Thứ Sáu, 2024-11-22, 5:36 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 1 » Xuất khẩu gạo: Nông dân ra rìa
3:22 PM
Xuất khẩu gạo: Nông dân ra rìa
2009-05-30

Chuyện lúa gạo và cách điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp Hội Lương Thực VN đã lên diễn đàn quốc hội. Nếu như vấn đề bauxite là những báo động về một hiểm họa ở tương lai, thì chuyện lúa gạo ảnh hưởng tới hàng triệu hộ nông dân, đặc biệt vựa lúa xuất khẩu đồng bằng sông Cửu Long.

AFP photo

Nông dân là người luôn chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Tiền Phong Online, Vietnam Net và nhiều báo mạng khác đã trích dẫn bài phát biểu của ông Danh Út, Phó đoàn đại biểu Quốc Hội đơn vị Kiên Giang với tựa bài khá kêu ‘Đẩy Nông Dân Ra Rìa’.

Trước Quốc Hội, ông Danh Út cho rằng việc điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua của Hiệp Hội Lương Thực VN là đẩy nông dân ra rìa và người đại diện của họ là hội nông dân cũng không được tham gia đầy đủ trong việc này.

Nông dân ra rìa

Khi chúng tôi đem chuyện này ra hỏi một nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long, người này nói rằng nông dân chưa bao giờ được góp ý về chuyện tiêu thụ lúa gạo, trong khi chính họ là người đổ mồ hôi làm ra hạt lúa:

Người nông dân cần có chân trong hiệp hội xuất khẩu gạo để bênh vực quyền lợi của mình, lúc nào nên xuất, lúc nào nên dừng, giá cả thế nào, phải trồng giống gì lúa gì nông dân phải được thông tin.

Một nông dân vùng ĐBSCL

Người nông dân cần có chân trong hiệp hội xuất khẩu gạo để bênh vực quyền lợi của mình, lúc nào nên xuất, lúc nào nên dừng, giá cả thế nào, phải trồng giống gì lúa gì nông dân phải được thông tin.”

Hiệp Hội Lương Thực lạm quyền

Theo Tiền Phong Online, phát biểu với tư cách đại biểu của nông dân Kiên Giang, ông Danh Út nói rằng cách điều hành xuất khẩu của Hiệp Hội Lương Thực VN lại một lần nữa khiến doanh nghiệp và nông dân lỡ mất cơ hội thu bạc tỷ từ xuất khẩu gạo. Không nhắc lại tình trạng vụ hè thu 2008 nông dân điêu đứng, cũng vì kiến nghị ngừng xuất khẩu của Hiệp Hội Lương Thực VN. Ông Danh Út trưng dẫn ngay những sự kiện diễn ra trong năm 2009, hồi cuối tháng 2, Hiệp Hội Lương Thực VN không cho doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu nếu giao hàng trong 6 tháng đầu năm, lúc này giá gạo đang cao dễ bán. Đến tháng 5 giá gạo trên thị trường thế giới giảm, Hiệp Hội Lương Thực mới giải tỏa cho đăng ký tiếp.

Ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám Đốc Công Ty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang, đơn vị từng bị rào cản của Hiệp Hội nhận định với chúng tôi:

“Hiệp Hội chỉ nên theo dõi lượng xuất thôi, Hiệp Hội mà không cho xuất là làm ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu gạo của VN. Thời điểm giá gạo thế giới cao mà VN không bán được, tới khi giá xuống thì cho bán, điều này không phù hợp đối với người nông dân sản xuất cũng như doanh nghiệp. Thực ra nó ảnh hưởng rất lớn đối với tiêu thụ hàng hóa lúa gạo của VN. Cái này là giao quyền hạn lớn quá cho hiệp hội, các Bộ Nông Nghiệp, Bộ Công Thương nên xem xét lại, quyền này vượt thẩm quyền của hiệp hội ngành nghề. Việt Nam vừa qua là xuất khẩu tự do, chỉ qua Hiệp Hội để đăng ký, nhưng lúc thì Hiệp Hội cho xuất lúc thì không, nên mới có tình trạng doanh nghiệp phản ảnh.”

Theo Vietnam Net, Đại biểu Danh Út nhấn mạnh tại hội trường Quốc Hội rằng, Hiệp Hội Lương Thực VN là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cơ quan tham mưu lại điều hành như cơ quan quản lý Nhà nước, có quyền lực cao hơn Luật doanh nghiệp là không phù hợp, sai cả nguyên tắc và qui chế tổ chức. Ông Danh Út cho rằng cách điều hành như vậy thiếu dân chủ, không tạo ra sức mạnh, không đảm bảo yếu tố 4 nhà là Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Được chúng tôi yêu cầu nhận định về vấn đề này, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

Hiệp Hội Lương Thực nắm nhiều quyền lực quá, báo chí ở VN nói ông này lạm quyền. Nghĩa là có những chức năng không ai phân công cho ông này, Hiệp Hội là chỉ để giúp đỡ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, rồi hỗ trợ vấn đề dự đoán dự báo giá cả, lúc nào buôn bán được hỗ trợ người ta. Nhưng ở đây Hiệp Hội lại đứng ra ký hợp đồng, đứng ra buôn bán, chuyện này là sai về tổ chức chức năng nhiệm vụ. Nếu đã sai như vậy, có lúc có quyền trong tay người ta sẽ tìm cách tận dụng quyền đó thành ra ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác.”

