Liệu Việt Nam có thể
xảy ra một "Thiên An Môn" không? Và nếu xảy ra thì có "xe tăng Thiên An
Môn" hay không? Đây là những câu hỏi có lẽ không thực tế đối với tình
hình trước mắt, tuy vậy, cũng vẫn là những câu hỏi cần được xem xét như
những khả năng mà người có suy nghĩ ở tầm vĩ mô phải tính tới.
1. Có thể xảy ra một vụ đấu tranh của giới trí thức và quần chúng với nhà cầm quyền như từng xảy ra ở Thiên An Môn?
Câu trả lời sẽ là không, nếu nhà cầm quyền biết tỉnh táo nghe theo lẽ phải; song cũng sẽ là có, và sẽ có trong một ngày không xa, nếu ngược lại, nhà cầm quyền cứ hành xử theo kiểu khôn nhà dại chợ,
nhu nhược về đối ngoại, độc đoán và mù quáng về chính trị, sai lầm về
phương pháp, thiếu minh bạch và phản lợi ích dân tộc như vụ bô-xít Tây
Nguyên.
Bất đồng giữa nhà cầm quyền và nhân dân, chế độ nào cũng có, vợ chồng ai chẳng không một lần mặt nặng mày nề.
Thế nhưng, trong những xã hội biết lắng nghe tiếng vọng của người dân,
sẽ không bao giờ có xung đột lớn, ngoài các cuộc biểu tình phản đối một
vài vấn đề, một vài yêu cầu mà dân chúng không được thỏa mãn xảy ra
trong đời sống hằng ngày. Tóm lại, đó là hiện tượng bình thường trong
xã hội văn minh, một xã hội lấy dân làm gốc.
Nhưng
"Thiên An Môn" là một xung đột thật sự, một xung đột lớn, là đỉnh điểm
của sự dồn nén, là hệ quả của khát vọng đòi quyền có tiếng nói, quyền
được tham gia định đoạt số phận của chính bản thân mình.
Ở Việt
Nam, không sớm thì muộn, rồi cũng xảy ra, nếu nhà cầm quyền cứ liên
tiếp có những hành xử mất lòng dân như các vụ biên giới phía Bắc, biển
Đông, các phiên tòa xử nhà báo Nguyễn Việt Chiến, tướng Quắc, blog Điếu
cày,… và gần đây nhất là vụ bô-xít Tây Nguyên.
2. Khi "Thiên An Môn Việt Nam" xảy ra, có "xe tăng Thiên An Môn"?
Câu trả lời là không.
Vì sao?
- Vì
Việt Nam sẽ bị quốc tế cấm vận, một cuộc cấm vận không cần đến Hội đồng
Bảo an (vì Trung Quốc sẽ phủ quyết) nhưng cũng đủ đưa nhà cầm quyền
Việt Nam vào thế cô lập như chúng ta đã từng bị trước đây. Việt Nam với
83 triệu dân, không thể sánh với Trung Quốc 1,3 tỉ dân để các tập đoàn
kinh tế Âu Mỹ Nhật vì lợi ích của của mình, gây áp lực buộc Chính phủ
của họ phải nhanh nhanh bãi bỏ cấm vận Trung Quốc. Không bán được cho
1,3 tỉ người và không bán được cho 83 triệu người, khác nhau rất xa.
Tóm lại, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không bao giờ dám làm gì để xảy ra
một cuộc cấm vận mang tầm vóc quốc tế.
- Vì
con người Việt Nam vốn nhân bản; người lính con dân Việt rất cứng rắn
và quật cường với kẻ thù ngoại bang, nhưng với anh em, người lính sẽ
buông súng mà khóc, khi nhận lệnh từ ai đó bắn vào nhân dân.
- Vì trí thức ôn hòa người Việt ở hải ngoại rất đông, tiếng nói của họ rất có uy tín với các tổ chức quốc tế về quyền con người.
Thế nên, sẽ không bao giờ có "xe tăng Thiên An Môn" ở Việt Nam.
Nhưng
nếu nhà cầm quyền bất chấp trí thức, bất chấp nhân dân, bất chấp quốc
tế, chỉ... chấp vào Trung Quốc mà thôi, thì sao? Khi đó sẽ là bi kịch,
và hơn cả bi kịch, khi nhà cầm quyền Việt Nam trong bước đường cùng,
trở thành chính quyền Chí Phèo Triều Tiên, một chính quyền sống nham nhở, sống thoi thóp với bình ôxi Trung Quốc.
Nhưng
rồi xin thưa, không thể có và cũng không bao giờ có một chính quyền
kiểu Triều Tiên tồn tại lâu dài ở Việt Nam. Bởi lẽ người Việt Nam nhận
ra rất nhanh nam nữ là bình quyền, Hàm Nghi là yêu nước, Bảo Đại là bù
nhìn, Pháp là thực dân, Mỹ là đế quốc, Trung Quốc là bành trướng, vân
vân và vân vân. Và vẫn luôn luôn có Đề Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh, Nguyễn Ái Quốc trong lòng chế độ thực dân Pháp. Vẫn có Thích
Quảng Đức trong lòng chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Vẫn có lực lượng thứ
ba trong lòng chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Và vẫn có "Nhân văn giai phẩm"
trong lòng chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Môi hở răng lạnh, liền núi liền sông, 16 chữ vàng.
Không có đâu! Đó là ngôn từ không có thật trong từ điển quan hệ
Việt-Trung, đó chỉ có thể là ngôn từ của ma quỷ. Mà đã là ma quỷ thì
nên... "kính nhi viễn chi".
Mười sáu chữ vàng ư? Một trăm sáu mươi chữ vàng cũng vậy thôi.
Có mà vàng 83 triệu cặp mắt!
Phan Viết Ngàng, viết từ TP HCM
Nguồn: bauxitevietnam