Phong trào ký tên vào bản Kiến nghị
yêu cầu đưa vấn đề khai thác bauxite
ở Tây Nguyên ra Quốc hội và chờ quyết định tối hậu của Quốc hội
đã có nhiều kết quả tích cực đến bất ngờ.
Có
thể nói, lần đầu tiên sau nhiều năm dài dân ta nhiễm thói ỷ lại
chờ đợi phó mặc cho những quyết định
từ bên trên,
cấp trên quyết định gì cũng được, cấp trên quyết định thế nào
cũng xong, hậu quả ra sao không cần biết, thì vừa qua, phong
trào ký Kiến nghị,
khởi đầu với những người trí thức, song cuối cùng đã lan đến
nhiều tầng lớp nhân dân từ Nam đến Bắc và từ trong nước đến
ngoài nước, đã đưa lại một thói quen hoàn toàn khác.
Lần
đầu tiên sau gần mười năm nằm trong vòng bí mật, vấn đề bauxite
đã phải được công khai hóa.
Muốn coi là sự đã rồi không được, chuyện khai thác thứ quặng
nhôm đầy hiểm họa ấy ở vùng đất Tây Nguyên đã làm dấy lên những
ý kiến trái chiều từ các phương tiện thông tin và bắt buộc phải
đi vào tận diễn đàn Quốc hội khóa 12 đang họp, rồi dội trở lại
dư luận để ngày càng thấm dần, thấm sâu vào nhận thức của mọi
người. Những ai đó chỉ muốn làm tới
bất chấp luật pháp, rõ ràng hiện đang phải
đau đầu.
Trên các phương tiện
truyền thông, các loại báo chí in giấy tuy vẫn đành chịu khép
vào “lề bên phải” song bằng cách này cách khác, với cả sự dè dặt
của con chim dính tên sợ làn cây cong, cũng đã dũng cảm đưa ra
những tin tức khó có thể bắt bẻ nổi, như chuyện người lao động
phổ thông nước ngoài ngày đang đổ vào nước chúng ta ồ ạt bằng
nhiều hình thức trốn luật trên các công trường xây dựng.
Trên các trang mạng thì đúng là đang có tầng tầng lớp lớp sóng
dồi dư luận lồng lên, như đồng thanh tương ứng. Các nhà khoa học
đã có những đánh giá mang tính phản biện khá đầy đủ về mọi mặt:
cách tính trữ lượng, tính toán khả
năng khai thác, kỹ thuật và công nghệ khai thác, chuyện lỗ lãi
trong khai thác và kinh doanh, những đắn đo về tác hại môi
trường lợi chẳng bõ thiệt, và nhất
là vấn đề an ninh - quốc phòng trên
“nóc nhà Đông Dương”… Những phân
tích với lý lẽ chắc nịch đó lại được minh họa ăn khớp bởi chính
thái độ giả dối và trịch thượng của “các đồng chí bạn mười sáu
chữ vàng” ngoài Biển Đông từ tuyên
ngôn lưỡi bò tới việc
cấm tàu thuyền đánh bắt cá
cho tới việc
cho cả một đội tàu đi tuần đang
tiền hô hậu ủng diễu hành làm ngư dân Việt Nam đành phải uất ức
neo thuyền lại giữa mùa đánh bắt, mà “bề trên” thì cứ lặng thinh
chẳng hề có một động tĩnh gì giúp đỡ ngoài những lời tuyên bố
suông lặp đi lặp lại…
Tất cả những điều đó khiến cho dư luận càng
lúc càng tự tin vào tính chính nghĩa và sự đúng đắn của yêu cầu
dừng dự án bauxite, kể cả thí điểm, một yêu cầu được
Đại
tướng Võ Nguyên Giáp thẳng thắn nêu ra trong bức thư thứ ba.
Một sự kiện mang tính xã hội dân sự đã bắt đầu thành hình và
ngày một rõ nét.
Lần đầu tiên tại diễn đàn
Quốc hội đã không thấy cảnh “tranh luận” xuôi chiều. Vấn đề
bauxite đã được nêu ra thẳng thắn dù chỉ mới ít ỏi. Vẫn có đấy
vài ba bài diễn văn viết sẵn nêu ý kiến ủng hộ “của toàn thể cử
tri” (?!); vẫn có đấy ý kiến của người có trách nhiệm đứng ra
hứa hẹn sẽ “chịu trách nhiệm” (?!), và liền sau đó đều bị phản
bác tới tấp trên các trang mạng. Tuy thế, ngay tại diễn đàn Quốc
hội đã có những ý kiến khôn ngoan đúng mực khiến cho những ai đã
định tìm cách né tránh cũng không lẩn đi đâu được. Vấn đề
bauxite dù đang lặng lẽ tại diễn đàn quan phương này, tuy thế có
phần chắc sẽ không thể xong xuôi êm thấm trong một sớm một chiều
như ước mơ của những người ưa chơi canh bạc này tới đồng xu cuối
cùng và giọt máu cuối cùng của dân tộc.
