Thứ Ba, 2024-11-05, 8:43 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 3 » Tự do báo chí hay tự do bóp ghẹt báo chí (!?)
12:47 PM
Tự do báo chí hay tự do bóp ghẹt báo chí (!?)


Tuần rồi, liên tiếp trong 3 ngày, nhật báo The Age của Melbourne Úc Châu đã chạy trang nhất phanh phui hợp đồng làm ăn đáng ngờ giữa công ty Securency của Úc mà Ngân Hàng Trung Ương Úc (Australia's Reserve Bank) có một nữa cổ phần với một công ty Việt Nam có liên hệ với con trai của cựu Thống Đốc Ngân Hàng CSVN. Hai nhà báo Nick McKenzie và Richard Baker của báo The Age đã mở loạt bài điều tra cho hay công ty Securency đã trả hàng triệu đôla tiền hoa hồng cho công ty CFTN (Company For Technology and Development) của VN có công ty con Banktech thuộc quyền quản lý của Lê Đức Minh, con trai của cựu Thống Đốc Ngân Hàng CSVN Lê Đức Thuý. Đọc báo người mà nghĩ đến báo ta. À không, đọc báo người mà nghĩ đến báo VC, mà ngán ngẫm. Nếu như ở VN, hai nhà báo này đã bị bắt giữ, bị thâu thẻ hành nghề, bị buộc tội lạm dụng quyền hạn và "thông tin sai lạc".

Năm 2005, báo chí trong nước bắt đầu phanh phui một vụ tham nhũng trong đơn vị hạ tầng cơ sở có tên là PMU18 của Bộ Giao Thông Vận Tải, cáo buộc các viên chức hữu trách đã biển thủ ngân quỹ và dùng những món tiền này để cá độ bóng đá. Vụ tai tiếng tham nhũng này đã khiến Bộ Trưởng Giao Thông Vận Tải phải từ chức. Tháng 8 năm rồi, chính phủ VN cho hay 4 nhà báo bị tịch thu thẻ hành nghề vì đã viết và duyệt đăng những tin tức "thất thiệt" về một vụ chống tham nhũng và vì đã bênh vực cho các đồng nghiệp bị bắt giữ vì các bài tường thuật của họ trong vụ này. Ba tháng trước đó, hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, đã bị bị cơ quan an ninh điều tra, khởi tố và bắt giam vì tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà Nước". Nhật báo Thanh Niên đòi trả tự do cho các nhà báo lương thiện. Nhật báo Tuổi Trẻ cũng lên tiếng cho rằng nhà báo của họ đã phải trả một cái giá quá đắt cho việc đưa tin. Hai ngày sau, các báo này đã phải ngưng ngay những lời phản kháng sau khi nhận được một lời cảnh cáo của chính phủ. Đúng là “TỰ DO BÁO CHÍ” ở một nước "TỰ DO"!!!

Ấy thế mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đứng đầu nhà nước, trả lời phỏng vấn nhân chuyến thăm Anh quốc tháng 3 năm rồi tuyên bố “Việt Nam có tự do báo chí rất tốt, rất cởi mở, rất thông thoáng”. Nỗi uất ức của công luận chưa kịp nguôi ngoai trước sự kiện 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị bắt giam cùng với 7 nhà báo khác đồng loạt bị tước thẻ hành nghề vì những bài viết phanh phui vụ tham nhũng PMU18, thì đầu tháng 8 năm 2008, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng ban hành Chỉ Thị số 25 khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng” đối với báo chí.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền năm 1948 điều 19 đã ghi: “Ai cũng có quyền tự do bày tỏ quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia”.

Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị được biểu quyết năm 1966, mà CSVN đã xin được tham gia năm 1982, điều 19 cũng đã ghi: “1- Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. 2- Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”.

