Ngô Nhân Dụng
Ðêm
mùng 3 tháng Sáu năm 1989, bà Trương Tiên Linh (Zhang XianLing) thấy
tấm giấy do cậu con trai 19 tuổi viết để lại, cho bố mẹ biết cậu đi tới
quảng trường Thiên An Môn, coi các bạn biểu tình. Bà là một kỹ sư, hai
vợ chồng chỉ có một đứa con đang học đại học. Ðêm hôm đó, súng nổ ở
Thiên An Môn, không biết mấy ngàn sinh viên đã bị giết, bà Trương không
tìm thấy con đâu. Mười ngày sau người ta mới đưa xác của cậu trả cho
cha mẹ, xác đã bắt đầu hư, nhưng trên mặt cậu sinh viên còn đeo đôi
kính trắng.
Bà
Ðinh Tử Lâm (Ding Zilin) là giáo sư Triết Học tại Ðại Học Nhân Dân ở
Bắc Kinh, trong bảy tuần lễ các sinh viên và công nhân biểu tình ở
Thiên An Môn bà đã khuyên các học trò của mình, có khi đến tận ký túc
xá nơi sinh viên ở trọ, yêu cầu họ đừng có dính vào vụ biểu tình, nguy
hiểm, vì thế nào đảng Cộng Sản cũng đập. Nhưng bà không ngăn được cậu
con trai 17 tuổi, vì chồng bà đồng ý với con. Ðêm mùng 3 Tháng Sáu 1989
cảnh sát đem xác cậu về nhà trả cho cha mẹ, cậu bị bắn trúng tim. Bà
Ðinh thấy mình mất lẽ sống, bà đã tính tự tử, sáu lần, nhưng không chết
được. Hai vợ chồng bà đều là giáo sư, đã bị cho nghỉ hưu non.
Hai
bà mẹ trên là những người thành lập nhóm Các Bà Mẹ Thiên An Môn. Mỗi
năm đến ngày Lục Tứ (4 Tháng Sáu, nói lối người Trung Hoa) họ lại gửi
thư cho các người lãnh đạo đảng Cộng Sản và chính phủ Trung Quốc để yêu
cầu điều tra lại vụ tàn sát ở Thiên An Môn. Họ đã liên lạc và xác định
được 195 gia đình có con bị giết ở Thiên An Môn trong cuộc tàn sát do
Ðặng Tiểu Bình ra lệnh. Họ tin rằng con số sinh viên bị giết cao gấp
mười lần số đó. Còn nhiều gia đình khác không biết con cái của mình đã
biến đi đâu từ đó tới giờ.
Mỗi năm sắp đến ngày Lục Tứ hai bà mẹ
trên dưới 70 tuổi này lại bị công an gọi lên “làm việc” mặc dù họ đều
bị giam lỏng tại nhà sau nhiều lần bị tù. Bà Trương nói, chính nhờ cuộc
tranh đấu vì cái chết của con mình mà bà mới khám phá ra những gì gọi
là “nghĩa vụ công dân.” Làm công dân một nước thì phải tranh đấu cải
thiện xã hội. Các Bà Mẹ Thiên An Môn yêu cầu chính quyền Trung Quốc
phải xóa bỏ lời kết tội “phản cách mạng” mà họ đã gán cho các sinh viên
biểu tình. Họ yêu cầu phải điều tra xem ai là người chịu trách nhiệm về
cuộc tàn sát; tìm đủ danh sách những người đã bị giết và bồi thường cho
các nạn nhân.
Năm nay, cuốn tự thuật của ông Triệu Tử Dương, cựu
tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc trong thời gian xảy ra vụ Thiên An
Môn, cho thấy người quyết định vụ tàn sát chính là Ðặng Tiểu Bình, và
người xúi giục rồi thi hành là Lý Bằng, lúc đó là thủ tướng. Triệu Tử
Dương xác định rằng ông phản đối thái độ coi cuộc biểu tình của các
sinh viên là “phản cách mạng;” vì họ không hề chống lại sự cai trị của
đảng Cộng Sản Trung Quốc. Bà Trương cũng nghĩ như vậy, “Sau 20 năm, ý
kiến của tôi vẫn không thay đổi. Các sinh viên biểu tình họ chỉ đi biểu
tình chống tham nhũng. Và bây giờ thì chúng ta phải công nhận là các
sinh viên có lý. Bây giờ tham nhũng nhan nhản khắp mọi nơi. Bọn sinh
viên đã nhìn thấy trước cảnh này.” Ông Bao Ðồng, một cộng sự viên thân
cận của Triệu Tử Dương mới nhớ lại 20 năm trước, cũng nhận xét là từ
thời điểm đó “lịch sử đã ngừng; cuộc cải tổ đã đứng khựng lại.”
