Ô Sin
Ðại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường
Lịch sử chắc chắn sẽ lưu lại phương cách đấu tranh bảo vệ chủ quyền
của thứ trưởng Hồ Xuân Sơn khi ông Lê Dũng mô tả sự kiện ông Sơn gặp
đại sứ Trung Quốc sau những hành động gây hấn của họ ở biển Đông là
“giao thiệp”. Tôi không rõ ông Sơn gặp Tôn Quốc Tường trong hoàn cảnh
nào. Nhưng, trong những tình huống tương tự, bộ Ngoại giao chỉ có thể
triệu Tường lên hoặc cho đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh gặp bộ Ngoại giao
họ để trao công hàm phản đối.
Khi một quốc gia ngang ngược, đại diện chính quyền không thể nào
“giao thiệp” với sứ họ trong những tư thế có thể phương hại đến thể
diện quốc gia. Tuy Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc hàng chục lần, nhưng đây
không phải là một cuộc tỷ thí của hai kẻ lục lâm. Đường đường là một
quốc gia, Việt Nam lại đang là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp
quốc.
| | | Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn | Khi đã “có đầy đủ bằng chứng” Trung Quốc cấm đánh cá trong “những
khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông” thì từ ngữ dù là
ngoại giao cũng không thể là “đề nghị”. Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn có trách
nhiệm “yêu cầu” Trung Quốc chấm dứt các hoạt động cản trở công việc làm
ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của
Việt Nam.
Tất nhiên, khi Trung Quốc, ngày 16-05-2009, cho tàu Ngư Chính tới
Hoàng Sa và cuối tháng 5-2009 điều tiếp 08 tàu tuần tra tới biển Đông,
là đã có sự rắp tâm. Cho dù ông Lê Dũng hay Hồ Xuân Sơn sử dụng ngôn từ
đanh thép tới đâu thì các ngư phủ Việt Nam vẫn khó lòng tới những khu
vực nói trên đánh cá. Nhưng, một lời tuyên bố khảng khái từ Chính phủ,
cũng giống như một ngọn đèn xa nơi sóng dữ, có thể giúp cho những ngư
dân gặp nạn ngoài biển lớn không còn cảm giác bị bỏ rơi.
Lẽ ra, ngay từ khi nhận được tin, lúc 3h sáng ngày 19-5, một tàu câu
mực của ngư dân, bị một “tàu lạ” cố ý đâm, hất xuống biển 26 thuyền
viên, Chính phủ phải lập tức điều tra và yêu cầu các quốc gia có tàu bè
đi lại trong khu vực cùng tham gia điều tra; hành động ấy phải được coi
là hải tặc. Lẽ ra, báo chí nước ngoài phải được mời đến vùng biển ấy và
gặp các ngư dân bị nạn ngay. Rồi, khi Trung Quốc thừa nhận hành vi nói
trên là do chính họ gây ra thì đại diện Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc, phải
lập tức đặt công hàm lên bàn Tổng Thư ký Ban Ki Moon.
Thế giới cần được biết, ở thiên niên kỷ thứ III vẫn có
một quốc gia đối xử với con người mọi rợ: cho tàu lớn đâm vào tàu đánh
cá của thường dân rồi để họ phải bám vào can nhựa, trôi dạt nhiều giờ
trong đêm, sẽ chết nếu không được các ngư dân kịp cứu.
Việt Nam là một quốc gia nhỏ, nghèo, dân chúng đã mỏi mệt vì phải
tham gia quá nhiều cuộc chiến. Cho dù vẫn có không ít người sẵn sàng ra
trận để bảo vệ mỗi tấc đất cha ông, bổn phận một chính phủ thương dân
là tránh để cho nhân dân đổ máu. Khi Trung Quốc đưa tàu ra biển, Việt
Nam không nhất thiết cũng phải kéo tàu ra. Nhưng, ở nơi ngư dân của
mình thường đánh cá và bị hành hung mà bơi nhiều giờ không thấy tàu cứu
hộ thì Chính phủ cũng nên nhanh tay khắc phục.
Sự hiện diện trên biển Đông của Việt Nam nên hoàn toàn quang minh
chính trực; để bảo vệ chứ không phải là để tuyên chiến. Không mong manh
để Trung Quốc dễ sát hại như năm 1988 ở đảo Gạc Ma nhưng cũng không
“chạy đua”. Không đối đầu trên biển Đông nhưng cũng không cúi đầu trên
bàn đàm phán.
Với một kẻ sẵn sàng thí cả biển dân như Trung Hoa, chiến tranh cũng
đắt giá mà đấu tranh cũng cần trả giá. Càng nước nhỏ lại càng cần nhiều
bạn bè ủng hộ. Một quốc gia khi tuyên bố về chủ quyền không thể khiến
cho thế giới tin nếu chính họ cũng thiếu tự tin. Phẩm giá một dân tộc
không thể được phát ra bằng những ngôn từ lí nhí. Sẽ không ai nghĩ một
quốc gia là hiếu chiến khi kiên trì đấu tranh pháp lý và đanh thép phản
đối một quốc gia to hơn trước những hành động xâm phạm chủ quyền. Khảng
khái trên mặt trận ngoại giao thường gây thiện cảm nhiều hơn là mua
gươm, sắm súng. Nguồn: Blog Osin
|