Nhã Nam
Ngay khi mạng lưới blog cá nhân nổi tiếng nhất
Việt Nam Yahoo! 360 loan báo sẽ chấm dứt hoạt động, có lẽ
có nhiều quan chức, nhiều sĩ quan an ninh Việt Nam thở phào nhẹ nhõm. Yahoo đã
gỡ cho họ một mối lo ngại lớn lao cùng một cộng đồng ngày càng nguy hiểm.
| | | Blogger Điếu Cày bị bắt |
Dù vậy, ngay trên trang 1 của tờ báo Đảng Sài
Gòn Giải phóng ngày Chủ nhật 31/5/2009 trong mục Sự kiện và Vấn đề,
bài “Cuộc chiến trên thế giới ảo“,
tác giả Ngô Ngọc Ngũ Long đã phải thừa nhận: “Người ta ước tính hiện nay có
hơn 2 triệu blog cá nhân đang hoạt động tích cực trên thế giới ảo, chỉ mới 3
năm gần đây, nhưng nó đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức
trách“. Quả thế, cộng đồng những người trẻ và ưa thích phản biện các vấn
đề xã hội đã tìm được một công cụ hết sức hữu hiệu để phổ biến, truyền đưa và
phê bình thoải mái những vấn đề mà họ quan tâm. Yahoo! 360 đã đáp ứng niềm khao
khát to lớn những trao đổi thông tin không hiện hữu trên phương tiện truyền
thông “lề phải”. Họ đã liên kết lại thành một cộng đồng mạng đông đúc, ồn ào và
gây tiếng vang lớn ở Việt Nam thời gian qua, mà tôi tạm gọi là “phong trào dân
báo” với blogger nổi tiếng nhất là Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, người bị bắt ít
nhất 3 lần giữa đường phố Sài Gòn vì phản đối Trung Quốc và phải lãnh cái án 30
tháng tù vì tội danh bịa đặt là “trốn thuế” (!). Giờ đây, khi Yahoo! 360 Việt
Nam chấm dứt, cộng đồng blogger đông đúc ấy đã bị xé tơi ra và đang cố cứu vãn
những bài viết và tìm một chốn nương thân mới bằng các trang mạng khác như
Facebook, WordPress, BlogSpot, Multiply, và Opera.
Trở lại bài báo trên SGGP, tác giả Ngô Ngọc Ngũ
Long sau vài dòng đánh giá những mặt tích cực (đương nhiên) của Internet (như
thông lệ của các bài báo lề phải), bắt đầu hướng mũi tên tẩm đầy chất độc nhắm
vào cộng đồng “dân báo”, ông bắt đầu bằng những quy chụp: “Bất kỳ ai cũng
có quyền lên blog xuyên tạc sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp
nhà nước mà khó có bức tường nào ngăn nổi (!). Và từ đó vô số những blog cá
nhân với những nickname V.A, T.K, C.W.N, T.D.K, B.L, S.O.H, L.M.P, T.H, T.V.N,
T.G.L, C.D.W, B.L cùng một hệ thống nhất quán đã đồng loạt lên tiếng với một
chủ trương rõ ràng không hề giấu giếm”. Tất nhiên, Ngô Ngọc Ngũ Long không
dám nêu đầy đủ những nickname đã làm ông và các cấp trên của ông đau đầu, người
đọc chỉ có thể đoán mò dựa theo mức độ nổi tiếng của các blogger như Vàng
Anh, Tắc Kè, Tiếng Dân Kêu, Bút Lông, Lê Minh Phiếu, Blacky, v.v. Tác
giả Ngô Ngọc Ngũ Long chắc chắn không thể nào đọc hết vài trăm entry của mỗi
blogger, đã vội vã quơ tất cả các bài viết (entry), của tất cả các blogger trên
vào một rọ “xuyên tạc sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp nhà
