Thứ Ba, 2024-11-05, 8:51 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 29 » NGOẠI XÂM
1:59 PM
NGOẠI XÂM

Tôi có việc thường xuyên đi lại trên con đường dọc kênh Nhiêu Lộc, con đường này như nhiều con đường khác trong thành phố đã để lại và tiếp tục gây nhiều nhức nhối cho mọi người. Phải công nhận, cuộc ra tay mạnh mẽ giải tỏa những căn nhà dọc kênh đã mang lại cho thành phố một nét khởi sắc đầy hy vọng, thay vào những căn nhà lụp xụp, những sinh hoạt rất tăm tối mà người ta gọi là “ổ chuột”, hai bên con kênh đã thoáng đãng, đã có những làn gió cho dầu mùi hôi tanh vẫn còn quyện trong không khí, nhưng người ta đã bắt đầu hy vọng, đã bắt đầu muốn chung tay làm một cái gì đó với nhau vì thấy đã lộ ra niềm phấn khởi vui tươi.

Tôi thích nhất hai hàng cây dọc bên con đường, cây lên rất nhanh, xanh một vùng trời, hai hàng cây thẳng tắp vươn lên mang lại màu xanh tươi tốt. Sáng sáng, hàng hàng người đi bộ tập thể dục dọc con kênh, một sinh hoạt dễ thương, một cuộc qui tụ lành mạnh đáng yêu, chẳng ai hô hào, chẳng ai vận động và cũng chẳng cần chính sách nào cả, cái gì đúng và mang lại niềm vui thì người ta làm. Chắc chắn trong cái sinh hoạt đáng yêu ấy, đã là khởi điểm cho rất nhiều điều đáng yêu khác nảy sinh, nhiều tâm hồn tìm được niềm vui, quá đơn giản và nhẹ nhàng.

Tôi âu lo hàng ngày từng gốc cây trước cửa nhà của bà con dọc theo kênh, tôi cứ theo dõi và rung theo từng nhịp thở của từng ngọn cây đó, tôi sợ người ta vì không muốn bị che mặt tiền mà tìm cách giết chết cây. Ở thành phố này, tấc đất tấc vàng, người ta tranh thủ để kiếm chác lợi nhuận, bất chấp lợi ích chung, bất chấp cảnh quan, mỹ quan, … ! Hàng ngày đạp xe qua lại, tôi oằn mình với những thân cây bị bẻ cong do người ta treo lên đó đủ thứ người ta muốn : vòng bánh xe để báo hiệu có sửa xe, chậu xô thùng vì gần nơi họ cư trú, vòng mắc võng để nằm vắt vẻo những buổi trưa, dây đủ loại để giăng lều bạt buôn bán. Tôi nhói đau vì người ta đóng vào thân cây những chiếc đinh để treo móc, tôi xấu hổ vì người dán lên đó đủ thứ quảng cáo, từ rút hầm cầu, thuốc men chữa bá bệnh kể cả những bệnh chẳng ai rêu rao lên làm gì ! Tôi hay phì cười khi thấy có người đứng gốc cây “xả nước”, tôi tưởng tượng lúc này có ai đó giật cái xách tay hay bất cứ cái gì của người đang xả nước thì làm sao nhỉ ? Buồn cười vậy đấy, quen đến độ thay vì không chấp nhận hành vị phóng uế bừa bãi thì lại zí zỏm với nó như là chấp nhận rồi ! Không chấp nhận cũng chẳng được.

