Thứ Sáu, 2024-11-22, 5:01 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 2 » Chuyên cơ tứ trụ và những câu chuyện liên quan
6:52 AM
Chuyên cơ tứ trụ và những câu chuyện liên quan

Dongsongxanh

    Nói về chuyên cơ của lãnh đạo cũng là điều đáng bàn, theo tiêu chuẩn nhà nước qui định thì đối với tứ trụ triều đình khi đi công cán nước ngoài đều được sử dụng riêng một máy bay. Máy bay này là của hãng hàng không Vietnam Airlines, khi phục vụ lãnh đạo được gọi tên chung là chuyên cơ, khi không chở lãnh đạo thì lại quay về phục vụ bà con trong nước. Chỉ tiếc là 4 cụ nhà ta phải thay nhau đi chung 1 chiếc chuyên cơ chứ chưa được hoành tráng như chiếc Không lực 1 dành riêng cho Tổng thống Mỹ. Ấy nhưng xét trên tổng thể Việt Nam ta có khi còn “chịu chơi và chịu chi” hơn cả siêu cường Mỹ ở chỗ ngoài Tổng thống ra thì các vị khác như Chủ tịch Thượng, Hạ viện hay chủ tịch các Đảng của Mỹ làm gì có tiêu chuẩn chuyên cơ. Thế mới biết làm lãnh đạo ở Việt Nam sướng thật, ai nghèo thì nghèo còn lãnh đạo cứ ung dung, đủng đỉnh trên những chiếc máy bay riêng mặc kệ người đời bàn tán.

   
    (tác giả câu nói: "tôi yêu sự chân thật, ghét sự giả dối")

    Thường thì các cụ nhà ta đi công cán nước ngoài hay sử dụng chuyên cơ cho nó oách, và cũng có thể chỉ vì các cụ ngại phải di chuyển trên nhiều chặng đường cũng như phải thay đổi máy bay cho mệt mỏi. Sử dụng chuyên cơ thì đương nhiên là tiện lợi và nhanh nhất rồi, muốn đi lúc nào thì đi không phụ thuộc vào thời gian biểu của ngành hàng không. Tuy nhiên có điều tổn hại là nó rất tốn kém cho ngân sách quốc gia. Bởi thường một chuyến đi thăm song phương ngoại quốc chí ít cũng phải mất 4- 5 ngày, nhiều thì lên tới cả tuần, chẳng hạn như các cụ nhà ta mà có đi thăm Trung Quốc thì coi như là về “nhà mình” rồi, có chuyến nào dưới một tuần đâu. Ngoài ra nếu thăm đa phương thì còn lâu hơn nữa. Thế nên đã có những trường hợp sau xảy ra khi các cụ trưng dụng chuyên cơ:

    1. Trong lúc các cụ trưng dụng máy bay để công tác thì Vietnam Airlines buộc phải thuê nóng máy bay của hãng khác để phục vụ yêu cầu vận tải trong và ngoài nước của mình với giá rất cao.

    2. Gặp lúc quẫn bách về nhu cầu vận chuyển, chuyên cơ của Vietnam Airlines khi đưa đoàn tới nơi xong hoặc sau ít ngày nằm không tại sân bay đã phải vội vã quay trở về nước để tiếp tục chở khách và tới khi đoàn chuẩn bị về nước thì lại quay sang đón. Bởi nếu có nằm lại bên đó thì cũng chỉ đỗ yên vị một chỗ, ngoài ra còn phải trả tiền thuê sân bay, phí an ninh bảo vệ và thu xếp ăn ở cho nhân sự phục vụ thêm tốn kém.

    Một ngày bay chuyên cơ thực hiện công vụ, nghĩa là không kinh doanh thương mại, cũng như một ngày máy bay nằm yên không hoạt động thì hãng cũng đã bị thất thu hàng trăm ngàn đô la Mỹ (ví dụ 1 máy bay 250 chỗ ngồi, với giá vé 100 đô Mỹ/người cho chặng HN-Tp.HCM với tần suất 1ngày/5 chuyến thì doanh thu đã là 125.000 đô/ngày). Và nếu quí vị biết tính chất của các chuyến đi này không hề mang lại lợi ích gì cho đất nước thì mới thấy hành động tiêu tiền của nhân dân như vậy không khác gì tham nhũng cả. Tính trung bình một tứ trụ một năm đi nước ngoài khoảng 2,5 chuyến, mỗi chuyến tốn trung bình khoảng 500.000 đô Mỹ thì như vậy 4 vị trong một năm tiêu hết của ngân sách khoảng 5 triệu đô Mỹ rồi, tương đương với 90 tỉ VND. Tính trung bình mỗi đoàn đi tổng cộng khoảng 30- 40 người, số tiền này mà dùng để đi máy bay thương mại thì đi được khoảng 10 năm. Quả là vô cùng lãng phí.


