Thứ Ba, 2024-11-05, 8:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 2 » Chính nghĩa Dân tộc
11:23 AM
Chính nghĩa Dân tộc


Minh Võ

Nhân kỷ niệm 55 năm hiệp ước 4-6-1954
Trở lại chủ đề Chính Nghĩa Dân Tộc


Ngày 31/05/2009, gần 300 đồng hương đã hội họp tại nhà hàng Kim Sơn ở Houston, Texas để thảo luận về đề tài Chính Nghĩa Dân Tộc. Chủ đề này lấy từ nhan đề cuốn sách mới nhất về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm (NĐD và CNDT) của Minh Võ xuất bản tháng 11 năm 2008 và tái bản tháng 1, 2009. Sự kiện này xảy ra chỉ 4 ngày trước một biến cố lịch sử quan trọng của Việt Nam là hiệp ước ký kết giữa Hoàng Thân Bửu Lộc, thủ tướng Chính Phủ Việt Nam và thủ tướng Pháp Joseph Laniel (1890-1975) ngày 04/06/1954. Hiệp Ước này không được nhắc tới nhiều như các hiệp ước Élysée (08/03/1949) hay hiệp định Geneva (20/07/1954), vì dường như nó bị biến cố Điện Biên Phủ (07/05/1954) và sự chia cắt đất nước xảy ra liền trước và sau đó chỉ ít ngày làm cho lu mờ đi. Nhưng đó là một biến cố có ý nghĩa quan trọng vì nó là một cử chỉ dứt khoát của chính phủ Pháp, trước sức ép của tình hình bi đát Đông Dương cùng một lúc với tình hình khẩn cấp Algeria, muốn trao trả độc lập hoàn toàn cho một Việt Nam phi Cộng Sản. Nó cũng là kết quả nhiều năm tranh đấu của những người yêu nước trong đó có Ngô Đình Diệm. (1)

Thời điểm đó cũng là lúc chẳng những cựu hoàng Bảo Đại là Quốc Trưởng Việt Nam mà cả những nhà lãnh đạo đại cường Pháp Mỹ cũng đều tập trung chú ý vào việc tìm kiếm, hay trông chờ sự xuất hiện, một nhân vật của thời thế khả dĩ kham nổi tình thế tuyệt vọng của phe Quốc Gia và có thể đương đầu với Cộng Sản đang ở thế thượng phong trên chiến trường và chính trường Đông Dương.

Và đó chính là lúc xuất hiện con người “Tout Ou Rien” Ngô Đình Diệm.

Vì vậy, nhân dịp này chúng tôi xin khai triển thêm một điểm quan trọng đã được nhắc qua trong một bài quan điểm khá dài về Mối Nguy Của Dân Tộc đã đăng trên trang DCVOnline.net này vào 2 ngày mồng 2 và mồng 3 tháng 5, 2009.

“Chính Nghĩa Dân Tộc tất thắng Chiêu Bài Dân Tộc” (2)


Joseph Laniel sau khi từ chức (June, 1954)
Nguồn: LIFE/Frank Scherschel
Cho đến nay hầu như không còn ai nghĩ Hồ Chí Minh không phải là Cộng Sản nữa. Nhưng trong những năm đầu và giữa thập niên 1940 nhiều người đã tin lời ông ta chối mình không phải là Cộng Sản, mà chỉ là người theo chủ nghĩa dân tộc. Trong số những người tin lời nói dối của ông Hồ phải kể đến những sĩ quan cấp úy Hoa Kỳ như Archimedes Patti và Charles Fenn. Vì ngây thơ hay vì bị thuyết phục bởi những lời lẽ xảo quyệt của ông Hồ, họ tin ông ta hơn cấp trên của họ là những nhân vật có đầy đủ tài liệu bằng chứng về quá khứ và hoạt động của họ Hồ. Vì lúc ấy rất ít người hiểu thế nào là chủ nghĩa Cộng sản, một chủ nghĩa mà ngày nay ai cũng thấy là hoang tưởng, vì nó chủ trương thế giới đại đồng, phi quốc gia dân tộc.

