Thứ Bảy, 2024-11-23, 5:07 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Năm » 30 » Dân Chủ hóa cách nào?
4:48 PM
Dân Chủ hóa cách nào?

Ngô Nhân Dụng

 
 Ông Trần Xuân Giá
Báo Ðại Ðoàn Kết là tiếng nói của các ông bà cầm đầu Mặt Trận Tổ Quốc, một tập hợp do đảng Cộng Sản bầy ra để kiểm soát các hội, đoàn bên ngoài đảng. Tờ báo này mới phỏng vấn ông Trần Xuân Giá, một cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Ðầu Tư, nay là chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB), một ngân hàng tư lớn ở Sài Gòn. Ông Trần Xuân Giá đã nói rất hùng hồn rằng đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải trao cho Mặt Trận Tổ Quốc thêm một vai trò mới, vai trò ông gọi là “phản biện xã hội.” Cái đó là cái gì, chúng tôi sẽ giải thích sau; nhưng khi nghe đề nghị trao cho Mặt Trận vai trò mới thì tất cả những người lãnh đạo cái mặt trận đó chắc sướng tai lắm. Có nhiệm vụ mới, vai trò mới, tức là có ngân sách mới, sẽ sinh sôi nhiều lợi lộc có thể phát triển kinh tế cho mình, lợi nhiều hay lợi ít chưa thể nào tiên đoán được.

Ông Trần Xuân Giá gần đây bỗng tự nhiên nổi tiếng về những lời dự đoán kinh tế. Có người trong nước phỏng vấn ông về tình hình kinh tế Việt Nam; vào hồi giữa Tháng Năm, mới hai tuần trước đây, rồi đưa lên mạng Internet câu trả lời “cực kỳ” độc đáo và “tuyệt vời” của ông như thế này,

“Tôi kiểm nghiệm ra rằng, những năm nào có số cuối là 8 và 9 thì đều xấu với kinh tế của nước ta. Năm 1978 -1979 là xấu, rồi năm 1988 -1989 cũng xấu và bây giờ là 2009 cũng xấu.”

Trên thế giới chưa thấy một đại học nào dạy sinh viên phương pháp nghiên cứu chu kỳ kinh tế theo lối đếm các con số năm như thế này. Ðây là nghệ thuật kiểm nghiệm kinh tế thường được các chiêm tinh gia sử dụng. Ðó là các vị thầy bói, ở Việt Nam họ thường ngồi trước cửa Ðền Ngọc Sơn hoặc Lăng Ông Bà Chiểu; còn ở Hồng Kông họ mở những văn phòng bước vào thấy như vào văn phòng một chủ tịch ngân hàng.

Lời phát biểu trên của ông Trần Xuân Giá thế nào cũng gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi ồn ào nhưng mà rất nghiêm túc, dựa trên những đề án trong khoa học có tầm mức quốc gia do ông nêu lên. Cuộc thảo luận có thể nâng cao không khí sinh hoạt trí thức dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản.

Nhiều người viết trên mạng đã vạch ra rằng theo tin tưởng cổ truyền của người Trung Hoa thì những con số tốt nhất là số tám (bát, đọc giống như phát) và số chín (cửu, cũng đọc như trong chữ trường cửu, nghĩa là lâu dài). Ý kiến của ông Trần Xuân Giá hoàn toàn trái ngược với lý thuyết cổ truyền mà nền văn minh Trung Quốc đã đẻ ra. Riêng điểm này đã có thể đưa ông lên hàng một nhà cách mạng trong tư tưởng kinh tế học rất “hoành tráng” của đảng Cộng Sản Việt Nam. Người theo chủ nghĩa dân tộc quá khích có thể sẽ đề nghị đặt ra thêm một Giải Nobel Chiêm Tinh Kinh Tế Học để tặng ông. Tờ báo của Mặt Trận Tổ Quốc có thể hô hào cả nước học tập tư tưởng Trần Xuân Giá.

Vì cũng trong cuộc phỏng vấn kể trên, ông Trần Xuân Giá còn chứng tỏ ông là một nhà nghiên cứu nghiêm túc môn chính trị học nữa. Ông thúc đẩy đảng Cộng Sản nên tiến hành việc xây dựng dân chủ; đồng thời ông còn chỉ ra đường lối nên dân chủ hóa ra sao.

Tại sao lại cần dân chủ hóa? Ông Trần Xuân Giá nhắc lại một ý kiến mà nhiều nhà kinh tế nổi danh quốc tế đã nêu lên, ông nói, “Ðể đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ.”

