Chủ Nhật, 2024-12-22, 5:54 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 7 » Giáo xứ An Bằng kiên trì đấu tranh bảo vệ Công lý!
9:02 AM
Giáo xứ An Bằng kiên trì đấu tranh bảo vệ Công lý!

Giáo xứ An Bằng kiên trì đấu tranh bảo vệ Công lý!

I- Ký sự của Linh mục Quản xứ Nguyễn Hữu Giải

· 27-02-2009: 18g, tôi nhận được văn thư thông báo của xã Vinh An, đề ngày 27-02-2009, số 15/TB-UBND, do ông chủ tịch Phạm Bình Tịnh ký. Thông báo cho chúng tôi biết xã đã khảo sát và chọn 5 vị trí đất và yêu cầu chúng tôi chọn một trong năm vị trí đó để dựng đài lễ giáp An Bắc. Khi chọn xong, chúng tôi sẽ đến xã để được hướng dẫn lập hồ sơ, chậm nhất vào ngày 02-03-2009. Các vị trí đất là của các ông đang trồng dương liễu, keo, tràm hoa vàng: ông Lê Bền, ông Lê Chế, ông Lê Đạt, ông Lê Liễn, ông Văn Công Chính.

Trước đó, ngày 20-02-2009, các ông trong HĐGX An Bằng được mời vào xã “làm việc”. Các ông đã trình với xã là không dám chọn vị trí nào vì sợ hậu họa giữa giáo xứ và con cháu người đang sử dụng đất, dù xã nói đất xã quản lý.

· 02-03-2009: Giáo xứ gởi UBND xã thư phúc đáp đề ngày 01-03-2009. Giáo xứ không nhận vị trí nào vì muốn tránh hậu quả tranh chấp sau này và muốn xây dựng đài lễ trên thửa đất Giáp đã thờ phượng Chúa lâu nay

Nhiều lần Giáp và Giáo xứ đã trình bày với xã huyện rằng đất của Giáp có từ 1961 và đã liên tục sum họp thờ phượng Chúa cho tới nay. Vì chiến tranh và chưa thuận tiện nên mãi đến năm 2007, Giáp mới có kế hoạch xây dựng đài lễ cố định và đã làm đơn xin phép xây dựng một Thánh Giá, một bàn thờ và một tượng Thánh Tâm. Bỗng nhiên xã huyện buộc tội chiếm đất thuộc rừng phòng hộ biển! Đất chúng tôi thuộc diện xã quản lý trong thời điểm nào?

· 04-03-2009: Ông Văn Đình Trung, ông Lê Lượng, ông Nguyễn Thanh thuộc HĐGX An Bằng bị mời vào xã “làm việc” về quyết định chọn vị trí đất.

Các ông là những vị cựu trào của địa phương, biết rõ chủ những thửa đất này trước đây có làm nhà ở hoặc canh tác, về sau vì hoàn cảnh đi sinh sống nơi khác nhưng cũng ở trong làng và trồng cây lưu niên trước 1975.

Các ông trình bày: chúng tôi thấy có rất nhiều nhà ở, hồ nuôi tôm, công trình phường khóm nằm sát biểm hơn đài lễ giáp An Bắc. Suốt vùng cát duyên hải từ đèo Ải Vân đến Thuận An, nhiều làng ở sát biển. Nếu những làng mạc, cơ sở, công trình ấy thật sự thuộc rừng phòng hộ biển thì chắc chắn phải di dời hết. Đó là chưa kể bao nhiêu rừng dương liễu nằm giữa An Bằng và Thuận An đã bị nhà cầm quyền tỉnh -từ hơn 10 năm nay- cho các “công ty khai thác titan” chặt phá, bứng gốc để đào cát lấy thứ quặng này !?!

· 12-03-2009: Theo giấy mời của UBND huyện Phú Vang, tôi đến tại văn phòng UBND huyện làm việc về thủ tục cấp đất làm đài lễ giáp An Bắc. Ông chủ tịch UBND huyện Phan Văn Quang xác nhận đất Động Bồ huyện định giao cho Giáo xứ làm đài lễ bị trở ngại vì làng An Bằng có kiến nghị không bằng lòng, hơn nữa giáp An Bắc không chịu nhận. Nay huyện đề nghị 5 vị trí đất khác, yêu cầu tôi chọn 1 trong 5.