Hơn nữa thực tế lịch sử đã chứng tỏ tất cả các nước đem áp dụng nó đều đã điêu đứng tan hoang về vật chất cũng như tinh thần. Chỉ vài nước như Trung Quốc và Việt Nam CS còn tồn tại vì đã biết sớm bỏ nó mà đi theo kinh tế thi trường.

Lúc ấy cũng rất ít người biết rõ lý lịch của Hồ Chí Minh đã từng là cán bộ cao cấp của Quốc Tế Cộng Sản. Vì vậy khi ông ta về nước lập ra mặt trận Việt Minh, rồi tuyên bố Việt Nam Độc Lập, lập chính phủ Liên Hiệp thì không chỉ thường dân ít học, mà cả các nhà trí thức, các đảng phải chống Cộng như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh... đều (vui vẻ hay miễn cưỡng) tham gia, còn nhận 70 ghế trong Quốc Hội mà Hồ Chí Minh tặng, không phải qua bầu cử!

Do đó đa số nhân dân trong nước và cả nhân dân thế giới (do một số đông ký giả thiên tả, hoặc không hiểu biết về chủ nghĩa CS, và không rõ lý lịch của Hồ Chí Minh mô tả) đều coi ông Hồ là nhà ái quốc, tức người theo chủ nghĩa dân tộc thực sự. Mà sự lầm lẫn này cho đến nay vẫn còn tồn tại trên những tác phẩm nổi tiếng thế giới. Vì lúc ban đầu ngay một số đông nhà trí thức, đại trí thức cỡ Bertrand Russel, hay Jean Paul Sartre... cũng bị lầm bởi học thuyết Mác mà họ coi như khoa học xã hội tiến bộ.

Nhưng nếu đã hiểu thấu chủ nghĩa CS của Mác và biết rõ lý lịch của Hồ Chí Minh (như chúng ta ngày nay) thì ai cũng nhận ra ngay cái gọi là lòng ái quốc hay chủ nghĩa dân tộc của HCM chỉ là chiêu bài giả dối phát xuất từ sách lược giai đoạn ‒ hay nói trắng ra là do âm mưu xảo trá bịp bợm ‒ của Lênin, tác giả đề cương về chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa dân tộc.

Ông Ngô Đình Diệm là người có viễn kiến chính trị và kiến thức sâu rộng về CS đã không lầm như những người khác. Ngay khi còn làm tuần vũ tỉnh Phan Thiết từ 1929 đến 1933 ông đã phải đương đầu với CS lúc ấy trong phong trào Xô Viết Nghệ tĩnh với khẩu hiệu sắt máu Trí Phú Địa Hào đào tận gốc, trốc tận rễ. Sau này khi ông bị Việt Minh bắt giam ở Việt Bắc, rồi Hồ Chí Minh ra lệnh đưa ông về Bắc Bộ Phủ, ngỏ lời mời ông tham gia chính phủ Liên Hiệp trong chức vụ bộ trưởng Nội Vụ, ông đã nhìn thấu tâm can đối thủ và cương quyết từ chối. Ông không mắc mưu CS như các lãnh tụ đảng phái khác.

Ngay lúc ấy ông đã thấy rõ Hồ Chí Minh là kẻ thù tối ư nguy hiểm mà ông sẽ phải đối phó trong tương lai. Ông đã thấy cái chiêu bài ái quốc, chiêu bài chủ nghĩa dân tộc của ông Hồ lúc ấy lợi hại như thế nào. Và ông nhìn ra ngay chỉ có dùng chính nghĩa dân tộc và lòng yêu nước thực sự mới có thể đánh thắng CS.

Là một nhà ái quốc, ở tuổi 32 đã lên đến chức thượng thư bộ lại, tương đưong với thủ tướng thời nay, ông đã không chút do dự “rũ áo từ quan” để phản đối thực dân Pháp và nhà vua. Ông đã không màng danh vọng, bổng lộc, coi vàng muôn lượng nhẹ tựa lông hồng, Ngôi báu xem nhường dép nửa đôi như lời thơ của nhà cách mạng Phan Bội Châu đề tặng ông và gọi ông là chí sĩ, vĩ nhân.

