Trung Điền
Tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận tổ quốc, một đoàn thể
ngoại vi của đảng Cộng sản Việt Nam có chức năng tổ chức và kiểm soát
mọi sinh hoạt quần chúng, đã có một bài phỏng vấn
ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng kế hoạch và hiện nay là chủ tịch ngân
hàng Á Châu, một ngân hàng tư nhân tại Sài Gòn. Trong bài phỏng vấn
này, ông Trần Xuân Giá đã có nêu lên một số điều như sau:
- Mặt trận tổ quốc nên giữ thêm vai trò mà ông Giá gọi là “phản biện xã
hội” tức là nơi giúp tổng hợp ý kiến của người dân để kiến nghị lên
quốc hội hay chính phủ và các cơ quan hành chánh.
- Muốn phát triển bền vững phải thúc đẩy dân chủ hóa xã hội. Ông Giá
cho rằng “phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh
hết sức quan trọng”.
|
Ông Trần Xuân Giá |
Qua hai điều tóm lược nói trên, ông Trần Xuân Giá - một cán bộ cao cấp
của Việt cộng - muốn nói đến mối quan hệ: Mặt trận tổ quốc trong việc
thúc đẩy vấn đề dân chủ hóa tại Việt Nam. Tuy ông Giá không nói rõ cho
người ta hiểu dân chủ hóa theo cách nào; nhưng ta có thể đoán rằng ông
Giá muốn dùng Mặt trận tổ quốc như là nơi tổng hợp các ý kiến, các quan
điểm, các phê phán của người dân về các chính sách của chế độ. Nghĩa là
ông Giá muốn Mặt trận tổ quốc làm nơi biểu hiện một cách tích cực hơn
các quan tâm hay bất mãn của người dân đối với các vấn đề xã hội.
Dường như ông Trần Xuân Giá ngủ mơ nên mới đưa ra hai đề nghị khá trái mùa.
Thứ nhất, Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn để cho Mặt trận tổ quốc đóng
vai trò “phản biện xã hội’ bằng cách mỗi kỳ họp Quốc hội hay họp chính
phủ thường kỳ, ông Huỳnh Đảm, chủ tịch Mặt trận tổ quốc đều có các bản
phản biện xã hội gửi quốc hội hay chính phủ, bằng cách tóm lược ý kiến
của người dân về chuyện này, chuyện kia. Đa số những phản biện này đều
nêu rõ là tán đồng cách giải quyết của chính phủ hay của quốc hội. Hầu
như không có ý kiến nào công kích hay phản bác lại.
Thứ hai, phản biện xã hội mà ông Trần Xuân Giá đề nghị chỉ là cách làm
cũ, trong đó Mặt trận tổ quốc luôn luôn là cái lọc những ý kiến khác
với chế độ và loại bỏ trước khi gửi đến cấp lãnh đạo trong quốc hội hay
trong chính phủ. Vì dùng cái lọc Mặt trận tổ quốc nên các phản biện xã
hội đều không thật.
Thứ ba, Mặt trận tổ quốc là công cụ tay sai của đảng Cộng sản Việt Nam
có nhiệm vụ khống chế người dân phải sống và làm việc theo khuôn phép
của chế độ; vì thế mà việc dùng Mặt trận tổ quốc để làm nơi “phản biện
xã hội’ là chọn trật nơi.
Muốn có phản biện xã hội đúng nghĩa, Cộng sản Việt Nam - tối thiểu -
phải thực thi ba điều căn bản: 1/ Chấp nhận quyền tự do ngôn luận để
cho người dân có quyền tự do nêu ý kiến của mình về những gì không hài
lòng; 2/ Không cần bất cứ cơ chế nào làm trung gian vì người dân tự họ
có ý kiến riêng không muốn lệ thuộc vào bất cứ ai; 3/ Dân chủ hóa xã
hội không chỉ là người dân được lên tiếng phản bác những vấn đề không
hài lòng mà còn là một cải tổ chính trị sâu rộng để ngăn chận cửa quyền
và chống tham nhũng.
Ông Triệu Tử Dương, cựu Tổng bí đảng Cộng sản Trung Quốc bị thất sủng
qua biến cố Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đã nói rằng, cải cách
kinh tế mà không có cải cách chính trị là chỉ nuôi tham nhũng mà thôi.