Năm
nay nhiều cựu sinh viên Trung Quốc đã từng tham dự cuộc biểu tình ở
Thiên An Môn và đang sống lưu vong đã gặp nhau để tưởng niệm những
người bạn đã bị giết. Họ cùng nhau xác định ý nghĩa của cuộc biểu tình:
Ðòi cải tổ Trung Quốc theo một đường lối phát triển có tự do dân chủ
hơn, khác với chính sách mà đảng Cộng Sản vẫn theo đuổi từ đó tới nay.
Hậu quả của vụ tàn sát sinh viên là đảng Cộng Sản đã đưa Trung Quốc tới
cảnh tượng bây giờ: quan chức tham nhũng, xã hội bất công, đạo đức suy
đồi, công nhân thất nghiệp và môi trường sống bị hủy hoại. Càng ngày
người Trung Hoa càng thấy rằng muốn giảm bớt những tai họa trên thì
phải dân chủ hóa.
Ðặng Tiểu Bình và Lý Bằng không chịu thay đổi
chủ trương độc tài đảng trị, cho nên họ dẹp đám sinh viên biểu tình.
Nhưng điều khiến mọi người vẫn ngạc nhiên là tại sao họ phải giết nhiều
người như vậy mà không dẹp biểu tình một cách trật tự ôn hòa hơn? Những
đoàn quân từ các tỉnh được chuyển về theo lệnh Ðặng Tiểu Bình, người
cầm đầu quân ủy trung ương. Phần lớn các binh lính đó là nông dân,
nhiều người bị bắt lính vì đến tuổi, họ không biết đám sinh viên biểu
tình này là ai, không biết chúng ở đó làm cái gì. Họ chỉ biết được lệnh
bắn là bắn. Và những chiếc xe tải chở lính đi theo xe tăng chạy vào
trong đám sinh viên, trên những chiếc xe đó, đám lính trẻ được lệnh bắn
là bắn. Coi lại những video quay trong đêm mùng 3, sang ngày 4 Tháng
Sáu năm 1989 chúng ta nghe súng nổ như một trận chiến đang diễn ra.
Nhưng đây là một trận đánh chỉ có một bên có súng và nổ súng. Và trong
lúc đám lính vô tội cứ bắn xả vào đám sinh viên vô tội không làm gì để
chống cự, thì đám thanh niên biểu tình vẫn cùng nhau hát vang lên bài
“Quốc Tế Ca,” bài hát của phong trào Cộng Sản quốc tế vẫn được đài Bắc
Kinh phát thanh mỗi ngày!
Ai đã ra lệnh cho lính bắn xối xả vào
đám thường dân biểu tình ôn hòa và trật tự? Ai ra lệnh họ bắn giết
không ghê tay trong khi đám thanh niên trẻ tuổi không một tấc vũ khí
chỉ biết chạy trốn để rồi bị quét sạch như những con thú bị săn đuổi
trong rừng?
Cuộc thảm sát sinh viên ở Gwangju, Hàn Quốc năm 1980
(Quang Châu Dân Chủ hóa vận động) xảy ra sau khi các sinh viên và dân
chúng biểu tình chống độc tài quân phiệt đã chiếm chính quyền ở thành
phố này trong 2 ngày. Nhưng về sau, khi Hàn Quốc đã lập chế độ tự do
dân chủ, Tướng Chun Doo-Hwan vẫn bị đưa ra tòa kết án tù. Biến cố này,
theo chính quyền chỉ gây ra 144 thường dân tử thương, nhưng các gia
đình nạn nhân cho con số 165 người.
Chế độ độc tài quân phiệt ở
Hàn Quốc không nhẫn tâm bằng chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc. Và ngay
những người lãnh tụ quân phiệt cũng chấp nhận bắt đầu quá trình dân chủ
hóa, để tới ngày người dân bỏ phiếu chọn người nắm quyền cai trị, những
vị tổng thống mới đã truy tố các lãnh tụ quân phiệt, ông Chun Doo-Hwan
bị án tử hình rồi được hai vị tổng thống dân chủ đồng ý ân xá.
