Thứ Ba, 2024-11-05, 8:54 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 8 » Công lý và Hòa bình phải được thực thi
9:35 PM
Công lý và Hòa bình phải được thực thi



Tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh. Suốt những năm thơ ấu của tôi là thời gian bao cấp, thiếu thốn và đói khổ. Có những lúc ngoại kể cho tôi nghe những câu chuyện trong lịch sử, những câu chuyện đã trải qua và in hằn dấu như những vết nhăn trên gương mặt của bà.

Bà kể rằng năm 1954 hàng chục vạn người, đa số là người Công giáo, rời khỏi miền Bắc theo chương trình Passage to Freedom (con đường đến Tự Do) với mục đích chạy trốn Cộng sản lên “tàu há mồm” di cư vào Nam, mặc dù người ta đồn đãi rằng người Pháp dụ dân vào Nam rồi trói vào gốc cao su làm phân bón, nhưng cũng không ngăn được dòng người trốn chạy Cộng sản lên tàu với một quyết tâm tìm thế giới mới tự do hơn.

Những người di cư vào miền Nam, đặc biệt những người Công giáo đã bị đàn áp tôn giáo dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều người thật sự ra đi vì lí do kinh tế và chính trị: họ là những người làm việc cho Pháp, hay giới tư sản không có cảm tình với chính phủ Cộng sản. Một số người là nạn nhân của cải cách ruộng đất tại miền Bắc, bị lấy mất tài sản nên phải bỏ ra đi.

Những ngày đầu vào Nam, cuộc sống khai khẩn cũng mang nhiều khốn khó, bà tôi nhớ cha mẹ, nhớ nhà… nên bà khóc suốt. Những người vào miền Nam sau này kể lại cho bà nghe tin tức về cha mẹ của bà ở ngoài đó, ngay sau khi bà vào nam, ngày nào mẹ bà cũng khóc, ngày nào cũng ra sông cái ngóng tin con, còn bố bà lâm bệnh mà thác, rồi chiến dịch đấu tố điền chủ tạo ra làn sóng cao trào ngoài miền Bắc, nhà bà tôi trước đây cũng có nhiều

đất đai, ruộng vườn cho mướn trồng cây thuốc lào, cũng bị liệt vào dạng điền chủ, mẹ bà bị chính quyền bắt ra cổng làng quỳ gối cùng với những điền chủ khác để cho mọi người đi qua xỉ vả. Cuối cùng bà cụ bị bỏ đói trong chính góc bếp nhà bà, chết rồi cũng chẳng được mang chôn, đến khi người quen phát hiện thì kiến đã ăn mất hai con mắt... Bà nhớ lại trước lúc khăn gói lên đường vào miền Nam, bà còn làm bộ sang nhà ông bà cụ mượn cái thúng để được nhìn mặt cha mẹ lần cuối, trong tâm trí bà lúc nào cũng thấp thoáng một hình bóng một làng quê thân yêu như một nỗi niềm khắc khoải.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cuộc sống cũng dần ổn định, thời thế đổi thay, ông bà ngoại tôi sinh được 3 người con, được ông bà cho đi học trường dòng, cả ông và bà đều đi làm công sở cho Mỹ, kinh tế gia đình cũng gọi là kha khá. Nhưng nỗi đau khi nhận được tin báo những người thân đi lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận liên tiếp gửi về, nỗi đau mất chồng, mất con, mất anh, mất em cứ như bóng ma che phủ trên khắp làng, khắp xóm. Hầu như nhà nào cũng có người tử trận, những dải khăn tang vẫn phất phới trong gió vào mỗi ngày lễ Chúa Nhật.

Ngày đó, những người có học thức sống ở miền Nam nhận xét: dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đi theo chủ nghĩa Cần lao Nhân vị. Trong khoảng 5 năm, Việt Nam Cộng Hòa đã có một số thành tựu: xã hội ổn định, kinh tế phát triển, định cư gần 1 triệu dân di cư từ miền bắc, thành lập Viện Đại học Huế...

