Đọc
gần 150 bài báo và ý kiến của nhiều người, trong đó có những chuyên gia
đầu ngành về khai khoáng, xây dựng, kinh tế trong ngoài nước… và cả
những trí thức khác ngành, các bậc cách mạng lão thành, các tướng lĩnh,
nhà ngoại giao… góp ý về những nguy cơ trong việc khai thác bauxite ở
Tây nguyên đăng trên các trang web, trong đó trang Bauxite Việt nam do
nhóm “Kiến nghị” (GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn và GS TS Nguyễn
Thế Hùng) chủ trì, cung cấp khá nhiều tư liệu phong phú, kể cả những
báo cáo chính thức của Bộ Công Thương hay kết luận, ý kiến chỉ đạo của
Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ để người đọc có thể có những “dữ
liệu” cần thiết khi phán đoán. Một điều duy nhất lảng vảng trong đầu
tôi là hai chữ TẠI SAO.
Tại sao nhà nước, Đảng và Chính phủ không nghe, không thấy, không biết… đến như vậy!
Ba bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ hay hội thảo1
không hề có một lời “hồi đáp” chính thức gửi đến Đại tướng, trừ Kết
luận của BCT do Ông Trương Tấn Sang công bố trước công luận sau cuộc
hội thảo tháng 4/2009, có thể xem là một cách trả lời gián tiếp. Thật
đáng tiếc! Một thái độ “lờ tịt”, xem thường hết sức khó hiểu, mặc dù có
cuộc viếng thăm Đại tướng của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hay Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điên Biên Phủ với
lời hứa "Chính phủ sẽ tiếp thu và nghiên cứu những ý kiến của Đại tướng
về dự án bô-xít Tây Nguyên. Bộ Chính trị cũng rất quan tâm đến vấn đề
này"2.
Hẳn mọi người đã nhẹ
nhõm như bản thân tôi, đã không kìm được sự xúc động khi nghĩ rằng
những gì Đại tướng nêu trong thư, cũng như nguyện vọng của hai nghìn
người kí tên trong bản Kiến nghị đã có hy vọng tràn trề là sẽ được
những người lãnh đạo cao nhất xem xét, nghiên cứu nghiêm túc, cũng như
được Quốc hội đang nhóm họp tiếp tục bàn thảo thấu đáo, và Tập đoàn
Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư… cũng sẽ “nhìn lại” dự án
lợi bất cập hại này!
Nhưng bản báo cáo của
Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ gửi cho Quốc hội ngày 22/5/2009 không
những không làm rõ các vấn đề được đặt ra mà còn gây bối rối cho nhiều
người, nhất là các nhà khoa học tham gia phản biện3. Chỉ
riêng vấn đề nguồn nước cần cho rửa quặng và chế biến alumin đã cho
thấy bản báo cáo ấu trĩ đến mức nào, nói chi đến những kỹ thuật cao và
phức tạp để luyện nhôm, hoàn thổ… mà TKV chỉ mới “nhìn” bên ngoài qua
những cuộc “tham quan” hiếu hỷ! Một kế hoạch khai thác tài nguyên “hóc
búa” như Bauxite ở Tây Nguyên mà chỉ cầu may “năm ăn năm thua” như ông
Đoàn Văn Kiển, Tổng Giám đốc TKV phát biểu với báo chí, đã bộc lộ lối
suy nghĩ, cung cách làm ăn của “tập đoàn lợi ích” này… Cho nên việc
soạn ra những bản báo cáo lòe bịp hay khoe khoang về hiệu quả, về an
toàn đối với môi trường hay bảo đảm an ninh quốc gia… bị các nhà khoa
học phê phán gắt gao cũng là điều dễ hiểu.
Hơn một tháng theo
dõi, hôm nay, tôi vẫn không thể nào lý giải được thái độ và cách ứng xử
của những nhà lãnh đạo cũng như nhiều vị đại biểu nhân dân ở Quốc hội
(là nơi còn có thể phát biểu ý kiến công khai). Các vị giữ một thái độ
im lặng vô cùng khó hiểu. Trong số 493 đại biểu, chỉ có vài ba đại biểu
lên tiếng về việc này như các đại biểu Lê Thanh Phong, Điểu K’Ré,
Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Thuyết.
Cách làm “lấy thịt đè
người” của Chinalco (TQ) xuất hiện không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều
nơi trên thế giới. Họ sẵn sàng tung ra hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la tiền
mặt để mua hoặc dành quyền đầu tư khai thác nguyên liệu – là một miếng
mồi hấp dẫn, trong lúc nền kinh tế các nước đang gặp khó khăn, suy
thoái – thậm chí thu gom cổ phần của tập đoàn khai khoáng nước ngoài,
đưa người sang tham gia ban lãnh đạo công ty nước sở tại theo chủ
trương và nguyên tắc của phía Chinalco, tuyển công nhân thất nghiệp
nghèo ở nông thôn sang các nước thực hiện dự án và đeo bám hiện trường
lâu dài theo một chính sách “mang màu sắc Trung Quốc”.
Con số 19,5 tỷ đô la
của Chinalco bỏ vào Tập đoàn Rio Tinto (tập đoàn khai khoáng đặt văn
phòng tại Anh quốc) để “xây dựng quan hệ đối tác chiến lược”4
trong việc khai thác bauxite ở Úc vừa được công bố chính thức cho thấy
khí thế tiến công tích cực của Chính phủ Trung Quốc, nắm bắt thời cơ
kinh tế – chính trị mới với cơn khát ngoại tệ để “kích cầu” của nhiều
nước giàu cũng như nghèo đang diễn ra trên thế giới. Liệu điều này có
“trùng hợp” gì với tập đoàn TKV của nước ta, thuộc “chủ trương lớn của
Đảng và Nhà nước” như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu?
Nhà báo Duvingeau trên tạp chí “Planète Terra” trong bài phân tích về vấn đề khai thác Bauxite ở tây Nguyên5
đã thận trọng đặt nghi vấn rằng liệu có “một nhân tố không thể lờ đi”
đã thúc đẩy Chính phủ ký kết hai hợp đồng khai thác trong năm 2007?
“Nhân tố” không lờ được (ẩn số – donnée imparable) này phải chăng là
một thỏa thuận bên trong về việc phía Chinalco sẵn sàng ứng một số vốn
lớn trong số 20 tỷ đô la cần thiết để tiến hành những dự án khai thác
đầy mạo hiểm cho nước chủ nhà? Nếu có, thì đây là điều bắt buộc “phải
làm” vì đã lỡ “ăn cơm trước kẻng” chứ không dừng lại ở mức “khó ăn nói”
vì đã có ghi trong “Thông cáo chung” giữa lãnh đạo hai nước Việt –
Trung với “16 chữ vàng” và “quan hệ 4 tốt” đã cam kết. Nhưng nếu quả
thế thì đúng là “một đòn đau” không gì đau hơn cho 85 triệu con dân
nước Việt chúng ta.
Hy vọng những
điều ở trên chỉ là “võ đoán” như phát biểu phê bình “lách luật” của Đại
biểu Nguyễn Minh Thuyết tại Quốc hội ngày 26/5/2009 khi đề cập đến yếu
tố pháp lý “chẻ nhỏ vốn đầu tư” để không cần phải trình ra Quốc hội6, vì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nói với cử tri Hà nội, rằng “chưa đâu vào đâu"!7
3/6/2009
Hồng Lê Thọ
Nguồn: http://www.bauxitevietnam.info/diendan/090604_taisao.htm