Hà Lang
Trong khi hàng triệu
người sinh sống tại nhiều đô thị của Việt Nam chỉ có một ước mơ cháy
bỏng đeo đuổi suốt nhiều năm làm việc mà vẫn không thực hiện được là có
một miếng đất nhỏ để sinh sống. Thì cũng tại chính các đô thị lớn của
Việt Nam, tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức “xí phần” đất rồi bỏ hoang
suốt nhiều năm nay cũng là một hiện tượng lãng phí, một yếu tố gây nên
sự bất bình đẳng trong xã hội.
Cơ quan “xí phần”
Từ hơn 10 năm nay, đi qua khu đất 55 phố Lê Đại Hành,
một trong những con phố trung tâm của Thủ đô, không ít người băn khoăn
mà không biết hỏi ai về việc tại sao khu đất rộng hàng ngàn m2 nằm ngay
mặt phố chính lại bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc đầy? Đây không phải một
trường hợp cá biệt. Giữa lòng thành phố “tấc đất tấc vàng” (hiểu được
cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng), người ta dễ dàng “điểm mặt” nhiều khu
đất, nhà bỏ hoang khác như gần 50 ngàn m2 đất mặt đường Hồng Hà. Hay
khu đất rộng hơn 2000m2 nằm giữa khu tập thể Nam Đồng gần 20 năm nay…
chỉ để làm nơi cho các con nghiện… tụ tập hút chích. “Người ăn không
hết, kẻ lần không ra” - Đất bỏ hoang trong khi người dân phường Nam
Đồng không có nơi sinh hoạt công cộng. Chính quyền khu vực này không
dám chấp nhận yêu cầu của người dân khu vực quanh đây xin được mượn khu
đất hoang làm nơi sinh hoạt chung vì lý do: một cơ quan nhà nước đang
là chủ quản lý khu đất này.
Giữa năm 2007, trong một phiên giải trình trước Hội
đồng nhân dân Thành phố Hà Nội, Phó chủ tịch Thành phố, ông Phí Thái
Bình đã công bố một con số khiến người dân không khỏi xót xa: Hà Nội có
hơn 500 địa điểm nhà, đất với tổng diện tích khoảng 2,2 triệu m2, do
các cơ quan nhà nước quản lý nhưng không “ngó ngàng” gì mà để bỏ hoang.
Đặt vấn đề nếu diện tích này không bị bỏ hoang mà dùng để xây nhà, tính
trung bình nếu mỗi một căn hộ chiếm diện tích khoảng 50m2 và là nơi
sinh sống của 4 người, người ta có thể xây được hơn 400 ngàn căn hộ,
giải quyết khát vọng nhà ở cho khoảng 1,7 triệu dân.
Gần 2 năm sau đó, tình trạng này vẫn không biến
chuyển. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố
vào cuối tháng 03/2009, qua khảo sát hơn 2200 địa điểm nhà đất công do
các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý trên địa bàn
Hà Nội, đã phát hiện 3,6 triệu m2 đất bị sử dụng sai mục đích, bỏ
hoang.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những đô thị
“đất chật người đông” nhất Việt Nam, tình trạng này cũng tương tự. Theo
bản thống kê nêu trên, trong tổng số 20 triệu m2 nhà, đất công đang
giao cho các cơ quan nhà nước quản lý và sử dụng, cũng có tới... 2
triệu mét vuông đất bị hoang hóa.
Mục đích vì sao nhiều cơ quan nhà nước “xí phần” đất?
Có thể là “ôm” đất rồi cho thuê kiếm tiền như trường hợp một đơn vị
quân đội trên đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho các quán
nhậu thuê mặt bằng hàng vạn m2. Cũng có thể là cố tình để đất hoang,
rồi chuyển nhượng trái phép, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Quan chức ăn đất rồi bỏ hoang, chờ cơ hội sang tay
Nhiều năm nữa, người dân Hải Phòng có thể cũng chưa
thể quên vụ việc các quan ăn đất ở thị xã Đồ Sơn (nay là quận Đồ Sơn,
thành phố Hải Phòng) bị kết án vì đã “xí phần” hàng trăm lô đất ở vào
vị trí đẹp nhất phố biển Đồ Sơn. Thế nhưng đến nay, sau hơn 6 năm kể từ
ngày vụ việc bị phanh phui, hơn 2 năm kể từ ngày phán quyết của Tòa án
có hiệu lực pháp lý, những lô đất nằm trong khu dân cư Vụng Hương,
phường Vạn Hương đó vẫn chỉ là nơi để cỏ dại mọc đầy.