… sau khi thất thủ Ban Mê Thuột, trước sự tấn công của Quân Giải phóng, cộng thêm các sai lầm chiến lược, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã nhanh chóng tan rã, mất quyền kiểm soát lãnh thổ. Tổng thống Dương Văn Minh, người được đề cử chức vụ này vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, đã ra lệnh đầu hàng vô điều kiện trước Quân Giải phóng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cũng kể từ đây, đất nước bước sang trang sử mới. Đói khổ, thiếu thốn… lúc đó một số người bất mãn chế độ Cộng sản và bất mãn chính sách “bao cấp” của Cộng sản còn sáng tác ra câu ca rằng: “Đả đảo ông Thiệu, bạc triệu trong tay – Hoan hô bác HCM, mua cây đinh cũng phải xếp hàng”.

Một làn sóng di cư lần thứ 2 dậy lên ở miền Nam, những người trước đây đã một lần trốn chạy cộng sản miền Bắc vào Nam bây giờ lại trốn chạy Cộng sản ra nước ngoài bằng con đường vượt biên. Cuộc di tản tháng 4 năm 1975 được hiểu là hành động rời khỏi Việt Nam theo cách chính thống và có tổ chức. Khi ấy, nhiều đợt rời khỏi Việt Nam của các nhân viên, gia đình các đại sứ quán và công ty nước ngoài được các cơ quan Hoa Kỳ và các nước đồng minh tổ chức. Còn những người vượt biên, họ chính là những người chậm chân trong giai đoạn di tản. Có thể lúc đó họ còn chút hy vọng là những người Cộng sản cũng còn chút lương tâm và sáng suốt không nỡ đối xử với những người dân miền Nam như kẻ thù không đội trời chung và họ sẵn sàng cộng tác với những người Cộng sản để cùng xây dựng một Đất nước Thống Nhất trong Hòa Bình. Họ đã lầm sau bao nhiêu ngày làm tôi mọi cho những người Cộng sản vô lương. Họ đã mất hết tài sản, tự do và cả phẩm giá con người dưới chính sách trả thù tàn bạo của Cộng sản. Họ có thể chịu nghèo khổ để hy vọng vào một tương lai xán lạn. Nhưng tương lai chỉ có tù đầy, thù hận và dối trá. Thế hệ của họ coi như bỏ vì họ đã lỡ tin Cộng sản. Nhưng còn thế hệ con cái họ? Họ không thể chịu được cành con cái họ trở thành con vật thí thân trong xã hội Cộng sản. Xã hội Việt Nam đã lùi lại hơn 30 năm sau cái ngày gọi là ‘giải phóng’. Tương lai họ còn gì đâu ngoài một lối đi duy nhất: Vượt Biên. Nếu may ra thoát được qua bờ Tự Do thì con cái họ còn có hy vọng sống được một cuộc đời đáng sống. Còn không, đời sống ở Việt Nam có khác gì đã chết. Bới vậy Họ đã quyết chí liều mình vượt biên qua Cam-pu-chia, đến Thái Lan hay Vượt Biển qua Mã Lai, Nam Dưong, Phi Luật Tân nơi nào cũng được, miễn là ra khỏi điạ ngục Việt Nam bất chấp sự bắt bớ lùng xét của công an, hiểm nguy của hải tặc, bão tố hãi hùng ngoài biển Đông. Nói chung họ là những người không chịu đựng được chính sách hà khắc của chính quyền Cộng sản. Họ là những người mà trước năm 1975, không bao giờ muốn rời bỏ quê hương. Trớ trêu thay, lịch sử đã đảo lộn, đã thay đổi cuộc đời họ, vượt xa sức họ tưởng tượng, đến mức họ phải quyết định bỏ lại sau lưng tất cả những người và những gì yêu quý, liều mạng sống của mình cũng như chấp nhận mọi nỗi kinh hoàng của một tương lai bất định, để rời khỏi Việt Nam. Có đôi lúc tôi nghe giọng bà tôi kể có pha chút nghẹn ngào xót thương cho những cảnh đời lầm than vất vả đi tìm tự do – công lý trên chính quê hương bé nhỏ của mình.

