Thứ Ba, 2024-11-05, 8:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 5 » Mark Siemons - Hai mươi năm sau vụ thảm sát: Thiên An rạn nứt
10:34 AM
Mark Siemons - Hai mươi năm sau vụ thảm sát: Thiên An rạn nứt

Trương Hồng Quang dịch


Hai mươi năm trước quyền cá nhân và quyền lực nhà nước đã đụng độ đẫm máu ở đây:
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh

Ở phương Tây phong trào dân chủ ở Thiên An Môn trước sau vẫn được coi như là phát súng cảnh báo sớm đối với hệ thống cộng sản trong năm mang tính thời đại 1989. Tuy nhiên thế hệ trẻ ở Trung Quốc ngày nay lại coi sự kiện này như là khởi đầu của con đường hoà hợp với nhà nước.   

Thời tiết đầu hè lại ấm như hai mươi năm về trước. Còn lại thì nhiều thứ đã đổi khác. Bên cạnh đài phun nước ở khu chung cư và văn phòng màu trắng theo phong cách kiến trúc tân khách quan ở Soho Jianwai, nơi các nhà quản lý doanh nghiệp, người mẫu và chuyên gia quảng cáo trên đường đến một lịch hẹn mới dừng chân để ăn kem, có một vài nhân viên trẻ mặc sơ mi trắng đang đứng hát nho nhỏ bài „Quốc tế ca“. Liệu đây có phải là một hành vi phản kháng? Hay đúng hơn là biểu hiện sự đồng cảm với một thời mà di sản ca khúc cách mạng cũng là một phần của đời sống hàng ngày hệt như tài khoản Facebook? Trên một màn hình tinh thể lỏng cao năm chục mét ở đường vòng cung thứ ba, nơi bình thường chiếu phim quảng cáo điện thoại chụp ảnh di động, đang hiện lên hình búa liềm trên nền màu đỏ, tiếp theo đó là hình ảnh các đơn vị Quân giải phóng Nhân dân diễu hành chào mừng quốc khánh lần thứ sáu mươi của nước Cộng hoà Nhân dân.

Đây chẳng phải là một sự khiêu khích; những người mặc quân phục của các lực lượng vũ trang là những vị khách được ưa nhìn ở hầu như bất kỳ chương trình truyền hình giải trí nào (nhiều người trong số họ còn hát nữa), và phần lớn khán giả đều vui mừng về điều này. Còn việc Quân giải phóng Nhân dân vào ngày 4 tháng 6 1989 ở Bắc Kinh đã bắn vào công nhân và sinh viên biểu tình được phần lớn người dân Trung Quốc dạo đó hậu thuẫn thì ngày nay hầu như không còn một ai lưu tâm đến.

Tín hiệu bị hiểu nhầm

Ở phương Tây sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tháng Năm ở Bắc Kinh cùng với toàn bộ kết cục tàn bạo của nó được coi như là màn giáo đầu biện chứng của cuộc đảo lộn thời đại của  trào lưu tự do – dân chủ sớm muộn sẽ lan toả đến Trung Quốc. Và vì vậy trên toàn cục người ta cung cấp cho mã số „1989“ ý nghĩa của một đột phá khẩu mang tầm lịch sử thế giới hướng đến tự do. Cho dù vì lí do nghi thức nên phải bác bỏ quan niệm „sự cáo chung của lịch sử“ của Fukuyama, người ta không thể hình dung đột phá khẩu này là cái gì khác ngoài sự chiến thắng của hệ thống Tây phương. Người ta tiên liệu về một sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Bắc Kinh hoặc về một quá trình tự do hoá chính trị căn bản sẽ diễn ra trên đà phát triển của nền kinh tế thị trường.                                   

Cả hai điều này đều đã không xảy ra. Dựa trên nền tảng các thành công tư bản chủ nghĩa của nó và dưới sự thống soái liên tục của Đảng Cộng sản, sức mạnh của Trung Quốc trong hai mươi năm cuối đã gia tăng một cách nhanh chóng và về phong trào dạo trước hầu như không còn ai trong nước quan tâm đến nữa. Vậy ngày nay „1989“ có ý nghĩa nào dưới ánh sáng kinh nghiệm này của Trung Quốc?

