Thứ Ba, 2024-11-05, 8:47 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 29 » VIỆT NAM: BAUXITE-HÁ MIỆNG MẮC QUAI Tướng Giáp Đòi Ngưng Ngay-Quốc Hội Hoang Mang Lo Sợ
1:56 PM
VIỆT NAM: BAUXITE-HÁ MIỆNG MẮC QUAI Tướng Giáp Đòi Ngưng Ngay-Quốc Hội Hoang Mang Lo Sợ

Phạm Trần

Hoa Thịnh Đốn.- Nhà nước Cộng sản Việt Nam, qua  Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đã gửi Báo cáo về việc triển khai các dự án bô-xít (Bauxite) ở Tây Nguyên tới Quốc Hội ngày 22/5 (2009), nhưng văn kiện này chỉ làm cho nhiều người trong số 493 Đại biểu hoang mang và lo sợ thêm.

Ngòai sự giải trình không có  tài liệu chứng minh về   tính khả thi của  dự án, Báo cáo đã làm cho nhiều Đại biểu hòai nghi  về hiệu qủa kinh tế của  Bauxite; tính khả nghi thiếu bảo đảm về sự  tàn phá thiên nhiên và hậu qủa  để lại lâu dài  cho môi trường của bùn đỏ. Vấn đề an ninh quốc gia cũng đã được nêu lên do sự liên hệ mật thiết của dự án với Nhà thầu Trung Hoa  Chalieco (công ty con của đại công ty Chalco) và  đông đảo công nhân của họ đang làm việc tại Tân Rai (Lâm Đồng) và trong tương lai sẽ thêm người tại Nhân Cơ (Đắk Nông).

Theo dự trù,  Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít có thể kéo dài  đến năm 2025, và nếu khai thác hết 5,5 tỷ tấn Bauxite thì sự có mặt của công nhân người Tầu, trong trường hợp các công ty Tầu tiếp tục trúng thầu, sẽ kéo dài mãi.

Báo cáo Chính phủ xác nhận sự hiện diện của công nhân Tầu hiện nay tại Tân Rai : “ Phần xây dựng Nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC): chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco, Trung Quốc thực hiện, một phần do lao động Việt Nam thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5 năm 2009) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người.

Theo các Báo trong nước, ngòai số công nhân Tầu đang có mặt ở Tân Rai và sẽ được Nhà thấu Trung Hoa tiếp tục đem vào Đắk Nông trong tương lai , còn có khỏang 50 ngàn công nhân Tầu đang làm việc cho các Nhà máy hay công trình kinh tế do các Công ty Tầu trúng thầu tại Việt Nam.

Hậu thuẫn cho mối quan tâm cao độ tiếp tục lên cao của dự luận, đúng vào ngày Quốc hội khai mạc Kỳ họp V ngày 20-5 (2009), tướng 90 tuổi Võ Nguyên Giáp đã gửi thêm Thư  thứ 3 đến Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội yêu cầu  "dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm”.

Ông viết : “Chủ trương khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức hệ trọng sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Nhiều vấn đề mà Bộ Chính trị nêu lên cho đến nay chưa được nghiên cứu phân tích đánh giá toàn diện đầy đủ và chưa có phương án giải quyết rõ ràng, còn nhiều vấn đề bất cập.

Do đó, tôi đề nghị dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm. Nên giao cho Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tập hợp những cán bộ khoa học có liên quan tiến hành một chương trình khoa học nghiên cứu phát triển tổng thể kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên, có tính đến quan hệ với vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, trong đó tập trung nghiên cứu vấn đề bô xít Tây Nguyên một cách đầy đủ, toàn diện những vấn đề mà Bộ Chính trị đã nêu lên.”

Trong Kết luận ngày 24-4 (2009), Bộ Chính trị đã phổ biến và gửi cho tướng Giáp, ta có thể thu gọn vào các điểm chính :

1) Đảng và Chính phủ đã phải cho “rà sóat lại” tòan bộ kế họach khai thác.