Khi tôi chưa kịp lớn khôn để có thể cảm nhận hết được những đau thương mà ông bà tôi và những người cùng cảnh ngộ như ông bà tôi đã phải gánh chịu trên suốt con đường trốn chạy Cộng sản thì bà tôi qua đời. Kể từ đó tôi cũng chẳng còn được nghe kể về những câu chuyện lịch sử một thời nữa, vì những người sống trong miền nam ai cũng biết rất rõ Cộng sản sẽ hành xử ra sao với những người bất đồng chính kiến.

Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường tôi đã được giáo dục để hận thù, hận thù những con người đã xây dựng nên mái nhà miền Nam, đã xây dựng nên nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, hận thù Pháp Quốc, Hoa Kỳ… Các thầy cô đã dạy chúng tôi rằng: Ngụy quân – ngụy quyền đã cướp đi biết bao sinh mạng của đồng bào miền Bắc, ngụy quân – ngụy quyền đã gây nên cảnh tang thương trên quê hương này… Trong tâm trí của tôi lúc nào cũng nung nấu một câu hỏi mà cho đến tận bây giờ cũng chẳng tìm được câu trả lời: Ông tôi, bác tôi, chú tôi… đã nằm xuống vì ai? Họ cũng “vị Quốc an Dân” họ cũng “Yêu Quê Hương” họ cũng xung trận vì lý tưởng Hòa Bình… Vậy mà một nghĩa trang dành làm nơi an nghỉ ngàn thu cho họ cũng bị người ta cày xới như đống rác rưởi cần phải loại bỏ!

Các thầy cô dạy chúng tôi rằng: Chúng ta đang sống trong một đất nước Độc lập - Dân chủ - Văn Minh, chúng ta phải đập tan những tư tưởng mê tín dị đoan. Phải xem triết học duy vật là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta xây dựng xã hội chủ nghĩa. Triết học duy tâm không còn chỗ đứng, tôn giáo, thượng đế, thần thánh chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng con người! Con người là một thực thể vật chất, không hề có linh hồn, bóng vía như các tôn giáo thường dùng làm công cụ đe dọa loài người. Cũng có lúc tôi bị ra cột cờ ngoài sân trường quỳ gối giang hai tay hàng giờ vì thắc mắc với ông thầy dạy môn giáo dục công dân rằng: Nếu con người là một thực thể vật chất không có linh hồn thì tại sao cả thầy, cả em và hết thảy mọi người phải cúng kiếng, thắp nhang, hay thăm viếng mộ mả cha mẹ, ông bà, tổ tiên? Nếu con người chỉ là một thực thể vật chất không có linh hồn thì tất cả mọi con người đều ngang bằng như nhau, tại sao phải lập bàn thờ bác Hồ và cũng hoa đèn, nhang khói ở nơi trịnh trọng nhất?

Các thầy cô còn dạy chúng tôi rằng: Người Công giáo theo đạo phương Tây, thờ ông Tây mũi lõ mắt xanh, thờ bà đầm da trắng tóc vàng tức là theo tây. Tôi phản biện theo cách nghĩ ngây ngô rằng điều đó không đúng, vì Công giáo khởi nguồn từ Do Thái, mà Do Thái cũng là châu Á chứ không phải châu Âu, hơn nữa người Công giáo thờ Thiên Chúa - Đấng Tối Cao, Ngài không thuộc sắc tộc nào, không được sinh ra mà cũng tạo thành. Người Việt Nam cũng thờ Thiên Chúa từ rất lâu rồi mà chúng ta không biết đó chứ, chẳng phải trước đây, trước cả khi có Phật giáo, Thiên Chúa giáo… người Việt Nam vẫn dựng những bàn thờ Thiên ở trước cửa nhà hay sao? Mà thờ Thiên tức là thờ Trời, thờ Thiên Chúa đó! Chỉ có thế thôi mà tôi bị ăn một trận đòn nhớ đời.

