Thứ Sáu, 2024-04-26, 9:05 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Sáu » 12 » Khiếp nhược Tàu ra mặt
7:50 AM
Khiếp nhược Tàu ra mặt


Phạm Trần

“… Tại sao một nước có chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ mà những người cầm quyền phải khoanh tay, cúi đầu nhục nhã bôi nhọ danh dự của tổ quốc đến thế …”

Trên thế giới ngày nay chưa thấy có Chính phủ nước nào đã vô tâm đứng nhìn người dân của mình bị nước ngoài tấn công, cướp đi miếng cơm manh áo mà không ra tay bảo vệ như đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã khiếp nhược trước các vụ tàu Trung Hoa tấn công ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.

Nhưng chuyện tàu võ trang Trung Hoa nguỵ trang tàu đánh cá tấn công các ngư dân Việt Nam đã có từ lâu, không phải mới có từ khi Bắc Kinh ra thông cáo cấm đánh cá từ ngày 16 tháng Năm tới ngày 1 tháng Tám trong khu vực được gọi là “đặc quyền kinh tế” của Trung Hoa trên Biển Đông.

Vùng “đặc quyền kinh tế” có hình “lưỡi bò” chiếm 75% lãnh hải bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được Trung Hoa công bố từ năm 1947, nhưng không có hành động lấn chiếm nào gây chú ý cho đến ngày 20 tháng 1/1974 khi hải quân Tàu tấn công và chiếm quần đảo Hoàng Sa khi ấy dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Viêt Nam Cộng Hoà.

Chính phủ CSVN ở miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà) không dám lên tiếng phản đối Trung Hoa vì miền Bắc lúc đó đang lệ thuộc vào nguồn viện trợ cả người (cố vấn), lương thực và súng đạn của Bắc Kinh để xâm lăng VNCH.

Cũng có tin nói một số người trong Bộ Chính trị đảng CSVN khi đó, dưới quyền Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng, cho rằng thà để cho “các đồng chí Trung Quốc” chiếm Hoàng Sa còn có lợi hơn để rơi vào tay “Đế quốc Mỹ”!

Nhưng thái độ không dám hé răng của đảng CSVN trước âm mưu bành trướng lãnh thổ của Tàu đã do Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ miền Bắc “hợp thức hoá” đòi hỏi của Tàu trong Công hàm gửi Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, ngày 14 tháng 9 năm 1958.

Phạm Văn Đồng viết: “Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”.

Chính vì hành động chính trị thiếu suy xét tai hại này của Phạm Văn Đồng mà ngày nay Trung Hoa đã tự tung tự tác thao túng Biển Đông không thèm coi chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ra gì.

Vì vậy mà vào trung tuần tháng 5/2009, chính quyền Bắc Kinh đã đưa tàu Ngư Chính (số 44183) lớn nhất của tỉnh Quảng Đông ra tuần tra quần đảo Hoàng Sa, và sau đó đem tàu Ngư Chính khác (số 44061) đến tuần tra vùng biển "Tây Sa" (Trường Sa) để thăm dò tài nguyên dưới đáy biển và kiểm soát việc đánh bắt cá mà Tàu nói là để bảo vệ chủ quyền!

Hành động của Tàu diễn ra sau khi Việt Nam nạp hồ sơ đăng ký chủ quyền thềm lục địa với Liên Hiệp Quốc ngày 7/5/2009. Nhưng ngay sau đó đại diện Trung Hoa tại Liên Hiệp Quốc yêu cầu bác bỏ hồ sơ của Việt Nam. Tàu nói rằng hành động của Việt Nam vi phạm chủ quyền của họ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Dũng nói với phóng viên tại Hà Nội: "Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982". Lê Dũng nói thêm: "Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn".

Những lời phản đối bằng nước bọt của chính quyền Hà Nội không tạo được ảnh hưởng gì với Trung Hoa.

Dó đó liên tục từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6/2009, nhiều thuyền đánh cá của ngư dân Việt đã bị các tàu Trung Hoa đánh chìm hay đuổi bắt quanh khu vực đánh cá vùng Hoàng Sa và Trường Sa.

Phát ngôn viên Tần Cương của Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã ngày 09/06, đã khẳng định Trung Quốc có chủ quyền "không thể chối cãi" đối với các đảo thuộc Nam Hải (Biển Đông), bao gồm cả Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), cùng các vùng biển phụ cận. Tần nói trịch thượng: "Cấm đánh bắt trong mùa hè ở Nam Hải là biện pháp hành chính thông thường và đúng đắn của Trung Quốc, có mục đích bảo tồn nguồn lợi hải dương trong vùng".

Theo tin này, đã có tới 8 tàu tuần tra của Trung Hoa đang hoạt động trong khu vực rộng 128.000 cây số vuông khiến cho ngư dân Việt Nam phải bỏ chạy hay không dám đi đánh cá.

Ngư dân neo thuyền chịu đói

Trong khi đó báo chí trong nước đưa tin: Hàng trăm tàu cá ở các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Đà Nẵng đã neo đậu, ken cứng ven đôi bờ sông Hàn.

Các báo Tuổi Trẻ, Sàigòn Tiếp ThịLao Động kể nhiều chuyện đau lòng của ngư phủ Việt Nam đang sống dở chết dở giữa mùa đánh bắt mà sợ không dám ra khơi.