2) Cho kiểm tra lại các đế án  xây dựng hai nhà máy chế biến Bauxite tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), trong đó quan trọng nhất là phải bảo đảm quản lý được chất độc bùn đỏ không gây  ô nhiễm  cho môi trường để hại cho dân, cho nước về sau.

3) Đình chỉ ý định bán cổ phần khai thác Bauxite cho nước ngòai.

4) Kiểm tra lại việc s dụng  hang ngàn công nhân nước ngòai (hầu hết và người Tầu) không phải là chuyên viên bắt buộc phải có đang làm việc tại hai khu khai thác Tân Rai và Nhân Cơ. 

5) Tính lại kinh phí đành cho việc khai thác và lợi nhuận kinh tế đem lại cho đất nước và người dân địa phương.

Tuy nhiên, như tướng Giáp nêu lên, Bộ Chính trị không ra lệnh đình chỉ việc xây dựng hai nhà máy ở Tân Rai và Nhân Cơ, mà vẫn  cho thi hành kế họach khai thác Bauxite như dự trù.

Vì vậy mà không riêng gì tướng Giáp,  đông đảo Đại biểu Quốc hội  mà  còn có cả hàng ngàn Trí thức, các Nhà Khoa học và người dân đã trách đảng không thèm xét đến yêu cầu của người dân mà cứ làm theo ý mình.

Do đó, ông Giáp  đã ủng hộ  ý kiến ngưng dự án và trao việc nghiên cứu lại từ đầu và đấy đủ hơn cho các chuyên viên.

Tướng Giáp viết tiếp :  “Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ấy, Trung ương, Quốc hội mới cân nhắc có nên khai thác hay không nên khai thác. Tôi thiên về chủ trương hiện nay không nên khai thác, chờ khi khoa học phát triển, có công nghệ mới hiện đại hơn sẽ tiết kiệm tài nguyên, hiệu quả cao hơn, an toàn hơn. Hiện nay chưa khai thác bô xít ở Tây Nguyên, dành tài nguyên đó cho thế hệ mai sau và không khai thác bô xít thì chúng ta vẫn tiến hành được công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tôi đề nghị Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội hãy nêu cao trách nhiệm to lớn của toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo một cách dân chủ, khoa học. Chỉ quyết định khi đã biết được kết quả nghiên cứu phân tích đầy đủ, toàn diện các vấn đề đặt ra, lắng nghe ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, của cán bộ và nhân dân hơn nữa. Làm như vậy là để tránh được quyết định sai lầm, gây nên tai hoạ lớn cho đất nước.

Cũng nên biết là Bộ Chính trị và Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, đã không thèm trả lời 2 Thư trước của tướng Giáp, trong đó ông cũng yêu cầu đình chỉ dự án. Ông cũng  đã  cảnh giác  Chính phủ  về nguy cơ an ninh và quốc phòng trong việc khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, tức “nóc nhà của Đông Dương”. Tuy tướng Giáp không nói thẳng đến sự có mặt của người Tầu, nhưng ai cũng hiểu ông muốn ám chỉ ai.

Trong Báo cáo với Quốc Hội, Nhà nước khẳng định : “ Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bô-xít lớn trên thế giới. Tổng trữ lượng quặng bô-xít đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn (đứng thứ 3 thế giới), trong đó khu vực miền Bắc khoảng 91 triệu tấn, còn lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam khoảng 5,4 tỷ tấn. Trữ lượng đã xác định khoảng 4,4 tỷ tấn, dự báo khoảng 1 tỷ tấn. Đây là yếu tố quan trọng và quyết định việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin và nhôm kim loại Việt Nam.”

Nhưng vấn đề đặt ra là Việt Nam chưa có khả năng tự mình làm được tất cả mà phải thuê công ty nước ngoài từ A đến Z, trước khi được công ty nước ngòai dạy cho cách điều hành nhà máy. Công ty nước ngoài, trong trường hợp hiện nay là Công ty Chalieco, trực thuộc Tổng Công ty Chalco của Tầu Bắc Kinh.