Mỗi năm học vào gần dịp tổng kết. Chúng tôi phải trải qua một đợt sát hạch khá gắt, những học sinh yếu kém hoặc viết chữ xấu được cho nghỉ học một buổi, còn lại phải đồng phục chỉnh tề nhất mà đến trường, các thầy cô dặn dò phải ngồi học thật nghiêm túc, chọn ra một số học sinh tiêu biểu để phát biểu. Nói chung mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo để… đối phó với đoàn thanh tra! Lúc đó tôi không hiểu “bệnh thành tích” là gì, nhưng cũng bì bõm hiểu được rằng thầy cô cũng có lúc phải dối trá.

Hôm rồi gặp lại mấy anh bạn lúc trước đi sinh hoạt chung trong giáo xứ, lâu ngày mới gặp, rủ nhau vào một quán cà phê khá lãng mạn, ngồi đàm tiếu đủ chuyện rất sôi nổi, đến khi tôi hỏi mấy anh bạn có quan tâm đến vấn đề Bauxite đang gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước? Mấy anh bạn đó nói rằng: Thôi đi ông ơi! Đó không phải là chuyện của mình, dính líu vào rắc rối lắm. Bây giờ chỉ cần lo sao cho ngày đủ 3 bữa, cuộc sống bình ổn, thế là xong!!! Tôi thật sự chưng hửng, vì thời nào cũng thế giới trẻ là trụ cột, là nòng cốt để xây dựng và phát triển đất nước, nếu ý thức hệ của các bạn giới trẻ ngày nay bị xã hội chủ nghĩa bào mòn đến độ vô tâm như vậy thì làm sao đất nước này không suy thoái về mọi mặt?

Tôi vốn là người cẩn trọng, nên tôi cũng chưa tin lắm về nhận xét của mình, tôi bèn hẹn một số người bạn quen biết và làm một cuộc điều tra nho nhỏ. Tôi hỏi các bạn có biết sự kiện Tòa Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà ngoài miền Bắc không? Các bạn trả lời tôi rằng: cũng nghe báo, đài nói qua, nhưng hình như mấy Cha làm sai nên mấy giáo dân dính líu cũng bị đưa ra tòa rồi đó! Tôi hỏi các bạn có biết vụ nhà nước đang tiến hành dự án khai thác Bauxite không? Hầu hết các bạn không quan tâm thậm chí một số bạn không biết Bauxite là gì! Hỏi các bạn có quan tâm đến cuộc họp Quốc hội đang diễn ra không? Một số bạn nói có xem sơ sơ qua bản tin thời sự buổi tối, còn một số bạn hỏi ngược lại tôi quan tâm để làm gì? Thật là “bó tay” với một thế hệ vô tâm, vô hướng đến nỗi không còn từ gì để diễn tả cho đúng.