Các nhà khoa học đã hiệp
sức với các vị đại biểu Quốc hội có tâm huyết bằng cách nêu ra
hàng loạt sai lầm khi phải gật đầu theo định hướng hoặc phải ra
những quyết nghị vội vã, xuôi chiều.
Sắp tới, phong trào đòi
hỏi giải quyết vụ bauxite sẽ diễn ra theo những kịch bản nào? Có
thể hình dung ba dạng kịch bản như sau.
Kịch bản một: lý trí thắng.
Theo kịch bản này, dựa trên những lý lẽ hết sức thuyết phục,
Quốc hội sẽ ra nghị quyết yêu cầu dừng toàn bộ các dự án bauxite
ở Tây Nguyên, mọi chuyện tạm xếp lại, vài ba chục năm nữa các
thế hệ sau sẽ tính chuyện kinh doanh khai thác chứ không thể chỉ
tính chuyện moi tài nguyên thô đi bán cho bọn lái súng và bọn
sản xuất tàu ngầm. Đó sẽ là kịch bản của sự thắng thế của lý
trí. Nhưng lại có câu hỏi: lý trí
nào và lý trí của ai? Dĩ nhiên đó
không phải là lý trí của những ai đã trót dấn sâu vào canh bạc
này. Những “đại diện ưu tú” của thứ “lý trí” phản lý trí này sẽ
dùng hết sức mạnh của họ để chống lại, nếu cần thì có thể nhờ
“các đồng chí bạn” can thiệp, mà lý do thì chẳng thiếu gì. Vì
thế ta nên tỉnh táo mà thấy, kịch bản này khó thành công, bởi nó
đụng tới vô vàn thứ đặc quyền đặc lợi của những “nhóm lợi ích”
nằm cả ở bên này lẫn bên kia biên giới.
Kịch bản hai: lý trí thua.
Và thua to! Dĩ nhiên là lý trí lành mạnh của giới trí thức và
nhiều người dân sẽ thua cái lý trí tham lam đen tối của các nhóm
đặc quyền đặc lợi trong nước và ngoài nước, họ sẽ liên kết chặt
chẽ với nhau để “cương quyết xốc tới” như điều đã diễn ra từ
trước đến nay, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong cơ chế một
đảng cầm quyền! Tình hình thế giới nhạy cảm hiện nay càng rất dễ
xui khiến những thế lực máu mê siêu cường quen đục nước béo cò
tìm mọi cách đoạt thêm quyền lực ở bên ngoài biên ải để đối phó
với những khó khăn chồng chất và không bao giờ hết bên trong
cương vực. Đây sẽ là một kịch bản đen tối nhất cho dân tộc.
Kịch bản ba: cò cưa kéo cưa.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy ở Việt
Nam
sự việc thường diễn ra theo lối khôn khéo của đầu óc tiểu nông
và theo lối nửa vời của đầu óc tiểu thương. Vấn đề bauxite Tây
Nguyên sẽ bị duy trì trong thế nhùng nhằng, cố tình tạo ra một
thùng nước không sôi một trăm độ, cố tình làm sao cho mâu thuẫn
không thành xung đột kẻo “khó xử lắm các đồng chí ạ”! Biện pháp
sẽ vẫn như cũ: hạn chế thông tin,
làm ăn kín đáo, xé lẻ đàn áp. Ta đã
thấy bối cảnh đó trong nhiều chục năm qua, cái bối cảnh đã biến
một dân tộc năng động và yêu cuộc sống thành những cá thể rời rã
bất lực, bất cần đến chí khí, bỏ mặc cho lý trí bị ngủ vùi. Điều
này cần được nói thẳng ra: từ bao lâu nay những anh chị em chủ
trương các trang Web và trang blog chúng ta đều có chung một
nguyện vọng tha thiết chẳng nói thành lời, ấy là làm sao nâng
cao dân trí nhiều hơn nữa để cởi cho dân tộc khỏi vòng trói buộc
mê muội ấy.
Trong chuyện này, người
trí thức và lớp người trẻ tuổi lại phải chấp nhận dấn thân chứ
không còn giải pháp nào hơn! Mình không làm thì ai làm? Mình
không chủ động đảm đương lấy thì chờ ai đảm đương hộ? Mình không
nhận việc thì cậy ai nhận việc thay?
Cuộc đời một dân tộc cũng
như một cơ thể, cũng có khi cảm mạo vì thời tiết thất thường,
cũng có khi đau vì tai họa bất ưng. Nhưng đành để chết đi một cơ
thể, tội đó nặng lắm, vì đó là tội tự sát.
Việt Nam ngày 4
tháng 6 năm 2009 (ngày diễn ra sự kiện Thiên An Môn bên Tàu 20
năm trước).
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Toàn Nguyễn Thế Hùng
|