PHẢN ỨNG QUYẾT LIỆT

Mặc dù không được ghi trong chương trình thảo luận công khai, nhưng một số Đại biểu Quốc hội đã lợi dụng khi thảo luận về tình hình Kinh tế đã bắt vào Báo cáo của Chính phủ để đưa ra ý kiến.

Hai người phát biểu mạnh nhất và hòai nghi cao độ về dự án Bauxite là Đại biều  Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) và Đại biểu Dương Trung Quốc của tỉnh Đồng Nai.

Theo Báo Dân Trí ngày 26-5 (2009) thì Ông Thuyết  cho rằng,  “dự án từ nay đến 2025 sẽ cần huy động vốn đầu tư là 190.000 cho đến 250.000 tỉ đồng. Các nhà máy trải dài ra ở tất cả 4 tỉnh và riêng Đắk Nông có đến 4 nhà máy alumin.  

Thêm vào đó có rất nhiều công trình phụ trợ nên sẽ phải xây tuyến xe lửa dài khoảng 270km trên địa hình hết sức quanh co, phức tạp… “Nếu được mời đi xe lửa chênh vênh như thế thì tôi không biết mình có đủ dũng cảm để đi không?”  

Đó là còn chưa kể làm cảng ở hòn Kê Gà hoặc hòn Gió mà nếu tính tất cả phụ trợ này vào sản phẩm alumin, giá sẽ rất cao và như thế không có lãi.  Còn nếu như không tính vào sản phẩm alumin mà coi là công trình dân dụng thì theo ông Thuyết, vô hình trung, đã lấy tiền thuế của dân để làm lợi cho doanh nghiệp.  

“Giá alumin chỉ bằng 12% của giá nhôm thành phẩm. Giá alumin trên thị trường đang xuống thấp, tại sao chúng ta phải đi vay vài trăm triệu đô la để làm những nhà máy như ở Tân Rai, Nhân Cơ trong khi nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn mà lãi thì chưa nhìn thấy đâu” 

Dân Trí viết tiếp : “ Về môi trường, theo ông Thuyết, việc xây các hồ chứa nước sẽ ảnh hưởng đến đồng bằng Đông Nam Bộ. Đáng ngại hơn, với lượng alumin chúng ta sản xuất ra thì từ năm 2015 mỗi năm thải ra 10 triệu tấn bùn đỏ và hết đời của dự án này là thải ra 1,5 tỷ tấn và đó là những “quả bom” bùn treo trên cao, trên Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ. 

Về lao động, ông Thuyết cho rằng trong số 300 công nhân được đi đào tạo chỉ có 2 công nhân là người địa phương, trong khi đại biểu địa phương nói sẽ có 1.000 công nhân sẽ được đi đào tạo. Ông đề nghị Quốc hội ghi lại các con số để những năm tới kiểm tra.” 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị phải coi đây là công trình quan trọng quốc gia, bởi vì cả cụm dự án tiêu một số tiền gấp 10 lần tiêu chí tiền cho một công trình quan trọng quốc gia. Quốc hội phải thẩm tra và cuối năm nay sẽ xem xét quyết định, không nên quyết định vội.  

Theo ông, nếu không tính cả cụm dự án mà cứ tách từng dự án ra để nói rằng chưa đến số tiền Quốc hội yêu cầu đưa vào công trình trọng điểm quốc gia là lách luật.”

Cũng cần nhắc lại, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội từng tuyên bố vì mỗi dự án chỉ  tốn có 600 triệu Dollars nên chưa đủ phải xin ý kiến Quốc hội.  Nhưng nếu chỉ tính riêng 4 dự án tại Dắk Nông và 1 dự án ở Tân Rai  (Lâm Đồng) thôi thì số tiền đã lên tới 3,000  triệu Dollars.  Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các dự án trong tương lai tại hai  tỉnh Gia Lai và Bình Phước.