Tôi trình bày: giáo xứ không thể chọn vị trí nào vì những thửa đất này đã có chủ sử dụng. Ông chủ tịch kết tội tôi cố tình nêu lên những lý do vu vơ để không chịu tháo dỡ Thánh Giá, bàn thờ ở đài lễ khỏi đất thuộc rừng phòng hộ biển do xã quản lý.

Một cán bộ khác cũng phụ họa, nêu đủ thứ lý do để kết án tôi vi phạm luật pháp, thậm chí chống lại Chúa vì “đi ngược lại ý dân” là đi ngược ý Chúa !?!

Ông chủ tịch ra lệnh cho ông chủ tịch xã Vinh An Phạm Bình Tịnh và cho tôi phải tìm một vị trí đất nào không thuộc tư nhân để trình lại cho huyện, hạn chót là 20-03-2009.

Trong biên bản làm việc, tôi ghi lại nguyện vọng của giáo dân là tiếp tục làm đài lễ tại thửa đất hiện chúng tôi đang thờ phượng Chúa, dù rộng hẹp.

Buổi làm việc kéo dài từ 9g đến 10g30.

· 20-03-2009: Chúng tôi nhận được văn thư của UBND huyện Phú Vang số 183/UBND-ĐĐ đề ngày 19-03-2009 do ông phó chủ tịch Dương Văn Ngọc ký.

Huyện vẫn cho rằng diện tích đất chúng tôi làm đài lễ là đất chiếm lấy từ rừng phòng hộ biển do xã Vinh An quản lý và “yêu cầu Hội đồng Giáo xứ An Bằng, giáp An Bắc tháo dỡ toàn bộ vật kiến trúc đã xây dựng trái phép theo công văn của UBND xã Vinh An”.

Giáo dân tiếp tục sum họp đều đặn mỗi ngày trước Thánh Giá đài lễ giáp An Bắc, nhất là trong Mùa Chay này để sốt sắng cầu nguyện cho công lý, sự thật và tình thương, cho quyền tư hữu đất đai và tự do tôn giáo.

· 28-03-2009: Nhà nước điều động kiểm lâm tỉnh và huyện dùng xe vận tải và xe trâu chuyên chở vật dụng xây dựng nhà ở lên đài lễ giáp An Bắc.

Lúc 21g30, anh Phạm Xuân Tuấn nghe tiếng máy cưa ở đài lễ. Khác mọi đêm, điện chiếu sáng ở các trại gác đài lễ tắt ngúm. Anh Tuấn chạy tới dồn dập hỏi to: “Ai cưa trộm dương?”. Im lặng! Anh la to hơn. Một giọng trong bóng tối đáp lại: “Cán bộ đây!”. Anh Tuấn tức giận: “Cán bộ cưa trộm dương! Ôi chao! Hết nói! Bó tay!”.

· 29-03-2009: Thánh lễ sáng Chúa Nhật, cộng đoàn giáo xứ An Bằng cầu nguyện xin ơn bình an và can đảm đấu tranh cho công lý, sự thật trước kế hoạch mới của nhà nước.

Cán bộ tháo dỡ lều bạt, chuyển sang đào móng nhà cạnh thửa đất đài lễ. Ông Lê Thanh, một ngư dân, tới hỏi cán bộ: “Ai cưa dương cưa tràm của tôi?” Không ai trả lời. Ông đưa chân hất tung mấy ụ lá dương khô, lộ ra mấy gốc cây mới bị cưa. Ông lớn tiếng tra hỏi: “Ai cưa trộm? Ai cưa?” Một ông cán bộ đáp: “Mấy thợ làm nhà cưa!” - “Các ông lấy quyền chi mà cưa cây của tôi? Mấy cây đã cưa giấu đâu rồi? Trả lại đây cho tôi! Tôi sẽ kiện!”.

Họ đã phi tang bằng cách kéo mấy thân cây xuống khe trũng ở đàng xa. Được biết ngôi nhà này do kiểm lâm tỉnh và huyện làm, gọi là “để bảo vệ rừng xã Vinh An”.

