Chủ Nhật, 2024-12-22, 5:30 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 7 » Hết huyện, tới tỉnh ban hành “Luật báo chí”
9:09 AM
Hết huyện, tới tỉnh ban hành “Luật báo chí”


Nhiều nơi, nhiều người đã từng đề cập đến những bất cập trong quan niệm cũng như cung cách quản lý, sử dụng hệ thống truyền thông của chính quyền Việt Nam.


AFP PHOTO

Việt Nam hiện có hơn 700 tờ báo nhưng tất cả điều nằm trong vòng kiểm soát, chịu sự chi phối của Đảng và Nhà nước.

Chính quan niệm cũng như cung cách quản lý, sử dụng hệ thống truyền thông này đã tạo ra sự lạm quyền, ngoài chính quyền trung ương, cả bộ máy hành chính cấp tỉnh và bộ máy hành chính cấp huyện cũng đặt ra luật để quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí lẫn nhà báo.

Bản dự thảo của Sở TT – TT TP Cần Thơ

Cuối tháng vừa qua, Sở Thông tin – Truyền thông thành phố Cần Thơ gửi cho văn phòng đại diện của các cơ quan truyền thông đóng tại thành phố này một bản dự thảo “Quy chế quản lý báo chí”.

Dự thảo vừa kể, đã gây ra sự bất bình trong báo giới vì vừa vi phạm các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực báo chí, vừa có tính chất xúc phạm đến họ.

Bất kể Luật báo chí được ban hành năm 1989 qui định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”, song dự thảo “Quy chế quản lý báo chí” do Sở Thông tin – Truyền thông Cần Thơ soạn thảo, vẫn xác định: Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông có quyền “yêu cầu các đương sự (cách gọi báo giới trong dự thảo), các bên liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ”.

Tương tự, theo dự thảo, Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông Cần Thơ còn có quyền “thanh tra, kiểm tra hoặc chủ trì phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động báo chí đối với cơ quan báo chí, nhà báo trên địa bàn”

Dự thảo còn xác định, đối với các cuộc họp báo theo định kỳ, mỗi quý một lần thì “Trưởng Văn phòng đại diện báo chí trung ương, địa phương khác có trách nhiệm tham dự đầy đủ, đúng đối tượng và thời gian quy định. Vắng mặt phải báo cáo bằng văn bản và nói rõ lý do cho Văn phòng UBND thành phố biết trước 4 giờ làm việc”. Thậm chí, văn phòng đại diện các cơ quan báo chí đặt tại Cần Thơ còn bị cảnh báo là có thể bị đình chỉ hoạt động nếu Trưởng Văn phòng không dự các cuộc họp báo theo định kỳ. Cho dù Luật báo chí được ban hành năm 1989 đã qui định rằng: “Không một tổ chức, cá nhân nào được cản trở hoạt động của cơ quan báo chí.”

Cũng vì thế, đã có một số nhà báo ở Việt Nam lên tiếng phản đối việc Cần Thơ muốn quản lý báo chí theo kiểu như thế. Có cơ quan báo chí như tờ Pháp Luật TP.HCM, thẳng thắn gọi dự thảo này là sự vi phạm Luật báo chí.

Còn trong thời gian dự thảo?

Tại sao Sở Thông tin – Truyền thông Cần Thơ soạn thảo Quy chế quản lý báo chí, việc soạn thảo quy chế này dựa trên những tiêu chí nào? Chúng tôi đã nói chuyện với ông Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Cần Thơ để nhờ ông giải thích:

Trân Văn: Thưa ông, tôi muốn hỏi thăm ông về dự thảo mà Sở của ông vừa mới đưa ra để lấy ý kiến báo chí.

Ông Nguyễn Minh Thông: Cái này là dự thảo lần 1. Có vấn đề gì không?

Trân Văn: Dạ! Thưa ông là khi đưa ra dự thảo, Sở của ông có tham khảo Luật Báo chí ban hành năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật báo chí được ban hành năm 1999 không ạ?