Tôi đang ở trong một xóm đạo, hầu hết những gia đình sống nơi đây đều là gia đình Công giáo, nhưng mỗi Thánh Lễ sáng – chiều thường nhật chì thấy mấy ông bà cụ và một số bậc trung niên đến nhà thờ. Còn giới trẻ chỉ đến nhà thờ vào đúng một Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Thậm chí có một số bạn trẻ 3, 4 năm rồi chẳng biết Thánh Lễ là gì. Thi thoảng tôi vẫn đứng gần một vài bạn trẻ thường xướng các câu trong Thánh Lễ theo cách cũ, do lâu lâu mới đến nhà thờ nên các bạn chưa quen hoặc chưa biết một vài câu xướng thay đổi trong Thánh Lễ. Vào mỗi tối thứ 7, thay cho việc đến nhà thờ học giáo lý Vào đời (dành cho thanh niên – thiếu nữ) thì các bạn lại ăn mặc bảnh bao để đi xem ca nhạc, đi xem phim, đi mua sắm, đặc biệt là lao đầu vào các quán bar, vũ trường mà hầu hết các bạn thường xuyên đến quán bar, vũ trường thường có khuynh hướng xử dụng “thuốc lắc” (một loại ma túy tổng hợp). Sự tha hóa đạo đức đang làm các bạn trẻ ấy dần đánh mất đi bản thân và nhân cách của mình, nếu không có đường hướng giáo dục đúng đắn, chắc chắn sự tha hóa đạo đức ấy sẽ trở thành một căn bệnh và lây lan đến một phần lớn giới trẻ, đến lúc đó xã hội bất ổn là điều thiết yếu. Cũng may mắn là hiện nay, bộ phận tha hóa đạo đức của giới trẻ Công giáo chỉ nằm trong thiểu số, còn đa số giới trẻ Công giáo vẫn được mọi người đánh giá là những người có đạo đức. Cách sống, cách cư xử của họ đã thuyết phục được lòng người mà bấy lâu nay trong nhận thức một số người không tôn giáo cho là không tốt, là mê tín và mu muội. Chính giới trẻ Công giáo đã có những đóng góp tích cực vào việc đưa “Tin mừng” đến những nơi chưa có ánh sáng.

Theo cửa sổ thăm dò ý kiến bạn đọc của website giaoxuthaiha.org với câu hỏi: Bạn nghĩ thế nào về vai trò của tôn giáo? Có tới 1804 (61%) lượt trả lời rằng: Tôn giáo đảm bảo tính ổn định của gia đình và xã hội. 303 (10%) lượt trả lời rằng: Tôn giáo hạn chế tệ nạn xã hội, 431 (14%) lượt trả lời rằng: Tôn giáo định hướng phát triển cho mỗi cá nhân. Và 382 (13%) có những lựa chọn khác (thống kê ngày 07.06.2009). Như thế cũng có thể hiểu rằng nếu chúng ta tiếp tục cổ xúy cho tư tưởng vô thần thì chắc chắn một điều rằng chúng ta không thể đảm bảo tính ổn định của gia đình và xã hội được.

Đọc báo chí, xem truyền hình chúng ta không thể không cảm thấy đau lòng khi các vụ phạm tội mỗi ngày mỗi gia tăng, mà hầu hết đối tượng phạm tội là giới trẻ trong độ tuổi từ 16 đến 30. Thậm chí có những đối tượng phạm tội nghiêm trọng khi chưa đủ tuổi vị thành niên. Tệ nạn ma túy, tệ nạn bài bạc, tệ nạn đua xe, tệ nạn cướp bóc, và bây giờ là tệ nạn phá thai đang gia tăng đến mức báo động đỏ.

Sự tha hóa trong lối sống của giới trẻ là do đâu? Trước tiên là môi trường giáo dục và sau đó là môi trường sống thường nhật. Môi trường giáo dục thì khỏi bàn tới, bàn lui chúng ta cũng đã biết thực trạng nó như thế nào rồi, còn môi trường sống thì phải nói là tha hóa từ giới cầm quyền trở xuống. “Suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên có xu hướng gia tăng cả về số lượng và phạm vi. Đại hội VI cảnh báo: …với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền” đến nay tình trạng đó đã và đang diễn ra ngay trong Đảng. Từ chỗ chỉ có một bộ phận thì này đã diễn ra ở một bộ phận không nhỏ, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống làm nảy sinh lãng phí, tham nhũng, nhũng nhiễu dân trước kia chỉ diễn ra ở cán bộ đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thì nay xảy ra trong tất cả các ngành các lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa, thực hiện các chính sách xã hội, tổ chức cán bộ, công tác tham mưu hoạch định chính sác cụ thể… Mức độ này tăng lên nếu trước kia chỉ là “ăn cắp vặt”, “bớt xén” mang tính chất đơn lẻ thì nay diễn ra với nhiều thủ đoạn, có tính tổ chức chặt chẽ, móc nối chằng chịt trên dưới, trong ngoài để trục lợi như: thông đồng, chia chác giữa các bên trong đầu tư xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, mua sắm vật tư, thiết bị, hàng hóa, đấu thầu và chỉ định thầu, phân phối dự án, hoàn thuế giá trị gia tăng, trong cấp phát vốn, nhận lối lộ trong điều tra, truy tố, xét xử; “ra giá” trong việc cung cấp thông tin bí mật và trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ” (Việt báo.vn).