Hiến pháp Nước Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1992, điều 69 có ghi  “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Nhà cầm quyền CSVN đã sử dụng cụm từ “theo qui định của pháp luật” để xảo trá phủ nhận tất cả các quyền về Tự do, Thông tin và Ngôn luận được Hiến pháp qui định. Do đó, trên thực tế, CSVN hoàn toàn độc quyền định hướng và khống chế thông tin, độc quyền sở hữu các phương tiện thông tin. Tất cả đều nhằm mục đích bảo vệ đảng và chế độ. Vì thế truyền thông và thông tin trong chế độ CSVN luôn mang tính một chiều, bưng bít, và dối trá.

Trái với những gì CSVN xảo trá rêu rao, quyền thông tin ngôn luận như được xác định trên đây vẫn luôn bị bóp nghẹt trầm trọng như từ bao nhiêu năm qua, bản chất tuyệt nhiên không thay đổi. Không cấm mở các đài truyền thanh từ nước ngoài được và không bịt được tai của dân thì đảng lại tìm mọi cách khóa con mắt của dân. Nhà cầm quyền VN kiểm soát gắt gao Internet, không nhằm mục đích bảo vệ thuần phong mỹ tục mà hòng ngăn chận mọi thông tin trái với lập trường và quan điểm của đảng CS. Nghe lén điện thoại, đọc lén email, phá hủy bưu thư, kiểm soát điện thư, ngăn chặn văn bản, ấn phẩm là những thủ thuật thường dùng của CS. Ngoài ra, CSVN còn dựng lên vô số bức tường lửa để ngăn chận các trang web có nội dung vạch trần sự thật, tố cáo bất công, đòi hỏi tự do chính trị hay tự do tôn giáo ở trong nước cũng như ngoài nước của người Việt lẫn ngoại quốc; khủng bố và bắt bớ những công dân sử dụng diễn đàn thông tin điện tử "trái phép". Cụ thể nhất là việc phạt tù các nhà đấu tranh Nguyễn Vũ Bình và Phạm Hồng Sơn vì họ đã sử dụng Internet để bày tỏ chính kiến; là việc phá huỷ trang Web mới thành lập của Phong trào Dân chủ Việt Nam, và việc phạt tiền Nhà đấu tranh Đỗ Nam Hải.

Tháng 11 năm ngoái, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF (Reporters Sans Frontières) phổ biến bảng xếp hạng các nước trên thế giới về việc tôn trọng tự do báo chí. Theo bảng xếp hạng này, VN đứng gần chót, chung nhóm với các nước độc tài, quân phiệt và cuồng tín. Trong số 173 quốc gia mà RSF khảo sát và đánh giá, VN được xếp hạng thứ 168, còn thua cả Trung Quốc. Trung Quốc đứng hàng thứ 167. Bảng xếp hạng căn cứ vào các tài liệu, khảo sát và đánh giá trên 49 tiêu chuẩn liên quan tới tự do báo chí cho thời điểm từ 1/9/2007 đến 1/9/2008 tại từng quốc gia. RSF chỉ thuần tuý căn cứ vào căn cứ những vi phạm hay mức độ tôn trọng quyền tự do diễn đạt, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí của người dân tại mỗi nước. Một số các tiêu chuẩn được RSF xét đến chẳng hạn như: giết người bịt miệng, bỏ tù, hành hung, đe dọa các tổ chức và cá nhân người cầm bút. RSF xét đến cả những hành động sử dụng những tổ chức bí mật, những thế lực đen để đàn áp giới cầm bút. Ðối với các tổ chức thông tin thì đó là việc khủng bố, kiểm duyệt, tịch thu hoặc cấm xuất bản.

