Bản “Báo cáo Quốc gia Kiểm điểm định kỳ việc
thực hiện Quyền con người”, do Bộ Ngoại giao CSVN tung ra hôm 24-04-2009 vừa qua, viết như sau ở số 8: “Hiến
pháp 1992 quy định cụ thể cơ cấu và chức năng của hệ thống Nhà nước Việt Nam.
Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện
vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra với các chức năng lập hiến, lập pháp,
hoạch định chính sách phát triển đất nước và giám sát các hoạt động của Nhà
nước. Mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó có Chính phủ, Tòa án,
Viện Kiểm sát và kể cả của Chủ tịch nước đều chịu sự giám sát của Quốc hội”.
Toàn thể Đồng bào VN
chẳng còn mấy ai tin vào lời khẳng định láo khoét này. Ngay từ 1954, cái gọi là
“Quốc hội” ấy đã là một đám gia nô trong tay đảng CS, được đảng giao cho vai
trò gọi là “lập pháp” trong cơ chế “tam quyền phân công” (chứ không phải “tam
quyền phân lập” như tại các nước văn minh dân chủ), và chủ yếu có phận sự “giơ
tay” sau khi đảng “chỉ tay”! Thái độ bù nhìn này bộc lộ cách rõ nét và ô nhục trong
vụ “Công hàm bán nước” do Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng tự tiện ký năm 1958, dâng
cho Trung Cộng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc, tiếp đến qua vụ
Hiệp định lãnh thổ do Bộ Chính trị ký năm 1999, dâng cho Trung Cộng gần 1000
km2 đất vùng biên giới, tiếp đến nữa qua vụ Hiệp định lãnh hải cũng do Bộ Chính
trị ký năm 2000, dâng cho Trung Cộng trên 10.000 km2 Vịnh Bắc bộ. Nhà báo Bùi
Tín, tháng 6-2004, cho biết: “Hiệp ước
Việt–Trung về Vịnh Bắc bộ và Nghị định thư về hợp tác đánh cá trong Vịnh Bắc bộ
đã được Quốc hội VN thông qua chớp nhoáng trong phiên họp bế mạc. Tin tức chính
thức thật là bôi bác : không biết có ai thay mặt Chính phủ trình bày về nội
dung và quá trình đàm phán về 2 văn kiện này hay không ? các đại biểu Quốc hội
có thảo luận, có ai chất vấn gì không ? chỉ biết chủ nhiệm Ban đối ngoại Quốc
hội trình bày sơ lược rồi Quốc hội biểu quyết : 424 thuận, 1
chống và 8 không có ý kiến”. Đặc biệt năm 2003, để giúp đảng cướp
gọn gàng và vĩnh viễn đất đai nhà cửa của cá nhân và tập thể ở miền Nam, Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết 23/QH11/2003 “về
nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các
chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày
01-07-1991”. Cái văn kiện tới nay
vẫn còn hiệu lực này quá bất công đến độ chính báo Đại Đoàn kết, cơ quan của Mặt trận Tổ quốc chuyên “vỗ tay”, cũng đã
phải chua chát thốt lên : “Quốc hội biết mình đang mắc dân một món nợ!”
Gần
đây hơn, thứ Quốc hội bù nhìn này vẫn tiếp tục tỏ ra là đám gia nô vâng lời tối
mặt, bất chấp liêm sỉ, bất chấp danh vị “đại biểu nhân dân”. Quả thế, cách đây
không lâu, chuyện sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội đã gặp phải sự chống đối của nhiều
giới, nhiều ngành. Những phân tích “lợi bất cập hại” của việc sáp nhập này được
đưa ra bàn nghị sự và người ta hy vọng Quốc hội sẽ vì dân. Thế nhưng Hà Tây vẫn
bị Hà Nội thôn tính bằng chính những cánh tay giơ cao của các ông “nghị gật”,
khiến cho vô số người dân bị mất đất đai tài sản. Chuyện xây dựng Hội trường Ba
Đình mới cũng từng gây nhiều tranh luận, vì đề án xây tân Hội trường sẽ xâm hại
vào khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nơi chứa nhiều di vật vô giá của triều
Lý, triều Trần, kẻ thù số một của Đại Hán. Các phản biện đầy tâm huyết của các
nhà khoa học, bức thư đầy nước mắt của tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó cũng không
ngăn được cánh tay giơ cao của đám “đảng biểu” trong kỳ họp quyết định chọn địa
điểm cũ xây nhà Quốc hội mới, và việc này đã khiến Bắc Triều vô cùng hể hả!