Theo  tin của Website Chính phủ ngày 06/11/2007 thì “Nhu cầu vốn đầu tư cho thăm dò, khai thác và chế biến quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2025 ước tính từ 11,8 - 15,6 tỷ USD gồm các dự án khai thác, chế biến bauxit (sản xuất và điện phân nhôm) và hạ tầng cơ sở (đường sắt và cảng)”

Với số kinh phí khổng lồ như thế mà vẫn tìm cách  tách riêng ra từng dự án để tránh đưa ra Quốc hội thảo luận thì không những chỉ “lách luật” mà còn cố tình “che mắt” và “đánh lừa” nhân dân.

Mặt khác, báo ViệtNamNet ngày 26-5 (2009) cũng tường thuật  lới tuyên bố của ông Thuyết: “Theo Quyết định 167 của Chính phủ, dự án này từ nay đến năm 2025 sẽ cần huy động 190.000 -250.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Riêng Đăk Nông có đến 4 nhà máy alumin, đánh số từ 1 đến 4, trải dài ở 4 tỉnh là Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước. Chưa kể, còn có rất nhiều công trình phụ trợ.

Ông Thuyết dẫn chứng, chỉ tính riêng việc xây dựng một đường xe lửa dài 270km, với độ chênh của các điểm đến 700m, trên địa hình hết sức phức tạp, quanh co thì phải tiêu tốn 3,1 tỷ USD.

"Ô tô thì có thể đi được nhưng xe lửa thì chưa biết đi như thế nào, mà nếu được mời đi đường xe lửa chênh vênh như thế, tôi không biết là mình có đủ dũng cảm để đi không. Tiền rất tốn. Ngoài ra, còn phải làm cảng ở Hòn Kê Gà hoặc Hòn Gió, tất cả những tiền này tính vào đâu?....".

Ông Thuyết cũng đưa ra những tính toán đã được các nhà khoa học chỉ ra. Đó là giá alumin chỉ bằng 12% giá nhôm thành phẩm. Alumin là khoáng sản thô, đã được Đại hội 10 BCH Trung ương Đảng xác định phải hạn chế xuất khẩu. "Giá alumin trên thị trường đang xuống thấp, nền kinh tế đang gặp khó khăn, lãi lời chưa thấy đâu, vậy mà oái oăm là Việt Nam lại đi vay vài trăm triệu đôla để làm những nhà máy như ở Tân Rai, Nhân Cơ".

Trong khi đó, ngay Chủ tịch Hội đồng quản trị của TKV cũng nói là 50 ăn, 50 thua. "Nếu bây giờ mình bỏ tiền túi của mình ra thì có bao giờ mình đi kinh doanh theo kiểu chưa nhìn thấy lãi mà đã kinh doanh không?",

VÉT CỦA DÂNG CHO AI ?

Vẫn theo Dân Trí, Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu vấn đề: “ Chúng ta có dự trữ cho tương lai, có để dành cho con cháu không hay cứ có chút của giả nào của tổ tiên để lại là đào cho bằng hết. Đất đai, than đá, dầu khí… hiện chiếm một tỷ trọng rất cao trong thu ngân sách là một biểu hiện tận khai thác mà ông Quốc lo ngại. 

Ông Quốc hỏi : “ Tại sao ta không dành bô xít cho con cháu làm khi chúng ta có đủ năng lực là đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngoài bô xít, Tây Nguyên còn nhiều tiềm năng khác, bô xít không phải là duy nhất. Tổ tiên ta đã dạy là “lọt sàng xuống nia” hay còn nhiều câu hay hơn là đời cha phải tập ăn nhạt thì đời con mới có nước uống”

Nhà sử học Duơng Trung Quốc cũng nêu một câu hỏi : “ Vì sao một chủ trương lớn, quan trọng có thể làm thay đổi Tây Nguyên như thế, đã được chuẩn bị lâu như thế mà đến lúc này Quốc hội mới có cơ hội bàn đến.” 

 Ông Quốc đề nghị, Quốc hội phải xem chính vai trò của mình, tại sao đứng ngoài sự việc. Theo ông Quốc : “ Khi giải trình, Chính phủ đưa ra 2 tiêu chí để dự án này không phải đưa ra Quốc hội là hạn mức đầu tư chưa đủ và mới lập quy hoạch, nhưng việc xây dựng nhà Quốc hội và mở rộng Hà Nội đã từng đưa ra Quốc hội đâu phải vì hạn mức đầu tư hay mới lập quy hoạch.” 

