Lê Diễn Đức
Suy nghĩ nhân 20 năm thảm kịch Thiên An Môn
Đêm
ngày 3 qua ngày 4 tháng 6 năm 1989, một cuộc thảm sát đã xảy ra làm kinh hoàng
cả thế giới.
Cuộc
biểu tình đòi cải cách chính trị, dân chủ của hàng chục ngàn sinh
viên trên quảng trường Thiên An Môn đã bị nhà cầm quyền cộng sản nghiền nát
bằng súng đạn và xe tăng.
Vì
quyền lợi kinh tế, thảm kịch Thiên An Môn dù khó làm mờ nhạt, những chính khác
quan trọng vẫn thường tránh né hoặc làm ngơ trong các đối thoại với Bắc Kinh.
Thiên
An Môn 79 vẫn là đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc. Vẫn còn nhiều sinh viên nằm tù.
Con số người chết vẫn chưa được xác định cụ thể và có lẽ chẳng bao giờ chúng ta
biết được. Theo nhiều nguồn tin thì khoảng 5 ngàn người chết, gấp đôi từng ấy
bị thương và 2,5 ngàn án tử hình [1].
Những
người mẹ mất con vẫn bị cấm tụ họp, dù chỉ để làm lễ cầu nguyện chung. Nơi duy
nhất trên Hoa lục hàng năm dân chúng được đốt nến tưởng niệm là Hongkong. Nhà
nước vẫn chưa đưa ra đánh giá chính thức về sự kiện mùa xuân 1979. Báo Tân Hoa
Xã lúc bấy giờ viết rằng, đây là một cuộc bạo loạn của những phần tử phản cách
mạng nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Số phận bi kịch của hai nhà cải cách
Không
biết mọi người còn nhớ rằng, lần đầu tiên sinh viên đổ ra quảng trường Thiên An
Môn chính là để tưởng niệm cái chết của một người cộng sản?
Người
đó là Hồ Diệu Bang.
Hồ
Diệu Bang đã từng phải chịu tủi nhục, bị khủng bố, thậm chí suýt chết bởi chính
tay những đồng chí của mình. Năm 19 tuổi ông có nguy cơ bị chém đầu khi Mao
Trạch Đông bị gạt ra khỏi quyền lực (1931-1934). Cuối cùng ông được Đàm Dư Bảo
cứu mạng nhưng bị giám hộ suốt thời gian Vạn Lý Trường chinh.
Thời
kỳ chiến đấu với Quốc dân đảng ông bị thương nặng nằm chờ chết, may mắn được
nhóm binh sĩ của người bạn đi ngang cứu sống.
Sau
Vạn lý Trường chinh, nhận nhiệm vụ mở hành lang với Liên Xô, ông bị Mã Gia Quân
bắt làm tù binh, không giết nhưng bắt đi lao động khổ sai.
Trong
giai đoạn 1952-1966, Hồ Diệu Bang làm bí thư trung ương đoàn thanh niên cộng
sản. Ông giữ khoảng cách với Mao và ngả theo Đặng, người dám phê phán “Người
Cầm Lái Vĩ Đại” về kế hoạch “Đại Nhảy Vọt”, để rồi cả hai bị Mao trù dập, làm
nhục trong cuộc “Cách mạng Văn Hoá” vào năm 1966.
Sau
khi Mao chết, năm 1979 ông ủng hộ Đặng tiến hành cải cách. Năm 1980, với cương
vị Tổng bí thư, ông phục hồi danh dự cho hàng ngàn nạn nhân của Mao trong “Cách
mạng Văn hoá”. Ông cũng hạn chế vai trò ý thức hệ cộng sản trong đời sống hàng
ngày và nới lỏng tự do. Ông đã phê phán chính sách về Tây Tạng bấy giờ và mời
Dalai-lama trở về, nhưng Đức Dalai-lama đã không tận dụng cơ hội ấy.
Trong
năm 1984, ông nói rằng “Chủ nghĩa Marx-Lenin không giải quyết được các vấn đề
của Trung Quốc”. Ông ngợi khen chủ nghĩa tư bản và cho rằng, trong viễn cảnh,
không có nó Trung Quốc sẽ không tiến bộ được.
Chính
nhờ Hồ Diệu Bang mà Trung Quốc đã gặt hái những thành quả đầu tiên từ các vùng
đặc khu kinh tế, những nơi cuốn hút đầu tư nước ngoài.