Vụ đập Thủy điện Sơn La mới
đây bị nhiều vết nứt hết sức nguy hiểm (có vết sâu 6m) cũng từng được các nhà
khoa học, những người có tâm huyết với tiền đồ đất nước tiên báo rồi, bởi lẽ
công trình này được xây dựng trên một vùng đất có cấu trúc địa tầng yếu. Nếu
đập thủy điện vỡ sẽ có khoảng từ 15 đến 20 triệu người phía hạ lưu bị cuốn trôi
theo dòng nước. Thế nhưng, vì là “chủ trương lớn của Đảng”, nên công trình đã
được Quốc hội thông qua, và vẫn được Quốc hội cho tiếp tục. Đó là chưa kể công
trình này đã khiến cho gần 20 ngàn gia
đình, với trên 100 ngàn dân, cư trú tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên (đa
số là người thiểu số) bị buộc phải chuyển đi nơi khác và nay đang sống dở chết
dở. Những lời kêu cứu “Quốc hội ơi, cứu dân!” của họ đã rơi vào vô vọng, y như
tại Văn phòng II Quốc hội ở Sài Gòn năm 2007.
Thời
sự hơn cả là chuyện bauxite. Trong “Kiến nghị về vụ khai thác bauxite ở Tây
Nguyên” viết ngày 12-04, sau khi đề xuất: “1-
Phải đưa vấn đề dự án bauxite TN ra trước Quốc hội và mọi chủ trương liên quan
phải được Quốc hội quyết định; 2- Dự án bauxite TN phải chính thức dừng ngay
lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả
thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp”, các nhà trí thức, nhân sĩ trong
và ngoài nước ký tên còn khẩn thiết viết: “Kính
mong Quốc hội thấu suốt được tinh thần của đại đa số dân chúng không muốn dự án
này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy nặng nề của nó”. Tiếp đến, ngày 30-04,
Nhóm Kiến nghị lại gởi “Thư ngỏ thứ nhất cho các Đại biểu Quốc hội”, cũng với
những lời chân tình: “Thư ngỏ này… nhắc
nhở quý vị là những nhà lập pháp rằng một việc làm dù nhỏ nhặt, một lần giơ tay
biểu quyết dù vẫn ngập ngừng của quý vị, đều là một viên đá lót đường để Dân
tộc ta, Tổ quốc ta chắc chắn có cơ may ngẩng mặt nhìn ra năm châu thế giới.
Điều trái ngược lại sẽ là cái chết được báo trước, không thể là gì khác ! Chúng
tôi tha thiết kêu gọi quý vị hãy xem xét kỹ lưỡng toàn bộ chủ trương khai thác
bauxite ở TN và pháp chế hoá vấn đề này”. Đến Thư ngỏ thứ 3 “Gởi các đại
biểu Quốc hội khóa 12” viết ngày ngày 17-05, lời lẽ lại còn tha thiết hơn nữa:
“Thư
ngỏ này chỉ mong thêm một lần gợi ý với quý vị: sẽ đến họp không chỉ với
một tinh thần quán triệt nhiệm vụ xây dựng một Nhà nước Pháp quyền, mà còn có
trong tay những bằng chứng cụ thể về nguyện vọng và ý chí của đông đảo người
dân Việt trước vấn đề nóng bỏng của đất nước, giúp quý vị thực thi quyền hạn
của mình trong khung khổ pháp luật… Chúng
tôi kêu gọi quý vị đại biểu tại kỳ họp này hãy đưa vấn đề bauxite TN
đặt lên bàn nghị sự và đi tới một nghị quyết có tính toán toàn
diện đến việc khai thác bauxite ở TN; cụ thể là: a- Yêu
cầu Chính phủ cho ngưng toàn bộ dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin hiện
đang có tại đây cũng như mọi nơi khác trên lãnh thổ chúng ta… b) Thành lập một
Ủy ban nghiên cứu đường hướng phát triển kinh tế cho TN với sự hợp tác của
nhiều lãnh vực chuyên môn và giữa các nhà trí thức trong và ngoài nước… Quý vị là đại biểu Quốc hội, tức là thành
viên của một tổ chức quốc gia tiên tiến, một hình thức tổ chức đã được thử
thách trong nhiều thế kỷ qua… Phần lớn
quý vị cũng lại là đảng viên đảng CSVN, xin quý vị hãy giữ thanh danh và thể
diện cho chính đảng đó để hành động có ích nhất cho dân tộc Việt Nam đã đau khổ
quá lâu!”.