. “Tôi cũng đồng tình với đại biểu Thuyết nói việc này là việc quan trọng quốc gia, cần phải ra Quốc hội bàn bạc. Đưa ra Quốc hội có nghĩa là đưa ra nhân dân và khi Quốc hội biết thì sẽ đạt được sự đồng thuận rất cao”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bày tỏ. 

“Tôi cũng đồng tình với đại biểu Thuyết nói việc này là việc quan trọng quốc gia, cần phải ra Quốc hội bàn bạc. Đưa ra Quốc hội có nghĩa là đưa ra nhân dân và khi Quốc hội biết thì sẽ đạt được sự đồng thuận rất cao”, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bày tỏ.  (Báo Dân Trí, 26-5-09)

TẦU MUA RẺ, BÁN ĐẮT

Chung quanh vấn đề cho Tầu nhẩy vào Cao Nguyên miền Nam Việt Nam khai thác Bauxite  nhằm  mục đích phục vụ kinh tế Việt Nam hay Trung Hoa ?

Câu trả lời nước đôi là “cả hai cùng có lợi”. Nhưng trong trương hợp Việt Nam thì Tầu có lợi hơn nhiều.

Theo Báo “Tuần Việt Nam” số ra ngày 20-4-2009 thì từ năm 2007, trong một bài viết đăng trên website Mạng lưới tình báo hàng hải, tác giả David Jordan đã tiết lộ : “Nhu cầu lớn của Trung Quốc đối với nhôm đã dẫn đến việc cải thiện và mở rộng ngành công nghiệp này ở nội địa. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2007, Trung Quốc đã sản xuất 7,6 triệu tấn nhôm, tăng 52% so với năm trước. Do phải cần có khoảng 4 tấn bô-xít để sản xuất được 1 tấn nhôm, nên mức độ đẩy mạnh sản xuất nhôm này buộc Trung Quốc phải tăng cường bổ sung cho nguồn bô-xít trong nước bằng nguyên liệu nhập khẩu.  Kết quả là, chỉ đến tháng 8/2007, Trung Quốc đã nhập khẩu 15,5 triệu tấn bô-xít, tăng 180% so với năm 2006 và gấp 15 lần năm 2005.

Theo truyền thống, Trung Quốc nhập khẩu phần lớn bô-xít từ Indonesia. Trong 9,3 triệu tấn nhập khẩu năm 2006, có đến 90,5% có nguồn gốc Indonesia. Nhưng trước việc Chính phủ Indonesia gần đây đã đóng cửa nhiều khu mỏ bất hợp pháp, Trung Quốc buộc phải chuyển hướng tìm các nguồn khác, đáng kể nhất là Ấn Độ. Đến tháng 8/2007, lượng bô-xít mà Trung Quốc nhập từ Ấn Độ đã tăng 28 lần so với năm trước, lên đến 3,4 triệu tấn.

Nhu cầu vận chuyển trọng tải lớn trên khoảng cách xa này đã tác động không nhỏ đến ngành thương mại vận tải bô-xít của Trung Quốc. Theo biểu đồ trên, trong 8 tháng đầu năm 2007, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 44,6 tỉ đơn vị tấn/dặm, tăng 246% so với năm trước và gấp 19 lần năm 2005.”

Do đó, khi nền kinh tế của Trung Hoa càng ngày càng phát triển để bành trướng xuất cảng thì nhu cầu nhập cảng Bauxite càng lên cao. Việt Nam là nước Tầu cần đến để khai thác.

Theo Báo cáo của Bộ Công thương với Quốc hội thì  chỉ có dự án khai thác Bauxite  tại Tân Rai (Lâm Đồng)  có thông qua đấu thầu quốc tế công khai”.