Ông Nguyễn Văn Hoà, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng - than rằng: "Ngay chính vụ cá mà nhiều tàu chúng tôi buộc phải nằm bờ thế này thì chết mất… Thiệt hại từ việc nằm bờ không chỉ thiếu hụt sản lượng, mà còn tiền vay sắm đồ, trả tiền ăn để giữ bạn tàu, chờ đến ngày ra khơi".

Theo ông Hoà, thực ra tàu cá Việt Nam đã bị tàu nước ngoài đuổi ngay trên vùng biển Việt Nam từ nhiều năm nay. Nhiều tàu cá bị đâm chìm, bị bắt phạt hành chính. Nhưng chúng tôi có tiền đâu mà nộp phạt. Chúng tôi ngậm đắng nuốt cay chấp nhận, bởi nếu không thì bị dẫn độ về nước họ thì tốn kém nhiều hơn. Thường khi bị bắt, họ chỉ cho 1 tàu còn dầu để chúng tôi kèm dắt nhau vào bờ".

Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Hải sản nói tàu Trung Quốc thường xuyên bắt tàu Việt Nam: ''Ngay cả khi các tàu đánh cá Việt Nam không hoạt động trong các vùng biển (bị cấm) này, Trung Quốc vẫn bắt họ và đòi tiền phạt”.

Theo một báo cáo , tính từ 2005 đến quý I/2009, tổng số tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt là 74 chiếc, 714 ngư dân, trong đó 33 chiếc với 373 ngư dân là bị Trung Quốc bắt.

Khi bị Trung Quốc bắt, người thân ngư dân phải nộp tiền chuộc từ 5-7 vạn nhân dân tệ (150-180 triệu đồng) mới đưa được ngư dân về.

Các báo trong nước cũng đưa tin ngày 9/6/2009: “Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị có biện pháp cụ thể để ngư dân yên tâm đánh bắt cá trong vùng biển của VN, đảm bảo đời sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Công văn của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam nêu rõ: việc tạm cấm ngư trường của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khai thác hải sản vì hiện nay đang vào vụ cá Nam (là vụ chiếm tới 60% sản lượng cá khai thác cả năm).

Hiện đã có một số trường hợp ngư dân đang khai thác trong lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam bị tàu thuyền nước ngoài gây cản trở hoặc thu giữ cá, dầu vô lý, gây hoang mang, dẫn đến tâm lý lo sợ không dám đi đánh bắt xa bờ, do vậy tàu thuyền phải nằm bờ, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của nhiều ngư dân”.

Không biết nhục

Trước nỗi thống khổ của ngư dân, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam không dám lên án hành động côn đồ của các tàu Trung Hoa đã có hành động cướp cơm của ngư phủ Việt Nam. Cả chính quyền lẫn báo chí đều không được nêu đích danh các tàu Trung Hoa đã tấn công ngư dân mà chỉ nói đó là “các tàu lạ” hay “không rõ quốc tịch”.

Sự hèn nhát này còn được chứng minh qua Bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Ngày 07/06/2009 trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ Ngoại giao ta đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết:

Ngày 04/6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này. Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đại sứ Trung Quốc đã hứa sẽ báo cáo về nước đề nghị nêu trên của phía Việt Nam.”

Thứ nhất, theo Công pháp Ngoại giao quốc tế thì hai nước có quyền bình đẳng nên không có việc “giao thiệp” mà Nhà nước chủ có quyền “yêu cầu” Đại sứ Trung Hoa đến Bộ Ngoại giao để trao thư phản đối và có quyền đòi phía Trung Hoa phải ngưng ngay lập tức các hành động gây hấn và làm thiệt hại đến sinh mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam.

Thứ nhì, không việc gì mà phải hạ mình xuống để “đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.

Tại sao một nước có chủ quyền, độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ mà những người cầm quyền phải khoanh tay, cúi đầu nhục nhã bôi nhọ danh dự của tổ quốc đến thế, bởi vì “đề nghị” là hành động của “kẻ dưới” thưa với “kẻ trên”.

Sự quỵ luỵ của nhà nước Việt còn được chứng minh qua Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trong bản tin dưới đây của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN):

“Ngày 25/5, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu lần thứ 9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước thời gian vừa qua tiếp tục có những tiến triển quan trọng nhằm triển khai có hiệu quả quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để nhanh chóng hoàn tất những công việc còn lại trong công tác phân giới cắm mốc biên giới lãnh thổ, đồng thời tích cực đàm phán về các vấn đề trên biển.

Hai bên khẳng định sẽ phối hợp chuẩn bị tốt các hoạt động trong “năm Hữu nghị Việt - Trung 2010”, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước; đồng thời tin tưởng rằng với cố gắng chung của cả hai bên, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung nhất định sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian qua và nhất trí sẽ phát huy hơn nữa vai trò đầu mối của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trong việc thúc đẩy các bộ, ngành và địa phương hai nước triển khai thật tốt các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.”

Giữa lúc ông Khiêm họp với Dương Khiết Trì thì các tàu đánh cá của ngư dân Việt đang bị các tàu Trung Hoa tấn công, rượt đuổi cấm bắt cá trên Biện Đông và phải bỏ của chạy lấy người về đất liền!

Đó là hậu quả của bài học hợp tác, hữu nghị giữa Trung Hoa và Việt Nam, theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” mà đám cầm quyền Bắc Kinh đã dạy cho đảng CSVN, sau bài học của Đặng Tiều Bình trong trận tấn công qua biên giới năm 1979.

Phạm Trần
11/06/2009

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 779 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0