· 30-03-2009: Cán bộ huyện xã tập trung đông đảo làm lễ cúng dựng nhà. Nhà làm bằng gỗ, đã được chuẩn bị sẵn. Chỉ việc lắp ráp vào.

Dân chúng xôn xao. Dọc theo bờ cát vùng duyên hải chẳng có trạm bảo vệ rừng nào. Hình như ở Thuận An chỉ có một chòi canh. Hơn nữa bãi biển An Bằng ít khách du lịch tắm biển. Đã có một đồn lính biên phòng không xa đài lễ Thánh giá bao nhiêu. Rừng dương, tràm do dân biển trồng. Xã chỉ thị người dân nào muốn cưa cây phải làm đơn xin xã cho phép vì xã quản lý.

· 04-04-2009: Như thường lệ, giáo dân họp nhau đọc kinh hát thánh ca trước đài lễ Thánh giá. Cán bộ canh gác mở máy thật to, gây bức xúc cho giáo dân.

Sau buổi cầu nguyện, mệ Tãi Ngoãn, có nhà gần khu vực đài lễ, trách cán bộ không biết tôn trọng người dân. Mệ còn lớn tiếng: “Hết chỗ làm nhà hay sao mà chọn chỗ giữa đài Thánh giá và am phường mà làm? Phải có mắt mà nhìn. Ăn coi nồi ngồi coi hướng!”.

Được biết ngày xưa chính ông Lê Khinh cúng đất cho phường dựng am thờ theo tập tục ngư dân vùng duyên hải. Suốt năm nay, cán bộ đóng hai trại cạnh am để theo dõi đài Thánh giá.

· 06-04-2009: Giáo xứ gởi văn thư đề ngày 05-04-2009 cho UBND huyện Phú Vang. Giáo xứ nhắc lại: giáo dân giáp An Bắc đã có cuộc họp giáp theo yêu cầu của huyện ngày 19-12-2008 và đã gởi biên bản cuộc họp giáp cho huyện, trong đó ghi rõ giáo dân không đồng ý nhận đất của làng hoặc của người dân đang sử dụng. Đất làm đài lễ là của giáp từ năm 1961, có nguồn gốc là đất ông Lê Khinh đã cúng, con cháu và dòng tộc đã chứng minh.

Giáo dân trong giáp cũng như giáo xứ đã thường xuyên và liên tục sum họp thờ phượng Chúa suốt bao năm qua. “Chúng tôi mong được an tâm thờ phượng Thiên Chúa tại nơi truyền thống lâu đời của chúng tôi”.

· 10-04-2009: Ngôi nhà đã hoàn thành, đã treo cờ, đã mang bảng hiệu “Hạt kiểm lâm huyện Phú Vang. Trạm bảo vệ rừng Vinh An”. Một khẳng định của bạo quyền!

Từ 10g đến 12g, giáo dân giáp An Bắc đi Đàng Thánh giá tại đài Thánh Giá. Hôm nay là Thứ Sáu Tuần Thánh. Dù nắng nóng, mọi người vẫn suy ngắm và đọc kinh cầu nguyện sốt sắng.

“Ôi Thập tự! Phước lành thế giới,
Nguồn cậy trông cứu rỗi tràn lan,
Xưa nên hình khổ nhục nhằn,
Nay thành ngưỡng cửa Thiên đàng quang vinh.

Này Tế Phẩm trên mình ngươi đó
Đã giang tay quy tụ người trần,
Mặc cho thủ lĩnh thế gian
Tấn công cũng chẳng được phần lợi chi!

Giêsu hỡi! Con quỳ tạ Chúa,
Và Thánh Thần, Thánh Phụ cao tôn,
Giúp con chiến đấu chẳng sờn,
Theo cờ thập tự, thiên môn khải hoàn”.

(Thánh thi trưa Thứ Sáu Tuần Thánh).

Kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người đứng vòng quanh đài Thánh giá phấn khởi đọc kinh “A Rất Thánh Giá”.

Tiếng mõ tưởng niệm ngày Chúa Cứu thế chịu chết đánh chầm chậm đúng 12 giờ trưa, theo truyền thống, thay tiếng chuông, từ nhà thờ xứ đạo rơi nhẹ vào lòng tín hữu: một CON NGƯỜI bị kết án, bị tử hình, bị chôn vào lòng đất vì những quyền lực chà đạp công lý, sự thật, tình thương.