nước“, vì nếu ông đọc hết và khách quan ông sẽ nhận ra có vô số bài viết
nóng hổi tình yêu nước, nhiều bài viết tha thiết tình cảm, nhiều tiếng kêu uất
nghẹn của nông dân mất đất…, chứ chẳng hề như cái mũ méo mó mà ông đang vội vã
cố chụp vào đầu họ. Bìa cuốn "Hồi kí của một thằng hèn" của Blogger "nhat sy bao thu", tức nhạc sĩ Tô HảiNgô Ngọc Ngũ Long kết tội tiếp: “Tùy theo mức
độ công khai hay ảo mà có từng mức độ chống phá khác nhau. Nhưng tựu trung cũng
cùng mục tiêu: phủ nhận những giá trị lịch sử, truyền thống, kích động giới trẻ
phản kháng chế độ”. Rõ ràng, chỉ vài blogger mà ông vừa nêu đã làm cơ quan
an ninh mạng nhọc công sức truy tìm, đột nhập, hù dọa và phá hủy những trang
nhật ký cá nhân của họ. Như trường hợp blogger Vàng Anh mà ông
nêu dẫn chứng “Và ta cũng không ngạc nhiên khi tuy chỉ là một trang blog cá
nhân như V.A lại được tôn vinh, cổ vũ trên trang Sanfrancisco Chronicle với tựa
đề rất kêu “Bloggers, những dòng máu anh hùng mới ở Việt Nam”
với khẳng định: Với hệ thống Internet không dây, đường truyền tốc độ cao có
sẵn tại các tiệm cà phê và các trường đại học trên Việt Nam, các blogger đang
ngày càng thách thức hệ thống kiểm duyệt và Đảng Cộng sản cầm quyền” và
công khai ca ngợi những kẻ chống đối “Họ nổi tiếng nhờ những quan điểm chống
đối chính quyền và họ đưa lên mạng những sự kiện không hề xuất hiện trong hệ
thống truyền thông của giới trẻ“. Điều không ít người biết là trước khi
Ngô Ngọc Ngũ Long viết cả tuần lễ, Blog Vàng Anh đã bị an ninh mạng phá hủy
(hacked). Cộng đồng blogger “dân báo” thực sự đã trở thành một lực lượng đối
đầu nguy hiểm cho chế độ. Cộng thêm vào đó là những trang tin Việt ngữ như BBC,
RFA, RFI, talawas, Đàn Chim Việt, Da Màu, Tiền Vệ, Đối Thoại, Ý Kiến… ngày
càng nở rộ. Và nhà báo Roger Cohen, nhà bình luận quốc tế nổi tiếng thế giới
của New York Times với bài viết “Nỗi bức bối
diễn biến hòa bình” (Peaceful evolution angst) cho rằng Đảng
Cộng sản Việt Nam đã xác định kẻ thù số một là “diễn biến hòa
bình”. Họ không sợ một cuộc cách mạng long trời lở đất mà sợ sự
xâm nhập, mưa lâu thấm đất (drip) của nền dân chủ tự do. Ổn định được
coi là giá trị trên hết nhưng các nhân vật trong Bộ Chính trị vẫn
mất ngủ vì “diễn biến hòa bình” và “Chính những hoạt động này
có nguy cơ phá hàng rào đỏ của Đảng và thậm chí vào tế bào của hàng ngũ cán bộ…“.
Đến đây thì người gác cổng của Đảng Ngô Ngọc Ngũ Long không thể nhịn được nữa
và phải tung thêm đòn “Tưởng không gì rõ ràng hơn nữa. Và rõ ràng nhất là
cuộc chiến ấy đang từng ngày từng giờ đánh vào tâm não của gần 20 triệu người
ngồi trước máy tính mà trong đó đa phần là giới trẻ…”. Cuộc chiến” mà ông
nói đến (lưu ý: ông viết chữ “cuộc chiến” không có dấu ngoặc kép) đã đẩy cộng
đồng “dân báo” vào thế đối đầu trực diện với Đảng CSVN.
© 2009 Nhã Nam
© 2009 talawas blog Nguồn: talawas blog
|