Cũng tại Hải Phòng, một vụ tham nhũng đất đai “tai
tiếng” khác là vụQuán Nam. Từ một vùng đất nông nghiệp không có nhiều
giá trị trồng trọt nằm ven ngoại thành, đến đầu những năm 2000 vùng đất
này được thành phố quy hoạch trở thành một khu dân cư thuộc nội thành
hội tụ nhiều lợi thế địa lý. Thế nhưng điều tra quá trình cấp đất, cơ
quan điều tra phát hiện, trong số gần 1000 lô đất tại khu dân cư này,
có tới 4/5 trường hợp là được cấp sai đối tượng, sai quy trình. Trong
quá trình điều tra xét xử vụ án, nhiều người đã tự nguyện trả lại đất,
nhiều lô đất thì không xác định được chủ sở hữu là ai vì địa chỉ trong
“sổ đỏ” là địa chỉ không có thật… Thế nên khu Quán Nam sau gần 10 năm
thành hình, vẫn chưa đạt được mục đích là khu dân cư tập trung sầm uất,
mà vẫn chỉ là một khu vực xây dựng lốm đốm như da báo: xen kẽ giữa
những căn nhà ống là những lô đất trống toang hoác. Cho đến nay, Hải
Phòng vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết với những lô đất được cấp sai
đối tượng này.
Lợi dụng thời điểm “nhá nhem” để ôm đất chờ đền bù
Từ khoảng giữa năm 2008, sau khi tỉnh Hà Tây và một
phần diện tích của Vĩnh Phúc, Hòa Bình sáp nhập về Thủ đô, người ta
nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường tại một số địa phương mới thành
đất Thủ đô: nhiều dự án bất ngờ được cấp phép trong thời điểm giao thời
nhập nhèm này. Số dự án này không tuân thủ các quy trình pháp luật, thu
hồi đất nông nghiệp của người dân một cách vô tội vạ, phá vỡ định hướng
quy hoạch của Thủ đô mở rộng… Không chỉ gây khó khăn cho chính quyền
mới, những dự án “ma” này còn khiến một diện tích lớn tài nguyên đất
đai bị bỏ hoang lãng phí, trong khi người nông dân mất đất, cũng có
nghĩa là mất nguồn sống từ bao đời nay của họ.
Từ Hà Nội, muốn đến vùng 4 xã của huyện Lương Sơn
(tỉnh Hòa Bình) – nay đã sáp nhập về Thủ đô, từ Quốc lộ 6 phải rẽ vào
con đường 15 cây số men theo những sườn đồi núi. Suốt dọc con đường,
chỉ thấy hun hút ruộng lúa, rừng núi và trâu bò thong dong băng ngang
đường. Thế nhưng trên giấy tờ, đây là một trong những khu vực có tốc độ
đô thị hóa nhanh vào dạng kỷ lục của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ
vào tháng 09/2008 về việc kiểm tra, rà soát quá trình quy hoạch, thu
hồi đất, giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình trên địa bàn 4 xã thuộc huyện
Lương Sơn trước khi hợp nhất vào Hà Nội: đến cuối tháng 07/2008 (trước
thời điểm 4 xã hợp nhất vào Hà Nội), trên địa bàn 4 xã vốn thuần nông
này đã có tới 54 đồ án quy hoạch chi tiết. Trong đó, 19 đồ án được phê
duyệt trong các ngày cuối tháng 02/2008 và 5 đồ án được phê duyệt cuối
tháng 06, 07/2008. Có những dự án được cấp phép với tốc độ nhanh kỷ
lục: chỉ trong 1 ngày 29/02/2008, tỉnh này đã ra đến 5 văn bản để hiện
thực hóa dự án xây dựng khu biệt thự nhà vườn xóm Dân Lập, thu hồi hàng
vạn m2 đất nông nghiệp của người dân.
Từ thực tế này, Bộ Xây dựng nhận định công tác thẩm
định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng của các cơ quan chức năng
tỉnh Hòa Bình là quá vội vã, không bảo đảm tính khách quan, thiếu công
khai thông tin đến mọi người dân trong khu vực lập quy hoạch.