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự tha hóa đạo đức của giới trẻ hiện nay. Thay cho các chuyên mục giáo dục giới tính cách đúng đắn thì họ quảng cáo bao cao su, thuốc ngừa thai. Thay cho các chương trình giới thiệu danh nhân nước Việt đã từng làm cho triều đình Bắc quốc nể phục thì các đài truyền hình đua nhau chiếu các bộ phim Tàu, hòng giới thiệu đến cho con dân nước Việt những danh nhân của một đất nước đã từng đô hộ mình tới 1000 năm. Thay cho việc lên tiếng phản ánh những sự thực diễn ra trong cuộc sống thì nhà đài lại bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt những vấn đề mà Đảng và nhà nước cho là mâu thuẫn.

Có một lần tôi nghe Cha linh hướng của tôi than rằng: “Truyền hình là công cụ giải trí lành mạnh đồng thời cũng là công cụ giáo dục hữu hiệu nhất, nhưng sau những gì xảy ra với Tòa Khâm Sứ, với Đức Tổng Giuse, với DCCT-Giáo xứ Thái Hà thì một sự thật quá hiển hiện là các đài truyển hình tại Việt Nam chỉ giáo dục cho con người ta nói dối một cách trắng trợn”. Tôi nói với Cha rằng: “Ngài thủ tướng Chính phủ còn nuốt lời, còn nói dối chứ huống chi đài truyền hình”. Tôi thấy cha cười, một nụ cười chua xót đến khó tả.

Vậy đó, đất nước Việt Nam đã phải ghánh chịu biết bao đau thương mới có được một ngày độc lập – tự chủ. Những người con của đất mẹ Việt Nam đã phải đổ máu, phải hy sinh nằm xuống để đem lại thanh bình cho quê hương này, chẳng cần biết những con người ấy thuộc phe cánh chính trị nào, nhưng một khi họ đã hy sinh vì mục đích bảo vệ đất nước – con người Việt Nam đều đáng được thế hệ trẻ nhớ ơn họ, đó mới là một tinh thần mang đậm tính nhân văn. Mà nhớ ơn những vị tiền nhân, những anh hùng đất nước không chỉ bằng những lời ca tụng, không phải bằng những tượng đài vô tri vô giác, mà chúng ta phải thể hiện sự ghi ơn ấy bằng hành động thiết thực, bằng sự dũng cảm cá nhân, dám lên tiếng với những hành động gây phương hại đến chủ quyền, an ninh của đất nước, dám đấu tranh chống lại bọn cường quyền, dám xây dựng ghóp ý để đưa đất nước hình chữ S này tiến đến một xã hội trong sạch, một xã hội Độc lập – Tự do – Hạnh phúc đích thực. Dù những hành động ấy chỉ như hạt cát bỏ bể, nhưng nhiều hạt cát ấy góp lại cũng tạo nên một cơn bão làm thay đổi tình hình.