Ông Nguyễn Minh Thông: Thôi bây giờ vấn đề này thì sau này tụi tôi sẽ trao đổi trong bữa thứ hai. Thứ hai tới này họp và gửi thơ mời hết các cơ quan đại diện họp, trao đổi hết các vấn đề chung quanh vấn đề này.

Trân Văn: Do Sở của ông là Sở quản lý chuyên ngành trên địa bàn cho nên chúng tôi muốn hỏi là việc soạn thảo một dự thảo để lấy ý kiến…

Ông Nguyễn Minh Thông: Thôi bây giờ là việc đó tôi, tôi… Xin lỗi ông nghe. Cái này là tụi tôi đã gửi hết cho tất cả các Văn phòng đại diện, cho nên là thứ hai tụi tôi mới mời họ lại để góp ý. Tụi tôi gửi qua đường mail để họ góp ý rồi tập họp lại hết và trao đổi với nhau tất cả mọi vấn đề: cái nào cần, cái nào không. Tinh thần tụi tôi là dự thảo phải thật là thoáng, ngắn gọn lại thôi. Thứ hai sẽ trả lời tất cả cho rõ ràng. Sáng thứ hai tuần tới nè…

Còn Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trần Thanh Mẫn? Ông Mẫn có biết dự thảo “Quy chế quản lý báo chí” của thuộc cấp và nghĩ gì về phản ứng của báo giới? Câu hỏi đầu tiên chúng tôi nêu ra là:

Trân Văn: Thưa ông, tôi được biết là Cần Thơ vừa có một dự thảo về việc quản lý Văn phòng đại điện của các cơ quan báo chí trên địa bàn. Không biết ông có biết không ạ?

Ông Trần Thanh Mẫn: Biết! Cái này đang trong thời gian dự thảo.

Trân Văn: Dạ! Thưa ông, ông đã xem qua dự thảo này chưa ạ?

Ông Trần Thanh Mẫn: Không! Cái này là cơ quan truyền thông, thông tin dự thảo, chưa trình lên cấp trên.

Trân Văn: Dạ! Ở vị trí Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ông có xem phản hồi trở lại từ các cơ quan báo chí Việt Nam không ông?

Ông Trần Thanh Mẫn: Không! Cái này thì… hiện nay mới đưa ra chưa nhận được sự phản hồi.

Lạm quyền

Đây không phải là lần đầu tiên thành phố Cần Thơ muốn nắm chặt hệ thống văn phòng đại diện của các cơ quan truyền thông đóng tại đây. Sau khi đọc bài viết phân tích những yếu tố trái với qui định hiện hành về báo chí, trên website của tờ Pháp Luật TP.HCM, một độc giả tên Bùi Hữu Minh, góp thêm trong mục phản hồi: Sở Thông tin - Truyền thông thành phố Cần Thơ đã từng phải xin lỗi văn phòng đại diện các báo vì yêu cầu họ phải tổng kết số liệu tin bài đã phản ánh về Cần Thơ.

Tại khoản 17 của điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung Luật báo chí được ban hành năm 1999, Việt Nam xác định, cản trở hoạt động báo chí, vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đến nay, hình như qui định này chưa được áp dụng trong thực tế.

Do vậy, những chuyện tương tự đã từng xảy ra tại nhiều nơi. Chẳng hạn, hồi đầu năm nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh gửi một công văn yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam chấn chỉnh hoạt động của phóng viên thường trú, ngừng đưa tin về vụ xà xẻo tiền Tết của người nghèo! Đến tháng 3, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, ban hành một văn bản để “quản lý hoạt động báo chí trên địa bàn”. Văn bản yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị, tổ chức và cá nhân trong huyện không được cung cấp thông tin cho nhà báo nếu họ không có… giấy giới thiệu của Phòng Văn hóa – Thông tin!

2009-06-06
Trân Văn, phóng viên đài RFA

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 716 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 5
Khách: 5
Thành Viên: 0