Ông từ chức không phải để cầu an, trốn tránh trách nhiệm, để rút lui về ở ẩn, trùm chăn, như nhiều người lầm tưởng. Nhưng ông đã lợi dụng thời gian không bận bịu với công danh, phú qúy, để tiếp tục tranh đấu, đòi cho bằng được một nền độc lập hoàn toàn cho Tổ Quốc. Vì ông biết rõ, chỉ khi nào nước nhà có được một nền độc lập hoàn toàn thực sự ông mới có chính nghĩa để lột trần mặt nạ chiêu bài yêu nước giả dối, một thứ chủ nghĩa dân tộc giả hiệu của Hồ Chí Minh.

Với thái độ cương quyết, “tout ou rien” (hay all or nothing), ông đã cố vấn cho quốc trưởng Bảo Đại ở Hương Cảng tranh đấu với Bolaert và đích thân ông cũng tranh luận gắt gao với vị cao ủy Pháp này để đạt một nền độc lập hoàn toàn hay ít nhất cũng giống như một nền độc lập mà người Anh đã trả cho Ấn Độ và Pakistan chẳng hạn. Nhưng vì thất bại trong việc này, nên khi cựu hoàng mời ông làm thủ tướng để ký với Bolaert thông cáo chung vịnh Hạ Long (ngày 05/06/1948) ông đã không nhận. Rồi sau đó, ngay cả khi Pháp đã nhượng bộ hơn và chính tổng thống Pháp Vincent Auriol ký với quốc trưởng Bảo Đại hiệp ước Élysée ngày 08/03/1949 trao trả độc lập rộng rãi hơn, ông vẫn không nhận lời mời của Bảo Đại làm thủ tướng. Vì ông nhận thấy độc lập trong Liên Hiệp Pháp vẫn chưa đủ uy tín cho ông có thể đương đầu với chiêu bài dân tộc của CS. Vì uy thế của Hồ Chí Minh đã được củng cố và tăng nhanh, sau cái gọi là Cách Mạng Tháng Tám, rồi bản tuyên ngôn Độc Lập mà HCM đọc tại quảng trường Ba đình ngày 02/09/1945 đánh dấu ngày ra đời của cái gọi là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.

Lúc ấy không chỉ đa số nhân dân trong nước, mà cả phần lớn dư luận thế giới cũng cho rằng ông Hồ và đảng CS có công lớn trong việc thu hồi độc lập. Vì những bản thông cáo chung vịnh Hạ Long và Hiệp ước Élysée, tuy là những văn kiện pháp lý được quốc tế công nhận. Nhưng đối với đa số người dân và ký giả ngoại quốc nó chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ, trên pháp lý. Còn trên thực tế thì suốt từ 1946 đến 1954 người ta chỉ thấy quân Việt Minh của họ Hồ kháng chiến chống hàng trăm ngàn quân Pháp do các tướng lãnh nổi tiếng của Pháp chỉ huy. Rất ít thấy có những trận đánh lớn với quân của Quốc Trưởng Bảo Đại. Vì vậy người ta có cớ để coi phe Quốc Gia bên cạnh quân Pháp chỉ là phản động, Việt gian.

Ông Diệm nhìn rõ điều đó. Cho nên chỉ cho đến khi Pháp đã thua rõ ràng sau trận Điện Biên Phủ và nước nhà bị qua phân, và phía người Việt Quốc Gia lâm vào tuyệt vọng, ông mới ra tay cứu nước. May là lúc ấy cũng là lúc chính phủ Laniel cua Pháp vừa ký với chính phủ Bửu Lộc hiệp ước trao trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam.


Hồ Chí Minh (1946)
Nguồn: truehochiminh.com
Qua lăng kính chủ nghĩa Mác không tưởng và độc hại và với nhãn quan về một cuộc chiến toàn cầu do CS phát động, ông đã nhìn rõ kẻ thù chính của dân tộc (cũng như của nhân loại) không phải người Pháp mà là Cộng Sản (3). Nhưng không dành được Độc Lập từ tay người Pháp thì sẽ không thể phá vỡ chiêu bài dân tộc của CS để chiến thắng CS. Vì vậy Pháp tuy là kẻ thù thứ yếu nhưng cần phải thanh toán trước.

