Thứ Sáu, 2024-11-22, 4:29 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 2 » Giáo dục của chúng ta tạo nên các công dân như thế nào? (Đồ Gàn)
11:41 AM
Giáo dục của chúng ta tạo nên các công dân như thế nào? (Đồ Gàn)
Tôi đưa lên đây ba nhân vật thành công trong cuộc sống, họ có ba tính cách khác nhau, ba số phận khác nhau. Có thể ai đó cho là khiếm nhã khi để Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bill Gates bên cạnh Maurinho, một kẻ hợm hĩnh và kiêu ngạo. Nhưng giữa họ có một điểm chung là làm được những gì mình muốn bất chấp hoàn cảnh như thế nào. Phần nữa, theo tôi, đó là ba tính cách tương đối điển hình của những con người thành đạt mà không bị thần thánh hoá thành một tượng đài chỉ để chiêm ngưỡng như các vĩ nhân khác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì có lẽ khỏi bàn cãi, ông luôn là một nhân vật chính trị mà cả phe đối lập cũng không thể bôi nhọ được, ông luôn bình thản và sống hết mình cho tổ quốc bất chấp ở cương vị nào, kể cả những cương vị mà nhiều người cho đó là một sự bất nhã như "Trưởng ban dân số kế hoạch hoá gia đình chẳng hạn" ông cũng làm rất tốt, những năm đó Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc về chính sách dân số. Còn thiên tài quân sự của ông thì khỏi cần ai phải nhắc lại.

Bill Gates là một nhân vật điển hình của người thành đạt trong thế hệ mới, làm thay đổi cả thế giới, không đi theo vết xe vạch sẵn của người đời mà tự quyết định lấy số phận mình. Bỏ học ở trường đại học mà được học nó là mơ ước của tất cả thanh niên trên thế giới này: Đại học Harvard. Nếu ông không làm như thế liệu hôm nay chúng ta có dùng máy tính bằng các phần mềm mà chúng ta nghĩ đó là một phần tất yếu của cuộc sống không

Đến Maurinho một cầu thủ vô danh nhảy vào bóng đá, mảnh đất khốc liệt của sự cạnh tranh và may rủi, một cách ngạo nghễ, kiêu căng mà mọi người dù ghét cay ghét đắng vẫn phải thừa nhận tài năng của "Người đặc biệt".

Nghĩ về giáo dục của chúng ta hôm nay. Để có được sự thành công, những con người bất chấp tất cả, những con người đầy nhiệt huyết với cuộc sống, dám nghĩ dám làm, dám đương đầu và chịu trách nhiệm với những gì mình làm (dù nó đúng hay sai) theo kiểu Maurinho. Những con người dám chấp nhận tất cả, có thể là mình thua cuộc để làm những điều mình muốn. Tôi còn nhớ khi người ta hỏi Bills Gates về việc ông bỏ học ở đại học Harvard, ông nói lúc đó ông cảm thấy nếu ông tiếp tục theo học thì sẽ không đủ thời gian, và không còn thời cơ để làm được những gì mình muốn làm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì khỏi phải bàn cãi về tấm gương tự học hỏi, khả năng vượt khó và bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước thương dân của ông.

Giữa họ, như tôi đã nói, có rất nhiều khác biệt về cuộc sống, về nhân cách, về những gì mà họ làm được. Nhưng họ có một điểm chung là có nghị lực cao, luôn tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống.

Gần như có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Maurinho đang cố gắng xây dựng một đội hình trẻ, đang muốn có những ngôi sao chiến đấu cho Inter Milan vì danh dự và nhiệt huyết chứ không phải vì tiền. Ngày 01/7 tới đây Bill Gates rời Microsoft để nhường chỗ cho lớp trẻ và để Microsoft đổi mới mặc dù những gì ông đã tạo ra có thể nói là rất tuyệt vời. Khi những ngày này đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cùng đấu tranh với chúng ta để chống lại sự lãng phí tài nguyên và sự nô dịch, chống lại sự ô nhiễm môi trường thiên nhiên và ô nhiễm cả môi trường văn hoá ở Việt Nam do những dự án mang lại. Tất nhiên sự so sánh các việc làm đó cũng là sự khiếm nhã như để ảnh họ cạnh nhau vậy. Nhưng nó lại cũng có một điểm chung là làm tất cả những gì mình có thể, làm những gì mình cho là tốt nhất trong công việc, trách nhiệm của mình dù có phải hy sinh bớt quyền lợi của mình, dù có gặp khó khăn và sự cản trở.

Thử hỏi đến bao giờ, bao giờ nền giáo dục theo lối nô dịch của chúng ta hiện nay tạo ra được những con người như thế. Chúng ta có thể thấy trong xã hội của chúng ta những kẻ kiêu căng, hợm hĩnh hơn cả Maurinho, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm như Maurinho. Nhưng tuyệt nhiên tôi chưa thấy một nhà khoa học nào của Việt Nam trưởng thành trong nền giáo dục của chúng ta dám nghĩ dám làm như Bill Gates. Bao nhiêu nghị lực của họ dồn hết vào việc mài đũng quần trên ghế nhà trường để rồi kiếm lấy cái tấm bằng tiến sĩ, sau đó họ làm được gì? Một anh bạn tôi cho con đi thi lấy học bổng của Microsoft kể lại: Khi vào thi mình ôn trật hết, họ hỏi toàn lịch sử, phong tục tập quán của người Việt Nam, sau đó là các bài Test IQ, còn toán và tiếng Anh thì là những thứ họ có thể đào tạo được thì không cần thi. Một người nước ngoài còn biết nhìn chúng ta như thế. Còn nền giáo dục của chúng ta thì sao? Chúng ta đang tạo ra các các nhân bị nô dịch về văn hoá, những kẻ đánh mất niềm tự hào dân tộc, những công dân “không tổ quốc” ngay chính trên quê hương mình.