Đến
năm 1986, những cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên nổ ra, phe bảo thủ khuyến
cáo cuộc cải cách đi quá xa. Đặng lập tức biến Hồ Diệu Bang thành vật tế thần.
Từ 1987 ông bị loại khỏi các chức vụ cao cấp.
Thế
nhưng những hạt giống do ông gieo trồng tiếp tục nảy nở thành hoa trái trong
suốt mấy chục năm qua.
Ông
chết ngày 15/04/1989 vì
bệnh tim. Nhà cầm quyền cộng sản đã định làm ngơ không tổ chức tang lễ. Ngay
trong hai ngày 17-18/04, đám đông ủng hộ ông đã xuống đường với những biểu ngữ:
“Một con người lương thiện và trung thực đã chết, còn bọn đạo đức giả và phát
xít vẫn sống”.
Ngày
19/04, khoảng 10 ngàn người, chủ yếu là sinh viên đã làm tê liệt Ban chấp hành
Trung ương Đảng. Họ hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo chế đô độc tài”, “Chính quyền
pháp trị muôn năm!”. Để làm dịu cơn phẫn nộ của quần chúng, nhà cầm quyền đành
chấp nhận tổ chức tang lễ cấp nhà nước.
Ngày
21/04/1989, gần 100 ngàn người đổ ra quang trường Thiên An Môn. Đây
là cuộc phản kháng chống lại chế độ, đòi cải cách và dân chủ lớn nhất kể từ
ngày nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời. Người ta liên hệ nó với buổi lễ
của Giáo Hoàng John Paul II trên quảng trường Chiến Thắng, thủ đô Warsaw, Ba
Lan trong ngày 2/06/1979 – một bước ngoặt mang tính quyết định, thức tỉnh lòng
tin và sức mạnh của người Ba Lan đoàn kết bên nhau tranh đấu lật đổ chế độ cộng
sản 10 năm sau đó, tức là vào đúng thời điểm này của Trung Quốc.
Nhìn
thấy những gì đã và đang biến chuyển ở Ba Lan, những tên phát xít Trung Nam
Hải, đúng như sinh viên Trung Quốc gọi, đã nghiền nát đồng bào mình dưới xích
sắt xe tăng trong đêm mồng 3 sang sáng 4/06/1989.
Người
thứ hai là Triệu Tử Dương.
Ông
Triệu đã giữ chức Thủ tướng Quốc vụ viện từ năm 1980 tới 1987 và Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1987 tới 1989.
Triệu
Tử Dương là con trai một địa chủ giàu có ở tỉnh Hà Nam. Ông gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản năm 1932. Cha
ông đã bị các thành viên của đảng cộng sản giết hại cuối thập niên 1940.
Từ
năm 1951 ông đưa ra nhiều sáng kiến cải cách nông nghiệp tại Quảng Đông. Năm
1962, ông thực hiện giải tán hệ thống hợp tác xã, trả lại đất cho nông dân theo
hình thức khoán. Ông cũng trừng phạt các cán bộ bị buộc tội tham nhũng. Năm
1965 ông được cử làm bí thư Đảng tỉnh Quảng Đông, dù không phải là uỷ viên
Trung ương.
Cũng
giống số phận của Hồ Diệu Bang, do ủng hộ cải cách của Lưu Thiếu Kỳ, ông bị
cách chức bí thư đảng Quảng Đông năm 1967. Trong cuộc Cách mạng Văn hoá, ông
thoát khỏi ám sát nhiều lần, sau đó bị bắt và bêu nhục trên đường phố.
Triệu
Tử Dương được Chu Ân Lai khôi phục tư cách chính trị năm 1973, rồi chỉ định vào
Uỷ ban Trung ương, làm bí thư thứ nhất tỉnh Phú Xuyên năm 1975. Với những cải
cách của ông, sản xuất công nghiệp tăng 81% và nông nghiệp tăng 25% trong vòng
ba năm. Đặng Tiểu Bình đã lấy mô hình Tứ Xuyên cho toàn cuộc cải cách kinh tế.
Triệu Tử Dương được bầu làm uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị năm 1977, uỷ viên
chính thức năm 1979 và Uỷ viên Thường vụ Bộ chính trị năm 1982. Triệu Tử Dương
ủng hộ chính sách đối ngoại mở, có quan hệ tốt với phương Tây.