    (chủ nhân của câu nói nổi tiếng: "nuôi con gì, trồng cây gì")

    Các nguyên thủ nước ngoài sử dụng máy bay thương mại để thăm viếng nước khác là chuyện rất bình thường và gần như đó là qui tắc ứng xử chung của các nước biết trân trọng tiền đóng thuế của nhân dân. Trên thế giới hiện nay, các quốc gia duy trì chế độ chuyên cơ cho nguyên thủ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, danh sách đó rơi vào hai trường hợp hoặc là các nước cực kỳ giàu hoặc là các nước cực kỳ nghèo mà thôi. Còn nhớ năm 2006, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sang Việt Nam tham dự Hội nghị APEC đã quyết định không sử dụng chuyên cơ riêng mà mua vé tàu bay giá rẻ để tiết kiệm tiền cho ngân sách, mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người của đất nước này thuộc dạng giàu có bậc nhất trên thế giới. Các lãnh đạo nhà nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp… thường xuyên sử dụng máy bay phổ thông thì không nói làm gì nữa.

    Nói tiếp về các chuyện xung quanh chuyến công tác bằng chuyên cơ của các cụ.

    Đôi khi cũng để được việc mình cho nhanh nên khi chuyên cơ hạ cánh xuống mặt đất và bắt đầu dỡ hạ hành lý cho đoàn thì nhân viên của hãng này thường tranh thủ dỡ hàng của mình trước mà xếp cho hành lý của đoàn lấy sau (không hiểu sao mà đội bay và tiếp viên chỉ có vài người mà hàng hóa nhiều vậy?). Đây là việc làm thể hiện cung cách làm việc không chuyên nghiệp của hãng này, có lần đã ảnh hưởng tới tiến độ phối hợp chung của đoàn.

   
    (nổi tiếng không kém với phát biểu: "bỏ điều 4 Hiến pháp là chúng ta tự sát")

    Còn chuyện hành lý gửi theo chuyên cơ cũng là chuyện đáng bàn. Trước lúc bay sang nước bạn thì khâu kiểm tra an ninh hàng hóa ở trong nước làm khá chặt chẽ. Thế nhưng khi sang bên kia rồi thì cũng bởi là đáp chuyên cơ, thế nên một chiếc máy bay mấy trăm chỗ ngồi mà chỉ chở có mấy chục con người kèm theo mấy chục vali bỗng trở nên to lớn, rộng rãi không ngờ. Ngoài việc lãnh đạo hoặc cán bộ đi theo đoàn tha hồ mua hàng thồ về thì những người bên sứ quán cũng lấy đó làm cơ hội. Thế nên cán bộ, nhân viên sứ quán thường nhờ đoàn chuyển những kiện hàng về trong nước. Lý do hàng hóa không phải chịu thuế, thứ nữa là không phải tính cước, ai gửi được bao nhiêu thì gửi, hàng hóa đôi khi chỉ kiểm tra sơ sài khâu an ninh rồi sau đó cứ ào ào đưa lên, máy bay không lo quá tải mà rơi xuống Thái bình dương.

    Cũng bởi hành lý gửi về quá nhiều, với lại mấy chú phục vụ đoàn thường làm ăn tắc trách, xuống sân bay lấy hành lý mình xong là biến lên xe cho nhanh, hành lý người sứ quán gửi lấy đủ hay không ít khi quan tâm. Thế nên, sau mỗi đợt chuyên cơ về nước thì bao giờ cũng xảy ra hiện tượng người nhà hoặc cán bộ của sứ quán lại sang hỏi tìm hành lý được gửi. May thì nhận đủ, rủi mà thiếu thì ráng chịu thôi. Âu cũng là cách thức làm ăn xưa nay của đội ngũ cán bộ nhà nước CHXHCN nó vậy.