Tưởng cũng cần nhắc lại, trong những bảng xếp hạng trước đây, VN thường xuyên nằm trong nhóm cuối bảng. Năm 2002, RSF gọi tổng bí thư đảng CSVN Nông Ðức Mạnh là “con dã thú sát hại báo chí” (“a predator of press freedom”). Trên trang web của RSF (http://www.rsf.org/article.php3?id_article=1087) có đăng hình 40 "con dã thú” trên khắp thế giới. Những con dã thú này có quyền lực kiểm duyệt, bắt bớ, bắt cóc, tra tấn và tệ hại hơn nữa là có thể cả thủ tiêu nhà báo (“these predators of press freedom have the power to censor, imprison, kidnap, torture and, in the worst cases, murder journalists”). Trong 40 tay sát thủ của các nhà báo đó Nông Đức Mạnh đứng đầu, được đặc biệt chiếu cố và được đăng to nhất. Nông Ðức Mạnh đã quyết liệt dùng mọi cách để làm tắt tiếng những tiếng nói dân chủ tại VN (“Nong Duc Manh has decided to use every means possible to silence the human rights and pro-democracy activists who got together to form Bloc 8406 and who have defied the government by launching two underground magazines that are distributed abroad and clandestinely within Vietnam”). Cả Nông Ðức Mạnh lẫn Nguyễn Tấn Dũng, bất chấp hiến pháp Việt Nam, đã nhiều lần tuyên bố thẳng thừng là VN không chấp nhận báo chí tư nhân.

Đầu năm nay, một tổ chức khác gọi là Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ (Committee to protect Jounalists) trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, cũng công bố một bản phúc trình lên án nhà cầm quyền VN trong năm qua đã đàn áp nhiều ký giả, nhiều người viết blogs, cùng các nhà dân chủ, khiến họ bị tù tội và trù dập. Theo CPJ thì VN là một trong những nước kiểm soát Internet nghiêm ngặt nhất tại Á Châu và Hà Nội tổ chức ngăn chận mọi web sites cùng những tài liệu trên internet mà họ xem là đe dọa đến chính thể của họ. Bản phúc trình của CPJ nhắc đến trường hợp nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, nổi tiếng dưới cái tên quen thuộc là blogger Điếu Cày, bị Hà Nội kết án 30 tháng tù với tội trốn thuế, một hành động mà CPJ cho là trả thù của Hà Nội, sau khi blogger Điếu Cày tường thuật về những vụ biểu tình chống TQ xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã vậy, CSVN không chỉ giới hạn việc kiểm soát giới truyền thông trong nước mà thôi. Bản phúc trình cũng nêu lên hành động đàn áp một nhà báo ngọai quốc vào tháng 9 năm ngoái khi công an VN hành hung và giam giữ phóng viên Ben Stocking của hãng thông tấn AP, khi ông đến tận nơi để tường thuật vụ biểu tình của giáo dân ở Thái Hà. CPJ trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn AP mô tả công an VN đấm, đá ký giả Stocking khi ông yêu cầu trả lại máy ảnh. Theo các quy định chính thức tại VN, số ký giả ngoại quốc (vốn chẳng bao nhiêu người) phải làm việc trong phạm vi Hà Nội, đồng thời phải xin phép nếu muốn đi ra ngoài khu vực ấn định để tường thuật. Cần lưu ý là đôi khi phép này vẫn bị nhà cầm quyền từ khước. Hầu hết các ký giả Tây Phương làm việc tại VN đều ngầm hiểu rằng mọi cuộc điện đàm qua điện thoại và mọi trao đổi qua Email cùng các hoạt động của họ đều bị chính phủ Việt Nam theo dõi.

Hiện nay, CSVN đang bị thế giới chỉ trích và lên án nặng nề về vi phạm nhân quyền, đặc biệt về quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí nên họ tìm cách tạo ra một thứ tự do ngôn luận và tự do báo chí giả tạo để đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế. Trong hoàn cảnh tự do lập lờ và giả tạo này, các nhà báo được quyền nói gần như bất cứ điều gì miễn là không gây nguy hiểm cho chế độ là được. Hiện nay một số báo chí rất ít ỏi đang khôn khéo tìm cách xé rào chút ít nhưng chưa đáng kể. Báo chí ngày càng được đăng tải những loại bài giật gân, những bài về "người xấu việc xấu" như trộm cấp, cướp giựt, hãm hiếp và tội ác kiểu báo lá cải để lôi kéo độc giả. Họ có quyền chống tham nhũng “trong giới hạn”, ví dụ như chỉ trích hoặc đưa tin về sự tham nhũng hay ăn cướp của những cán bộ cấp thấp, được phép chỉ trích chính sách của nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế ở “mức độ cho phép”. Dựa theo đó chính phủ VN khôn ngoan chộp lấy những bài tường thuật của báo chí trong nước về những vụ tham nhũng ở các cơ quan của nhà nước làm bằng cớ để rêu rao rằng VN có tự do báo chí.

