất nhanh chóng, vì chư Tăng, nghe
tin hai Hòa Thượng đã bị bắt, ai cũng khiếp sợ, răm rắp tuân theo. Đến
đây, GHPGVNTN như rắn mất đầu, các Phật sự đều bị đình đốn, vì một số
thành viên lãnh đạo đi tỵ nạn ở nước ngoài, số còn lại hoặc bị tù hoặc
bị giết. Mãi đến năm 2003, Đại Hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều
tỉnh Bình Định, Hội Đồng Lưỡng Viện mới được kiện toàn đầy đủ, tiếp đó
là Ban Đại diện GHPGVNTN các Tỉnh, Thành, Quận, Huyện tái phục hoạt trở
lại.
Đó là những bằng chứng GHPGVNTN không hề gia nhập GHPGVN của nhà nước,
chỉ có những cá nhân thuộc GHPGVNTN gia nhập GHPGVN mà thôi. Nhà cầm
quyền cộng sản cũng không có một văn thư nào chính thức giải thể
GHPGVNTN. Vì vậy GHPGVNTN vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục hoạt động, mặc dù
Phật sự có đôi lúc bị đình trệ, nhưng GHPGVNTN vẫn sống, và tiếp tục
sống. Nhà cầm quyền Cộng sản, đến nay, vẫn chưa giải quyết những khiếu
nại của GHPGVNTN về những vi phạm như, phải làm minh bạch cái chết của
Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Cố vấn Viện Hóa Đạo, phải hoàn trả ngôi
Việt Nam Quốc Tự và các tài sản khác cho GHPGVNTN mà Nhà cầm quyền Cộng
sản đã cưỡng chiếm bất hợp pháp sau năm 1975. Trong khi chưa giải quyết
những khiếu nại, những nợ nần của GHPGVNTN, Nhà cầm quyền Cộng sản lại
tìm cách dụ dỗ GHPGVNTN đăng ký, mặc nhiên, trở thành một Giáo Hội tân
lập, đoạn tuyệt hẳn với quá khứ, để khỏi phải giải quyết những món nợ
đã gây ra cho GHPGVNTN hay sao?.
GHPGVNTN không phải là Giáo Hội tân lập. GHPGVNTN không cần “đăng ký” với ai cả.
Có nhiều người, cả trong lẫn ngoài nước, ngay cả một số thành viên của
GHPGVNTN, không rõ vấn đề phức tạp, lắc léo này, không biết rằng pháp
lý của GHPGVNTN từ trước đến nay hoàn toàn hợp pháp. Hơn nữa, ở miền
Nam Việt nam này chưa có tôn giáo nào xét lại pháp lý cả.
Khi thành lập xong GHPGVN, thành viên của Mặt Trân Tổ Quốc, một công cụ
của đảng Cộng sản, nhà cầm quyền bắt đầu tổ chức những cuộc đấu tố nhị
vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ trên khắp cả nước.
Chiến dịch này, với sự tuyên truyền rộng rãi trên các báo đài, trong
nội bộ Tăng Ni bằng sự kích động, xúi giục, móm ý cho rằng hai Ngài là
“thiểu số” chống lại đa số (luận điệu đưa ra là chỉ có 2 Hòa thượng
thuộc GHPGVNTN chống lại Giáo Hội nhà nước, trong khi có cả chục ngàn
Tăng, Ni gia nhập Giáo hội Nhà nước), hai Ngài “phá hoại khối đại đoàn
kết dân tộc”, “phá hòa hợp Tăng”, “phản động”, v.v… Nhưng nhà cầm quyền
cộng sản không thu hoạch được gì, vì do chư Tăng không còn lối thoát,
bị ép buộc, đe dọa, khủng bố nên buộc lòng phải gia nhập Giáo Hội nhà
nước, nhưng lương tâm mỗi người không ai mở miệng nói ra những lời lẽ
trái đạo, khinh sư diệt tổ, chống lại gốc rễ, cội nguồn. Hòa thượng
Thích Đức Nhuận, Cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo nhắc nhở rằng : “Dù
làm việc gì, ở đâu, không ai trong chúng ta quên rằng mình là thành
viên của GHPGVNTN”.