    Tiện thể nói thêm một chút về đội ngũ phục vụ cho các cụ. Phần lớn đã được vào làm việc ở nơi này thì đều phải có quan hệ đặc biệt hoặc dựa dẫm vào thế lực nào đó mới vào làm được. Bởi vậy không thuộc dạng tài giỏi xuất sắc thì cũng là diện con ông cháu cha, hoặc con nhà khá giả bố mẹ lo lót tiền của vào làm lấy cái tiếng với đời. Tiếc rằng, tài giỏi tới mấy mà vào đây làm việc thì cũng không tồn tại được lâu, vì nơi đây không phải là chỗ cho tài năng phát triển, muốn đi lên chỉ có cách cúi khom lưng hoặc bò, thế nên cuối cùng thì cũng chỉ còn sót lại toàn lũ con ông cháu cha cả. Hệ quả là làm việc thì ít mà phá phách thì nhiều, coi trời bằng vung và không coi ai ra gì, kể cả lãnh đạo trong mắt chúng thì cũng toàn diện nói một đằng mà làm một nẻo, không một chút giá trị cần phải tôn trọng. Cứ nghe những lời nói thật lòng của lũ đó trong lúc trà dư tửu hậu hay tại các quán xá lúc rượu bia đã ngà ngà thì hiểu. Kể ra thì cũng đúng thôi, bố mẹ thế nào thì sinh ra lũ con cháu như vậy. Cuối cùng thì các cụ cũng lại lãnh hậu quả của tụi nó. Còn nhớ một lần các bác lãnh đạo cấp cao được mấy chú này phục vụ, không hiểu có chú hứng chí kiểu gì mà bất chấp nội qui an toàn hàng không, cứ mặc sức làm theo ý muốn, bất chấp lời nhắc nhở cảnh báo của tiếp viên trên máy bay về việc cấm hút thuốc, thậm chí chú ấy còn thản nhiên nằm lăn trên sàn máy bay ở khoang cuối vì phê… rượu. Sau vụ này chú ấy đã chịu kỷ luật và suýt nữa đã bị đuổi khỏi cơ quan nếu không vì ông bố còn đang tại vị và có tầm ảnh hưởng lớn.


    (Chủ tịch Hội đồng lú lẫn TW với câu nói: "kiên trì chủ nghĩa Mác Lê nhất định sẽ thành công")

    Tháp tùng các chuyến công du của tứ trụ, đặc biệt là Thủ tướng và Chủ tịch nước thì thường có đám quan chức và chủ tịch các tập đoàn doanh ngiệp nhà nước, hoặc các doanh nghiệp tư nhân lớn. Thế nhưng nhóm này cũng là điều đáng bàn. Xu hướng thứ nhất, hiện có 1 lớp doanh nhân sau nhiều năm làm ăn cấu kết với đám quan chức đã trở nên giàu có, lại chuyển sang tham gia vào bộ máy chính quyền, ứng cử các chức danh chính trị dân cử hoặc đề cử quan trọng như vào Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội, hoặc các chức danh lớn trong các cơ quan đầu não Chính phủ nhờ chạy chọt tiền bạc, vật chất. Dongsongxanh không kể ra thì chắc quí vị cũng biết những nhân vật này là ai rồi. Xu hướng thứ hai, Chủ tịch các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhà nước bỗng dưng một lúc nào đó lại xin thôi đảm nhiệm các vị trí này để xin chuyển sang một vị trí lãnh đạo nào đó trong các cơ quan Chính phủ hoặc ban Đảng. Quí vị tự lý giải điều này nhé. Không quá khó đâu. Chỉ xin gợi ý rằng có 2 mục đích, một là tiếp tục những mục tiêu, tham vọng cao hơn, ở địa vị lớn hơn, hai là tìm bãi đáp an toàn cho bản thân và tài sản tham nhũng bất minh bởi vỏ bọc chính trị bất khả xâm phạm.

    Vậy là xã hội sẽ tiếp tục bị vận hành một cách méo mó và hỗn loạn, và sẽ bị thao túng và chi phối bởi đám bất lương này. Đây là một hiện tượng không mới, nhưng những năm gần đây đã tăng lên một cách nhanh chóng

    Trong các chuyến công du kiểu này, thường thì đám doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ các quan lớn một cách nhiệt thành kể cả chiều chuộng hết mực để đổi lại những lợi ích béo bở về sau.

    Đó là kể chuyện các chuyến đi nước ngoài bằng chuyên cơ của lãnh đạo, thế còn đi công tác trong nước thì sao. Lãnh đạo của chúng ta đôi khi cũng thực hiện vài chuyến vi vu trên trời nhưng ở phạm vi nội địa, như thế thì không có tiêu chuẩn chuyên cơ, chỉ trừ những trường hợp vô cùng đặc biệt thôi. Thế không gọi là chuyên cơ thì gọi là gì, nó sẽ được gọi là chuyên khoang. Nghĩa là sẽ được ưu tiên dành hẳn một khoang trên máy bay cho lãnh đạo và đám tùy tùng ngồi. Lão bách tính sẽ được sắp xếp để ngồi các khoang phía sau.

    Đôi khi chúng ta thấy máy bay của Vietnam Airlines hay bị trễ giờ hoặc gặp phải những lời chỉ trích phàn nàn của hành khách rằng máy bay trễ chuyến mà không có thông báo lý do cụ thể. Xin quí vị hãy thông cảm cho ngành hàng không, bởi có khi là máy bay đang phải chờ lãnh đạo. Vì nếu lãnh đạo chưa tới thì làm sao máy bay tự tiện cất cánh “đúng giờ” được. Đừng trách mấy cô tiếp viên xinh xắn kẻo mang tiếng oan cho chúng em lắm đó.

    Nguồn: Dongsongxanh
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 1089 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0