Tại
sao các lãnh tụ Cộng Sản Trung Quốc có thể nhẫn tâm ra lệnh cho lính
bắn những sinh viên biểu tình ôn hòa gần hai tháng trời? Ðặng Tiểu
Bình, Lý Bằng cũng không phải là những người khát máu. Chính họ đã từng
bị đầy ải, hành hạ vì bất đồng ý kiến với các lãnh tụ đảng! Tại sao họ
lại đang tay ra lệnh giết những thanh niên đáng tuổi con cháu họ, chỉ
vì đám trẻ này hăng hái đòi bài trừ tham nhũng và trừ bỏ những đặc
quyền dành cho các cán bộ cao cấp?
Có thể nói Ðặng Tiểu Bình
hoặc Lý Bằng và những lãnh tụ Cộng Sản khác cũng chỉ là những người
bình thường. Nhưng mai sau lịch sử có thể coi họ là những kẻ sát nhất
tàn bạo. Lý do duy nhất khiến họ có những hành động tàn ác, chính là vì
họ được đào tạo trong cái lò Cộng Sản.
Cuộc cách mạng Cộng Sản
đầu tiên ở Nga diễn ra trong sắt máu. Một nhóm người do Lenin cầm đầu
cướp được chính quyền năm 1917, với khẩu hiệu “Hòa Bình, Bánh Mì,” và
“Chính quyền về tay các ủy ban (Xô Viết).” Nhưng cái chính quyền đó chỉ
kiểm soát được một số thành phố, trong khi có hàng trăm cuộc nổi dậy
khác chống lẫn nhau và đánh lại chính quyền Xô Viết. Cuộc nội chiến
diễn ra trong hai năm. Lenin đã hứa hẹn hòa bình vì biết dân Nga đang
chán ngán cuộc chiến tranh thế giới, nhưng sau khi Lenin chịu thỏa hiệp
với Ðức để rút nước Nga ra khỏi cuộc chiến thì dân Nga vẫn không có hòa
bình. Cuộc nội chiến còn giết chết nhiều người hơn là cuộc chiến tranh
thật, chỉ kéo dài thêm một năm nữa là chấm dứt.
Yếu tố quan
trọng nhất khiến đảng Bôn Sơ Vích thành công trong cuộc nội chiến ở Nga
không phải là chủ nghĩa Cộng Sản - dân chúng phần lớn là nông dân,
không ai biết cái chủ nghĩa ấy như thế nào. Nhóm Bôn Sơ Vích cuối cùng
đã thắng chỉ vì họ dám dùng những thủ đoạn tàn bạo nhất. Leo Trotsky,
người sáng lập Hồng Quân, vốn không phải là một quân nhân, nhưng ông ta
hiểu rằng lính cũng sợ chết. Mà đảng của ông thì đã từng chuyên làm
công việc khủng bố, đe dọa người khác bằng bạo lực. Cho nên Trotsky đã
dọa đám binh sĩ bị cưỡng bách tòng quân bằng cách giết hết những người
đào ngũ. Trận đánh ở thành phố Kazan vào Tháng Tám năm 1918 đánh dấu
việc áp dụng chiến thuật khủng bố đe dọa Hồng Quân.
Sử gia Niall
Ferguson (trong cuốn The War of The World, xuất bản năm 2006) kể rằng
ngay sau khi tới Kazan, Trotsky ra lệnh đem 27 đào binh ra bắn ngay bên
bờ sông Volga. Sau đó, ông trong mỗi trận đánh cho bố trí súng máy ở
phía sau đám quân của ông, hễ thấy tên lính nào tính chạy trốn là bắn
chết. Một nhóm quân trong đơn vị nào không chịu đánh nhau thì cả đơn vị
bị tiêu diệt luôn. Không một đám quân nào trong các nhóm Bạch Quân có
người chỉ huy dám giết người một cách thản nhiên như vậy.
Trận
Kazan là một bước ngoặt thay đổi thế cờ trong cuộc nội chiến ở Nga, và
Frguson cũng nhận xét, nó cũng là một “dấu hiệu cho thấy sau khi thắng
trận thì đảng Bôn Sơ Vích sẽ cai trị dân như thế nào.”