Một đóa sen thơm xin cúng dường cho mỗi chư Tăng, và những ai tuy sống
trong bùn lầy nước đọng, nhưng lòng vẫn tinh khiết, không nhiễm tanh
hôi. Chỉ tiếc rằng, những vị lãnh đạo Giáo Hội, nhất là những vị lãnh
đạo cao cấp, làm đầu tàu, làm thuyền trưởng, trong lúc sóng to, gió
lớn, không vững tay chèo, vội bỏ thuyền cũ, bước sang thuyền mới, bỏ
lại bao khách lữ lênh đênh trong sóng gió, bão bùng. Mà cái Giáo Hội
mới ấy, thực chất là gì? Hãy nghe Ông Đỗ Trung Hiếu, kiến trúc sư làm
ra cái Giáo Hội ấy ăn năn, bộc bạch: “Cuộc Thống nhất Phật Giáo lần
này, bên ngoài do các Hòa thượng gánh vác, nhưng bên trong bàn tay Đảng
Cộng sản Việt nam xuyên suốt quá trình thống nhất để nắm và biến tướng
Phật giáo Việt Nam trở thành một tổ chức bù nhìn của Đảng”. Vậy, con
thuyền mới, cái Giáo Hội mới đó, có đẹp đẽ gì đâu, chỉ là một cái hội
chẳng những không có tính cách pháp nhân của một tôn giáo lớn như Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lại cũng chẳng được hưởng quy chế
Hiệp hội như thời thực dân, mà nó chỉ còn là một tổ chức có tính cách
nằm trong hiệp hội, đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như lời than của Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cố vấn Viện Hóa Đạo:
"Đau xót biết bao", Hòa thượng Đức Nhuận viết như đang khóc, " khi Phật
giáo Việt Nam từ con lạch nhỏ đă vùng thoát ra được đại dương, thì nay
quí Ḥòa thượng lại tự bước vào một vũng ao tù." (tài liệu của Phòng
Thông tin Phật giáo Quốc tế, Paris)
Sau năm 2003, GHPGVNTN vừa mới phục hoạt, còn yếu ớt, Cộng sản lại tiếp
tục dùng phương sách cũ, cài người vào Giáo Hội, dụ dỗ, bắt chẹt, dùng
người của GHPGVNTN chống phá GHPGVNTN, nhất là tuyên truyền GHPGVNTN
sống không có pháp lý, đưa ra chiêu bài đăng ký, hoặc hòa hợp hòa giải,
làm văn hóa, từ thiện… tạo ra tình trạng ly khai, chia rẽ trong Giáo
Hội. Nhưng rất may, Đức Cố Tăng Thống, Đại Lão Hòa thượng Thích Huyền
Quang đã sáng suốt kịp thời ban hành Giáo Chỉ số 09, tái thiết cơ cấu,
chấn chỉnh nhân sự cho Giáo Hội vững chắc, Phật sự không bị trở ngại.
Nếu không, GHPGVNTN, một lần nữa, lại bị thêm một cơn biến động làm tan
nát, đình trệ như năm 1981.
Ngày 29.3.2009, Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ Xử Lý Viện Tăng
Thống, kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện
GHPGVNTN cất Lời Kêu Gọi Biểu tình tại gia, Bất tuân dân sự để bảo vệ
Tổ quốc Việt nam khỏi họa xâm lăng của Trung cộng, nên Trung cộng và
tay sai rất cay cú, một lần nữa, tìm cách bôi nhọ pháp lý của GHPGVNTN,
vu cho rằng, GHPGVNTN là mạo xưng.
Thật ra, Nhà cầm quyền cộng sản mới là kẻ trí trá đóng dấu giả Viện Hóa
Đạo, mạo lập phái đoàn GHPGVNTN giả để tham gia Đại Hội tại chùa Quán
Sứ Hà nội năm 1981, để nói rằng GHPGVNTN đã “gia nhập vào Giáo hội của
nhà nước”, GHPGVNTN không còn nữa. Cũng như thế, Trung cộng không thể
căn cứ vào Công Hàm bán nước, bất hợp pháp, vô giá trị của Thủ tướng
Bắc Việt, Phạm Văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, dâng hai quần đảo
Hoàng sa, Trường sa cho Trung cộng để khi nhà cầm quyền Việt Nam bổ
nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, ngày 29.4.2009, người phát ngôn
Bộ Ngoại Giao Trung quốc Khương Du, cả quyết: “Trung Quốc có chủ quyền
không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh.
Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây
Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu”. Cộng
sản với bản chất vô thần, độc tài, luôn gian dối, làm những điều ngang
ngược, vô lý!
GHPGVNTN là Giáo Hội Dân lập, kế thừa 2000 năm của chư Tổ, có quyền
sống, vẫn sống, vẫn tiếp tục cùng Dân tộc vận động cho Tự Do, Dân Chủ,
Nhân Quyền và toàn vẹn lãnh thổ cho quê hương Việt Nam đến ngày thành
công.
Thích Viên Định
|