· 20-04-2009: Cha Lê Văn Nghiêm, hai tu sĩ dòng Tên, một ông tân tòng, đến viếng Đài Thánh giá, cầu bình an cho giáo xứ. Cha Nghiêm làm quản xứ An Bằng từ năm 1977 đến 2004. Ngài nói to cho mọi người có mặt nghe rõ: “Rừng dương trước đây cũng như sau này, chính chúng tôi trồng, gánh nước tưới, chăm bón mới được như ngày nay. Sao lại nói rừng của Nhà nước? Dối trá! Bất công!”.

Trong thời gian qua, nhiều giáo dân giáo xứ bạn viếng đài, hiệp thông cầu nguyện. Đặc biệt một số linh mục và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế nhiều lần đến thăm giáo xứ và chia sẻ số phận bị bách hại của cộng đoàn An Bằng. Các ngài đã tổ chức cầu nguyện cho An Bằng trong các thánh lễ và các buổi đốt nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

· 27-04-2009: Hội đồng giáo xứ nhận được văn thư của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế số 1746/UBND-NĐ đề ngày 23-04-2009, do phó chủ tịch Nguyễn Thị Thúy Hòa ký.

UBND tỉnh “đồng ý chủ trương giao thửa đất có số hiệu 38.2 thuộc tờ bản đồ địa chính số 05, tọa lạc tại khu vực Bắc Thượng, thôn An Bằng, xã Vinh An hiện do UBND xã Vinh An đang quản lý cho Hội đồng giáo xứ An Bằng để xây dựng khu hành lễ của giáo dân giáp An Bắc”.

Đây là lần đầu tiên giáo xứ nhận một văn thư cấp tỉnh. Nhưng khi hỏi UBND xã về vị trí thửa đất có số hiệu trên, xã trả lời không biết!

Văn thư của UBND tỉnh TT-H (23-04-09) - Giấy mời của UBND huyện Phú Vang (18-05-09)

· 02-05-2009: Từ sáng sớm, giáo dân giáp An Bắc chuẩn bị dâng hoa mừng Mẹ Maria dịp đầu tháng Mẹ tại Đài Thánh giá của giáp. Bỗng đâu lúc 9g, đông đảo cán bộ huyện xã tập trung tới, khoảng 30 người. Có cả chủ tịch UBND huyện, bí thư và chủ tịch UBND xã.

Ông chủ tịch huyện Phan Văn Quang mời ông giáp trưởng An Bắc Nguyễn Đức Mân vào “trạm bảo vệ rừng” bên cạnh Đài lễ để làm việc. Ông chủ tịch cấm đóng trại, cấm mở loa. Ông giáp trưởng trả lời:

- Chúng tôi đem mấy tấm bạt lên đây để trải trên cát cho các em dâng hoa khai mạc tháng mừng Mẹ Maria, chứ không đóng trại! Chúng tôi phải mở máy mở loa để các em tổng dượt và chiều nay dâng hoa cho đúng nhịp điệu.
- Chỉ được dùng máy cassette!
- Dân đây xài đầu máy dĩa cả. Hơn nữa, hiện giờ chúng tôi không có băng nhạc cassette!

Anh Phạm Xuân Tuấn, nhà gần đài, cũng bị mời làm việc vì nhà anh mở nhạc đạo sáng nay:

- Không được dùng loa cực mạnh!
- Loa chúng tôi thuộc loại rẻ tiền, chẳng giống loa của xã treo ở các trụ điện, không dây, cực mạnh!
- Phải chấp hành luật phòng hát karaoke!
- Chẳng tôi chỉ mở nhạc trong nhà chúng tôi!

Cán bộ, công an, biên phòng, kiểm lâm và các ban ngành khác thuộc huyện xã vẫn canh gác đến hơn 12g trưa.

Chiều, giáp vẫn tổ chức dâng hoa sốt sắng: sống có Mẹ, chết có Mẹ, Mẹ ơi! Nhóm người theo dõi vẫn còn đó, dù con số ít hơn.

· 11-05-2009: Cán bộ thu dọn hai trại đã đóng hơn một năm nay. Chỉ còn lại ngôi nhà gọi là trạm bảo vệ rừng và năm sáu cán bộ.

