Thanh Phương, Trọng Nghĩa
Bài "Trận đánh cuối cùng của Tướng Giáp" đăng trên tạp chí The First Post (RD)
Theo
tờ báo này, sau khi đã chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ và góp phần
đánh đuổi quân Mỹ, nay tướng Giáp đang trực diện trận đánh cuối cùng,
đó là ngăn chận những tác hại về môi trường và ảnh hưởng của Trung Quốc
lên giới lãnh đạo Việt Nam. Mở đầu bài báo, tác giả điểm sơ qua tiểu sử của tướng Võ
Nguyên Giáp, được xem là một trong những lãnh đạo quân sự kiệt xuất
nhất của thế kỷ 20. Thế nhưng, sau chiến tranh, phe cứng rắn kiểm soát
Đảng Cộng sản Việt Nam lại ghen tức với ông, cho nên gạt vị anh hùng
này ra khỏi Bộ Chính trị vào năm 1982. Đến năm 1991, tướng Võ Nguyên
Giáp về hưu ở chức vụ Phó thủ tướng. Nay đã 97 tuổi, thể lực
suy giảm, nhưng đầu óc còn minh mẫn, tướng Giáp sống với vợ một cuộc
sống thanh đạm trong một căn nhà thời thuộc địa ở Hà Nội. Mỗi sáng,
ông thức dậy vào khoảng 5 giờ, tập thở rồi nghe đài RFI, trước khi nghe
tin tức các đài phát thanh trong nước. Tuy đã rời bỏ các chức vụ chính
thức, nhưng người lính nổi tiếng nhất Việt Nam vẫn còn chiến đấu. Lần
này, chiến trường là về mặt môi trường. Chính phủ Việt Nam vì
muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nên đã quyết định tiến hành các dự
án khai thác bauxit, chủ yếu là ở Tây Nguyên. Dư luận sợ rằng các dự án
này sẽ phá hũy nhiều khu rừng và đất canh tác đồng thời để lại những
đóng đất bùn khổng lồ độc hại. Tuy trong lịch sử, Việt Nam vẫn thường
xuyên đối phó với hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc, nhưng tập đoàn
Chinalco của Trung Quốc lại trúng thầu một trong các dự án khai thác mỏ
bauxit. Tháng Giêng năm nay, tướng Giáp đã gởi một bức thư ngỏ kêu gọi
chính phủ ngưng các dự án này. Chính bức thư của vị ''Tướng
Xanh'' cảnh báo về những hậu quả đối với môi trường, đối với đời sống
các sắc tộc thiểu số cũng như đối với an ninh quốc phòng, đã dấy lên
một phong trào phản kháng chưa từng có tại một quốc gia vẫn sống dưới
chế độ độc đảng. Cũng hiếm khi mà những tiếng nói phản kháng như vậy
được đăng tải trên báo chí chính thức. Sự lên tiếng của tướng
Giáp đã thúc đẩy 135 trí thức văn nghệ sĩ ký một kiến nghị gởi Quốc hội
Việt Nam yêu cầu ngưng các dự án bauxit Tây Nguyên. Những người chống
đối khai thác bauxit nhấn mạnh là các dự án này không hề có hiệu quả
kinh tế, mà lại đòi hỏi rất nhiều nước và điện, cả hai thứ mà Việt Nam
đều đang bị khan hiếm. Ấy là chưa kể sự có mặt của hàng chục ngàn công
nhân Trung Quốc ở Tây Nguyên, một vùng mang tính chất chiến lược. Trước
sự phản đối của dư luận, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn đã xem khai
thác bauxit là ''chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước'' nay đã phải lùi
bước., tạm dừng một dự án , tuy vẫn cho phép Chinalco tiếp tục dự án
kia. Tác giả bài báo trên tờ The First Post, kết luận : ''Tướng Giáp có
thể chưa chiến thắng trong trận cuối cùng này, nhưng cũng như mọi khi,
ông chiến đấu rất mãnh liệt.''
|