“Tự do báo chí” của VN không được tự do ở chỗ các nhà báo không được phép phê bình chỉ trích đảng và nhà nước về chính trị, nhất là không được phê bình tính độc tài, độc đảng; tuyệt đối không được nói nguyên nhân của những tệ nạn xã hội là do cơ chế độc tài độc đảng của chế độ. Chính phủ VN vẫn thường xuyên lập luận rằng "báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc".  Việc chống tham nhũng của đảng và nhà nước cũng chỉ là chống giả tạo hầu làm thuyên giảm sự bất mãn của dân chúng, đồng thời để tỏ thiện chí đối với dư luận trong và ngoài nước. Nhà báo nào dám tố cáo những cán bộ CS cao cấp tham nhũng, cướp đất đai tài sản của dân hay tham ô của công thì đều bị đều bị xem là có tội, là “vi phạm pháp luật”, là đụng chạm đến an ninh của nhà nước. Mọi hành vi tham nhũng, ăn cướp của các cán bộ cao cấp đều được CSVN xem là “bí mật nhà nước”. Tham nhũng hay ăn cướp càng lớn thì càng được xem là “tối mật”. Tiết lộ “bí mật nhà nước” là “vi phạm pháp luật”.

Việt Nam hiện có một hãng thông tấn quốc gia, hàng trăm cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí, gần cả trăm đài phát thanh truyền hình, hàng chục báo điện tử, hàng trăm trang thông tin điện tử, và hàng vạn nhà báo; tất cả đều do đảng và nhà nước cấp thẻ hoạt động thì làm gì có tự do được. Tự do dân chủ không bao giờ xin mà được, phải đấu tranh mới có.  Nhìn những gì CSVN đã làm, dùng luật pháp và toà án để trừng trị những nhà báo đã dám "bứng cây động rừng" cho thấy cường quyền, bạo lực tuy có ảnh hưởng nhất thời nhưng về lâu về dài chẳng những không diệt được tự do báo chí, mà còn tạo môi trường cho mầm tự do nảy sinh, tạo ra sức bật mới cho những nhà báo có lý tưởng, lương tâm, trách nhiệm và có đức nghiệp.

Hai ba thập niên trước không ai có thể tưởng tượng ra được mầm tự do, dân chủ và nhân quyền có thể sinh sôi nẩy nở ở VN như bây giờ. Thực sự mầm mống ấy đã nảy sinh dù môi trường CS vô cùng khắc nghiệt. Cũng thể như trong hệ thống chính trị độc tài toàn diện mà CS Hà Nội kềm kẹp nhân dân chặt chẻ như gọng kềm, vẫn có những người bất chấp ngục tù CS, vì đạo pháp và dân tộc dấn thân đấu tranh cho tôn giáo, cho tự do, dân chủ, và nhân quyền VN. Chúng ta đã có những nhà dân chủ như Lm Nguyễn Văn Lý, Ls Nguyễn Văn Đài, và Ls Lê Thị Công Nhân dám hành động mà không sợ tù tội. Chúng ta cũng sẽ có những Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, và Lê Thị Công Nhân trong lãnh vực báo chí, dám hành động và cũng không sợ tù tội, đem lại sinh khí cho phong trào tự do, dân chủ, và nhân quyền cho Việt Nam.

Trần Việt Trình
2 tháng 6, 2009
Nguồn: Ly Hương
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 698 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 525
Khách: 525
Thành Viên: 0