Do đó mà từ năm 1987 đến năm 1989, trong vai trò Tổng Bí Thư, ông Triệu
Tử Dương đã cho rằng phải dân chủ hóa xã hội thì mới tiêu diệt tham
nhũng và lành mạnh hóa xã hội được. Bởi vì theo ông Trệu Tử Dương, nếu
không có dân chủ, những cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước sẽ cấu kết
vơ vét tài nguyên quốc gia mà không một thế lực nào hay cơ chế nào có
thể ngăn cản. Chính chủ trương dân chủ hóa xã hội mới tiêu diệt được
tham nhũng. Nhưng chủ trương của ông Triệu Tử Dương đã gây nguy hại đến
quyền lợi của nhiều cán bộ cao cấp ở trong đảng vào lúc đó, nên ông đã
bị Đặng Tiểu Bình và nhóm giáo điều cách chức Tổng bí thư, đồng thời
nhóm giáo điều đã sử dụng quân đội đàn áp sinh viên, tạo ra thảm kịch
Thiên An Môn với hơn 3 ngàn người bị giết chết vào rạng sáng ngày 4
tháng 6 năm 1989, cách nay đúng 20 năm.
Dân chủ là một nhu cầu quan trọng để giúp cho những ý kiến, quan điểm
của người dân được biểu lộ công khai trên các diễn đàn. Khi người dân
có ý kiến và những ý kiến đó - nếu có nhiều sự đồng tình của những
người dân khác - sẽ tạo ra một sự chú ý lớn trong xã hội và đó chính là
phản biện xã hội mà không chờ phải có cơ quan này, tổ chức kia tổng hợp
báo cáo hay kiến nghị cho ai. Nếu ông Trần Xuân Giá và Cộng sản Việt
Nam muốn có những phản biện xã hội đúng nghĩa thì phải: 1/ Xóa bỏ bức
tường lửa đang ngăn chận mạng thông tin Internet toàn cầu; 2/ Để cho
các trang web, các Blogger tự do bày tỏ ý kiến và suy nghĩ về những
biến cố trong xã hội; 3/ Để các ký giả của các tờ báo được tự do viết
và loan tải những sự thật về tham nhũng, về những vụ cướp đất của dân…
Còn nếu vẫn phải nhờ quan Mặt trận tổ quốc hay kiểm soát truyền thông
gắt gao thì không bao giờ có phản biện xã hội và dân chủ hóa chỉ là
bánh vẽ mà thôi.
Trung Điền
Ngày 4 Tháng 6 năm 2009
Tiến sĩ Trần Xuân Giá – Nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư đã trao
đổi với Đại đoàn kết về những vấn đề thời sự nóng bỏng có ảnh hưởng đến
nền kinh tế, đến đời sống nhân dân và vai trò của phản biện, giám sát
trong sự phát triển của đất nước. Ông hiện đang là Chủ tịch Hội đồng
quản trị Ngân Hàng ACB, vị trí mà hàng ngày ông có điều kiện cập nhật
những tin tức mới nhất và cũng là nhạy cảm nhất với nền kinh tế - ngân
hàng.
Vai trò giám sát phản biện của Mặt trận tổ quốc: Cần khắc phục tình trạng “vừa thái quá - vừa bất cập”
Để
đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ. Phát
huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan
trọng. Phản biện là đánh giá, biểu dương, ngăn ngừa những điều không
tốt, không hay diễn ra. Nhưng, phản biện chỉ để đưa ra kết luận đúng -
sai thôi chưa đủ... Thực sự phản biện và cơ quan phản biện cần những
nhà chuyên môn, chứ không cần người nói suông, nói theo cảm tính, cảm
giác. Vai trò của mặt trận là giúp Quốc hội tập hợp các ý kiến kiến
nghị lên Quốc hội, lên Chính phủ và các cơ quan hành pháp. Sau khi các
ý kiến được gửi tới các cơ quan hữu trách phải bám theo nó, truy cho
tới cùng xem nó đi về đâu, nó được giải quyết thế nào. Điều này đòi hỏi
người làm công tác mặt trận phải có tâm để “ không quên” những kiến
nghị của người dân. Yêu cầu các tổ chức, các cơ quan và cá nhân có liên
quan phải trả lời: Làm có kết quả không? Không thể để xảy ra tình trạng
“đánh trống bỏ dùi”. MTTQ nên chuẩn bị cho mình một đội ngũ chuyên
gia có trình độ, có chuyên môn và có tâm để có thể theo đến cùng những
nội dung kiến nghị lên Quốc hội, lên Chính phủ. Hoạt động giám sát
và phản biện không thể mang tính hình thức, lời nói gió bay mà phải
thực chất, có định hướng rõ ràng của MTTQ. Mặt trận phải có định hướng
cho các hoạt động của mình và phải chú trọng đến tính hiệu quả của phản
biện, có tư duy trong phản biện - Đó là những ý kiến tâm huyết của ông
Trần Xuân Giá về vai trò phản biện xã hội của MTTQ. Hồng Sâm (ghi)
|