Nói về Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội đã trải qua quá nhiều cuộc bách hại. Qua các thế kỷ, các hiểu lầm đôi khi đã xảy ra giữa Giáo hội Công giáo và cộng đồng dân sự. Nhưng giờ đây phải xác nhận lại rằng người Công giáo Việt Nam là những thành phần chân thành của quốc gia. Người Công giáo đóng góp vào tiến bộ xã hội của đất nước, gắn bó với công ích, không thua gì những công dân khác.

Từ khi Phúc âm được mang đến Việt Nam vào thế kỷ thứ 16, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã trải qua nhiều thử thách. Nhiều lần, Giáo hội đã chịu bách hại vì đức tin vào Chúa Kitô Ðấng Cứu Thế. Ðược ghi dấu bởi sự thánh thiện và tử đạo của biết bao con cái mình, Giáo hội đã trở nên một Giáo hội được tôn vinh vì lòng sốt sắng phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh chị em mình. Hình ảnh anh hùng của 117 vị tử đạo, chứng tá mà những người con nam nữ của đất nước đã làm cho Chúa Kitô, vì tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em mình, (chứng tá đó) đã tạo thành mối giây liên kết đặc biệt giữa cộng đoàn Kitô và toàn thể những người Việt Nam.

Những trường học cùng những điều liên quan đến giáo dục, những bệnh viện cùng những điều liên quan đến y tế, những công trình phúc lợi và đặc biệt là công trình chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh mà chúng ta đang thụ hưởng ngày nay… là những đóng góp không nhỏ của Giáo hội Công giáo dành cho đất nước này. Những đóng góp đó là thực tế, là những điều không thể phủ nhận.

Phó thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Khoan năm 2005 đã từng khẳng định “là bộ phận máu thịt của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đồng bào Công giáo đã có nhiều đóng góp vô giá cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc”. ông Vũ Khoan cũng nêu rõ “trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, vai trò và cống hiến của bà con giáo dân thật lớn lao, góp phần rất đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Thực sự bà con giáo dân đã thể hiện trên thực tế phương châm: "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" (theo báo Thanh Niên 03/2005).

Nhưng tiếc rằng đó chỉ là những câu nói suông, mang nặng tính hình thức. Nếu những điều ông Vũ Khoan từng nói là đúng thì tại sao nhà nước này không dựa vào những đóng góp to lớn nói trên của đồng bào Công giáo mà có chính sách ưu đãi rõ ràng cho Giáo hội Công giáo Việt Nam? Hay đổi lại những công lao to lớn ấy là sự kỳ thị, xem những người Công giáo là công dân loại II?

Hãy để cho lớp trẻ chúng tôi có niềm tin vào những nhà lãnh đạo đất nước Việt Nam hào hùng. Hãy để cho lớp trẻ chúng tôi được giáo dục nhân bản đúng cách, chỉ có như thế mới giúp chúng tôi không sa vào con đường tha hóa đạo đức, tha hóa nhân cách trước một xã hội đầy những điều dối trá và bất công. Hãy để cho lớp trẻ chúng tôi có được một ý thức hệ rõ ràng về những sự thật đã diễn ra trong lịch sử dân tộc. Đừng mãi bắt chúng tôi cứ phải khép mình bên lề phải, và u mê trước những lời dối trá suốt mấy chục năm ròng.

Đã đến lúc những nhà làm giáo dục phải đưa lương tâm của mình lên hàng đầu, để đào tạo ra một thế hệ trẻ có niềm tin, có chí hướng bảo vệ và xây dựng tổ quốc như các bậc tiền nhân nước Việt đã từng làm trong quá khứ. Vì Công lý và Sự Thật lúc nào cũng chiến thắng. Vâng, Công lý và Sự Thật là khát vọng của thế hệ trẻ chúng tôi, những công dân nước Việt, xin các vị lãnh đạo đất nước hãy nhớ cho rằng: “khát vọng của nhân dân không bao giờ có thể đè bẹp bằng xe tăng hay súng đạn”.

Khánh Hoàng

Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 764 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 552
Khách: 552
Thành Viên: 0