· 19-05-2009: Hội đồng giáo xứ nhận được giấy mời của UBND huyện Phú Vang, phòng Tài nguyên Môi trường, số 162/GM-TNMT đề ngày 18-05-2009 do ông Phó trưởng phòng Nguyễn Văn Chính ký.

Văn thư mời ông Văn Đình Trung, chủ tịch HĐGX và ông Nguyễn Đức Mân, giáp trưởng giáp An Bắc, đến hội trường UBND xã Vinh An ngày 21-05-2009, để làm việc giao đất.

· 21-05-2009: Tại hội trường xã lúc 8g30, ông chủ tịch xã Phạm Bình Tịnh chủ tọa buổi làm việc. Cán bộ ban tôn giáo tỉnh, UBND huyện và xã có mặt. Ông chủ tọa xác định thửa đất có số hiệu 38.2 thuộc tờ bản đồ địa chính số 05 là đất hiện giờ ông Lê Đạt đang trồng cây.

Ông giáp trưởng Nguyễn Đức Mân lặp lại ý muốn của toàn thể giáo dân giáp An Bắc là không nhận bất cứ lô đất nào hiện giờ làng hoặc tư nhân đang sử dụng và muốn tiếp tục thờ phượng Chúa tại phần đất truyền thống của giáp từ bấy lâu nay. Cán bộ tôn giáo tỉnh ghi nhận nguyện vọng và hứa nghiên cứu giải quyết.

Tối cùng ngày, lúc 18g30, giáo dân giáp đang sum họp đọc kinh ca hát tôn vinh Mẹ Maria tại đài Thánh giá như thường lệ mọi ngày.

19g30, mọi người ra về. Một anh công an huyện cấp sĩ quan từ trong trạm bảo vệ rừng đi ra tiểu tiện ở gần Đài Thánh giá. Ông giáp trưởng chạy đến yêu cầu đừng làm ô nhiễm nơi tôn nghiêm đồng người tụ họp.

- Tôi đái đấy, anh làm chi tôi!
- Phải tôn trọng vệ sinh chung!

Một anh công an khác nhào tới bên ông giáp trưởng, giọng hống hách:

- Anh muốn chi?
- Tôi muốn làm người lịch sự!

Một anh kiểm lâm đến xoa dịu ông giáp trưởng:

- Thôi, nó đang say!

· 29-05-2009: Sáng nay cán bộ tăng cường lực lượng quanh Đài Thánh giá. Một số gặp các ông trong HĐGX hỏi giáo dân sắp làm gì tại đài.

Thực ra, hôm nay là ngày các giáp trong giáo xứ tạ (ơn) Mẹ cuối tháng. Ngày mai cả giáo xứ tạ Mẹ long trọng. Giáo dân giáp An Bắc làm vệ sinh môi trường tại đài. Không biết cán bộ tại chỗ thông tin sao đó khiến lực lượng cán bộ công an huyện xã kéo tới canh phòng khoảng 20 người.

Lúc 17g, ông giáp trưởng Nguyễn Đức Mân lại bị mời làm việc. Trời sắp mưa, một số bô lão muốn căng mấy tấm bạt đứng đọc kinh. Để tránh phiền phức với cán bộ, tất cả quyết định đứng giữa trời mưa mà tạ Mẹ.

18g, cộng đoàn kiệu tượng Mẹ quanh Đài. Các em nhi đồng múa dâng hoa năm sắc lên Mẹ. Trời mưa to. Mọi người sốt sắng dưới mưa. Cán bộ an toàn trong ngôi nhà bảo vệ rừng.

19g bế mạc. Các em chia sẻ quà tặng. Vui vẻ dù ướt lạnh. Không quên những phần quà cho người nghèo xa gần. Tạ ơn Mẹ.

II- Nhận định của Nhóm Phóng viên

Giáo xứ An Bằng, với mảnh đất nhỏ bé của mình ở giáp An Bắc, tiếp tục bị nhà cầm quyền CSVN -từ cấp xã đến cấp huyện lên cấp tỉnh- sách nhiễu đàn áp, với đủ trò vừa vô lý vừa vô luật, trong mục đích thực thi và duy trì quyền lực độc đoán của mình: quyền sở hữu mọi đất đai dưới trời Nam, quyền sai khiến mọi thần dân trên đất Việt, quyền theo dõi mọi hoạt động, quyền quấy nhiễu mọi cuộc sống, quyền lũng đoạn mọi tập thể.