Thời điểm giá gạo thế giới cao mà VN không bán được, tới khi giá xuống thì cho bán, điều này không phù hợp đối với người nông dân sản xuất cũng như doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hùng Linh, TGĐ Cty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang

Tiền Phong Online trích lời vị đại diện đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang nhận xét là, mối quan hệ Hiệp Hội với Chủ tịch UBND cấp tỉnh không rõ trách nhiệm. Theo đó, tỉnh lo tìm thị trường xuất khẩu gạo nhưng lại không được xuất khẩu, do địa phương không có vai trò quyết định trong điều hành xuất khẩu gạo. Ông Danh Út đã đề nghị chính phủ điều chỉnh sửa đổi cơ chế điều hành xuất khẩu gạo theo hướng gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, nhằm tiêu thụ hết lúa gạo cho dân. Ông Danh Út dẫn chứng, tỉnh Kiên Giang có sản lượng hàng năm khoảng 3,4 triệu tấn lúa tương đương 1,2 triệu tấn gạo, nhưng chỉ được Hiệp Hội cho phép xuất khẩu 600.000 tấn.

Chúng tôi xin thêm rằng, sở dĩ Hiệp Hội Lương Thực VN gọi tắt là VFA bị phê phán nhiều như vậy là vì, Chủ tịch VFA là ông Trương Thanh Phong đồng thời là TGĐ Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam. Hai thành viên lớn nhất trong Hiệp Hội Lương Thực VN cũng chính là 2 Tổng Công Ty Lương Thực miền Nam và miền Bắc của Nhà nước. Mỗi lần đi đấu thầu các hợp đồng chính phủ, chỉ có 2 Tổng Công Ty này được phép tham gia, trúng thầu rồi Hiệp Hội sẽ chia quota xuất gạo cho các doanh nghiệp thành viên. Doanh nhân xuất khẩu gạo Nguyễn Hùng Linh nhận định về những bất cập vừa nói:

“Điều đó là không hợp lý, Hiệp Hội nên có giá hướng dẫn cho doanh nghiệp nắm thôi, còn doanh nghiệp quan hệ tìm kiếm được khách hàng là quyền của người ta, người ta chủ động để ký hợp đồng. Còn ký về rồi phân chia như thế thì nó không phù hợp, tạo khó khăn cho doanh nghiệp.”

Nông dân vẫn thiệt thòi

Trong bài phát biểu của mình trước hội trường Quốc Hội, đại biểu Danh Út nhấn mạnh tới điều ông gọi là bất cập liên quan tới thu nhập của nông dân. Theo lời ông, nếu nói nông dân làm lúa có lãi 30%, nhưng thực ra lãi đó không nhiều, thu nhập chỉ tương đương hộ cận nghèo. Tuy ông Danh Út không giải thích về việc lãi 30% mà vẫn nghèo, nhưng các chuyên gia nói với chúng tôi là đa số các gia đình nông dân canh tác với diện tích nhỏ bé khoảng 1 ha trở lại, nên sản lượng lúa không nhiều, dù có làm 3 vụ một năm thì lợi tức chia đều 12 tháng cũng không đủ vào đâu, chưa kể thiên tai dịch bệnh hay lúa ế mỗi khi có lệnh ngừng xuất khẩu.

Điều đó là không hợp lý, Hiệp Hội nên có giá hướng dẫn cho doanh nghiệp nắm thôi, còn doanh nghiệp quan hệ tìm kiếm được khách hàng là quyền của người ta, người ta chủ động để ký hợp đồng.

Ông Nguyễn Hùng Linh, TGĐ Cty Du Lịch Thương Mại Kiên Giang

Ông Danh Út nêu lên sự kiện các doanh nghiệp cũng như thương lái chỉ trung gian thôi nhưng bán gạo được lãi gấp 4 tới 5 lần lãi của người nông dân. Đại biểu đơn vị Kiên Giang kiến nghị chính phủ xem xét lại cơ chế lúa gạo xuất khẩu, đem lại lãi suất hài hòa giữa người nông dân và người kinh doanh.

Vẫn theo trích thuật của Tiền Phong Online, Đại biểu Danh Út kiến nghị chính phủ có chính sách hỗ trợ cho mỗi ha sản xuất lúa 1 triệu đồng, để bà con nông dân có điều kiện cải tạo đất và sử dụng giống mới chất lượng cao. Theo đại biểu Danh Út, đây cũng là một giải pháp đưa gói kích cầu trực tiếp về với nông thôn, nông dân và người nghèo. Vị Đại biểu tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh rằng, với 80% dân số sống bằng nghề nông, sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, nhưng VN chưa có chiến lược lâu dài cho ngành lúa gạo.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 643 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0