Lấy cớ việc khai thác bauxite gồm "nhiều dự án độc lập" với số tiền không lớn, chính phủ Việt Nam tìm cách né tránh yêu cầu để Quốc hội quyết định số phận công trình lớn này ở Tây Nguyên.
Vụ khai thác bauxite gây nhiều tranh cãi đã trở thành đề tài chất vấn chính phủ của các đại biểu Quốc hội hôm 11/06 tại Hà Nội.
Theo báo chí Việt Nam, trong sáu đại biểu đứng lên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thì tới ba người hỏi về bauxite và cả ba đều "không đồng ý" với trả lời của ông bộ trưởng.
Có vẻ như chiến thuật của chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu là "chia nhỏ dự án" ra để vượt qua chỉ trích.
Ông Vũ Huy Hoàng giải thích với các dân biểu Việt Nam rằng việc khai thác bô-xít, chế biến thành nhôm, dự án đường sắt từ Tây Nguyên xuống biển là "các dự án độc lập".
Các lý luận của ông ta là mỗi dự án đều chưa vượt quá số tiền 20 nghìn tỷ đồng Việt Nam nên chưa phải trình Quốc hội.
Ông hứa sau đó, khi quy mô đầu tư của từng dự án quá con số đó thì sẽ phải báo cáo Quốc hội.
Nhưng đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Trừng bác bỏ cách chia này và cho rằng "dự án bô-xít gồm ba giai đoạn với mười hai dự án gắn bó theo hệ thống".
Ông Trừng cũng nhắc rằng đây là dự án quan trọng cả về môi trường, hiệu quả kinh tế và an ninh quốc phòng nên phải trình Quốc hội quyết định.
Những dự án này độc lập, có nghĩa là dự án này không phụ thuộc vào dự án kia...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Mấu chốt của vấn đề là hiện nay dự án bauxite có phải để Quốc hội giám sát hay không.
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, chính Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lại nói như ý của chính phủ, rằng dự án khai thác bauxite Nhân Cơ (Đăk Nông) chưa thuộc diện phải có sự giám sát của Quốc hội.
Ông Trọng cũng giải thích rằng "đã có quy định về quy mô các dự án Quốc hội giám sát".
"Dự án Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu đôla , chưa thuộc dự án phải đặt dưới sự giám sát của Quốc hội."
Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án, công trình quan trọng quốc gia mà Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư phải có tiêu chí là quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên.
Hơn nữa, dự án công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng thuộc diện phải trình.
Sợi chỉ đỏ Trung Quốc
Ngày 11/06 Quốc hội Việt Nam đã bắt đầu phiên chất vấn chính phủ kéo dài hơn hai ngày tập trung vào nhiều chủ đề nhưng tựu trung lại chủ đề nào cũng liên quan đến Trung Quốc.
Theo báo chí trong nước hôm 03/06, cho đến ngày đó, có 171 phiếu chất vấn được gửi cho chính phủ.
Theo VNN, riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được bảy phiếu.
Tuy nhiên, người ra trả lời chất vấn là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nhân vật cao cấp thứ nhì của nội các, chứ không phải ông Dũng.
Cùng ông Hùng còn bảy thành viên khác của chính phủ đương nhiệm, phụ trách hàng loạt vấn đề, từ kinh tế, lao động, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục v.v.
Nhưng điểm nóng vẫn là vụ bauxite.
Không kể các kiến nghị của giới trí thức đã nêu trong nước, các ý kiến bên ngoài cũng đòi xem xét lại dự án này vì vai trò của Trung Quốc.
Trước buổi chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng vào chiều thứ Năm, vào buổi sáng các dân biểu Quốc hội Việt Nam đã bắt đầu với bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Họ đặt câu hỏi về việc quản lý lao động nước ngoài.
Bà Bộ trưởng khẳng định Việt Nam không cấp phép cho lao động phổ thông nước ngoài, nhưng thừa nhận tình trạng lao động nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều con đường như du lịch, thăm thân... và ở lại làm việc là có thực.
Nhưng điều dư luận quan tâm cũng không phải là lao động nước ngoài một cách chung chung mà sự hiện diện của công nhân Trung Quốc ở dự án bauxite Tây Nguyên.
Các nguồn tin từ Lâm Đồng nói có một số vào Việt Nam bằng visa du lịch rồi ở lại.