17 bị can vừa lãnh án tù từ 12 tháng tù treo tới 4 năm rưỡi tù giam trong vụ 'gây rối tập thể' tháng 6/2008 tại tỉnh Quảng Bình.
Tòa án nhân dân tỉnh đã ra phán quyết hôm thứ Sáu 05/06 sau hai ngày xét xử vụ án "gây rối trật tự công cộng" và "cố ý làm hư hỏng tài sản" tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch.
Báo Việt Nam cho hay bị cáo Nguyễn Văn Long (24 tuổi) nhận bản án cao nhất 54 tháng vì đã cầm đầu vụ gây rối.
Chưa biết các bị can có kháng án hay không.
Sự việc xảy ra trong hai ngày 06/06/2008 và 07/06/2008 tại thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ.
Hàng trăm người dân địa phương tối 06/06/2008 đã bao vây nhà văn hóa xã và hành hung một nhóm người, được tin là cựu chiến binh, lúc đó đang họp tại đây đổ lậ́y ý kiến về một dự án xây dựng nhà máy xi măng tại địa bàn.
Căng thẳng dâng lên và vào lúc một giờ sáng ngày hôm sau, những người này đã tới bao vây nhà ông Trần Xuân Nghiêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Thọ.
Ông Nghiêm bị đánh trọng thương, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Nhà ông tiếp tục bị bao vây cho tới khi công an can thiệp.
Báo trong nước cho hay lúc đó đám đông còn kéo đến trụ sở Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Trường Sơn đóng tại khu vực giáp ranh giữa làng Thọ Đơn và Nhân Thọ và 'đập phá tài sản, gây thiệt hại ước tính cả tỷ đồng'.
Họ cũng bị cáo buộc đã hành hung một số công an và cán bộ xã, đào cắt đường giao thông, gây rối tạo nên cảnh náo loạn ở khu vực.
Dự án gây tranh cãi
Nguyên nhân dẫn tới việc hàng trăm người tham gia 'gây rối' là việc thôn Thọ Đơn được chọn làm địa điểm xây dựng một nhà máy xi măng công suất lớn.
Dân địa phương cho rằng nhà máy này sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.
Cũng vì lý do này mà nhà máy xi măng công suất 2 triệu tấn/năm do Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư đã không thể xây dựng tại thôn Đơn Sa (xã Quảng Phúc - Quảng Trạch) như thoạt đầu dự định.
Vì dân Quảng Phúc phản đối dữ dội, chính quyền tỉnh đã thống nhất với chủ đầu tư chuyển dự án tới thôn Thọ Đơn.
Những người chống đối nói người dân không được tham vấn khi có việc chuyển địa điểm này.
Ngoài nhà máy xi măng, nhà đầu tư còn dự tính xây một cảng biển.
Hiện chưa rõ số phận dự án này ra sao.
Việc giải tỏa mặt bằng xây các dự án công nghiệp ở nông thôn Việt Nam đã dẫn tới nhiều cuộc khiếu kiện, thậm chí chống đối đông người.