Một điểm bất hợp lý khác mà Bộ Xây dựng chỉ ra là:
với 54 dự án, đây là một khối lượng dự án rất lớn, bất hợp lý trên địa
bàn không rộng và có điều kiện địa hình, hiện trạng hạ tầng cơ sở còn
khó khăn như 4 xã phía Bắc huyện Lương Sơn.
Từ những bất hợp lý này, báo cáo của Bộ Xây dựng đánh
giá: có thể từ khi có thông tin mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà
Nội, trên địa bàn 4 xã này đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư tranh
thủ lập đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, đăng ký đầu tư ồ ạt tại khu vực
sẽ trở thành đất của Thủ đô.
Phần thông tin thêm : Đất khu công nghiệp cũng bỏ hoang
Tình trạng sử dụng đất ở các khu kinh tế, khu chế
xuất, khu công nghiệp và các khu công nghệ cao hiện cũng trong tình
trạng bị lãng phí. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu địa chính, tính
đến thời điểm cuối năm 2007, trong số 550 cụm công nghiệp, khu công
nghiệp, chỉ có 332 khu/cụm đang hoạt động, 112 khu/cụm đang trong giai
đoạn xây dựng, hơn 100 khu/cụm đã thu hồi đất nhưng chưa triển khai.Tỉ
lệ đất công nghiệp có thể cho thuê trong các khu/cụm công nghiệp chỉ
đạt chưa đầy 50% tổng diện tích.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số
185 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất gần 45 ngàn
ha, đến thời điểm cuối năm 2008, mới chỉ có 110 khu đã đi vào hoạt
động. Theo đánh giá của Bộ này, tiến độ triển khai chậm chạp của các
khu công nghiệp đã kéo theo việc sử dụng quỹ đất tại những nơi này lãng
phí, kém hiệu quả.
Tại kỳ họp thứ 9 QH khoá XI, Đại biểu Quốc hội Nguyễn
Kim Khanh (tỉnh Bình Phước) đã phát biểu: "Rất nhiều vùng bờ xôi, ruộng
mật hàng năm có thể sản xuất hàng trăm triệu đồng/ha như làng lúa, làng
hoa, làng đào nhưng khi được thu hồi xong thì xây tường cho cao để giữ
cỏ hoang. Nhiều doanh nghiệp xí chỗ, nhận phần chứ không sản xuất như
dự án đã xin đất. Nhiều chỗ bỏ hoang hoặc cho thuê làm dịch vụ không
đúng mục đích sử dụng".
trong Chỉ thị số 26, Thủ tướng đã nêu rõ: "Các đồ án
quy hoạch, các dự án liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc
địa giới Hà Nội mở rộng được lập từ trước ngày chỉ thị này có hiệu lực
nhưng chưa được phê duyệt thì tạm dừng lại"; "Các đồ án quy hoạch, các
dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố
trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng được lập từ sau
ngày chỉ thị này có hiệu lực, khi xem xét phê duyệt phải được sự thỏa
thuận của Bộ Xây dựng để đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch của
Thủ đô Hà Nội mở rộng".
Đã gần 1 năm từ ngày 4 xã miền sơn cước trở thành Thủ
đô, chính quyền đã có quyết định tạm dừng thực hiện các dự án để chờ
hướng xử lý, hàng chục vạn m2 đất nông nghiệp đã thu hồi của nông dân
cũng để cho cỏ dại mọc hoang từ đó đến nay. Người nông dân vốn cả đời
quen với việc nhà nông, giờ không có việc gì làm dành ngồi nhìn nhau,
nhìn những ruộng lúa của mình trước đây xanh rờn, nay thành những bãi
đất đỏ mới san lấp đỏ lem nhem. Và thở dài lo lắng: “Ngày mai khi tiêu
hết số tiền đền bù, rồi biết sống bằng gì?”.
Hậu quả của tình trạng đất bị thu hồi tràn lan rồi bỏ
hoang, đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Khanh cảnh báo: "Ở nhiều
vùng, sau khi bị thu hồi đất thì bình quân đầu người chỉ còn trên 100m2
đất canh tác, ngoài việc làm ruộng không có nghề phụ. Làng không còn là
làng, phố cũng chưa ra phố mà thu nhập chỉ 250.000đ/người/tháng. Thiếu
việc làm ắt dẫn đến nghèo đói và theo đó là các tệ nạn xã hội phát
triển, tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp năm sau nhiều hơn năm
trước”.
Hà Lang
|