Các người nghiên cứu kinh tế và chính trị học đã biện luận và chứng minh mệnh đề trên; đó là một sự thật mà chắc chắn giới trí thức Việt Nam đều biết. Nhưng có người chỉ biết lập lại câu nói như vậy mà không biết ý nghĩa đích thực là cái gì, điều này chúng ta sẽ thấy sau. Còn những người dân Việt bình thường, người dân đi ngoài đường phố (được tả trong câu ca dao “vỉa hè là của nhân dân anh hùng”) chắc chắn cũng đồng ý nước ta cần dân chủ hóa, dù họ không biết môn Kinh Tế Học là cái gì. Họ chỉ cần so sánh trình độ phát triển của hai nước Nam Hàn và Bắc Hàn sẽ thấy ngay. Cùng một dân tộc, cùng một lịch sử và truyền thống văn hóa, miền Bắc có sẵn tài nguyên công nghiệp giầu có hơn miền Nam. Nhưng Nam Hàn đã trở thành một cường quốc kinh tế ở Á Châu, đang chen chân với Nhật Bản trong cuộc chinh phục thị trường lục địa Trung Hoa. Còn dân Bắc Hàn thì hiện nay vẫn chỉ lo mỗi ngày làm sao có đủ miếng cơm cho vào miệng là thấy hạnh phúc cực kỳ rồi.

Cái gì làm cho sự phát triển giữa hai nước Nam Bắc Hàn chênh lệch xa nhau đến như vậy? Khác biệt duy nhất là dân Nam Hàn được sống dân chủ tự do, còn Bắc Triều Tiên sống dưới một chế độ Cộng Sản độc tài suốt 60 năm qua.

Cho nên, muốn phát triển bền vững, cần dân chủ hóa! Dù không dùng thuật đếm các con số, ông Trần Xuân Giá đã nói đúng hết chỗ chê.

Nhưng dân chủ hóa như thế nào? Ông tiếp tục tuyên bố như sau, “Phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng.''

Nếu nghe câu trên thấy “hơi bị” khó hiểu thì đó cũng là lẽ thường. Vì các cán bộ cao cấp có lối nói riêng của họ. Có thể vì họ quen đọc các nghị quyết dịch từ chữ Hán rồi bị nhiễm. Hoặc vì họ cố ý nói càng khó hiểu càng có vẻ thông thái, cao sang. Hoặc nữa là họ chỉ nói cho nhau nghe, dịch ra chữ Nôm cho đám chúng sinh ngoài vỉa hè hiểu cũng chẳng ích lợi gì.

Ðem dịch sang tiếng Việt thì câu trên có thể nói lại như thế này: Có nhiều việc phải làm để phát huy dân chủ, nhưng một việc hết sức quan trọng là cho phép mọi người dân nêu lên những ý kiến khác với đảng và nhà nước Cộng Sản.

Ý kiến này cũng hết sức đúng. Nên làm ngay công việc này: Làm sao trong nước Việt Nam có thêm nhiều “phản biện xã hội,” càng nhiều càng tốt.

Ở các nước dân chủ tự do, công việc đó được làm thường xuyên, làm mỗi ngày, từng giờ từng phút. Ông nhà nước làm gì, bà chính phủ nói gì, lập tức cả nước nghe thấy những ý kiến khen, chê, đủ mọi kích thước, đủ mầu sắc, từ phía tả, phía hữu, ai cũng có quyền nghe. Chính nhờ thế mà các ông bà nhà nước nhà non bớt dám làm bậy. Dân Mỹ chưa được học bốn chữ Hán “phản biện xã hội” nhưng khi ông tổng thống Mỹ mới đề cử một bà làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện thì năm phút sau lập tức các mạng lưới, trên các đài ti vi, phát thanh và báo chí đã đầy những “phản biện xã hội” rồi.

Ðây là một diễn trình tự nhiên trong xã hội dân chủ. Không ai biết chắc chắn là khi một chính phủ công bố chính sách hay có hành động nào đó thì những ý kiến đối chọi nổi lên trong xã hội sẽ ảnh hưởng khiến họ họ thay đổi nhiều hay ít ra sao. Nhưng chúng ta biết chắc là khi mỗi quyết định của một chính quyền đều được dư luận chăm chú theo dõi, suy nghĩ và bàn tán, thì những người quyết định sẽ phải suy nghĩ chín chắn hơn và lựa chọn làm sao phù hợp với nguyện vọng của đa số người dân hơn. Vì tất cả dư luận như thế sẽ được tích tụ trong hai năm, bốn năm, trở thành ý kiến phê phán người cầm quyền mà đa số dân chúng tin là đúng. Họ sẽ bỏ phiếu căn cứ vào các ý kiến tích lũy đó. Thí dụ, nếu một chính quyền bị nhiều người chỉ trích là thất bại trong việc điều hành kinh tế, chắc chắn dân chúng sẽ thay đổi. Năm ngoái các cử tri Mỹ đã làm công việc đó. Chính phủ Ấn Ðộ đã thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, vì suốt bốn năm đảng Quốc Ðại nắm quyền những ý kiến ủng hộ cao hơn những lời chống đối. Ðảng Cộng Sản Ấn Ðộ đã nằm trong liên minh cầm quyền nhưng rút ra và quay lại chống chính phủ và tố cáo đảng Quốc Ðại thân Mỹ. Nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua đảng Cộng Sản Ấn Ðộ đã mất nhiều ghế đại biểu, từ 64 xuống chỉ còn 24 ghế. Khi người dân được nghe nhiều ý kiến đối nghịch, việc lựa chọn của họ chắc phải đúng hơn.