Tháng
1 năm 1987, Đặng Tiểu Bình buộc Hồ Diệu Bang từ chức vì quá khoan dung với
những sinh viên phản kháng. Triệu Tử Dương lên thay thế, còn ghế Thủ tướng của
ông nhường lại cho Lý Bằng, một nhân vật bảo thủ cứng rắn.
Trong
Đại hội Đảng năm 1987 Triệu Tử Dương tuyên bố Trung Quốc cần thử nghiệm nhiều
thành phần kinh tế nhằm kích thích sản xuất, tách biệt vai trò của Đảng và Nhà
nước, một đề xuất từ đó đã trở thành chủ đề cấm kỵ. Theo các nhà quan sát
phương Tây, hai năm làm Tổng bí thư của Triệu Tử Dương là thời gian mở cửa nhất
trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, nhiều hạn chế về tự do ngôn luận và tự do
báo chí đã được nới lỏng, cho phép giới trí thức tự do đề xuất các cải thiện
cho đất nước.
Triệu
Tử Dương luôn phải đối đầu với tình trạng tham nhũng của các quan chức và thành
viên gia đình họ, cũng như phái bảo thủ đứng đầu là Lý Bằng trong chính sách
kinh tế và tài chính. Từ năm 1989, khó khăn với ông ngày càng lớn, tới mức sinh
mệnh chính trị bị đe doạ.
Và
rồi cái gì đến sẽ đến. Sau khi Đặng Tiểu Bình ra quyết định dùng bạo lực
đàn áp sinh viên nếu như họ không rút lui, từ cuộc họp ông được Ôn Gia Bảo, lúc
bấy giờ là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, tháp tùng, đi thẳng ra quảng trường
Thiên An Môn nói chuyện với sinh viên, kêu gọi họ thôi tuyệt thực và đàm phán
với chính phủ. Ông không thể tiết lộ kế hoạch của đảng mà chỉ dám nói một cách
bóng gió: “… Các bạn còn trẻ, các bạn dễ dàng từ bỏ mạng sống như vậy sao?”.
Hành
động đến với sinh viên chứng tỏ tình người và khí phách can đảm của một nhà cải
cách, lúc ấy đang ở vị trí cao nhất trong Đảng. Không ai hiểu nỗi lòng của ông.
Và ông đã không cứu được thảm kịch trong đêm ngày 3 qua 4/06/1979.
Là
anh hùng của quần chúng trong chế độ cộng sản cũng có thể trở thành kẻ tự sát,
kẻ thù của Đảng. Chính vì ủng hộ sinh viên, ông bị buộc từ chức Tổng bí thư và
bị giam lỏng tại gia cho đến lúc qua đời, ngày 17/01/2005.
Đảng
cộng sản Trung Quốc bằng mọi cách nhấn chìm cái chết của ông vào im lặng, ngăn
chặn tất cả các buổi lễ bày tỏ sự đau buồn của dân chúng, có lẽ vì sợ tái lập
một màn kịch Thiên An Môn mới tương tự như với người tiền nhiệm Hồ Diệu Bang.
Tân
Hoa Xã chỉ thông báo vắn tắt “Triệu Tử Dương đã mất ở tuổi 85” ở phần tin tiếng
Anh, còn phần tiếng Trung Quốc viết “Đồng chí Triệu Tử Dương đã chết”, không hề
nói tới bất kỳ chức vụ nào mà ông đã giữ.
Trong
khi đó, ngày 21/01/2005,
tại công viên Victoria, Hồng Kông, 10.000 –15.000 người đã tham dự buổi lễ đốt
nến tưởng niệm ông. Những buổi lễ khác được tổ chức trên khắp thế giới, đáng
chú ý nhất là tại New York và Washington DC, với sự tham gia của các quan chức
chính phủ Mỹ và những người bất đồng chính kiến.
Trong
năm 2005, đảng cộng sản Trung Quốc đã làm vài động tác, có vẻ như hé mở cánh
cửa phục hồi danh dự cho hai nhà cải cách Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, nhưng
với tình hình xã hội còn nhiều nan đề, mọi dự định lại phải cất vào tủ khoá kỹ.
