Trọng Nghĩa
Người dân Hồng Kông đốt nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An
Môn. Reuters
Tối hôm qua, 04/06/09,
hàng trăm ngàn người dân Hồng Kông đã tham gia đêm canh thức và thắp nến kỷ
niệm 20 năm phong trào dân chủ Thiên An Môn. Trong bối cảnh Trung Quốc kiểm
duyệt hoàn toàn các thông tin về Mùa Xuân Bắc Kinh, hành động của Hồng Kông
được xem là một thách thức đối với chính quyền trung ương và thể hiện rõ rệt ý
nguyện dân chủ của vùng đất đã trở thành lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1997.
Về số lượng người tham gia đêm thức canh cho Thiên An Môn tại Hồng Kông, ban
tổ chức, bao gồm các phong trào đấu tranh cho dân chủ, khẳng định là đã có đến
hơn 150.000 người tập hợp tại địa điểm chính là một công viên rộng lớn.
Ngoài ra, còn có 50.000 người khác tham gia sự kiện trên các đường phố chung
quanh vì không tài nào chen được vào công viên. Thống kê số người tham gia biểu
tình do chính quyền Hồng Kông loan báo lẽ dĩ nhiên thấp hơn rất nhiều so với
ước tính của ban tổ chức. Theo cảnh sát Hồng Kông, đêm canh thức cho Thiên An
Môn tối qua chỉ tập hợp được vỏn vẹn 62.800 người. Tuy nhiên con số này vẫn cao
hơn rất nhiều so mọi cuộc biểu tình kỷ niệm Mùa Xuân Bắc Kinh từ năm 1990 đến
nay.
Tinh thần bất khuất của Hồng Kông
Nhìn chung, cả cảnh sát lẫn ban tổ chức đều nhất trí cho rằng số lượng người
tham gia lễ kỷ niệm 20 năm Mùa Xuân Bắc Kinh vào hôm qua còn cao hơn cả lần kỷ
niệm đầu tiên vào năm 1990. Giới chủ trương đêm thắp nến canh thức hôm qua đã
đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự tham gia đông đảo này.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, ông Lý Trác Nhân (Lee Cheuk Yan),
một nghị sĩ Hồng Kông thuộc phong trào dân chủ và nằm trong ban tổ chức xác
định : ''Đây hiển nhiên là một hành động thách thức của
người dân Hồng Kông, thể hiện ''tinh thần bất khuất'' của vùng lãnh thổ
này". Ông Lý Trụ Minh (Martin Lee), một chính trị gia kỳ cựu tại
Hồng Kông, từ trước đến nay vẫn bền bỉ đấu tranh cho dân chủ và đòi hỏi Trung
Quốc hủy bỏ ''bản án'' kết tội phong trào Thiên An Môn,
cũng ghi nhận tác động tích cực của cuộc tập hợp đông đảo hôm qua đối với phong
trào phát huy dân chủ tại Hồng Kông.
Điểm cụ thể nhất trong lãnh vực này là cuộc đấu tranh đòi thiết lập chế độ
phổ thông đầu phiếu trực tiếp tại Hồng Kông, từng được Bắc Kinh cam kết khi thu
hồi chủ quyền vùng lãnh thổ này vào năm 1997, nhưng vẫn chưa chịu áp dụng.
Ý nghĩa dân chủ của phong trào Thiên An Môn được truyền lại cho giới
trẻ
Riêng đối với ông Tư Đồ Hoa (Szeto Wah), trưởng ban tổ chức đêm canh thức,
sự kiện đông đảo thanh niên (50.000 người, theo ban tổ chức) tham gia lễ kỷ
niệm Thiên An Môn hôm qua, trong đó có nhiều người sinh ra sau năm 1989, là một
tín hiệu rất khích lệ. Theo ông, điều đó phản ánh thành công của các nỗ lực
nhằm ''chuyển ngọn đuốc ký ức cho thế hệ mới''.
Điều này rõ ràng đi ngược lại đường lối chính thống của Bắc Kinh từ hai thập
niên qua, chỉ muốn xoá nhòa sự kiện Thiên An Môn trong hồi ức mọi người. Trả
lời câu hỏi của hãng AFP, một cô gái 17 tuổi, sinh quán tại Trung Quốc nhưng
đang theo học tại Hồng Kông, cho biết là cô không hề được nghe nói đến biến cố
Thiên An Môn trong trường học, nhưng bây giờ cô đã hiểu được tầm mức quan trọng
của sự kiện này. Thiếu nữ lấy tên là Zachery này đã tự nhủ : ''Điều
chúng tôi cần phải làm kể từ nay là tranh thủ mọi cơ hội để công khai thể hiện
ý nguyện thiết tha với dân chủ của mình đồng thời cho tất cả mọi người thấy là
chúng tôi sẽ không chịu khuất phục".
Giới phân tích cũng cùng một nhận định với ban tổ chức về ý nghĩa của buổi
lễ kỷ niệm 20 năm Mùa Xuân Bắc Kinh vào hôm qua. Ông Ivan Choy, chuyên gia phân
tích chinh trị thuộc trường Đại Học Trung Hoa ở Hồng Kông cho rằng : "Sự
kiện dân chúng tham gia đông đảo đã bắn một tín hiệu mạnh mẽ tới giới lãnh đạo
Trung Quốc, đó là vũ khí tăng trưởng kinh tế không thể nào bù đắp được sai
lầm của ngày 4/6 năm 1989''.
Hồng Kông tưởng niệm biến cố Thiên An Môn
Một
phụ nữ Hồng Kông cầm nến tham gia buổi tưởng niệm các nạn nhân bị thảm
sát trong biến cố Thiên An Môn cách đây 20 năm, ngày 4 tháng 6 năm
2009. Hồng Kông là nơi duy nhất trong lục địa Trung Hoa có buổi tưởng
niệm Thiên An Môn được tổ chức hợp pháp. Lo sợ bất ổn xã hội có thể xảy
ra nhân dịp tưởng niệm 20 năm biến cố Thiên An Môn, nhà cầm quyền cộng
sản Bắc Kinh đã đóng chốt cấm không cho các ký giả nước ngoài đến lấy
tin tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/2009, và ngăn chặn tất
cả các mạng lưới liên lạc xã hội và chia sẻ hình ảnh trên Internet như
Twitter và Flickr.
Xiong Yan, một trong 21 sinh viên cầm đầu cuộc biểu tình ở Thiên An Môn cách đây 20 năm,
nằm trong danh sách đen của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Hàng chục ngàn người tham gia đêm tỉnh thức tưởng niệm các
nạn nhân Thiên An Môn được tổ chức ở Hồng Kông
Một thanh niên mặc áo với hàng chữ "Ủng hộ các bà mẹ Thiên An Môn"
Các em học sinh trung học tham gia buổi tưởng niệm Thiên An Môn
Một em bé gái giơ cao ngọn nến tưởng niệm
... Ở Bắc Kinh
Bắc Kinh ngày 4/6/1989
Cũng tại Bắc Kinh 20 năm sau, ngày 4/6/2009
... và công an chìm, nổi ở quảng trường Thiên An Môn
|