Thế rồi có một ngày, người ta công bố chương trình làm đẹp cảnh quan, giải quyết tình trạng ô nhiễm, lắng lọc con kênh để bầu khí được trong lành hơn. Thế rồi có một ngày, người ta vét tất cả tiền bạc có được do những đóng góp còm cõi hàng ngày của nhân dân, không đủ, người ta kêu gọi cho vay mượn, dĩ nhiên cam kết con cháu thế hệ sau sẽ trả nợ. Có một ngày, người ta công bố chương trình cải tạo rất qui mô, với những lời hứa hẹn với nhiều bên, hứa hẹn với nhân dân, hứa hẹn với những gương mặt rạng rỡ hàng ngày đi bộ mỗi sáng. Có một ngày người ta đưa xe cơ giới đến, bắt đầu rào đường, bắt đầu đào đường, bắt đầu bứng nhổ cây, tôi đau xót lắm nhưng vẫn cố bảo mình, cây sẽ được trồng lại tươi tốt hơn, môi trường sẽ được phục hồi lại đẹp hơn. Lòng bảo lòng như vậy, nhưng bao năm tháng qua rồi, con đường như hấp hối, cát bụi mịt mù, rào cản khắp nơi, đất đá ngổn ngang, tất cả đã tang hoang, còn đâu nhưng gương mặt rạng rỡ mỗi sáng tươi cười chào hỏi nhau, còn đâu những “lão tướng” cả đời hao phí sức lực giờ đây chắt chiu từng giây phút.

Báo chí nói rằng công trình này do nhà thầu Trung Quốc làm, họ không đủ năng lực nên công trình cứ ì ạch, đã hết hạn giải ngân cho ngân hàng thế giới ( đơn vị cho vay tiền ) mấy lần rồi, xin gia hạn mãi có lẽ người ta sẽ không cho nữa. Đọc báo tôi có cảm tưởng rằng không cơ quan nào giám làm gì họ cả, không một ai giám nói gì họ cả, việc họ họ cứ làm, bất chấp lời than phiền, bất chấp hậu quả chúng ta gánh chịu.

Bây giờ lại xảy ra chuyện Bauxit Tây nguyên, lại Trung Quốc ! Vẫn là ông hàng xóm to xác bao đời tìm cách uy hiếp mình, báo chí ( vẫn chỉ là báo chí, sao không là các cơ quan của nhà nước nhỉ ) cho biết họ đã đem cả ngàn người vào nước mình, họ đã rào lại thiết lập cả một vùng đặc khu rộng lớn. Biên giới mất vào tay Trung Quốc, biển mất vào tay Trung Quốc, đất mất vào tay Trung Quốc, mạng ( net ) mất vào tay Trung Quốc, đất nước này còn cái gì chưa mất ?

Hôm qua, khi có việc đi qua trung tâm thành phố, người ta chặn xe cộ lại để xe các quan chức có xe hụ còi hộ tống đi qua, tôi dừng lại như bao xe khác, mãi miên man nghĩ về đất nước, khi đã được phép đi rồi tôi vẫn không hay, có một người đi đường chay qua mặt tôi nhắc nhở “Đi đi chớ !” tôi mới giật mình, ngẫm nghĩ mà buồn cho đất nước mình, tôi chợt ví von mình như Phạm Ngũ Lão ngồi đan xọt bên đường, mãi nghĩ chuyện nước nhà mà quân lính thúc giáo vào đùi cũng không hay. Ngày xưa tôi được học những bài học lịch sử như vậy đó, những Hưng Đạo Đại Vương với Bạch Đằng dậy sóng, những Trần Bình Trọng “thà làm quỉ nước nam hơn làm vương đất bắc”, những Trần Quốc Tuấn “phá cường địch, báo hoàng ân”, những Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong lòng bàn tay, những Đinh Bộ Lĩnh “Cờ lau tập trận”, những Lý Thường Kiệt “châu chấu đá xe”.

Lâu nay người ta không truyền đạt cho các bạn trẻ những điều này, người ta không gây trong lòng các bạn trẻ tinh thần yêu nước, người ta sợ cái gì ? Người ta muốn cái gì ? Nhưng rất lạ, tôi thấy các bạn trẻ sôi sục niềm tự hào dân tộc, dũng cảm bày tỏ lòng yêu nước, đầy ý thức trước tai họa ngoại xâm. Người dân việt có truyền thống yêu nước và có truyền thống chống ngoại xâm, một khi những người có trách nhiệm không làm thì nhân dân sẽ dành lại quyền này của nhân dân.

Ngọc Linh

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 869 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 556
Khách: 556
Thành Viên: 0