Mặc
dù vươn tới tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc vẫn đang là quốc gia
mất cân bằng rất lớn. Chỉ số Gini, tức chỉ số chênh lệch giàu nghèo,
của Trung Quốc – một nước gọi là có chế độ xã hội chủ nghĩa, cao hơn cả Mỹ –
một nước với chế độ tư bản. Chỉ hai nước châu Á đứng trước Trung Quốc là Philippines và Malaysia. Chỉ số bất ổn xã hội của Trung Quốc là 0,5 vượt giới hạn
nguy hiểm là 0,4. Trong năm 2008 người ta ghi nhận hơn 90 ngàn vụ bạo loạn, bãi
công, biểu tình. [2]
Nhà
cải cách Đặng Tiểu Bình đã nói: “Mục đích của xã hội chủ nghĩa là đảm bảo sự
thịnh vượng cho dân tộc chứ không phải phân rẽ xã hội dưới quan điểm vật chất.
(…) Nếu xuất hiện một giai cấp tư sản mới thì có nghĩa rằng chúng ta đã đi vào
ngõ cụt”.
Vậy
mà chưa bao giờ một bộ phận lớn người Trung Hoa lục địa giàu có nhiều ngày nay.
Chế độ “ta zi dang” (con ông cháu cha, đặc quyền, đặc lợi) của Trung
Quốc, vượt qua cả nước Nga thời Boris Jeltsin, tạo nên vô số tư bản đỏ trong
nhiều ngành kinh tế. Theo thăm dò của tạp chí Fobers, 90% triệu phú
của Trung Quốc thuộc giới “ta zidang”. [3]
Chương
trình xã hội hài hoà của Hồ Cẩm Đào mới bắt đầu, chưa mang lại kết quả gì.
Trong tình này, vinh danh hai nhà cải cách Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương đồng
nghĩa với thừa nhận Đảng sai lầm, ăn cháo đá bát, phản bội lại đồng chí của
mình. Điều này có nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ châm lửa vào những thùng thuốc súng.
Kết luận
Việt
Nam hôm nay chỉ là một bản sao chép thu nhỏ của Trung Quốc.
Những nhà cải cách đi trước, vượt rào của Việt Nam đi đầu cũng đã phải chịu đựng bao nhiêu ê chề, cay đắng
trong bất công và đểu cáng.
Hai
ví dụ điển hình gần nhất cái gọi là “đổi mới” là ông Kim Ngọc và ông
Trần Xuân Bách.
Ông
Kim Ngọc (1917-1979), là cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, người được mệnh danh là “cha
đẻ của khoán hộ”, “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp” ở Việt Nam.
Ông
Trần Xuân Bách (1924 – 2006), cựu ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng
Cộng sản Việt Nam, người có chủ trương cải cách mạnh mẽ theo xu hướng đa
nguyên, đa đảng khi trào lưu cải tổ do Gorbachev đưa ra.
Cho
dù có được minh định bằng bao nhiêu giấy khen, huân chương, cho dù có đặt tên
đường phố, trường học, không ai có thể bù đắp cho những người đã khuất và gia
đình họ những tổn thất to lớn về tinh thần và cuộc sống vật chất vô cùng kham
khổ mà họ đã phải nếm trải.
Tất
cả chỉ là đạo đức giả, danh hão, một mớ giấy lộn hay những miếng kim loại vô
giá trị, không hơn không kém! Sự tàn nhẫn và ngu xuẩn của những kẻ ác mãi
mãi còn đó. Người chết không sống lại!
Và
trớ trêu thay, còn nhiều tên ác quỷ và đồng đảng của chúng vẫn đang sống ngông
nghênh, chảnh choẹ, phè phỡn nhìn con cháu mình (những thành phần ta
zidang) hưởng thụ thành quả mà những người khởi xướng, đi trước bất
hạnh ấy đã ươm trồng và bị chính bàn tay của chúng đày đoạ.
Tôi
nhớ mãi lời ông Chu Đình Xương, người bác trong gia đình tôi bên ngoại, một cán
bộ cách mạng lão thành, giám đốc Công an Trung Kỳ đầu tiên của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà, người bảo vệ lễ đài nơi Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn
Độc lập năm 1945 trên quảng trường Ba Đình: “Con ạ, đừng bao giờ chơi với
tụi cộng sản. Chúng nó bạc như vôi!”. ■
Warsaw 3/06/2009
© http://ledienduc.wordpress.com
[1], [2]. [3]: Tư liệu và các trí dẫn trong bài đước lấy từ
ViWikipedia.org và Tuần báo Newsweek, ấn bản tiếng Ba Lan số 22, ngày
31/05/2009.
Xem thêm: Hình ảnh về Biến cố Thiên An Môn
|