Báo cáo viết  : “ Chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu thiết kế-mua sắm-xây dựng và đào tạo (EPC) nhà máy alumin với nhà thầu CHALIECO (Trung Quốc) thông qua đấu thầu quốc tế công khai, gói thầu đã được khởi công ngày 26 tháng 7 năm 2008.”

Nhưng tại sao  dự án Nhân Cơ (Đắk Nông) lại không có đấu thầu mà Chalieco vẫn có thể nhẩy vào  ngồi chồm hổm ở đó ?

Báo Tuổi Trẻ ngày 10-05 (2009) trả lời cho mọi người : “ Ông Bùi Quang Tiến, tổng giám đốc VNAC ( Công ty cổ phần alumina Nhân Cơ), cho biết dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ đã được khởi động đầu tư từ cuối năm 2005 với công suất dự kiến lúc đó là 100.000 tấn alumin/năm (tương đương 250.000 tấn quặng tinh/năm). Các hồ sơ dự thầu lúc ấy không đáp ứng yêu cầu và xét thấy hiệu quả kinh tế không có nên chủ đầu tư (Tập đòan  Khóang sản Việt Nam) kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh nâng công suất lên 300.000 tấn alumin/năm.

Tuy nhiên, kết quả đấu thầu lần thứ hai cũng không chọn được nhà thầu và tính toán lại hiệu quả kinh tế nên chủ đầu tư một lần nữa kiến nghị và được Thủ tướng cho phép điều chỉnh công suất lên mức 600.000 tấn/năm vào đầu tháng 5-2008. Lần này chủ đầu tư không tổ chức đấu thầu mà được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép TKV chỉ định Công ty TNHH Công trình quốc tế nhôm Trung Quốc (Chalieco) - nhà thầu chính dự án bôxit Tân Rai - thực hiện gói thầu Nhà máy alumin Nhân Cơ.

Theo ông Tiến, ngày 18-3, VNAC và Chalieco đã ký hợp đồng, theo đó nhà thầu chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ thiết kế, nguyên vật liệu, thi công xây dựng các hạng mục công trình của nhà máy alumin và các dịch vụ đi kèm. Thời gian thi công và vận hành, chạy thử nhà máy là 24 tháng, bắt đầu tính từ ngày 1-10-2009.”

Như thế  có phải  Bộ Công thương đã “nói láo” không chỉ với Quốc hội mà với   đồng bào cả nước ?

Nhưng bây giờ thì chuyện Tầu vào  “giúp” Việt Nam khai thác Bauxite đang diễn ra thì lợi nhuận sẽ  ra sao ?

Thứ nhất, giá bán quẳng Bauxite rẻ như bèo mà giá Alumina chế biến từ quặng Bauxite cũng chẳng cao mấy trên thị trường hiện nay, nhưng khi Alumina biến thành Nhôm (Aliminum) để sản xuất xe hơi, máy móc, đồ dùng  v.v.. thì lại đắt như vàng.

Thứ nhì, vì Việt Nam chỉ có thể sản xuất đến Alumina và khách hàng gấn nhất sẽ là Trung Hoa nên tuy có làm cách mấy cũng không lời bằng kẻ mua về để chế biến  phục vụ cho kỹ nghệ của họ.

Quanh đi quẩn lại chỉ  có anh Tầu là hưởng lợi từ lúc đào bới, xây  dựng đến khi khai thác lấy quặng rồi chở về nước qua  cảng Bình Thuận.

Trong khi số phận hàng triệu dân Việt, từ đời nay qua đời khác,  sẽ phải thay nhau gánh chịu ảnh hưởng tai hại của 1,5 tỷ tấn bùn đỏ,  mà Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết gọi là “những “quả bom” bùn treo trên cao, trên Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ.”

Trách nhiệm này thuộc về ai, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng, người đã đồng ý cho Tầu vào khai thác Bauxite từ năm 2001, hay những kẻ đã nhắm mắt làm theo ý muốn của Bắc Kinh đang nắm quyền trong đảng CSVN  ?

 

Phạm Trần
(05/09)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 850 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 544
Khách: 544
Thành Viên: 0