Nhiều độc giả đã hỏi, tác giả có nghĩ nếu ông Diệm không bị lật và bị giết thì đã không có thảm hoạ 30 tháng Tư không? Lịch sử không có chữ nếu. Cho nên tôi chỉ yêu cầu xem kỹ hai sự kiện lịch sử đã được Nguyễn Văn Linh và Văn Tiến Dũng kể lại. Nguyễn Văn Linh, nguyên tổng Bí Thư Đảng CSVN đã thỏ lộ với Neil Sheehan là một trong 3 nhà báo trẻ chuyên chỉ trích, đã kích và thoá mạ ông Ngô Đình Diệm và đã được y ghi lại trong cuốn After The War Was Over. Còn Văn Tiến Dũng (VTD) là viên tướng tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đánh chiếm miền Nam năm 1975 thì đã đích thân ghi lại trong cuốn Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, mà chúng tôi đã dẫn chứng nơi trang 140 NĐD và CNDT, ấn bản tháng 1 năm 2009. Theo hai tác phẩm của Sheehan và VTD thì thời đệ nhất Cộng Hoà Cộng Sản đã mất từ 75 % (theo NVL) đến trên 90 % cán bộ.

Sở dĩ có được thành quả đó là nhờ miền Nam lúc ấy có chính nghĩa dân tộc. Quân Pháp đã rút hết. Dinh Norodom của Pháp đã trở thành Dinh Độc Lập. Dân chúng lại được sống trong phồn vinh, trù phú (Như đã dẫn chứng nơi trang 83-84 SĐD). Dựa vào những sự kiện thực tế rõ ràng như trên, việc thuyết phục các cán bộ CS rời bỏ hàng ngũ CS để quay về với chính nghĩa dân tộc không khó khăn lắm Và có thể quả quyết: ông Diệm đã thành công mà không cần có lực lượng võ trang hùng hậu trong việc chiến thắng CS là nhờ có chính nghĩa dân tộc và chính sách chiêu hồi sáng suốt.

Và khi ông Diệm không còn nữa và Mỹ đã tự ý đưa đại quân vào bao thầu cuộc chiến, thì cảnh quân ngoại quốc nhan nhản trên khắp nước đã lại diễn ra. Và cảnh lệ thuộc ngoại bang mà chính quyền Bảo Đại đã phải chịu, lại tái phát. Do đó chiêu bài ái quốc giả dối của HCM lại có dịp thắng thế một lần nữa cho đến khi CS chiếm trọn miền Nam.


Nam Cali 01/06/2009



© DCVOnline




(1) Sự kiện này đã được ông Diệm tiên liệu từ những năm 1947-1948 và nói trước với ông Hồ Sỹ Khuê và được ông này ghi lại trong tác phẩm Hồ Chí Minh Ngô Đình Diệm và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (trang 164) và được Minh Võ trưng dẫn nơi trang 241 cuốn Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc:
“Ông Diệm bảo tôi:... Thành ra nguy cơ không phải là óc ly khai của người Nam Kỳ. Nguy cơ là Cộng Sản. Pháp là vấn đề giai đoạn. Cộng Sản mới là vấn đề tâm huyết và dài hạn. Pháp thắng hay bại trong cuộc chống Việt Minh vẫn phải đi đến chỗ công nhận Việt Nam độc lập. Điều quan trọng là buộc họ phải trả chủ quyền trong tay chúng ta (trong tay ông Diệm).”


Những gì ông Diệm đã làm trong một năm khi mới về nước đã buộc Pháp trả độc lập hoàn toàn trong tay ông Diệm, Vì hiệp ước 4-6-1954 dầu sao cũng chỉ là trên giấy tờ. Để cụ thể hoá nó và biến nó thành hiện thực ông đã phải vượt qua vô vàn khó khăn và tranh đấu cam go mới đạt được.
(2) Đây chỉ là một phần bổ túc và quảng diễn thêm về 1 điểm của bài trước, Mối nguy của dân tộc. Vì vậy mong độc giả đặt bài này vào khuôn khổ bài trước để có một cái nhìn tổng quát và đầy đủ hơn.
(3) (Xin xem NDD và CNDT lần tái bản trang 241, cước chú 4).
Category: Chính trị | Views: 834 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 262
Khách: 262
Thành Viên: 0