Thế nhưng, cái Quốc hội ấy đã phản
ứng thế nào? Trước hết hãy xem Thư phúc đáp từ Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề
ngày 8-5 gởi cho 135 trí thức ký Kiến nghị. Một bức thư đã làm cả nước lắc đầu
ngao ngán và hết sức công phẫn. Với nét chữ viết nguệch ngoạc chứng tỏ một
trình độ cỡ… tiểu học, bức thư có 3 lầm lẫn nghiêm trọng: 1- Không gửi nhầm địa
chỉ, nhưng ghi sai tên người nhận, từ Gs Nguyễn Huệ Chi trở thành Bà Gs Nguyễn
Thị Huệ; 2- Kiến nghị ghi ngày 12-04-2009 lại bị sửa thành 21-04. 3- Kiến nghị
về vấn đề đại dự án Bauxite gửi đến Chủ tịch Quốc hội lại bị cho là thư khiếu
nại… Vô tâm, vô học hay khinh bỉ, khinh thị trí thức như “cục phân” theo kiểu
Mao Hồ?
Chưa hết, tại cuộc họp báo do Văn
phòng Quốc hội tổ chức chiều 18-5 giới thiệu về kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa XII,
ông Trần Đình Đàn, chủ nhiệm Văn phòng, đã tuyên bố “chắc như cua gạch” rằng Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai
thác bauxite... Trước đó, một đại biểu quốc hội khác cũng quái dị
không kém là Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 7-5, nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện
Biên Phủ, lấy tư cách thủ tướng, ông thay mặt Chính phủ đến thăm cụ Võ Nguyên
Giáp tại nhà riêng, leo lẻo hứa là sẽ “tiếp thu” những ý kiến của cụ. Hôm sau,
với tư cách đại biểu Quốc hội, ông lại nói leo lẻo trước cử tri Hải Phòng về
quyết tâm khai thác bauxite!
Trong những ngày này, Quốc hội đang
họp, nhưng theo nhà báo Bùi Tín, trong số 496 “đại biểu”, chỉ có 3 người lên
tiếng khá mạnh là các ông Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Lân Dũng và Dương Trung Quốc. Họ chứng minh dự án không mang lại lợi ích
kinh tế mà có thể lỗ rất to, gây tai họa môi trường do bụi đỏ
và bùn đỏ, đe dọa an ninh quốc phòng tại “mái nhà của đất nước”; họ yêu cầu Quốc
hội cần phải vào cuộc, bàn bạc dân chủ, giám sát chặt chẽ từng bước; họ nhận
xét báo cáo Chính phủ tập trung ứng phó với bão táp kinh tế tài chính nhưng lại
không lưu ý đến bão táp ngoài biển Đông, quan hệ đến chủ quyền quốc gia, toàn
vẹn lãnh thổ…
Thế nhưng, với chuyện đảng viên
chiếm 90% số ghế Quốc hội, với chuyện Quốc hội từ xưa tới nay hầu như chỉ có
những thành tích bất hảo, phản dân hại nước, chỉ toàn những thái độ lụy đảng tối
mặt, khinh dân trắng trợn như đã kể trên kia, thì ai cũng thấy rõ rằng đây chỉ
là những đảng biểu (đảng biểu sao làm vậy) hơn là dân biểu, là Đảng hội hơn là
Quốc hội đúng nghĩa. Dù mang tiếng đại biểu của dân, nhưng họ nghĩ tới dân thì
ít, mà nhìn những lãnh đạo cao cấp của đảng vốn cũng là đại biểu Quốc hội, như Nông
Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và toàn thể Bộ chính trị để còn chiều ý... thì nhiều.
Bộ Chính trị là thủ trưởng cao nhất của họ, quyết định địa vị, thu nhập, sinh
mệnh của họ. Họ được lọt vào Quốc hội là do ân huệ của đảng, nên họ sợ đảng,
chứ đâu có cần sợ dân ! Thành ra vụ bauxite không hy vọng gì được Quốc hội làm
theo ý dân!!! Chỉ có một Quốc hội được bầu qua một thể chế tự do dân chủ mới
làm theo ý dân và mới chịu trách nhiệm trước dân hoàn toàn!
BAN BIÊN TẬP
|