Trong bản tin hôm nay, sự vô lý (lý thông thường) và vô luật (luật chính đáng) biểu lộ ở chỗ nhà cầm quyền tiếp tục mưu đồ đẩy giáo xứ và các cá nhân hay tập thể xung đột với nhau vì tranh giành đất đai. Thế nhưng giáo xứ vẫn kiên trì bảo vệ lập trường: không lấy đất đang sử dụng của ai đó, dù nhà cầm quyền có cấp đi nữa, một giữ chặt mảnh đất truyền thống của mình, và như thế là mặc nhiên lên án cái “quyền công hữu đất đai” hết sức bất công và khốn nạn của CS.

Sự vô lý và vô luật tiếp đến biểu lộ qua việc cán bộ bắt lâm tặc trở thành cán bộ lâm tặc và trạm kiểm lâm lại dựng ở chỗ rừng dương đã có sở hữu chủ là dân làng! Dân trồng cây, dân bảo vệ cây mình trồng. Ở làng An Bằng từ xưa đến rày lại không có chuyện ăn trộm cây người khác. Nay lần đầu tiên cán bộ vừa lén lút cưa trộm cây của dân vừa ngang nhiên dựng “trạm bảo vệ rừng” trên đất của dân, không một lời thương lượng, không một tiếng xin phép. Thế thì bảo vệ rừng làm gì? Tốn công giữ, phí nhân sự! Không đúng nơi, chẳng hợp hoàn cảnh. Trong lúc rừng cả nước bị tàn phá với tốc độ chóng mặt! Ai phá thì mọi người đã rõ? Thật ra cái gọi là “trạm bảo vệ rừng Vinh An” chỉ là trạm theo dõi, quấy nhiễu mọi hoạt động tôn giáo tại đài lễ, và khi cần thì có thể xóa sạch đài lễ này.

Sự vô lý và vô luật còn biểu lộ qua việc nhà nước quá thừa giờ, thừa người và thừa tiền, để nghe phong thanh một chuyện nào đó tại đài lễ giáp An Bắc (hay giáo xứ An Bằng) là huy động vô số nhân lực, vật lực đến, để chỉ làm mỗi một việc là sách nhiễu, áp bức cuộc sống dân lành, là quấy rối -thậm chí lăng mạ bằng cử chỉ côn đồ vô học- những sinh hoạt tôn giáo của tín hữu. Người dân không bao giờ được yên trong chuyện sinh sống và chuyện giữ đạo, lại còn phải nai lưng nộp thuế để dung dưỡng, duy trì cái bộ máy chính quyền ăn hại suốt bao năm trường.

Chuyện An Bằng phản ảnh chuyện nhiều nơi trong 26 giáo phận tại Việt Nam, chuyện nhiều nơi trong 64 tỉnh và thành phố khắp cả nước. Phản ảnh thói lộng hành của cái đảng tự xưng là đại diện cho giái cấp vô sản, nhưng thật là một đảng cướp tham lam vô độ. “Cái Đảng vô sản này khởi đầu không có một tấc đất nào, sau khi cướp được chính quyền bỗng ban hành cái Luật Đất đai để trong nháy mắt chiếm giữ toàn bộ đất đai, lãnh thổ của dân tộc, rồi “ra ơn” ban phát cho dân được “mượn” và khi cần cướp lại thì dùng từ “thu hồi” (Luật gia Đỗ Thuý Hường). Nó và cái luật của nó đang gây điêu đứng cho cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam và hàng ngàn tập thể dân sự lẫn tôn giáo cả nước. Chỉ có xóa sổ cái chế độ bất công này thì mọi tài sản tinh thần (mọi thứ tự do, nhân quyền) và mọi tài sản vật chất (đất đai nhà cửa) mới được trả lại cho nhân dân.

Nhóm Phóng viên FNA tường trình từ Huế, lúc 20g30 ngày 06-06-2009

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 680 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 11
Khách: 11
Thành Viên: 0