Họ cai
trị bằng mọi phương tiện và thủ đoạn tàn bạo. Lenin học vai trò của
Robespiere trong cuộc cách mạng Pháp, nhưng tránh được những lầm lẫn
của Robespiere, vì ông ta giết nhiều người hơn, một cách thản nhiên, vô
tình hơn. Lenin hỏi, “Làm sao có thể làm cách mạng nếu không có một đội
hành hình?” Theo Ferguson tìm hiểu, trong mấy năm từ 1918 đến 1920, có
300,000 vụ hành quyết những người dân chống Bôn Sơ Vích. Những đội “cải
cách” đi tịch thu thóc của nông dân đã được lệnh giết hết những trung
nông cưỡng lệnh. Tháng Hai năm 1921 các thủy thủ ở pháo đài Kronstadt
vốn vẫn ủng hộ Cộng Sản đã nổi lên chống Bôn Sơ Vích sau khi đưa ra các
yêu cầu bầu cử tự do, báo chí và hội họp tự do mà không được. Lenin đã
giết và lưu đầy hết.
Sau này người ta thường nhắc tới những tội ác của Stalin, nhưng cuộc cách mạng Cộng Sản đã bắt đầu đẫm máu từ thời Lenin.
Những
lãnh tụ Cộng Sản có thể thản nhiên ra lệnh giết người, có khi hân hoan
ra lệnh giết người, chính vì họ đã biến những tư tưởng kinh tế chính
trị học của Karl Marx thành một thứ tôn giáo. Ðảng Cộng Sản cho họ đóng
vai trò “cứu nhân loại” vì họ tự coi là những người duy nhất “giác ngộ”
được hướng đi của lịch sử. Ðó là một thứ niềm tin có tính cách tôn
giáo. Khi đã tự tin là mình nắm “chân lý” trong tay, nắm “lẽ phải”
trong tay, thì người ta không ngại ngần làm bất cứ hành động tàn ác
nào, để “phụng sự chân lý” và “giải phóng nhân loại!” Bao nhiêu thanh
niên và thiếu nữ đã ôm bom tự sát ở Iraq, ở Afghanistan hoặc Pakistan
bây giờ cũng mang niềm tin mạnh như vậy.
Cho nên trong đám người
theo chủ nghĩa Cộng Sản chúng ta thấy những kẻ sát nhân cuồng tín nhất.
Và trong đó mới có những lãnh tụ như Stalin bỏ mặc cho 4 triệu người
Ukraine chết đói chứ không chịu rút lại chính sách tập thể hóa nông
nghiệp. Mới có Mao Trạch Ðông phất tay phát động “Bước nhẩy vọt” làm
chết hai chục triệu người Trung Hoa, không hề ân hận, lại ra lệnh làm
“Cách Mạng Văn Hóa” giết chết thêm hàng chục triệu người khác. Và chỉ
trong hàng ngũ Cộng Sản mới có những Hồ Chí Minh nhắm mắt theo Mao cải
cách ruộng đất giết hàng trăm ngàn người Việt, mới có Pol Pot làm chết
một phần ba dân số Campuchia.
Những Ðặng Tiểu Bình, Lý Bằng ra
lệnh giết các thanh niên Bắc Kinh biểu tình ngày 4 Tháng Sáu năm 1989
không một chút ngần ngại, và sau này không bao giờ áy náy ăn năn, vì họ
cũng được đào luyện trong môi trường Cộng Sản.
Nhưng chúng ta
phải tin rằng trong lịch sử nhân loại, cuối cùng các bà mẹ sẽ thắng. Sẽ
có ngày các bà Ðinh Tử Lâm, Trương Tiên Linh, Giang Kỳ Sinh, và 193 các
bà mẹ khác sẽ có ngày được thấy những người con của họ đã không chết
uổng. Sẽ có ngày người dân Trung Quốc được sống trong tự do dân chủ.
Khi đó, những người lãnh đạo quốc gia sẽ là những người bình thường
không thể nào chấp nhận việc giết người một cách tàn bạo không cần pháp
luật, không cần đạo lý. Khi đó mới thật là đem Ðạo Nghĩa để thắng Hung
Tàn - Lấy Chí Nhân mà thay Cường Bạo!
Ngô Nhân Dụng
|