Sự câm lặng lật tẩy

„Thiên An Môn“ đã đẩy xung đột giữa xã hội và nhà nước, giữa nhiều cá nhân riêng lẻ hợp nhất một cách bột phát và một hệ thống đàn áp quân sự không muốn chấp nhận điều đó lên đến cực điểm: đây là nguyên nhân cho sức mạnh biểu tượng phi thường mà diễn biến này ngay từ đầu đã khai triển trên toàn thế giới. Mỗi một chặng của sự kiện bi thảm này đều cung cấp những hình ảnh về sự xung đột với một mức độ rõ ràng không thể nào hơn. Trung tâm biểu tượng của Trung Quốc và nhà nước cộng sản đã bị chiếm giữ thông qua hoạt động phản kháng của các đám đông quần chúng phi tổ chức, hội tụ một cách hoà bình.

Việc trấn áp đã diễn ra với một mức độ dã man chỉ có thể giải thích bởi tác động của những tín hiệu được phát đi một cách có chủ ý. Và sự câm lặng ma quái từ đó bao trùm lên „sự cố“ này làm kéo dài xung đột dưới bề nổi đến tận ngày hôm nay. Trong một cuộc gặp gỡ mới đây ở Bắc Kinh của những trí thức vẫn tiếp tục gắn bó với „Phong trào yêu nước 1989“ như cách gọi của họ, nhà „Tân tả“ Cui Waiping nói rằng sự câm lặng đã chôn vùi đạo đức của xã hội bằng cách biến cả những người không tham gia vào vụ thảm sát thành những kẻ đồng loã.

Ý thức dân sự dưới đường biên của sự cấm kị

Điều này đương nhiên không có nghĩa rằng người ta phải hình dung xã hội Trung Quốc ngày nay như một đám thần dân ngoan ngoãn chỉ vì muốn đảm bảo quyền lợi vật chất của mình mà không dám ho he. Ngược lại sự bất tuân dân sự cho đến cả các hình thức phản kháng công khai vừa trở nên đa dạng, vừa đạt tới một quy mô lớn hơn: Nó bao gồm các tập hợp người dân chống lại việc xây dựng các tuyến đường tàu hoả, các phong trào quyền công dân đang trong đà lớn mạnh do các luật sư điều hành, các diễn đàn thảo luận cởi mở trên Internet về các tệ nạn ở địa phương, các bài báo cổ võ cho những „giá trị phổ quát“ và tám mươi nghìn xung đột địa phương diễn ra hàng năm, như con số chính thức thậm chí đã đưa ra.

Xã hội dường như đã tìm ra trên một bình diện thực tế những hình thức biểu đạt khác mà năm 1989 nó chưa có: đó không chỉ là cơ hội chẳng hạn hưởng hạnh phúc riêng tư trong một căn hộ sở hữu tư nhân, mà là các khả năng đã trở nên đa dạng hơn nhiều để biểu lộ ý chí của mình. Tuy nhiên cái giá phải trả ở đây là không được phép đụng chạm đến trung tâm biểu tượng – và qua đó cũng không được phép can dự vào quyết định cơ bản về việc trọng lượng giữa đảng, nhà nước và xã hội sẽ được phân bố ra sao. „Hiến chương 08“ mà trong đó Liu Xiabo, nhà hoạt động lão thành Thiên An Môn, và những trí thức khác vào năm ngoái đã đòi hỏi rằng quyền lực nhà nước phải xuất phát từ nhân dân chứ không phải từ một tổ chức Đảng chỉ tìm được khá ít hồi âm ở Trung Quốc. 

Các ảnh hưởng khác nhau

Để hiểu sự chuyển dịch này cần lưu ý rằng phong trào sinh viên trước đây không chỉ hoàn toàn diễn ra trong tinh thần xung đột giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa cộng sản như phương Tây giả định. Những chỉ dấu tương ứng được thể hiện một cách tập trung nhất ở việc xây dựng một bản sao của tượng Nữ thần Tự do New York một mặt xuất phát từ các cuộc tranh luận mà trí thức trẻ Trung Quốc tiến hành vào những năm tám mươi về xu hướng Tây phương hoá như là phương thuốc chữa trị tình trạng xơ cứng của nền văn hoá dân tộc – một ánh xạ muộn màng của phong trào Ngũ Tứ năm 1919 cũng do sinh viên làm nòng cốt với khẩu hiệu „Khoa học và Dân chủ“. Mặt khác những chỉ dấu đó cũng gia tăng tuỳ theo mức độ quan tâm của giới truyền thông phương Tây ngày càng đòi hỏi có những dấu hiệu rõ rệt hơn.