Một thầy giáo cùng trường với tôi, cho các con học đại học ở Anh Quốc và làm việc tại đó luôn, trong lúc trà dư tửu hậu, bàn về chuyện đó, một thầy giáo dạy văn nói:

- Ông cho các con ông học ở Anh, sống và làm việc với người Anh, nó có còn là người Việt nữa không, nó có còn suy nghĩ theo lối Việt Nam không ?

Người đó trả lời:

- Xét về mặt nào đó thì suy nghĩ, lối sống của chúng không còn thuần Việt nữa, nhưng thử hỏi các ông tìm đâu ra người thuần Việt theo nghĩa các ông đang nói trong thời hội nhập này. Tôi chỉ biết một điều là chưa chắc chúng đã đánh mất “Gốc Việt “ như các ông nghĩ nếu so sánh với các thanh niên chưa từng học tập và làm việc ở nước ngoài. Khi Hà Nội bị lụt, thằng con trai tôi từ nước Anh bay về với bố mẹ, mấy ngày ở Việt Nam nó giúp bà con khu phố chống lụt, phải nói tôi tự hào và hãnh diện về nó, mấy ngày đó nó đi mua thực phẩm, rau cho cả mấy nhà bên cạnh, đưa các người già trong khu đến ở nhờ trong căn nhà mà tôi đang cho người nước ngoài thuê không bị ngập. Nó đàm phán thế nào để bên thuê nhà họ đồng ý thì tôi không biết. Còn thằng cháu ở quê ra đi công tác Sài Gòn (Nó đang ở cùng với tôi) thì không thèm về, khi nước rút nó về thì cũng chẳng hỏi thăm ai lấy một câu. Rồi chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, chuyện khai thác bauxite… thằng con ở Anh biết tin qua trang BBC thì online với bố, nói chuyện hang giờ liền về vấn đề đó, trong khi thằng cháu đang làm ở Việt Nam thì tuyệt nhiên không một lời đả động đến chuyện đó. Khi ngồi ăn cơm tôi gợi chuyện thì nó bảo nó không quan tâm và muốn sống yên ổn thì tốt nhất là không nên quan tâm... Như vậy các bác nghĩ ai thuần Việt hơn, ai quan tâm đến nước Việt hơn.

Khi mà trẻ con suốt ngày xem phim Hàn và phim Tàu, khi chúng hiểu và ca ngợi Càn Long suốt ngày và chỉ biết Gia Long là cõng rắn cắn gà nhà, khi mà chúng hiểu về các triều đại Trung Quốc hơn là hiểu sử Việt, khi mà chúng đọc báo thấy các bài ca ngợi Hứa Thế Hữu (Người cầm quân đánh Việt Nam năm 1979) như là một anh hùng thì thử hỏi chúng còn suy nghĩ theo lối Việt nữa hay không? Khi mà các bậc đàn anh của chúng sống nhu nhược khép mình lại để tránh tai hoạ, khi mà các bộ phim chiếu hàng ngày trên truyền hình ca ngợi các nhân vật tầm thường nhất, các nhân vật từng xua quân đánh Việt Nam như một người hùng văn võ song toàn, khi mà các bài học về sử Việt nhạt nhòa không có sức hấp dẫn, khi mà chúng phỉ báng chính những ông vua đã có công với đất nước, khi mà những anh hùng, những công thần của chế độ nói không ai thèm nghe,… thì thử hỏi chúng muốn suy nghĩ theo lối Việt phỏng có được chăng? Rồi đây, cứ đà này chúng ta sẽ bị mất Tổ Quốc, chúng ta sẽ đánh mất những gì là Việt Nam ngay chính trên quê hương mình. Liệu có xảy ra chuyện đáng buồn rằng khi muốn tìm lại bản sắc của Việt Nam người ta phải tìm lại những gì còn sót lại ở cộng đồng người Việt ở hải ngoại chăng? Có lẽ là quá khích khi nói như vậy. Nhưng chúng ta đang thua trên chính “sân nhà” của mình. Chúng ta đang tự biến chúng ta thành nô lệ trên chính mảnh đất của mình. Hỡi các nhà giáo dục Việt Nam, thay vì cố gắng chứng minh học thuyết này, học thuyết nọ, các vị hãy làm sao giáo dục cho con cháu chúng ta niềm tự hào dân tộc, dạy chúng biết thương yêu đồng loại, dạy chúng biết đau niềm đau, vui niềm vui của dân tộc trước khi dạy chúng yêu ông LêNin, ông Các Mác hay ai đó.

Hãy giữ gìn bản sắc của dân tộc, đừng biến con cháu chúng ta thành những kẻ lai căng, đừng biến họ thành các công dân “Không Tổ Quốc” ngay chính trên quê hương mình.

Đồ Gàn
Nguồn: blog Lề bên trái (Đào Hiếu.com)

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 815 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 16
Khách: 16
Thành Viên: 0