Theo tờ Dân Trí trong nước đưa tin hôm thứ Hai 1/6 vừa qua, Sở Giáo dục
Quảng Nam đã đuổi việc cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, dạy môn Văn tại
trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh
|
Bản tin trên tờ Dân Trí và Công An Nhân Dân (CAND) cũng chỉ đưa một bản tin ngắn theo kiểu răn đe, và kèm theo nội dung quyết định đuổi việc của Sở Giáo dục Quảng Nam: “Bà
Nguyễn Thị Bích Hạnh đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo
đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung
trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của
Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung
giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động,
phản giáo dục”.
Như mọi khi, lời lẽ này chỉ là cái cớ để đuổi việc, trù dập, mà bên Sở
Giáo dục không hề đưa ra được lý do nào chính đáng ngoài những tội danh
vu vơ.
Một vài chi tiết về cô giáo trẻ Nguyễn Thị Bích Hạnh
Được biết, cô Hạnh tốt nghiệp Khoa Văn tại Trường Đại học Đà Lạt, rồi
tiếp tục bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ văn tại đây. Sau đó vào
tháng 9/2007, cô Hạnh được mời về giảng dạy tại Trường chuyên Nguyễn
Bỉnh Khiêm theo diện thu hút nhân tài của tỉnh Quảng Nam.
Theo Website Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam
thì cô Hạnh năm nay được 27 tuổi, là một giáo dân Xứ đạo Vĩnh Hòa, Xã
Hợp Thành – Huyện Yên Thành – Tỉnh Nghệ An. Cô Hạnh là một người con
ngoan của giáo hội, sống đạo đức và có chiều sâu tâm hồn.
Được giáo dục trong một gia đình nề nếp, và nhờ thấm nhuần giáo lý, có
tâm hồn trong sáng, yêu việc đi lễ đọc kinh, bằng lối suy nghĩ độc lập
cô giáo Hạnh đã sớm nhận thức được điều hay lẽ phải, và các bất công
trong xã hội. Những suy tư này đã khiến Hạnh chọn Khoa Văn và nghề dạy
học với mong ước có thể truyền đạt lại cho thế hệ sau.
Bằng ý chí phấn đấu, Hạnh đã vượt qua được nhiều khó khăn, tốt nghiệp Khoa Văn, và bảo vệ thành công luận án Thạc Sĩ.
Con nhà tông
Website Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cũng cho biết cô giáo Hạnh là con
gái của ông Nguyễn Quốc Anh, một người rất có tài và có ý chí, say mê
nghiên cứu về toán học. Chỉ vì theo học đạo với Cha Chính Vinh và niềm
tin công giáo mà ông đã phải lãnh nhận 17 năm tù. Ông cũng từng ngồi tù
chung với ông Vũ Thế Hùng, thân sinh của Linh Mục Vũ Khởi Phụng hiện là
Bề Trên của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội.
Ngay khi còn ở trung tù, ông Nguyễn Quốc Anh đã nhờ bạn bè gởi ra ngoài
đề tài toán học “Phương trình vi phân tuyến tính”, nhưng đã không được
nhà nước lưu tâm đến. Sau khi ra tù, ông được giáo sư Nguyễn Khắc Viện
mời thuyết trình nhiều lần ở Đại học Hà Nội, nhưng vì có “lý lịch xấu”
nên đề tài của ông vẫn không được chiếu cố, cả cho đến khi ông mất vào
năm 2003.
Một kiến thức rộng và ý thức cao về lòng tin và sự thật
Từ khi có cơ hội đứng trên bục giảng, cô giáo Hạnh đã đem tất cả nhiệt
huyết của một nhà giáo đạo đức để giảng dạy. Cô luôn hướng dẫn truyền
đạt cho học sinh cách suy nghĩ độc lập, biết phán xét bằng cách đưa ra
những lập luận, nhận xét của các học giả trong và ngoài nước, cũng như
một số bài vở và dẫn chứng từ một số website ở hải ngoại.
Từ hai năm nay cô giáo Hạnh cũng tham gia giảng giáo lý tại nhà thờ Tam Kỳ.
Ngoài ra, từ khi có vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà xảy ra, cô giáo Hạnh vẫn
luôn theo dõi diễn biễn hằng ngày và cầu nguyện hiệp thông cùng giáo
dân ở Hà Nội.
Vì có bố mang tội “phản động” phải đi tù gần 20 năm, nên cô giáo Hạnh
vẫn bị xếp vào loại có “lý lịch xấu”, bị công an để ý. Do đó cơ quan an
ninh chính trị Công an tỉnh Quảng Nam vẫn theo dõi sát, và nhất quyết
phải loại cô giáo trẻ khỏi bục giảng. Nhưng điều đau lòng nhất là công
an đã sử dụng các tâm hồn non trẻ vào mục đích tố giác cô Hạnh, buộc
các em học sinh phải đứng ra chỉ chứng các cáo trạng do công an đưa ra.
Ông hiệu trưởng và Sở Giáo Dục tỉnh Quảng Nam nói riêng và guồng máy
chính quyền CSVN nói chung, đã làm một công việc hết sức phản giáo dục
khi đuổi việc cô giáo Hạnh, chỉ vì cô giáo này muốn nói lên sự thật.
Không lẽ chỉ vì không chấp nhận một nền giáo dục xảo trá, nhồi nặn
những nhân vật hoang tưởng kiểu “Lê Văn Tám” mà cô giáo Hạnh phải nhận
lãnh hậu quả như thế này sao? Hay là cô giáo Hạnh phải hùa vào với cái
hệ thống giáo dục phi giáo dục này để được tồn tại, thăng tiến nghề
nghiệp?
|
"Không Nói-Không Nghe-Không Thấy" là 3-Không để sống còn trong chế độ cộng sản |
Như lời của nữ đạo diễn Song Chi, người vừa mới tỵ nạn tại Na Uy phát biểu trên đài RFA: “tôi
cũng chỉ là một phụ nữ yêu công việc làm phim của mình, chỉ muốn sống
với mối bận tâm về công việc và gia đình thôi, nhưng rồi cuối cùng cũng
buộc phải lên tiếng”. Cũng như Đạo diễn Song Chi, cô giáo
Nguyễn Thị Bích Hạnh cũng chỉ có một ước mơ đơn giản là được sống vì
những “mối bận tâm về công việc”, nhưng không thể im lặng được chỉ vì
cuộc sống chung quanh đầy rẫy những bất công, phi lý.
Cho dù phải đối diện với nhiều khó khăn trù dập trong thời gian qua và
sắp tới, cô giáo Hạnh vẫn không chùn bước trước đàn sói hung hãn đang
vây quanh cô.
Lê Minh
Sydney, ngày 5/06/2009
|