Các sử gia, trước hết từ Hoa Kỳ, trong những năm cuối đã mô tả chi tiết việc phong trào ngoài ra còn hoạt động trên những cấp độ biểu tượng lúc đầu vốn bị đánh giá thấp nào. Chẳng hạn sinh viên mô phỏng các cử chỉ và công thức của các nhà nho dưới thời quân chủ đã đấu tranh chống lại việc lạm dụng quyền lực với tư cách là lương tâm tập thể ra sao: Khi muốn chuyển đến Thủ tướng một bản kiến nghị, họ đã quỳ xuống trước Đại lễ đường Nhân dân. Những trí thức dẫn đầu cuộc tuyệt thực như là biểu hiện cao nhất của đạo đức thanh cao và tinh thần hi sinh (Rudolf G. Wagner) đã tự gọi mình theo truyền thống của cổ nhân là „tứ quân tử“.

Các nỗ lực vô hiệu hoá

Đồng thời sinh viên cũng sử dụng các biểu tượng cộng sản: Họ hát „Quốc tế ca“ và các bài hát của Đảng thời nội chiến; họ bắt những người công nhân ném vật xú uế vào chân dung Mao giao cho các lực lượng an ninh. Ngoài ra khi mà các ban nhạc rock biểu diễn có lúc cho cả triệu người ta cảm nhận thấy một âm hưởng mạnh mẽ của Woodstock. Các mục tiêu chính trị cũng đa dạng tương tự như vậy và phần lớn chỉ được thành hình một cách tự phát trên quảng trường theo đà diễn biến của sự kiện: từ việc lên án trên phương diện đạo đức nạn tham nhũng của cán bộ qua phản kháng xã hội chống lại các hậu quả của lạm phát (nhà trí thức tân tả Wang Hui ngày nay đánh giá các cuộc biểu tình trước hết như là sự kháng cự đối với chủ nghĩa tư bản đang bành trướng) cho đến việc đòi hỏi một hệ thống đa đảng dân chủ.

Đảng cầm quyền sau 1989 đã làm tất cả để vô hiệu hoá mọi sự quá thái về chính trị, văn hoá và xã hội đã dẫn đến sự đụng độ với xã hội trên quảng trường Thiên An Môn. Đóng một vai trò đặc biệt ở đây là ví dụ mang tính cảnh báo của Liên Xô mà sự sụp đổ của nó đã được những người cộng sản Trung Quốc phân tích một cách hệ thống. Ở đó họ xác định sự suy thoái của nền kinh tế, mức sống quá thấp ở các tầng lớp dân chúng đông đảo, tình trạng nghi lễ cứng nhắc của chính phủ và cả nỗ lực nhằm khởi động một „diễn biến hoà bình“ thông qua các nước phương Tây.

Nhà nước và cá nhân

Hệ quả rút ra từ đó là phương pháp trị liệu mà họ kê đơn cho Trung Quốc: Khởi động nền kinh tế thị trường và đồng thời tìm cách hạn chế các rủi ro của quá trình thay đổi cơ cấu song song diễn ra - thông qua các biện pháp kiểm duyệt và kiểm tra có hiệu quả hơn, thông qua việc gia tăng các cải cách xã hội, thông qua sự phân nhiệm rõ ràng hơn đối với các thể chế nhà nước và sự mở rộng một cách thận trọng quyền tham gia của người dân. Quả thật đối với nhiều người Trung Quốc ngày nay số phận của Liên Xô là một luận cứ thuyết phục để chuyển dịch sự đồng nhất cơ bản của họ từ tư cách chủ thể xã hội sang tư cách chủ thể nhà nước, từ sự giải phóng cá nhân sang sự giải phóng Trung Quốc trên thế giới: Nhằm để tránh sự xuống dốc về kinh tế, sự phân rã của nhà nước và sự lệ thuộc vào phương Tây, giữa chừng có nhiều người thậm chí, một cách kín đáo, còn ủng hộ cho hành động đàn áp đẫm máu vào năm 1989. Ngay cả phần lớn những người tiếp tục theo đuổi những mục tiêu dân chủ trước đây giữa chừng cũng cho rằng những mục tiêu này chỉ có thể thực hiện trong một quốc gia có khả năng tự khẳng định trước phương Tây.

Có thể vào một lúc nào đó 1989 sẽ được nhìn nhận như là một năm mà ở đó nguyện vọng đòi hỏi quyền tự quyết cá nhân bắt đầu xung khắc với quyền tự quyết quốc gia trên thế giới. Liệu hai trào lưu này về lâu dài sẽ bài trừ hay kết hợp với nhau, đó là một câu hỏi vẫn còn để ngỏ.

Nguồn: © Frankfurter Allgemeine Zeitung, số ra ngày 29.5.2009, trang 31.
Bản điện tử: Geplatzter himmlischer Frieden
© Bản dịch tiếng Việt: talawas blog 2009
Nguồn: talawas blog
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 771 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0