Trong diễn trình dân chủ này có hai phần quan trọng. Một là mọi người dân được tự do phát biểu về những chính sách, công việc nhà nước làm có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Hai là người dân có thể lựa chọn giữa nhiều đảng chính trị khác nhau và các cử tri được tự do bỏ phiếu. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên thì chưa đáng gọi là tự do dân chủ.

Nhưng ông Trần Xuân Giá hình như chỉ nghe mà chưa hiểu cái quá trình dân chủ đơn giản này. Khi đề cao “phản biện xã hội” ông lại chỉ nghĩ đến một dụng cụ đang có sẵn trong guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản, là Mặt Trận Tổ Quốc. Ông muốn cho cái Mặt Trận Tổ Quốc này nó đóng vai “phản biện.”

Rõ chán quá đi mất! Ở nước Việt Nam này ai chẳng biết chính các ông trong đảng Cộng Sản quyết định ai làm chủ tịch, ai làm phó chủ tịch, tổng thư ký mặt trận, không ông bà trong trong mặt trận dám cãi. Các ghế lãnh đạo đoàn thể trong mặt trận cũng do các chi bộ đảng Cộng Sản “bố trí,” “cơ cấu” người vào nắm đầu. Ðảng Cộng Sản và Mặt Trận Tổ Quốc liên hệ với nhau như bố với con, như thầy với tớ trong thời phong kiến; đố thằng con nào dám nói trái lời bố! Nói trật một câu cũng có thể mất ghế, mất hết quyền lợi ngay lập tức. Thế thì còn “phản biện” cái nỗi gì? Ông Giá cứ nghe thiên hạ nói đến “phản biện xã hội” nên ông nhắc lại chữ “phản biện xã hội” chứ thực tình ông nghe như vịt nghe sấm, chẳng biết nó là cái gì cả. Thật chán quá đi mất!

Ông Trần Xuân Giá còn dạy dỗ Mặt Trận cách “phản biện” như thế nào nữa. Ông nói, ''Vai trò của mặt trận là giúp Quốc Hội tập hợp các ý kiến kiến nghị lên Quốc Hội, lên chính phủ và các cơ quan hành pháp.” Ông không nói cho biết là còn cái Quốc Hội đó nó làm cái gì mà không tự nó đi tìm các ý kiến, tập hợp các ý kiến để trình lên đảng? Hay là giải tán cái Quốc Hội đi để Mặt Trận làm thay cho đỡ tốn cơm? Ông cũng khuyên Mặt Trận phải theo đuổi tới cùng xem các kiến nghị của mình được chính phủ giải quyết ra sao, chớ đừng “đánh trống bỏ dùi.” Về mặt này thì Mặt Trận nên học hỏi kinh nghiệm các nhà báo như Nguyễn Việt Chiến: Theo đuổi, theo đuổi, đuổi mãi tới tận khi bước vào nhà tù mới thôi.

Cuối cùng, phương pháp dân chủ hóa của ông Trần Xuân Giá rất là giản dị: Cứ để cho đảng Cộng Sản Việt Nam “phản biện” với đảng Cộng Sản Việt Nam. Bọn nắm quyền là đảng mà làm đối lập cũng là đảng, đảng chỉ cần sai thằng đồ đệ đứng ra phản biện cho mình nghe. Từ 60 năm nay đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn làm đúng theo mô hình đó; ông Trần Xuân Giá có nhắc lại cũng vô ích. Có lẽ đóng góp duy nhất của ông là khi đưa ra một điều kiện: người làm công tác mặt trận phải có tâm để ''không quên'' những kiến nghị của người dân.

Tức là phải chữa trị ngay cái tính hay quên của các cụ. Trao các cụ cho các bác sĩ tâm thần trị liệu thì sau vài chục năm có khi nước ta được dân chủ hóa thật không chừng!

Lý thuyết dân chủ hóa của ông cựu bộ trưởng kế hoạch và đầu tư chứng tỏ ông không biết tí gì về lối sinh hoạt ở một xã hội dân chủ. Dân chủ hóa theo lối của ông chính là kéo dài con đường độc tài đảng trị. Cứ theo lối đó thì xã hội Việt Nam không bao giờ có dân chủ; và do đó, khó lòng phát triển kinh tế bền vững. Có thể nói là ông Trần Xuân Giá đã chọn không đúng thời điểm này để bàn vấn đề dân chủ hóa. Theo sự kiểm nghiệm của các nhà báo trên mạng ở trong nước thì có những năm ông Trần Xuân Giá tuyệt đối không nên bàn về vấn đề dân chủ hóa. Ðó là những năm tận cùng bằng số không cho tới số chín. Năm nay là năm 2009, quả nhiên ông nói ra làm cả nước bật cười.

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 747 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 3
Khách: 3
Thành Viên: 0