Như đầu tựa của bài viết này đã nói
lên tất cả. Tâm trạng của tôi khi đọc bản báo cáo này giống một cô giáo
diễn tả sự "sốc" của cô ấy, khi đọc tản văn của một em học sinh kể về
nhà của các em được làm bởi...thân cây chuối, như đã đăng tải trên báo
chí.
Tôi đúc kết ngắn gọn một vài điểm tôi đọc được từ bản báo cáo đó như sau:
1. “Một nồi sợ tốn, làm bốn niêu”.
Không một nhà máy Alumina trên thế giới nào vận chuyển thành phẩm
Alumina bằng xe tải cả, mà chỉ có một cách áp dụng hiện hành là đường
rầy. Ấy thế mà trong bản báo cáo nêu trên có chi tiết TKV đề xuất
chuyện đột phá này. Lý do là làm đường rầy thì tốn đến 500 triệu đô la
Mỹ và mất tới 10 năm mới hoàn thành. Tuy nhiên, đề xuất của TKV đó là
chuyện “một nồi sợ tốn, làm bốn niêu” như ông bà mình xưa hay nói.
2. Chuyện bất khả thi đến mức hoang đường.
Giả như là vận chuyển bằng xe tải, tôi thử làm con toán số học mà TKV
đưa ra. Nếu tải bằng xe tải, mỗi xe chở 20 tấn. Giá chi phí tính ra ít
nhất 40 đô Mỹ/tấn vận chuyển. Từ đoạn đường khai mỏ đến nhà máy luyện
khoảng 260km (ước lượng vậy). Một chiếc xe tải chuyên dụng chở khoáng
quặng, giá trung bình 600 nghìn đô la Mỹ/chiếc. Vì phải vay mượn tiền
mà mua, lãi suất là 15%/năm so với giá xe, vị chi mỗi năm phải trả lãi
ròng 90 nghìn đô Mỹ, hay 250 đô/ngày tiền lãi. Ấy là chưa kể chi phí
dầu xăng, bảo trì, lương tài xế. Trong khi đó, nên nhớ rằng giá alumina
hiện nay chỉ có 230 đô Mỹ/tấn, mà mỗi ngày xe tải chuyên dụng chỉ chở
được một chuyến mà thôi!
Năng suất 600.000 tấn/năm, vị chi
cần 30000 chuyến xe từ Tây Nguyên đến Kê gà (Bình Thuận). Như vậy trung
bình mỗi ngày phải có 89 chiếc xe tải chuyên dụng hạng nặng chuyên chở
quặng suốt dọc đường, và năm này qua năm nọ. Liệu có con đường nào, và
chi phí nào để bảo dưỡng được mà có thể đảm bảo tiến độ đây?
Chưa hết, đến 2011 ~ 2015, khai
khoáng sẽ mở rộng thêm Đăk Nông 2, 3, rồi 4, nên thay vì 89 xe tải, bây
giờ chắc phải là 400 xe tải mỗi ngày. Có khả thi hay không???
Liên tưởng giải trình của quý vị về
chuyên chở alumina bằng xe tải, chẳng khác nào nghe một nhà thầu đứng
ra phác thảo cho khách hàng rằng, để xây cho khách hàng cái nhà lầu cao
5 tầng, họ sẽ sử dụng vài lao động tay chân, mướn xe cút-kít đẩy bê
tông từ nhà máy trộn tới công trường!
3. Giá xây dựng Nhân Cơ hời quá sức.
Trong chương “Hiệu quả Kinh tế”, Chính phủ báo cáo, giá thành của Nhân
Cơ là 1.010 tỉ đồng VN tức là 61 triệu đô la Mỹ. Sao mà rẻ vậy! Ngày
tôi tham gia trong quá trình nâng cấp lần thứ 4 mỏ bauxite của Công ty
Alumina Queensland (QAL), chúng tôi làm từ 2 triệu tấn lên 2,75 triệu
tấn là ở mức 200 triệu đô Mỹ thời đó. Nên nhớ những nhà máy của Úc, khi
xây dựng lần đầu là họ đã nghĩ quá xa hơn dự kiến thật trong thiết kế
nguyên thủy gia tăng công suất, nên 200 triệu là rẻ hơn rất nhiều so
với làm nhà máy mới.
Nên tôi không thể tin giá trị hiện
tại thực (NPV) của Nhân Cơ là 1.010 tỷ đồng như trong bản báo cáo, mà
phải gấp hơn 10 lần như vậy, tôi ước tính là 650 triệu cho nhà máy Nhân
cơ, thì mới có cơ sở.
4. Tại sao chỉ có công ty TQ thắng
thầu? Tôi đồ đoán, chẳng có công ty Anh, Mỹ hay Úc nào nhảy vô với quy
hoạch mà phải chấp nhận lỗ 13 năm mới lấy được lãi. Còn tôi, tôi ước
tính cho các vị là các vị phải lỗ ròng 45 năm! Một dự án khai khoáng, 3
năm không hoàn vốn, là dự án không khả thi, theo một đồng nghiệp người Việt ở Canada nhận định như vậy.
5. Phương thức xử lý bùn đỏ bất hợp
lý. Phương pháp thải ướt bùn đỏ tốn ít nhất là từ 60 đến 80 đô Mỹ/tấn,
trong khi đó sản phẩm alumina làm ra chỉ bán được có 230 đô Mỹ/tấn, nên
không có hiệu quả kinh tế. Chính vì thế, ở Úc, người ta không xử lý bùn
đỏ, mà giữ ở dạng quặng đuôi (tailing) ở những đập an toàn, vùng hoang
vắng, thấp.
Trong khi đó, xử lý bùn đỏ theo báo cáo không những không kinh tế mà còn “treo” bùn đỏ ở những cao độ của Tây Nguyên!
6. Sẽ không bao giờ lấy lại được vốn, đừng tính đến lời. Trong bài Hiệu quả kinh tế của Nhân Cơ lần trước,
tôi nói đến nếu gia tăng công suất mỗi 5 năm thì phải chịu lỗ 45 năm,
mới hoàn vốn và tính đến chuyện lời; nếu không gia tăng công suất thì
lỗ mỗi năm 264 triệu đô Mỹ, và với đà đó thì cả trăm năm cũng không lấy
vốn lại được.
Tôi mong các Đại Biểu QH sẽ đọc và suy nghĩ quyết định
Trân trọng kính chào,
Châu Xuân Nguyễn
Kỹ sư khai khoáng (Úc)
Nguồn: bauxitevietnam.info